Tiền dân và Lòng dân

Đỗ Thành Nhân

16-1-2020

1.- Tiền dân

Sáng nay 16/01/2020, tại tang lễ cho 3 chiến sĩ công an chết tại Đồng Tâm sáng sớm ngày 09/01/2019, có Thủ tướng đến viếng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viếng tang 3 chiến sĩ công an. Ảnh: Báo TT

Tang lễ được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức, có mặt Thủ tướng, tất nhiên là chi phí từ ngân sách nhà nước. Từ chi phí tang lễ, đến chi phí viếng tang của quan chức đảng, chính quyền đều từ tiến thuế của nhân dân – nói nôm na là “tiền dân”, ngay cả thời gian viếng cũng trong giờ hành chính, để vẫn được hưởng lương.

Tiền dân được xác định qua những con số hữu hình, định lượng được.

Nhưng tiền dân lại không được sử dụng minh bạch; và chính vì không minh bạch nên từ cán bộ cấp thấp xã phường, đến cán bộ cấp cao trung ương cùng nhau vào lò không ít; có cả tướng công an, có cả anh hùng lực lượng vũ trang.

2.- Lòng dân

Trong khi “tiền dân” định lượng được nhưng không minh bạch; thì “lòng dân” – một khái niệm trừu tượng lại được đảng công khai.

Chúng ta thường nghe nói: Toàn dân chọn đảng lãnh đạo; nhân dân tin tưởng tuyệt đối… Hoặc những tang lễ thì: Nhân dân vô cùng thương tiếc v.v… đảng minh bạch lòng dân chẳng biết từ đâu ra!

Nhiều kẻ viếng tang lim dim, sầu não, đạo mạo, vuốt ve băng tang với dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc” để quay phim, chụp ảnh xong; rồi sau đó cũng chẳng có ai “thương tiếc vô cùng” đến mức bỏ ăn, mất ngủ; nói chung là không bằng con chó của người nông dân, bỏ ăn lên mộ nằm với chủ.

Tuy “lòng dân” là một khái niệm trừu tượng, nhưng đến nay các nước dân chủ đã biết cách định lượng thành những con số, giá trị cụ thể để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau: Lựa chọn chính sách, lựa chọn nguyên thủ quốc gia,… Còn Việt Nam thì chưa có một cơ quan nào thống kê “lòng dân”, ngay cả Luật Trưng cầu ý dân cũng đã có nhưng chưa bao giờ được sử dụng.

Lòng dân, lòng người xuất phát từ tâm thức, từ sự tự nguyện, không phải dùng tiền để thể hiện. Với công nghệ 4.0 thì “thống kê” lòng dân qua một hiện tượng xã hội hoàn toàn không phải là bài toán phức tạp.

Quay lại vụ thảm sát Đồng Tâm sáng sớm ngày 09/01/2020, đám tang cụ Lê Đình Kình ngày 13/01 và hôm nay 16/01 là tang lễ của 3 chiến sĩ công an.

Từng người có thể khảo sát “lòng dân”; phương thức khảo sát đơn giản là qua thống kê số liệu hình đại diện facebook, trên facebook chọn “Bạn bè”, chọn chức năng “Tìm bạn bè”, xem trên danh sách những người gợi ý kết bạn, hình đại của họ như thế nào?

Có thể phân hình đại diện làm 3 nhóm,

– Nhóm 1: Hình cụ Lê Đình Kình và băng tang có chữ ĐỒNG TÂM;

– Nhóm 2: Hình các chiến sĩ công an chết, hình liên quan tới công an.

– Nhóm 3: Hình cá nhân; hình không liên quan đến: Đồng Tâm, Nhóm 1, Nhóm 2.

Hình đại diện của các Facebookers là hình cụ Lê Đình Kình hoặc nơ tang “Đồng Tâm”

Theo kết quả thống kê của người viết bài (xem clip kèm theo), hình đại diện đề xuất người kết bạn mới: Khoảng hơn 50% Nhóm 1; còn lại là Nhóm 3; không thấy có hình đại diện nào thuộc Nhóm 2.

Việc khảo sát này rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian. Các anh công an đang tham gia đội ngũ an ninh mạng, các thành viên hội cờ đỏ, dư luận viên ẩn danh, tuyên giáo, báo chí … có sử dụng facebook đều làm được; qua đó tự kết luận “lòng dân hướng về đâu” và tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp sự tiến hóa của con người.

Kết luận

Dưới một góc độ nào đó thì vụ Đồng Tâm sáng ngày 09/01/2020 có thể gọi là một vụ “thảm sát”. Ai đúng, ai sai không thể kết luận một sớm một chiều, của một thế lực; mà lịch sử và nhân loại sẽ phán xét. Nhưng qua số liệu khảo sát hình đại diện mới trên facebook là mọi người có thể thấy được “lòng dân” hướng về đâu. Không phải “tiền dân” chảy nhiều về đầu là “lòng dân” cũng lớn và hướng về đó; điều bất hạnh là khi “tiền dân” và “lòng dân” không về một chỗ.

Clip: Danh sách đề xuất kết bạn của facebook.

Bình Luận từ Facebook