Donald Trump đã hủy diệt đất nước mà ông từng cam kết sẽ làm cho nó vĩ đại trở lại

Irish Times

Tác giả: Fintan O’Toole

Dịch giả: Cố Sự Quán

25-4-2020

Thế giới đã từng yêu, ghét và đố kỵ với nước Mỹ, nhưng giờ đây, lần đầu tiên, thế giới thương hại nó.

Trải qua hơn hai thế kỷ, Hoa Kỳ đã khuấy động nhiều cung bậc cảm xúc của nhân loại: Yêu mến và thù hận, sợ hãi và hy vọng, đố kỵ và khinh miệt, kính phục và giận dữ. Nhưng có một cảm xúc chưa bao giờ được dành cho nước Mỹ cho đến hôm nay: Thương hại.

Dù thế nào, buồn là một cảm xúc chung đối với những người dân chủ, ai cũng cảm thấy nuối tiếc cho nước Mỹ. Hầu hết họ không phải là những người đã bầu cho Donald Trump vào năm 2016. Và giờ, họ đã bị nhốt chung với một kẻ mắc chứng sùng bái bản thân ác tính (Narcissistic personality disorder-NPD), người mà, thay vì ra sức bảo vệ người dân khỏi Covid-19, đã ngược lại càng thúc đẩy tính hủy diệt của nó. Cái đất nước mà Trump đã từng hứa sẽ làm cho vĩ đại trở lại, lần đầu tiên trong lịch sử chưa bao giờ trở nên đáng thương hại như vậy.

Uy tín của Mỹ sẽ hồi phục lại được không sau chương sử đen tối đáng xấu hổ này? Hoa Kỳ bước vào khủng hoảng virus corona với những lợi thế to lớn trong tay: Được cảnh báo trước đó nhiều tuần lễ về những hậu quả có thể xảy ra, với những nhà khoa học và chuyên gia y tế giỏi nhất thế giới, nguồn lực tài chính vô hạn, tổ hợp quân sự với năng lực hậu cần tuyệt vời và những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cuối cùng nước Mỹ tự biến mình thành nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch so với toàn thế giới.

Theo cây bút người Mỹ George Packer mô tả trên trang Atlantic, “Hoa Kỳ đã phản ứng… như Pakistan hoặc như Belarus – những quốc gia với cơ sở hạ tầng tồi tàn và những chính phủ rối ren, những quốc gia mà những kẻ lãnh đạo quá tham nhũng hoặc quá ngu ngốc để đối đầu với thảm họa”.

Điều khiến nước Mỹ trở nên bất lực trước thảm họa thiên nhiên chính là, một nguồn lực vĩ đại đã bị hoang phí – một cách có chủ đích, ác ý và thù hận. Có những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của một chính phủ (như trong một mức độ này hay mức độ khác, mà hầu hết các chính phủ đã mắc phải), nhưng điều đó hoàn toàn khác với kiểu chúng ta đang thấy, nhà lãnh đạo cùng với những kẻ ủng hộ ông ta tích cực ‘phát tán’ loại virus chết người. Trump, Đảng của ông ta và Rupert Murdoch’s Fox News cố tình ‘định hướng’ nước Mỹ lún sâu trong dịch hại.

Một cảnh tượng quái gở và kỳ dị nhất – lần đầu tiên một Tổng thống cố tình xúi giục người dân (mang vũ khí) chiếm lấy đường phố để phản đối những hạn chế được đặt ra, nhằm giữ gìn mạng sống con người, một kiểu xúi giục những người ủng hộ cảm tử hy sinh cho sự nghiệp chính trị của mình.

Trong những buổi họp báo hằng ngày được phát sóng trực tiếp trên truyền hình trong đại dịch, thường để nhằm kêu gọi toàn dân đoàn kết đồng lòng với chính phủ để cùng nhau đương đầu và vượt qua thách thức, đã bị Trump lợi dụng để biến thành một kiểu chương trình gieo rắc sự hỗn loạn và chia rẽ. Họ cố tình biến nó thành một chương trình kỳ dị hằng ngày, nhằm gây nghiện và ám ảnh tâm thức người Mỹ như những trò nhảy múa trần truồng trên TV.

Nếu dịch bệnh là một phép thử, thì kiểu lãnh đạo này chắc chắn sẽ đẩy nước Mỹ tới kết quả thảm bại với cái giá khủng khiếp được trả bằng mạng sống con người. Và nếu mọi việc y như vậy, ý tưởng về một nước Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới đã được định hình qua hàng thế kỷ sẽ hoàn toàn tan biến.

Thật khó để nhớ, nhưng vào năm 2017, thời điểm Trump nhậm chức, khi đó lối suy nghĩ phổ biến đã được định hình tại nước Mỹ là Đảng Cộng Hòa với sự khôn ngoan của mình và khung pháp chế rộng lớn của cả nền chính trị Hoa Kỳ có thể ngăn cản Trump gây ra quá nhiều thiệt hại. Giờ đây thực tế cho thấy đó chỉ là ảo tưởng, dịch bệnh là một minh chứng phơi bày sự thật theo những cách man rợ nhất.

Đầu hàng trong nhục nhã

Cái từng được gọi là chủ nghĩa bảo thủ chính thống đã không nuốt nổi được Trump – ông ta mới là người đã nuốt chửng lấy nó. Gần như hơn một nữa bộ sậu cánh hữu của nền chính trị Hoa Kỳ đã đầu hàng trước ông ta. Những ý tưởng cơ bản nhất về trách nhiệm, chăm lo và ngay cả an toàn đều lần lượt bị hiến tế trên bàn thờ của sự ngu ngốc vô luân.

Do đó, ngay cả vào những ngày cuối cùng của tháng Ba, 15 thống đốc thuộc Đảng Cộng Hòa vẫn không ra lệnh giãn cách, yêu cầu người dân ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Ví dụ như ở Alabama, mãi cho đến ngày 3/4 thì thống đốc Kay Ivey cuối cùng mới ban hành lệnh ở nhà.

Ở Florida, tiểu bang có mật độ người già đông nhất, thống đốc Ron DeSantis – một đồ đệ ngoan ngoãn của Trump, vẫn mở cửa các khu resort trên bãi biển cho các sinh viên khắp nơi đổ về tổ chức những buổi tiệc nghỉ Xuân (Spring Break). Cho đến 1/4, ông ta mới bắt đầu ban hành lệnh hạn chế, tuy vậy, DeSantis vẫn miễn trừ cho các hoạt động tôn giáo và giải trí hoạt động bình thường.

Thống đốc bang Georgia, đợi đến phút cuối mới ban hành lệnh ở nhà vào ngày 1/4, ông giải thích “Tôi không biết điều này (virus có thể lây bởi những người không có triệu chứng) mãi cho đến hôm qua”.

Những điển hình trên không chỉ do thiếu hiểu biết – nó chính là sự ngu ngốc và giết người có chủ ý. Những cuộc biểu tình khắp các thành phố ở trên nước Mỹ đã cho thấy, bằng rất nhiều cách chính phủ đã dẫn dắt người dân phủ nhận thực tế chết người của đại dịch. Nó được Fox News và các trang mạng cực hữu thúc đẩy, và nó đã mang về cho các chính trị gia hàng triệu đô-la từ tiền quyên góp, hầu hết (theo cách không thể kỳ cục hơn) được đóng góp từ những người già, những người dễ bị tổn thương nhất do virus corona.

Những điều quái gỡ này được nuôi sống bằng những thuyết âm mưu, sự căm ghét khoa học, sự hoang tưởng về “deep state” và niềm tin tôn giáo (Chúa sẽ bảo vệ những con chiên ngoan ngoãn) thấm sâu vào suy nghĩ của một số dân Mỹ.

Trump chính là hiện thân và cũng là người đã rao giảng niềm tin này, nhưng ông ta không phải là người phát minh ra nó. Sự phản ứng của nước Mỹ trước thảm họa virus corona bị tê liệt bởi những mâu thuẫn trong chính quyền mà những người thuộc Đảng Cộng Hòa đã cắm sâu vào trái tim của nền Dân chủ Mỹ. Một mặt, họ muốn kiểm soát tất cả mọi quyền lực trong chính phủ. Mặt khác, họ tạo ra một căn bản phổ biến rằng, chính phủ vô cùng xấu xa và không đáng tin.

Sự mâu thuẫn này đã được Trump đưa ra trong hai tuyên bố của ông về đại dịch: Một mặt, ông ta là người có toàn quyền, và mặt khác, ông ta không chịu bất cứ trách nhiệm nào (I don’t take responsibility at all). Giữa khe hở của sự độc tài và vô chính phủ, ông ta lòn vào bên trong.

Mảnh đất màu mỡ

Nhưng đây không phải là lỗi riêng của một mình Donald Trump. Cuộc khủng hoảng đã chỉ ra rõ ràng rằng nhiệm kỳ Tổng thống của Trump không phải là một sai sót ngẫu nhiên. Nó thực sự đã được gieo trồng trên mảnh đất màu mỡ này từ lâu và đây là thời điểm nhận lấy hậu quả. Sự nở rộ của loại cấu trúc quái vật vô tổ chức này được tạo ra một cách có ý đồ và chiến lược từ phía sau.

Có những nhóm lợi ích quyền lực, những người hô hào “tự do” để có thể chà đạp lên tất cả những gì đi ngược lại họ và được quyền làm mọi điều đối với môi trường, xã hội và kinh tế. Họ đã âm thầm truyền vào tâm thức của nền văn hóa Mỹ niềm tin rằng “Tự Do” có ý nghĩa quan trọng hơn cuộc sống. “Quyền Tự Do được mang súng của tao quan trọng hơn quyền lợi của mày là đến trường an toàn mà không bị bắn“. Và bây giờ nó thành: “Quyền Tự Do đi cắt tóc của tao quan trọng hơn quyền lợi của mày là an toàn không bị lây nhiễm“. (“Tôi cần cắt tóc” một trong những tấm biển được người biểu tình giơ ra ở St Paul, Minnesota).

Thông thường, loại suy nghĩ quái gở này tự nó đã thể hiện sự ngu ngốc của nó, nhưng giờ đây nó được biện minh rằng, nếu mọi chuyện thật sự nghiêm trọng, nó sẽ tự dừng lại. Kiểu như người ta sẽ dừng lại khi đã uống đủ và tỉnh táo trở lại sau cơn say. Nhưng không, phần lớn dân Mỹ nghiện (kiểu suy nghĩ đó) ngày càng nặng nề hơn.

Và ông Tổng thống, Đảng phái của ông, cùng với đồng minh truyền thông của mình liên tục cung cấp chất men đó cho dân. Không có lấy một khoảnh khắc tỉnh táo nào trong những cơn say triền miên, không có bất cứ một cái gì có thể làm cho mọi người ngừng uống và bừng tỉnh để hiểu rằng, trò hề này phải chấm dứt. Không một ai trong số những người Mỹ bước lên và tuyên bố rằng: Tỉnh lại đi, người ta đang chết đầy ra đây này.

Đó là một cách mô tả để thấy nước Mỹ đã ngập lún trong những vấn đề của mình sâu thế nào – nó không chỉ cho thấy rằng, Trump đã lợi dụng khủng hoảng như một cách nhằm tạo ra thù hận giữa những nhóm người Mỹ với nhau, nó còn cho thấy cách hành xử của Trump ngày càng trở nên quá bình thường trong con mắt người dân. Và khi chương trình kỳ dị của Trump được phát trực tiếp trên truyền hình mỗi tối, và ngôi sao của chúng ta tiếp tục huyênh hoang về lượt rating và lạc quan tếu về những “thành quả” của mình, lúc này người ta đã quen dần và không còn xem nó là một chương trình kỳ dị nữa, mà là một thứ thiết yếu. Với phần đông người Mỹ, thông tin Trump mang tới là thật.

Có lẽ những vấn đề này sẽ còn tiếp tục tệ hơn, trước khi nó trở nên khả quan trở lại. Trump còn khoảng ít nhất bảy tháng nữa để cầm quyền. Trong bài phát biểu khai mạc giai đoạn nắm quyền của mình đầu năm 2017, ông ta đã gợi nên một sự “tàn sát giữa người Mỹ với nhau” (American carnage) và ông ta hứa sẽ chấm dứt nó. Nhưng giờ đây cuộc giết chóc thật sự đã đến, nhưng ông ta đang say sưa trong nó. Ông ta đang đắm chìm vào chính mình.

Khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn, có lẽ Trump sẽ càng bơm mạnh những thù hận và giả dối vào lòng người, trong thái độ bất chấp lý lẽ và quy tắc. Nếu một chính quyền mới đắc cử và ngồi vào ghế lãnh đạo vào năm 2021, họ phải bỏ rất nhiều sức lực để dọn dẹp đống rác độc hại của Trump để lại. Nếu Trump tái đắc cử, có lẽ độc tính sẽ trở thành huyết mạch của nền chính trị Hoa Kỳ.

Bất kể thế nào, còn lâu lắm thế giới mới có thể nhìn thấy một ‘nước Mỹ vĩ đại trở lại’.

Bình Luận từ Facebook