Nhã Duy
20-5-2020
Thuốc sốt rét được xem là thứ bùa hộ mạng trong chiến tranh Việt Nam. Xứ sở nhiệt đới, rừng rậm, bịnh sốt rét lây lan từ muỗi đã là thứ vũ khí không tên của các bên tham chiến.
Từ năm 1965 đến 1970, đã có khoảng 40 ngàn lính Mỹ bị sốt rét và 78 người lính chết do sốt rét. Các tài liệu phía Việt Nam đưa ra cho biết, có thể 40% trong số hàng triệu cán binh Bắc Việt đã chết trong cuộc chiến là vì tai nạn, thiếu ăn, bịnh tật…, mà phần lớn là sốt rét với những đoàn quân vượt đường Trường Sơn.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã có những dự án đặc biệt nghiên cứu về sốt rét, cũng như cách phòng ngừa, chữa trị cho lính Mỹ trong thời gian này. Theo Tạp chí của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ (JAMA), trong thời gian đồn trú tại Việt Nam, lính Mỹ đã được cho uống hai viên thuốc chống sốt rét mỗi tuần, bao gồm chloroquine phosphate 500 mg và primaquine 79 mg.
Về phía Bắc Việt, theo cầu viện của ông Hồ Chí Minh, ông Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Cộng đã đề nghị lên Mao Trạch Đông thực hiện một dự án quân sự bí mật và quy mô để giúp Bắc Việt chống trả sốt rét. Dự Án 523 (Project 523) ra đời, lấy tên theo ngày thành lập 23 tháng 5 năm 1967, đã quy tụ khoảng 500 bác sĩ, khoa học gia, nhà nghiên cứu… cùng tham gia, nghiên cứu bệnh sốt rét, theo cả hai nhánh tây y và cổ truyền. Những nghiên cứu này về sau đã dẫn đến thuốc trị sốt rét artemisinin của Trung Cộng.
Dù có đặc tính chữa trị khác biệt về mặt y học, chloroquine và hydroxychloroquine, tạm được gọi chung theo cách quen thuộc với người Việt là thuốc ký-ninh, tên của chất quinin có trong cây canh-ki-na (cinchona) – là dược chất bào chế thuốc sốt rét. Ngoại trừ ký ninh còn được sử dụng tại một số nước kém phát triển, sốt rét hầu như không còn hiện diện ở các quốc gia tân tiến trong vài thập niên qua. Những công dụng của chúng được giới y học cho thấy, có công hiệu với nhiều bịnh truyền nhiễm khác như HIV, cúm Q, nấm, thấp khớp, Ebola…
Câu chuyện về sốt rét trong chiến tranh Việt Nam ắt chẳng ai còn để ý nếu không có việc tổng thống Donald Trump bất ngờ cổ súy chloroquine và hydroxychloroquine như “thần dược” chữa Covid-19 kể từ cuối tháng Ba. Trump dựa theo các báo cáo về một cuộc thực nghiệm lâm sàng nhỏ tại Pháp, bất kể luận cứ và bằng chứng y khoa về mức độ hữu hiệu của nó. Đây là sự bất ngờ với các chuyên gia y tế Hoa Kỳ và thế giới, ngay cả những chuyên gia trong ban đặc nhiệm chống Covid-19 tại tòa Bạch Ốc về tuyên bố “thuốc ký-ninh” của Trump.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở và là thành viên trong ủy ban đặc nhiệm chống Covid-19, cảnh báo, đừng xem hydroxychloroquine như thần dược “hạ đo ván” Covid-19 (knock-out drug) vì cần nghiên cứu thêm mức độ an toàn và hiệu quả.
Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm liên bang (FDA) cũng cảnh báo, không sử dụng hydroxychloroquine bên ngoài bịnh viện và các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho Covid-19. Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo trên trang mạng rằng, “chloroquine và hydroxychloroquine đang được nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng” và “chưa có thuốc và liệu pháp được FDA chuẩn thuận trong việc ngăn ngừa và chữa trị Covid-19“.
Nói khác đi, FDA chỉ cho phép các bác sĩ sử dụng trên một số bịnh nhân giới hạn và nguy cấp, tùy theo thể trạng và tình trạng sức khoẻ của mỗi cá nhân thay vì là thuốc chữa trị đại trà vì nó có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm với những bịnh nhân tim mạch.
Dù vậy một nghiên cứu tại bịnh viện cựu chiến binh (VA hospital) cũng cho thấy, hydroxychloroquine chẳng có mấy tác dụng gì. Bên cạnh đó, cả hai nghiên cứu lâm sàng với các bịnh nhân Covid-19 được công bố trên hai tạp chí y khoa uy tín thế giới là New England Journal of Medicine và Journal of the American Medical Association trong tháng này đều cho thấy, các bịnh nhân uống hydroxychloroquine cũng chẳng khả quan gì hơn các bịnh nhân khác.
Vậy tại sao Donald Trump lại cổ súy cho hydroxychloroquine đôi tháng qua và mới tuần qua lại tiếp tục củng cố tuyên bố phi khoa học của mình khi nói rằng ông ta đã uống thuốc ký-ninh mỗi ngày trong suốt hơn tuần qua? Hay cũng có thể là dẫu trong thời bình, Trump vẫn đang làm theo như những những người lính G.I trong chiến tranh Việt Nam để chống lại sốt rét: Cơn ớn lạnh vì lúng túng và không đủ khả năng ứng phó trước cuộc khủng hoảng kép hiện nay?
Dù sao chuyện thực hư rằng Trump có uống ký-ninh hay không thì những điều Trump tuyên bố cũng chẳng mấy gì gây ngạc nhiên cho người dân Mỹ và thế giới từ vài năm qua. Nếu vài tuần tới mà Donald Trump bảo rằng ông đã bơm thuốc tẩy trùng vào người mỗi ngày thì âu cũng là chuyện bình thường. Những nhà dẫn chương trình các show hài hàng đêm tại Mỹ ắt phải cảm ơn Donald Trump vì đã cung cấp cho họ vô số câu chuyện hài.