15-12-2019
Tiếp theo Phần 1 và Phần 2 và Phần 3
Hãy coi việc dân tộc Trung Hoa được phát triển và thịnh vượng là quyền của họ. Vậy nền kinh tế TBCN được xây dựng ở đó cũng là hiển nhiên. Khoác cái vỏ nào là cách mà những người lãnh đạo ở đó làm. Vậy vấn đề cần bàn chỉ còn là: Tại sao thế giới lại để họ lũng đoạn đến như vậy?
Đầu tiên phải nói đến lòng tham của con người. Chủ nghĩa tư bản đã lợi dụng sức sản xuất của một tỷ người Hoa để cạnh tranh nhau sản xuất ra các loại hàng mau hỏng rẻ tiền bán trong các cửa hàng One-Dollar, các đồ dệt chỉ mặc một mùa, các đồ hàng điện từ dùng một hai năm.
Kỷ nguyên Made in China đã đẻ ra một xã hội tiêu thụ chưa từng có. Giới trẻ ngày nay đã quen với lối sống vài cái mobile phone, một tủ quần áo mà không biết mặc cái nào. Lòng tham của tư bản kết hợp với nền sản xuất bóc lột kiểu lương tù China đã tạo ra làn sóng phá hủy tài nguyên thiên nhiên hôm nay.
Điểm tương đồng giữa Chủ nghĩa Trung Quốc xã và chủ nghĩa tư bản xuất phát từ lòng tham. Hình ảnh sinh động nhất gần đây là việc ông Trump, anh hùng chống Tàu, đang đặt hàng triệu USD cờ quạt, mũ cho chiến dịch bầu cử 2020. (Chắc lại Fake news!)
Lòng tham cũng tiêu diệt hàng chục triệu việc làm khắp phương tây để chuyển công nghệ về China. Khi hãng Robot công nghiệp Kuka của Đức lâm vào khó khăn trên thị trường chứng khoán, nhiều công ty châu Âu muốn bỏ tiền vào, nhưng không ai bỏ nhiều tiền bằng công ty Midea từ Quảng Đông. Cuối cùng Kuka nay vẫn made in Germany, nhưng lời lãi và công nghệ là của người Tàu. Người Đức nay đổ cho nhau người này tham tiền, người kia chắc lép. Cứ như vậy, người Hoa đã sở hữu nhiều lò rượu vang của Pháp, các xí nghiệp cơ khí chính xác nhỏ của Đức, cảng biển của Hy-Lạp.
Nếu trong cuộc đấu này, China cứ việc phát triển mà các đối thủ không bị những cú như Kuka, Volvo, Lenovo (IBM), không bị mất hàng chục triệu việc làm cùng hàng ngàn xí nghiệp high-tech khác thì khoảng cách vẫn còn dễ chịu.
Khi hơi thở của con quái vật đã ở sau lưng, người ta mới hô hào đoàn kết. Họ tập trung vào các vũ khí cứng.
China không phải là Nam Tư, Syria hay Lybia mà bất cứ ai dám đưa quân vào can thiệp. Do vậy đòn quân sự chỉ mãi là ước vọng của những kẻ nhẹ dạ.
Đòn kinh tế tất nhiên sẽ gây khốn khó cho kẻ sống bằng xuất khẩu và nhập nguyên vất liệu. Điều đó hiện đang làm chậm mức tăng trưởng của China. Nhưng trừng phạt kinh tế thì hai bên đều bị ảnh hưởng. Dù China có thiệt hại nhiều hơn Mỹ, nhưng sức chịu đựng của người Hoa cao hơn, lại dai hơn. Nếu vì chiến tranh kinh tế mà dân họ thiếu thực phẩm đến mức gần chết đói, Bắc Kinh cũng mặc kệ. Ở Mỹ thì không chắc, nên tôi không dám quả quyết là ai sẽ dừng trước.
Điều mà Bắc Kinh sợ nhất là ngọn gió dân chủ thổi qua bức màn sắt. Hiểu được quyền của mình, hàng trăm triệu người Hoa lục sẽ không để cho tiền thuế của mình được sử dụng để củng cố nền độc tài. Họ sẽ đòi quyền lợi. Biết được mình đang bị lợi dụng, chủ nghĩa dân tộc sẽ bị lung lay.
Xét và kinh tế và quân sự, China đang trên con đường tiến tới một siêu cường. Xét về dân chủ, nhân quyền, văn minh, China vẫn còn là môt chú lùn thảm hại. Nó biết rằng cái chết của nó không phải do bên ngoài đem đến, mà bởi sự phân rã bên trong. Đó chính là lời giải thích cho thái độ cứng rắn của Bắc-Kinh đối với những gì đang xảy ra ở Hong Kong, ở Tân Cương, Tây Tạng và cả ở Đài Loan.
Nhưng những gì đang tiếp tục xảy ra sau cuộc bầu cử địa phương ở Hong Kong đang khiến Bắc Kinh đau đầu. Tập có kinh nghiệm chống bạo động, nhưng không biết cách chống “Bất bạo động”. Bắc Kinh chỉ có võ “Để lâu cứt trâu hóa bùn”. Nhưng giờ đây họ hiểu tinh thần Hong Kong không phải là bùn.
China có đủ quân bài để trả đũa các trừng phạt kinh tế và đe dọa vũ lực của Phương Tây. Mạng người của họ quá rẻ. Nhưng họ không có cách để trả đũa các trừng phạt chính trị về vi phạm nhân quyền, về nạn diệt chủng, về đàn áp tôn giáo. Các đối thủ của họ không có các yếu điểm đó. Sức mạnh mềm của họ sẽ bị hóa giải. Đó là gót chân Achilles của Bắc Kinh.
Những người Hoa lục nhìn thấy vấn đề như thế này cũng không ít. Chỉ có thế giới biết ít về họ, nếu có biết cũng ngó lơ. Chủ nghĩa tư bản vì lợi nhuận tối đa đã bất chấp tất cả các cảnh báo của giới đấu tranh vì nhân quyền.
Từ Thiên An Môn 1989 đến Hong Kong 2019, từ Tây Tạng đến Tân Cương, phương Tây luôn phản ứng nửa vời với China. Chỉ việc tiếp hay không tiếp ông Dalai Lama đã làm đau đầu nhiều chính phủ phương Tây. Từ mấy chục năm nay, tôi vẫn cảm thấy bị xúc phạm, khi nhớ đến hình ảnh ngoại trưởng Đức Kinkel tháo cái khăn Khata truyền thống của Tây Tạng từ trên cổ xuống để cầm tay, sau khi ông Dalai Lama kính tặng chủ nhà trong chuyển thăm Đức năm 1995.
Trong vụ Hong Kong, phản ứng của các nước lớn là không thể chấp nhận được.
Đấu tranh chính trị là đấu về tinh thần, do vậy sự ủng hộ về tinh thần vô cùng quan trọng. Người Hong Kong chẳng bao giờ mong Mỹ, Anh đưa quân giải phóng Hong Kong như mấy bố nóng đầu suy luận.
Nhưng nếu có một một tuyên bố chung của tất cả các nguyên thủ G7 thì đó sẽ là một quả bom tấn giáng vào lực lượng cảnh sát Hong Kong. Đáng tiếc thanh niên Hong Kong đã phải tự lo bằng gạch đá và súng cao su.
Cuối cùng, ai cũng sẽ phải tự lo bảo vệ cuộc sống, nhân phẩm và tương lai của con cháu mình.
Việt Nam nằm dưới sưc ép của China hàng trăm năm qua. Trong ba chục năm gần đây còn là sự đe dọa về lãnh thổ, tài nguyên. China đã tạo ra các thực tế đã rồi trên đất liền và Biển Đông. Chúng ta chẳng còn chỗ để lùi.
Tất nhiên để chống lại các cuộc xâm lăng vũ trang thì viêc tăng cường tiềm lực quốc phòng và tìm kiếm đồng minh là cần thiết. Song những thứ đó không khiến Bắc kinh phải lo sợ.
Mỹ sẽ không hy sinh người lính nào của họ để bảo vệ Đảo Sơn Ca. Cùng lắm họ tặng Việt Nam vài tàu chiến để người Việt tự đổ máu.
Vũ khí của Nga thì China có nhiều hơn, hiện đại hơn, kèm theo cả các bí quyết hóa giải.
Điều Bắc Kinh sợ nhất là một Việt Nam dân chủ, văn minh và tự tin ở sát nách họ. Một Hong Kong với sức nổ hơn hàng chục lần là cơn ác mộng cho Bắc Kinh.
Muốn bảo vệ tổ quốc trước âm mưu thôn tính của China, không thể dùng chung vũ khí của nó. Nhỏ đánh to thì phải dùng những thứ mà nó không biết dùng, thứ nó sợ.
Các mục tiêu: Dân chủ, Tự do, Công bằng, Nhân đạo và Toàn vẹn lãnh thổ không thể tách rời là vậy.