1988: Máy bay dân sự Iran bị Mỹ bắn rơi

Mai Vũ Phạm

11-1-2020

Vài ngày gần đây thế giới xôn xao về sự cố một máy bay dân sự Boeing 737-800 của hàng không Ukraine, bị bắn rơi tại lãnh thổ Iran, trong lúc tranh chấp quân sự giữa Mỹ và Iran đang leo thang. Ngày 9/1/2020, các quan chức phương Tây, bao gồm Canada, Anh, và Mỹ, cho rằng quân đội Iran đã bắn nhầm máy bay dân sự của Ukraine, khiến tất cả 176 người thiệt mạng.

Sáng 10/1/2019, các nhà chức trách Iran đã phản đối cáo buộc này và cho biết sẽ sẵn sàng bàn giao “hộp đen” (black boxes) cho các nước khác phân tích. Tuy nhiên, rạng sáng ngày 11/10/2020, nhà nước Iran thông báo trên đài truyền hình rằng, quân đội Iran đã bắn rơi chiếc máy bay dân sự Ukraine do nhầm lẫn.

Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif, thông báo trên Twitter: “Một ngày buồn. Kết luận về điều tra nội bộ của các lực lượng vũ trang: sai sót của con người tại thời điểm khủng hoảng do chủ nghĩa mạo hiểm của Mỹ đã dẫn đến thảm họa. Những hối tiếc, xin lỗi, và lời chia buồn sâu sắc của chúng tôi xin gửi đến người dân, đến gia đình của tất cả các nạn nhân, và các quốc gia bị ảnh hưởng khác.”

Hiện trường nơi máy bay Ukraine gặp nạn ở Iran, giết chết 176 hành khách. Ảnh: AFP/ Getty Images

Biến cố đau buồn này cũng khiến nhiều người nhớ tới một trong những sự kiện nhức nhối và đau đớn với thế giới, đặc biệt với người Iran: Vào ngày 7/3/1988, Hải quân Mỹ (U.S. Navy) bắn rơi máy bay dân sự Airbus A300, khiến toàn bộ 290 hành khách, bao gồm 66 trẻ em và 16 phi hành đoàn, thiệt mạng. Biến cố này không được dư luận Mỹ nhắc tới, nhưng đến giờ vẫn khiến người Iran phẫn nộ.

Chuyến bay 655 trên máy bay Airbus 300

Để có cái nhìn tổng quát về các sự kiện dẫn đến biến cố đau thương này, xin được sơ lược hoàn cảnh lịch sử xảy ra xung quanh vụ này này.

Vào tháng 9/1980, Iraq dưới sự lãnh đạo của Saddam Hussein, tấn công Iran để giải quyết các tranh chấp biên giới lâu năm. Saddam Hussein dự đoán rằng, Iraq có thể dành một chiến thắng quân sự nhanh chóng để mở rộng lãnh thổ và nâng cao vị thế là cường quốc quân sự ở Trung Đông. Tuy nhiên, sự chống trả của Iran rất mạnh mẽ, ngoài tính toán của Saddam Hussein. Mặc dù lúc đầu Iran chịu tổn thất nặng nề, nhưng Iran đã mau chóng xoay đổi tình thế.

Năm 1984, lực lượng Iran phát triển nhanh chóng và chuẩn bị tấn công sang biên giới Iraq. Vì ham muốn giành chiến thắng trước Iran, nhà lãnh đạo Saddam đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại Iran. Cuộc chiến đầy bạo lực giữa hai nước đã khiến ít nhất một triệu người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, của cả hai phía thiệt mạng.

Vì lo sợ chiến thắng quân sự của Iran có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu của Mỹ, chính quyền Regan đã ký thỏa thuận với chính quyền Saddam Hussein, cam kết hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Iraq. Vào năm 1988, để trợ giúp Iraq chống lại Iran, Hải quân Mỹ đã điều lực lượng tuần tra đến Vịnh Ba Tư (Persian Gulf), với nhiệm vụ bảo vệ các cuộc vận chuyển dầu thương mại.

Rạng sáng ngày 3/7/1988, tàu chiến Mỹ USS Vincennes đã cho một chiếc trực thăng bay đuổi theo những chiếc tàu chiến của Iran và Iran đã bắn vào chiếc trực thăng đó. Ngay lập tức, tàu chiến USS Vincennes xâm nhập vào lãnh hải của Iran, đuổi theo các tàu chiến Iran.

Khi xung đột bạo lực đang xảy ra tại lãnh hải thuộc chủ quyền Iran, thì chuyến bay 655 thuộc hãng hàng không quốc gia Iran vừa cất cánh lúc 10 giờ 15 phút sáng, từ sân bay quốc tế Bandar Abbas tới Dubai. Hơn nửa tiếng sau, tàu chiến USS Vincennes đã nhầm chiếc máy bay dân sự đó là máy bay chiến đấu F-14 của Iran. Vì vậy, tàu chiến USS Vincennes đã bắn hai tên lửa vào chiếc máy bay, khiến toàn bộ 290 người trên chuyến bay 655 bị thiệt mạng.

Phác họa tàu chiến Mỹ USS Vincennes bắn tên lửa vào máy bay dân sự Iran, khiến tất cả 290 hành khách, gồm 66 trẻ em và 16 phi hành đoàn, thiệt mạng.

Năm 1996, chính quyền Mỹ thời Clinton đồng ý trả cho Iran 131,8 triệu USD đền bù thiệt hại cho gia đình của các nạn nhân trong chuyến bay 655. Chính quyền Clinton bày tỏ “hối tiếc sâu sắc” về những gì đã xảy ra, nhưng Mỹ chưa bao giờ chính thức xin lỗi Iran và các nạn nhân.

Thấy gì từ hai biến cố trên?

Xung đột bạo lực giữa các nước luôn gây ra những hậu quả không mong muốn, thấm đượm máu, nước mắt và đau khổ. Nạn nhân thường không phải các quan chức cấp cao, mà phần lớn là binh lính và thường dân.

Thế giới ngày nay văn minh và nhân bản hơn rất nhiều so với vài chục năm trước đây. Bởi phần lớn mong muốn giải quyết các xung đột bằng ngoại giao, đối thoại, hòa giải, và bất bạo động để có thể giảm thiểu tang tóc nhất và kiến tạo hòa bình.

Đức Dalai Lama từng nói: “Chiến tranh thì không quyến rũ hoặc hấp dẫn. Nó là kinh tởm. Bản chất của chiến tranh là thảm kịch và đau khổ”.

Bình Luận từ Facebook