Virus corona và hai ngàn tỷ đô la tiền in ra

Lê Minh Nguyên

26-3-2020

Từ thời Tổng thống Nixon, Mỹ đã bỏ kim bản vị, tức giá trị tờ giấy gọi là tiền mà ta cầm trên tay có thể đổi thành vàng. Sau đó đồng đôla không còn chân đứng, nó bay lơ lửng trên không, giá trị của nó là niềm tin của dân vào nền kinh tế, tức từ niềm tin, nếu dân không tin thì nó là tờ giấy rác. Trên tờ đôla có ghi “In God We Trust”, đúng ra thì nên ghi “In Debt We Trust” bởi vì ở Mỹ, ai thiếu nợ mà trả đúng hạn kỳ thì được hệ thống tin, dễ mượn tiền để mua nhà mua xe…

Thượng viện vừa thông qua gói kích cầu (GKC) trị giá 2 ngàn tỷ đô la vì dịch virus corona. Tuy do dịch mà ra, nhưng đây là GKC toàn diện, chứ không phải chỉ dành riêng để chống virus corona. GKC này có ít nhất là bốn góc: Chống dịch, vực dậy nền kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia và hồi phục lại sinh hoạt bình thường của xã hội.

Được đồng thuận thông qua (96-0, 4 bị cách ly nên không bỏ phiếu) ở Thượng Viện, GKC được chuyển qua Hạ Viện, dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu vào sáng thứ Sáu 27/3 bẳng cách phát ngôn thay vì phiếu kín, nên có thể bỏ phiếu online.

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng và đầy kịch tính, thu ngắn tiến trình làm luật thường mất cả tháng, chỉ còn lại 5 ngày, Thượng viện đã thông qua GKC cho dân Mỹ và các doanh nghiệp bị tổn thương. Đặc biệt là các nghị sĩ của cả hai đảng đã đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng trong lúc mà sự đối đầu giữa hai đảng đang rất cao, và với rất ít thời gian để thương lượng. Văn bản cuối cùng của dự luật được đưa cho các nghị sĩ chưa đầy một giờ trước khi bỏ phiếu. Thỏa thuận được công bố thông qua vào 1:00AM sáng thứ Tư 25/3. Các chuyên viên Quốc hội đã dành cả ngày để viết dự luật dài 880 trang này.

Sinh hoạt chính trị trong chế độ dân chủ là nghệ thuật của thương thảo và đổi trao (compromise) vì đó là ý muốn của những nhà lập quốc Hoa Kỳ, bằng việc đối lập phải mạnh ngang ngửa và phải làm công việc của đối lập, tức chống chính quyền; phải kiểm soát và thăng bằng quyền lực; dư luận quần chúng phải mạnh, tức tự do thông tin là một quyền bất khả xâm phạm, Quốc Hội không được làm luật để giới hạn.

Những nhà lập quốc cho rằng xã hội chỉ thực sự hội nhập khi nào tất cả các tiếng nói khác biệt phải được lắng nghe và bảo vệ, lợi ích của thiểu số không được bỏ qua. Hiến Pháp Hoa Kỳ là hiến pháp để bảo vệ thiểu số vì đa số nắm quyền trong tay thì đâu cần phải bảo vệ. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc làm luật.

Các đại diện do dân bầu muốn giữ ghế thì phải phục vụ lợi ích của nguời dân trong đơn vị mình, mà lợi ích của dân ở mỗi nơi lại khác nhau, cho nên nếu không tương nhượng nhau thì không ra luật được.

Hiến Pháp chia quyền ra ba nhánh quyền lực độc lập lẫn nhau: Lập Pháp là một nhánh thực sự dân chủ, tranh luận nhiều, kết quả ít vì bao nhiêu sự khác biệt của xã hội được thể hiện ở đây, thay vì ngoài đường phố hay nơi chiến khu.

Hành Pháp là một nhánh hết sức độc tài, độc tài hơn cả cộng sản, nhưng độc tài để thi hành luật pháp do Quốc Hội làm ra. Ai chống đối sẽ bị đuổi ngay. Dưới thời TT Trump trong hành pháp có nhiều chống đối nhưng không dám biểu lộ ra ngoài, tạo thành cái gọi là “deep state” tức chống ngầm. Hôm 20/3 trong cuộc họp báo, TT Trump giới thiệu ngoại truởng Pompeo, ví von là ngoại trưởng của “Deep State Department” vì nhiều viên chức trong Bộ Ngoại Giao ngầm chống ông.

Tối Cao Pháp Viện là nhánh quyền lực quyết định hướng đi lâu dài của đất nước bằng việc thông dịch Hiến Pháp, nhánh này bảo vệ các giá trị khắc ghi trong Hiến Pháp và làm mới nó theo dòng sống và sự phát triển của dân tộc.

Dưới đây là sáu điểm chính của GKC:

1. Cho tiền trực tiếp đến dân Mỹ:

Cho $1,200 đến những cá nhân có lợi tức $75,000 đôla trở xuống. Cho $2,400 nếu vợ chồng có lợi tức $150,000 đôla trở xuống. Tiền cho sẽ ít hơn nếu cá nhân có lợi tức đến $99,000 và vợ chồng có lợi tức $198,000. Trẻ em được $500 nếu lợi tức gia đình $198,000 trở xuống.

Các khoản thanh toán sẽ dựa trên tờ khai thuế năm 2019 – hoặc năm 2018 nếu đó là năm cuối cùng khai thuế. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, các khoản thanh toán sẽ ở dạng điện tử gửi trực tiếp vào trương mục, nếu Hạ Viện thông qua và TT Trump ký thành luật thì sẽ được gửi trong vòng ba tuần.

2. Mở rộng bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ sẽ trả cho những người bị thất nghiệp khoản trợ cấp hàng tuần là $600 và tối đa là bốn tháng, không kể các lợi ích khác được cung cấp bởi tiểu bang. Các khoản thanh toán này sẽ được chuyển đến những người đã bị sa thải hoặc bị tạm nghỉ việc, và cho những người không có việc làm trong các ngành nghề độc lập. Dự luật gần như bị khựng vào phút chót khi một nhóm nghị sĩ Cộng hòa – Ben Sasse của Nebraska, Lindsey Graham và Tim Scott của South Carolina, và Rick Scott của Florida – lên tiếng phản đối quy định này, cho rằng nó sẽ khuyến khích những công nhân bị sa thải ở nhà ăn thất nghiệp. Thượng viện bắt buộc phải bỏ phiếu lại nhưng cũng thất bại.

3. Dành 150 tỷ cho việc chăm sóc sức khỏe

Thỏa thuận dành 150 tỷ đôla cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và bệnh viện, các nơi này đang cảnh báo sẽ sớm bị vượt quá khả năng và đang cạn kiệt các vật liệu y khoa quan trọng, trong đó 100 tỷ sẽ được chuyển trực tiếp đến các bệnh viện, cùng các quỹ bổ sung dành cho vật liệu, nghiên cứu y khoa và tăng cường nhân viên. Khoảng 16 tỷ được dành riêng cho các bệnh viện để mua vật tư như thiết bị bảo vệ và máy trợ thở.

4. Cho các doanh nghiệp nhỏ vay tiền

Dành 360 tỷ để giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức phi lợi nhuận. Phần lớn trong số đó giúp các doanh nghiệp trả lương cho công nhân, trả lãi suất nợ địa ốc và tiền thuê. Các doanh nghiệp có 500 nhân viên trở xuống được nhận hỗ trợ này.

5. Cho chính quyền tiểu bang và các ngành công nghiệp vay

Bộ Tài chính lập ra một quỹ trị giá 500 tỷ trở lên để hỗ trợ các chính quyền địa phương, chính quyền tiểu bang và các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Bộ Tài chính cũng bom tiền trực tiếp 46 tỷ đôla để giúp, trong đó 25 tỷ cho các hãng hàng không, 17 tỷ cho an ninh quốc gia và 4 tỷ đô la cho các hãng vận chuyển hàng hóa.

6. Giám sát việc các công ty sử dụng tiền như thế nào

Đảng Dân chủ đã tranh đấu trong việc giám sát nghiêm ngặt quỹ này do Bộ Tải Chính quản trị, cho rằng TT Trump, PTT Pence và Bộ trưởng Mnuchin có thể hưởng lợi cá nhân từ quỹ này mà không ai biết. Đảng Cộng Hoà đồng ý chỉ định một tổng thanh tra để giám sát quỹ và bất kỳ doanh nghiệp nào do Trump, Pence, Mnuchin, hoặc người đứng đầu các bộ của các cơ quan Hành Pháp, hoặc vợ hay chồng, con cháu hay dâu-rể, đang điều hành, đều không được vay.

Dự luật bị khựng nhiều do liên quan đến việc giám sát này, khi điều khoản đòi Bộ Tài Chính và Ngân Hàng Trung Ương sau 7 ngày phải công bố danh sách ai được hưởng, bị bên Cộng Hòa bỏ ra, mặc dù đã có sự đồng thuận trước đó.

Bình Luận từ Facebook