BTV Tiếng Dân
20-12-2019
Các mức án đề nghị
Sau một ngày tạm nghỉ, để ông Nguyễn Bắc Son được gặp gia đình, hôm nay 20/12, phiên tòa trở lại làm việc và chuyển sang phần tranh luận. Trong phiên xử buổi sáng, đại diện VKSND TP Hà Nội trình bày bản luận tội và thông báo mức án đề nghị đối với 14 bị cáo trong vụ MobiFone mua AVG: Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án tử hình, Thông Tấn Xã VN đưa tin.
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án từ 16 đến 18 năm tù, về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và án tử hình về tội “Nhận hối lộ”, tổng hình phạt là án tử hình, đúng như nhiều người dự đoán.
Phía VKS lập luận, “tại phiên tòa bị cáo tự mình phủ nhận, sau lại thừa nhận một phần. Điều này cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình; chưa thấy rõ trách nhiệm, vai trò của mình đối với hậu quả của vụ án”.
Báo Tuổi Trẻ có video clip: Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình.
Mặc dù trong Khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 quy định, của hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nhưng ông Trương Minh Tuấn chỉ bị đề nghị 14-16 năm tù. Theo cáo trạng, Tuấn nhận hối lộ 200.000 Mỹ kim, tức hơn 4,6 tỷ đồng, đủ nhận mức án tử, nhưng không những được thoát “mũi thuốc độc”, mà Tuấn còn được đề nghị mức án “nhẹ hều”. Nếu cải tạo tốt, có thể Tuấn cũng sẽ thoát khỏi cảnh phải ăn cơm tù suốt đời như cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.
VKS liệt kê các tình tiết giảm nhẹ của Tuấn: “Nhận số tiền ít nhất và chủ động tích cực khắc phục hậu quả. Bị cáo tự thú hành vi phạm tội trước khi bị phát hiện, có nhiều thành tích, gia đình có công với cách mạng”. Nhưng, có nhận định cho rằng, có thể còn có lý do rằng Tuấn tích cực tố giác người tiền nhiệm của mình, nên được đề nghị án nhẹ.
Quan chức còn lại trong Bộ TT&TT phải ra tòa trong vụ này là bị cáo Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp. Trọng chỉ bị đề nghị mức án từ 5 năm đến 6 năm tù.
Đối với nhóm lãnh đạo Mobifone, bị cáo Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch HĐTV bị đề nghị hình phạt tổng cộng từ 23 năm đến 25 năm tù. Bị cáo Cao Duy Hải, cựu TGĐ bị đề nghị mức án từ 14 đến 16 năm. Bị cáo Phan Thị Hoa Mai, thành viên HĐTV, bị đề nghị từ 3 năm đến 3,5 năm. Các bị cáo Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, đều là cựu Phó TGĐ, bị đề nghị mức án từ 2,5 đến 3 năm. Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, cựu Phó TGĐ bị đề nghị 2 đến 2,5 năm tù giam.
Riêng nhóm lãnh đạo Công ty AMAX, gồm bị cáo Võ Văn Mạnh, cựu GĐ, bị đề nghị từ 4 đến 5 năm tù; bị cáo Hoàng Duy Quang, cựu GĐ chi nhánh phía Bắc, đối diện mức án từ 3 đến 4 năm tù. Còn bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AVG chỉ bị đề nghị án tù từ 3 năm đến 4 năm.
Zing có đồ họa: Ông Nguyễn Bắc Son và đồng phạm bị đề nghị mức án nào?
Báo Thời Đại đặt câu hỏi: Vì sao cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ được áp dụng giảm nhẹ đáng kể hình phạt? Phía HĐXX lập luận, trước khi khởi tố vụ án, bị cáo Vũ đã “chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại và các chi phí phát sinh, tự thú về hành vi Đưa hối lộ, tích cực cung cấp các tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo khác”. Và Vũ còn “có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Các lý do này chưa đủ để giải thích mức án của Vũ được đề nghị quá nhẹ so với các đồng phạm khác.
Liệu Son có thoát khỏi án tử?
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Nộp đủ 3 triệu USD, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son có được giảm án? LS Trần Tuấn Anh cho biết: “Bộ luật hình sự 2015 đã có hiệu lực từ 1/1/2018 quy định, những tình tiết nào có lợi cho bị cáo sẽ được áp dụng theo hướng có lợi. Việc nộp tiền khắc phục hậu quả là một tình tiết rất có lợi cho các bị cáo trong quá trình xét xử cũng như tác động đến Hội đồng xét xử theo hướng giảm nhẹ khi quyết định hình phạt”.
Trong tình hình ngân sách chế độ đang gặp khó, kinh tế bế tắc, thì 3 tỉ Mỹ kim cũng chưa đủ giải quyết vấn đề chứ đừng nói là 3 triệu, vấn đề là được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Điều quan trọng hơn nữa là các chứng cứ mà Son cung cấp, có thể dẫn đường tới “đồng chí X”, trước khi tòa chính thức tuyên án vào ngày 31/12. Nhưng trước mắt, bị cáo Nguyễn Bắc Son chưa nộp lại 3 triệu USD hối lộ, theo báo Pháp Luật TP HCM.
Báo Kiến Thức đặt câu hỏi về đoạn kết của “tình thân” trong vụ AVG: Biết bố đổi lời khai “không đưa tiền”, con gái ông Nguyễn Bắc Son không đến tòa? LS Đặng Văn Cường phân tích: “Nếu sự việc chuyển tiền không có thật, con gái ông Son không nhận tiền thì lý do gì mà ông Son lại ‘đổ tiếng ác’ cho con gái ruột của mình, làm rõ mối quan hệ và tình cảm cha con có gì mâu thuẫn hay không… để xác định sự thật của vụ án ở đây là gì, trên cơ sở đó thì tòa án mới có thể giải quyết vụ án một cách đúng đắn, công bằng”.
Đường đi của 3 triệu Mỹ kim thì chỉ có Son và người nhà nắm rõ và cũng chỉ có họ mới quyết định có “nôn” ra hết để cứu Son hay không. Đã qua ngày xử thứ 4, án tử hình đã chực chờ trên đầu Son, nhưng có vẻ như người nhà vẫn bỏ mặc Son trước tòa.
Các bị cáo tự bào chữa
Sau khi VKS luận tội và đọc các mức án đề nghị, đến chiều 20/12, các bị cáo bắt đầu phần tự bào chữa. VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Bắc Son: Gia đình sẽ sớm nộp tiền. Son khẳng định, đã gặp người nhà vào ngày 19/12 để bàn về việc khắc phục hậu quả và hứa rằng trong những ngày tới gia đình Son sẽ sớm nộp tiền.
VnExpress có clip ghi lại lời Son, nói về “khắc phục hậu quả”:
Có lẽ Son cũng không vui vẻ gì khi bị người tiền nhiệm của mình là Trương Minh Tuấn đổ tội liên tiếp 3 ngày đầu phiên xử, nên ông Son nói thẳng rằng, Tuấn “rất ấu trĩ” khi “nói được ông hứa hẹn đưa lên làm bộ trưởng”.
Son lặp lại quan điểm đã thể hiện trong phiên xử ngày 18/12, rằng: “Sau khi Bộ kế hoạch và Đầu tư đề xuất và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, Bộ Thông tin và Truyền thông mới triển khai”. Chẳng biết HĐXX có chịu để ý chi tiết này không, nhưng nếu họ làm ngơ thì Son rất khó thoát khỏi mũi tiêm.
VnExpress có clip, ghi lại lời ông Son “đề nghị xem xét lại vụ án”:
Ông Son không chỉ tìm cách đẩy trách nhiệm sang “đồng chí X”, mà còn gọi tên các bộ, ngành có liên quan. Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Bắc Son: Bộ Công an có văn bản đề nghị AVG bán cho DNNN là tốt nhất. Son lưu ý chi tiết: “Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin – Truyền thông chỉ đạo AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần ra nước ngoài, chỉ bán trong nước, bán cho doanh nghiệp nhà nước” và khẳng định đây là một trong các lý do dẫn tới thương vụ Mobifone mua AVG.
Để tìm đường sống, ông Son cũng đổ tội cho một cấp dưới khác là Phạm Đình Trọng, cho rằng ông này đã làm trái chỉ đạo của mình: “Tôi chỉ giao nhiệm vụ cho Vụ Quản lý doanh nghiệp yêu cầu MobiFone và AVG loại bỏ phần ngoài truyền hình ra khỏi hạng mục giao dịch, không hề nói gì về giá mua cả”.
Phần tự bào chữa chiều 20/12 gần như là một pha “độc diễn” của ông Son, nhưng vẫn có chỗ cho các bị cáo khác. Báo Tiền Phong dẫn lời bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên, cựu Phó TGĐ Mobifone: “Không ai dám trái ý Chủ tịch Lê Nam Trà”. Nguyên nói: “Tôi không hiểu tại sao Chủ tịch HĐTV và Tổng GĐ vẫn trình giá mua đó lên Bộ TT&TT. Về sau tôi được xem lại, họ dựa vào các văn bản đàm phán trước đó để trình bộ”.
Còn cựu Phó TGĐ MobiFone nói trong nước mắt: ‘Tôi không bao giờ nghĩ có lúc phải đứng ở đây’, theo VTC. Bà Phạm Thị Phương Anh khẳng định, đã “biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần cao so với giá trị của AVG thể hiện trên sổ sách kế toán” nhưng không thể làm trái ý lãnh đạo.
Nhận định chung về ngày xử thứ 4
Đúng như nhiều người dự đoán, với tội “nhận hối lộ”, Nguyễn Bắc Son đã bị đề nghị án tử hình. Tại phiên xử hôm nay, Son đã nói rất dài và cung cấp nhiều thông tin trong phần tự bào chữa, dù bị thẩm phán 8 lần nhắc phải nói ngắn, nhưng Son vẫn được nói tiếp chứ không bị ngắt lời hoặc tước micro. Có lẽ án tử hình trước mắt chỉ là “chất xúc tác” để Son hiểu rằng đến lượt mình phải làm giống như Tuấn, tố cáo người đứng sau, để mở đường sống cho chính mình.
Hơn nữa, các chi tiết Son nói về vai trò của Chính phủ VN giai đoạn cuối năm 2015, đầu năm 2016, vẫn được các báo “lề đảng” công khai, điều đó cho thấy khả năng HĐXX và cả phe “đốt lò” đều lưu ý lời ông Son nói chứ không bỏ qua. Vấn đề còn nằm ở chỗ, Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thời đó đồng ý bán, nhưng bán với giá nào, bán đúng giá hay bán với giá cao gấp nhiều lần để bỏ túi riêng?!
Son không những nói về vai trò của Chính phủ VN trong vụ Mobifone mua AVG, mà còn nói tới vai trò của Bộ Công an. Bộ này tuy không trực tiếp can thiệp nhưng đã chấp thuận đề nghị của ông Nguyễn Bắc Son đưa vụ Mobifone mua AVG vào mục “mật”.
Cho nên, dù vụ sai phạm này góp phần mở cánh cửa dẫn tới nhà “đồng chí X”, nhưng cũng cần xét tới trách nhiệm của ông Tô Lâm, người đứng đầu Bộ Công an, mà báo Thanh Niên đã nêu lên một vấn đề rất quan trọng: Hồ sơ mua AVG được đóng dấu ‘mật’ là mấu chốt của dự án?
_____
Mời đọc thêm: Xét xử vụ AVG: Các bị cáo giữ chức vụ cao nhưng không vượt qua cám dỗ đồng tiền (TN). – Bản luận tội Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (PLTP). – Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức hình phạt tử hình (LĐ). – Ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử hình, ông Phạm Nhật Vũ bị đề nghị án 3-4 năm tù (VNF). – Kiểm sát viên: ‘Ông Nguyễn Bắc Son phải là tấm gương đạo đức nhưng lại tha hóa’ (TP). – Luật sư bào chữa: “Cựu lãnh đạo Mobifone không oan” (GT). – Đề nghị phạt 14 – 16 năm tù bị cáo Cao Duy Hải (VTC).
– Vụ MobiFone mua AVG: Thừa nhận tội danh bị truy tố là có cơ sở (BNews). – Nếu nộp lại 3 triệu USD nhận hối lộ, mức án nào dành cho bị cáo Nguyễn Bắc Son? (NLĐ). – Ông Nguyễn Bắc Son chưa nộp lại 3 triệu USD (VNE). – VKS đề nghị một án tử hình trong thương vụ AVG: Phản ứng của các bị cáo và tiếng nức nở tại tòa (NĐT). – Vụ Mobifone –AVG: Nữ bị cáo nói lời thống thiết trong nước mắt (DV). – 200.000 USD và quà mừng quan chức (ANTT).