S. Alexievich
Vào những ngày đầu tiên ấy, cảm xúc của tôi là cả một sự pha trộn. Tôi còn nhớ rõ hai thứ: Nỗi sợ hãi và cảm giác bị xúc phạm. Chúng tôi không ai được cho biết điều gì vừa xẩy ra: Chính quyền im lặng, các bác sĩ im lặng. Giới chức thẩm quyền khu vực cứ chờ lệnh từ trên Vùng (Oblast), Vùng lại chờ lệnh từ ở Trung Ương (Minsk), Trung ương lại chờ chỉ thị từ bên Moscow. Một chuỗi dài những chờ đợi từ trên xuống dưới, để cuối cùng rồi thì vận mệnh của bao con người lại được quyết định chỉ bởi một vài người. Chúng tôi trở nên những kẻ không có khả năng tự bảo vệ nữa. Đó là cái cảm giác bao trùm chúng tôi trong những ngày ấy. Chỉ có vài người thôi, mà họ lại nắm quyền quyết định số phận của chúng tôi, số phận của hàng triệu con người.
Cùng lúc, cũng chỉ với vài người mà chúng tôi có thể bị giết bởi chính họ. Những người này không phải điên cuồng, không phải tội phạm. Họ chỉ là những công nhân bình thường ở nhà máy phản ứng hạt nhân. Khi hiểu được điều này, não trạng của tôi bị chấn động nặng nề. Chernobyl mở ra một vực sâu thăm thẳm, ghê khiếp còn hơn cả Kolyma (1), Auschwitz (2), Holocaust (3). Một kẻ cầm trên tay cái rìu, cây cung, hay một kẻ sử dụng cây súng phóng lựu, một kẻ điều khiển phòng hơi ngạt, cũng không thể nào giết hết được tất cả mọi người. Nhưng với nguyên tử . . .
Tôi không phải là một triết gia và tôi cũng không hề muốn triết lý. Chỉ biết rằng tốt nhất hãy kể lại những gì tôi còn nhớ được. Những ngày đầu tiên ấy, một không khí hoảng sợ bao trùm: một số chạy vội đến nhà thuốc mua sạch những lọ i ốt. Một số khác sợ không dám mua thức ăn ở chợ, không mua sữa, không mua thịt, nhất là thịt cừu. Còn gia đình tôi thì không muốn tiết kiệm nữa. Chúng tôi mua những miếng xúc xích đắt tiền với hy vọng rằng chúng được chế biến từ những nguồn thịt không độc hại. Sau đó, chúng tôi khám phá ra là chính những loại xúc xích đắt tiền mới bị pha trộn với thịt đã bị nhiễm xạ, do bởi suy nghĩ từ người chế biến cho rằng loại đắt tiền này sẽ có rất ít người đủ khả năng mua. Thế là chúng tôi đã hòan toàn trở nên bất lực. Nhưng hẳn bà đã biết rõ chuyện này rồi, phải không? Tôi muốn được nói về một chuyện khác. Câu chuyện về một thế hệ con người Xô Viết .
Bạn bè của tôi – họ đều là bác sĩ, là thầy giáo, những trí thức ở địa phương. Chúng tôi họp lại thành một nhóm xã hội riêng, thường tụ tập ở nhà tôi uống cà phê, chuyện vãn. Hôm đó, tôi có hai người bạn đến chơi, một người là bác sĩ. Cả hai đều có con còn nhỏ.
Người bạn bác sĩ nói với chúng tôi: “Ngày mai tôi sẽ đem cả gia đình qua sống với cha mẹ tôi. Nếu lũ trẻ có mệnh hệ gì thì chắc không bao giờ tôi có thể tha thứ cho chính mình.”
Người bạn kia đáp: “Nhưng báo chí đã trấn an rằng chỉ trong vài ngày nữa tình hình sẽ ổn định. Quân đội cũng đã hiện diện. Có cả máy bay trực thăng, xe thiết giáp. Đài phát thanh thông báo như thế mà !”.
Viên bác sĩ khẳng định: “Chị cũng nên đem các con chị đi chỗ khác đi. Phải ra khỏi nơi đây thôi. Phải bỏ trốn đi thôi! Đây không phải là chiến tranh. Chúng mình vẫn không biết chuyện gì đang xẩy ra mà!”
Thế rồi bất ngờ cả hai lên giọng với nhau, kết án, buộc tội lẫn nhau.
“ Nếu ai cũng hành xử như chị thì kết quả sẽ ra sao đây? Liệu mình có thắng nổi cuộc chiến này không?”
“Chị là kẻ phản bội lại chính các con của chị! bản năng làm mẹ của chị đâu? Đúng là đồ cực đoan.”
Những người có mặt, kể cả tôi, đều có cảm giác chị chàng bác sĩ này hoảng sợ thực sự. Chúng tôi có thói quen chờ lệnh từ một ai đó, chờ nghe những thông báo bảo chúng tôi phải làm gì. Nhưng chị bạn này của tôi là một bác sĩ, hẳn chị ta biết mình nên làm gì. “Các chị bất lực, không bảo vệ được chính con cái của mình! Không có ai đe dọa chúng không có nghĩa là chúng vẫn được an toàn. Tôi biết các chị cũng đang rất sợ hãi mà!”. Sao lúc ấy chúng tôi ghét chị ta quá sức. Chị ta đã làm hỏng cả một buổi tối họp mặt của chúng tôi. Ngày hôm sau thì chị bạn bác sĩ bỏ đi. Còn chúng tôi cho con cái mình ăn mặc đẹp đẽ đi xem diễu hành ngày lễ Chiến Thắng. Chúng tôi có thể đi dự hay không đi dự, tùy ý chúng tôi. Chẳng có ai ép buộc hay yêu cầu chúng tôi phải đi dự cả. Nhưng chúng tôi nghĩ đó là bổn phận của mỗi người. Tất nhiên rồi! vào một dịp lễ như thế, thời điểm như thế, chúng ta cần phải sát cánh bên nhau. Chúng tôi thả bộ xuống đường phố, hòa nhập vào với đám đông.
Tất cả các viên bí thư các đảng ủy thuộc khu vực đều có mặt cùng với viên bí thư thứ nhất tại lễ đài danh dự. Cả cô con gái nhỏ của ông ta cũng có mặt, đứng ở chỗ cao nhất để mọi người đều có thể nhìn thấy. Cô bé mặc một chiếc áo mưa khoác ngoài và đầu đội mũ, dù trời đang nắng. Còn viên bí thư thứ nhất thì mặc chiếc áo choàng quân đội. Nhưng dù sao thì họ đã có mặt. Tôi còn nhớ rõ điều đó. Không phải chỉ vùng đất chúng tôi sống đã bị nhiễm phóng xạ. Não trạng chúng tôi cũng đã bị nhiễm xạ theo. Trong một thời gian dài hàng nhiều năm trời.
Thư của Lyudmila Dmitrievna Polenkaya, giáo viên trường làng, di dân từ khu vực Chernobyl
Chú Thích :
- Kolyma: Khu vực nằm ở phía Đông nước Nga, nơi tọa lạc của những trại tập trung lao động khổ sai (Gulag) thời chính quyền Stalin.
- Auschwitz: Trại tập trungcủa Đức Quốc Xã (1940-1945) và cũng là nơi xẩy ra những vụ thủ tiêu hàng loạt người Do Thái, tọa lạc trên phần đất Ba Lan.
- Holocaust: Tên gọi chung cho các cuộc thảm sát tập thể nhằm diệt chủng người Do Thái của chế độ Đức Quốc Xã kéo dài từ tháng 1/1930 đến tháng 8/1945.
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC