BTV Tiếng Dân
16-10-2019
Mặc dù vụ việc diễn ra từ ngày 10/10, mãi đến chiều 15/10, những người có trách nhiệm mới chịu khuyến cáo người dân không sử dụng nước Sông Đà nhiễm bẩn để nấu ăn, uống. Cũng may là nguồn nước bị nhiễm dầu, chứ nhiễm chất độc xyanua thì không biết bao nhiêu dân đã bỏ mạng trước khi nhận được khuyến cáo của các cơ quan hữu trách Hà Nội.
Trong buổi họp báo ngày 15/10, Thành ủy Hà Nội khuyến cáo tạm thời không dùng nước sạch sông Đà nấu ăn, báo Giao Thông đưa tin. Sở Y tế thành phố công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau, cho biết, hàm lượng Styren trong các mẫu xét nghiệm cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 đến 3,65 lần: “Mùi khét trong nguồn nước tại nhà dân trên toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra”.
Zing có bài: Phát hiện dầu thải, công ty nước sạch vẫn im lặng bán cho dân. Ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận, Công ty nước sạch Sông Đà phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ 8/10 nhưng không báo cáo, không ngăn chặn. Chính quyền Hà Nội sẽ kiến nghị công an điều tra việc này: “Chúng tôi đã làm việc với công ty và yêu cầu toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước phải xúc xả. Toàn bộ kinh phí sẽ do công ty này chịu trách nhiệm”.
Trang Kiến Thức có bài: Tổng giám đốc nước sạch Viwasupco Nguyễn Văn Tốn xin lỗi vì điều gì? Ông Nguyễn Văn Tốn, TGĐ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, cho biết, công ty có lỗi khi “khách hàng cần mà mình chưa đến kịp thời”, nhưng không nhận trách nhiệm với dân, mà công ty có họp rút kinh nghiệm!
Ông Tốn nói: “Công ty cũng coi như là có một lỗi vì khách hàng như các cụ nói là thượng đế, khách hàng yêu cầu… Với công ty nước sạch Hà Đông… anh em thường xuyên liên lạc với nhau, có cái gì chia sẻ nhau hết. Đương nhiên với người dân cũng phải thông cảm là trực tiếp… đương nhiên, vâng! Xin lỗi. Công ty đã nhận lỗi về vấn đề nhiều khi khách hàng cần mà mình không đến kịp thời“.
Còn đây là công văn khẩn của Công ty nước Sạch Hà Nội, thông báo họ đã chở nước sạch tới “hỗ trợ” cho dân ở khu vực nước bị nhiễm bẩn. Muốn nhận nước, người dân phải đăng ký, tên, số điện thoại và địa chỉ, để được phục vụ theo thứ tự. Một công văn ngắn do Phó TGD Nguyễn Tiến Hưng ký, ngoài lỗi nội dung, còn mắc phải một số lỗi chính tả:
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận: “Các ông cung cấp nước cho dân, dân mua trả tiền, đó là dịch vụ dân sự. Cung cấp nước bẩn cho dân là lỗi của các ông. Các ông là bên vi phạm thì phải chịu khắc phục. Chưa nói là phải đeo cho các ông cái số 8 để nhân dân thủ đô hả dạ. Vậy mà các ông kêu hỗ trợ nước sạch. Các ông giết nhân dân rồi đi hỗ trợ nước sạch. Lại còn đòi cung cấp tên họ, số điện thoại, địa chỉ cụ thể. Đập mèo! Các ông đi sửa sai hay đi hành dân? Vua đi phát chẩn cũng không khệnh khạng như mấy ông!”
Vô trách nhiệm, lấp liếm khi để dân dùng nước nhiễm dầu thải, theo Zing. TS Nguyễn Văn Khải đặt câu hỏi: “Cả một nhà máy nước lớn như thế, cung cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân mà không một ai đi kiểm tra, biết được nước bị nhiễm dầu thải. Đến khi người dân kêu ca, phàn nàn rồi mới đi kiểm tra? Họ hạn chế về năng lực hay đây là hành động lấp liếm, coi thường sức khỏe của người dân?”
Hiện tượng nước sinh hoạt của các quận nói trên ở Hà Nội có mùi lạ xuất hiện ít nhất đã 5 ngày nay. Không phải hộ dân nào cũng có đủ điều kiện mua nước xe bồn về dùng, bây giờ những người đã lỡ dùng nước nhiễm độc, ai chịu trách nhiệm cho sức khỏe của họ?
Cư dân khu đô thị Linh Đàm bị tiêu chảy, bệnh ngoài da nghi do dùng nước máy nhiễm dầu, theo VTC. Một người dân sống tại tòa nhà HH2C cho biết, có hai cháu nhỏ mới bị bệnh tiêu chảy, nôn khi ăn, uống, sau khi nước máy sông Đà bị ô nhiễm: “Bé trai lớn 6 tuổi và bé gái 2 tuổi đều bị sốt và khi ăn, hay uống nước máy sông Đà đã qua máy lọc thì đều bị nôn, tiêu chảy, khiến mọi người trong gia đình tôi rất lo lắng”.
Một cụ ông khác kể: “Nguồn nước của gia đình tôi qua máy lọc nhưng vẫn còn mùi lạ, và khi đun nước sôi để uống thì vẫn không hết. Đây có thể là nguyên nhân khiến hai ông cháu tôi bị ho, đau họng”. Biết là nước có hiện tượng lạ mà vẫn sử dụng thì phải chấp nhận hậu quả thôi, biết là nền chính trị có vấn đề, lãnh đạo bỏ mặc dân, xem thường tính mạng của dân mà còn để yên cho chúng cai trị mình, thì phải gánh chịu thôi.
______
Mời đọc thêm: Sao biết ‘nước sạch’ đã bẩn mà nỡ bán cho dân? (VOV). – Chủ tịch Hà Nội: Viwasupco phát hiện dầu thải nhưng không báo cáo ai, không ngăn dầu vào nguồn nước (VTC). – Vụ nước ô nhiễm dầu thải: “Cty nước Sông Đà phát hiện nhưng không báo cáo” (LĐ). – Nước nhiễm dầu và sự thờ ơ, vô trách nhiệm trước sức khỏe, tính mạng của người dân — Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, uống nước nhiễm dầu thải (DS). – UBND Tp Hà Nội: Người dân khu vực nước nhiễm bẩn không dùng để uống, nấu ăn (VnEconomy).
– Nước cấp cho dân có chất styren vượt quy chuẩn, khuyến cáo người dân không sử dụng để nấu ăn (VietQ). – Nguồn nước có Styren cao hơn giới hạn cho phép 1,3-3,65 lần: Chuyên gia nói gì? (VTC). – Hàm lượng Styren trong nước cao vượt ngưỡng ảnh hưởng gì đến sức khỏe? (VOV). – Chuyên gia: Hà Nội cần đánh giá ‘mức độ gây hại của Styren trong nước sạch’ (VTC). – Nước nhiễm dầu thải: TGĐ Công ty nước sạch sông Đà miễn cưỡng xin lỗi, nói dân thông cảm (VTC).
– Sau sự cố nước khét lẹt, trường học dùng nước bình nấu ăn cho học sinh (TP). – Đâu phải đến lúc nước nhiễm dầu mới xây dựng nhận thức môi trường (DV). – Hà Nội: Sau ô nhiễm không khí đến nạn nước ‘mùi lạ’ (BBC). – Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra vụ cấp nước ô nhiễm cho dân Hà Nội (Zing). – Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà đã cố tình giấu sự việc nước bị ô nhiễm dầu, đến lúc họp báo vẫn cố tình bao biện (TQ).
-“Vụ dân Hà Nội xài nước bẩn: Vô trách nhiệm với dân!” là đúng nhưng chưa rõ, thực ra khi lãnh đạo “coi thường dân, coi dân ko ra gì” mới dẫn đến việc “Vô trách nhiệm với dân!” (có tôn trọng là có trách nhiệm, ko tôn trọng thì cần quái gì phải có trách nhiệm?). Cụ thể, trong tháng 8 xảy ra vụ cháy lớn tại khu xưởng gần 6.000m2 của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, trong tháng 9 xảy ra ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong tháng 10 là vụ “nước ô nhiễm dầu thải” và cách giải quyết xử lý của các lãnh đạo trong 03 vụ trên chưa tạo dc niềm tin cho ng dân, để ng dân an tâm sống. Sống trong tâm trạng bất an thì còn đầu óc đâu mà tỉnh táo để làm việc hiệu quả (tháng 8,9,10 là vậy, rồi tháng 11,12,..thì sao nữa đây?).