Jackhammer Nguyễn
5-10-2019
Tàu khảo sát địa chất biển của Trung Quốc đang ở đâu đó ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa. Giàn khoan nước sâu của Trung Quốc đang ở đâu đó gần vùng thềm lục địa Việt Nam. Tàu hải cảnh và dân quân Tàu vẫn tiếp tục quấy rối việc khai thác khí đốt của Việt Nam ở Bãi Tư Chính.
Vài ngày nữa, Mỹ và Tàu tái họp bàn về chiến tranh mậu dịch tại thủ đô Washington DC. Cuộc chiến này làm cho cả hai sứt mẻ không ít. Ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ vẫn có cơ không ngóc lên nổi (thực ra có chiến tranh thương mại hay không thì việc này cũng đã và đang xảy ra.) Các thành phố nhỏ của Trung Quốc gặp khó khăn vì suy thoái kinh tế, các chợ thực phẩm thiếu thịt heo và đậu hủ.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Hong Kong vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó Mỹ có vẻ vẫn đang gây sức ép về quân sự.
Cách đây một hai tuần Mỹ vẫn thực hiện chiến dịch tự do hàng hải quanh các đảo đá nhỏ mà Tàu đang chiếm đóng. Tàu sân bay USS Reagan của Mỹ ở đâu đó trên Biển Đông.
Ngay tiếp theo việc gia hạn sử dụng căn cứ hải quân của Singapore cho quân đội Mỹ, Mỹ cùng Singapore thực hiện thành công việc bắn rốc két mới chống tàu chiến.
Trong một tình thế không phải là sáng sủa như vậy mà tại sao người Tàu lại có những hoạt động lấn chiếm quậy phá mạnh mẽ hơn bao giờ hết tại Biển Đông?
Có thể có mấy nguyên nhân sau đây:
Người Tàu muốn gây ra một sân khấu chủ nghĩa dân tộc đại Hán tại Biển Đông để phân tâm người dân Tàu khỏi những khó khăn kinh tế trong nước. Một thứ chủ nghĩa dân tộc như vậy cũng góp phần cho chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh chống lại những sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong.
Có thể là người Tàu muốn dùng lá bài quân sự, qua chiến dịch rầm rộ đang diễn ra ở Tư Chính Biển Đông, và bằng việc xây dựng lực lượng quân sự ở Biển Đông mấy năm nay, để làm áp lực với người Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Đây là ý kiến của ông James Stavridis, tướng Mỹ bốn sao, từng đứng đầu lực lượng NATO.
Lý do cuối cùng: Đây là giai đoạn tiếp theo của kế hoạch chiếm trọn Biển Đông.
Sau khi chiếm được một số tiền đồn nằm ngoài các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, Bắc Kinh thấy đã đến lúc nên kiểm soát luôn những hoạt động kinh tế ven bờ của các quốc gia này, gây sức ép để không cho nước lớn nào vào làm ăn trong Biển Đông nữa.
Trong ba lý do kể trên thì lý do thứ nhất, nếu có, chỉ là giải pháp cấp thời.
Lý do thứ hai không quan trọng vì người Tàu dư sức hiểu rằng, nền kinh tế Mỹ – Tàu gắn chặt vào nhau, rất khó gỡ ra, không cần dính dáng đến những giải pháp, chiến lược quân sự.
Lý do thứ ba vẫn là trọng tâm của mọi chính sách nhằm đưa nước Tàu thành siêu cường trong thế kỷ này, cạnh tranh với Mỹ.
Lý do này càng được kích thích hơn khi nước Mỹ phải lo ra về những chuyện nội bộ, phải quay về với áp lực dân túy mạnh mẽ trong nước, để lại một hố trống quyền lực tại Đông Á, mà người Tàu thấy cần nhanh chân nhảy vào trám chỗ, cho dù có phải đang chống trả với những đợt áp thuế của Tổng thống Trump.
Cái hố trống quyền lực này Bắc Kinh đã ý thức được rất rõ ràng sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (ngay ngày đầu tiên Donald Trump vào Nhà Trắng) do Mỹ và hơn chục nước châu Á, châu Mỹ dự định hợp sức bao vây nước Tàu.
Những diễn biến sau đó như báo cáo về Ấn Độ – Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc ra ngày 1/6, hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản cãi nhau chưa đến hồi kết, càng làm cho người Tàu khẳng định rằng, Mỹ bỏ đi, không còn sức làm sen đầm quốc tế tại Đông Á nữa. Trong đó, báo cáo ngày 1/6, giống như một lời kêu gọi tuyệt vọng của các tướng lãnh Mỹ đưa lên ông sếp của mình trong Nhà Trắng, chứ không phải hướng ra Trung Nam Hải.
Cái lỗ trống quyền lực Mỹ càng thuận lợi hơn cho người Tàu nữa là sự nhu nhược của các nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Mã Lai, hay “sớm đầu tối đánh” như Philippines, Thái Lan, Cambodia, hoặc không có niềm tin vào Mỹ, như Indonesia, Mã Lai. Đây là hai quốc gia Hồi giáo dù không cực đoan, nhưng cũng khá lạnh nhạt với Mỹ, nhất là chuyện Washington đã từng ủng hộ một chế độ tham nhũng bậc nhất của nước này trong hàng chục năm của ông Suharto.
Ngay cả quốc gia mới đây được các nhà quan sát xem là kiểu mẫu cho mô hình hợp tác không đồng minh (non-ally) với Mỹ là Singapore, cũng đã chắc gì hết lòng hết sức với Washington? Cả hai cùng tập trận bắn tàu chiến, nhưng liệu chuyện xảy ra ở Guam đó có làm Bắc Kinh nản chí? Người Singapore chỉ cần bảo đảm các kho hàng của họ qua em Malacca là được, người Tàu dù có độc chiếm được Biển Đông, thì tàu hàng vẫn qua lại hải cảng Singapore. Đó là chưa nói đến những đống nhân dân tệ đầy ắp mà ông Lý vẫn đang nhìn trộm, và người Tàu cũng chẳng giấu giếm gì việc tung ra đống tệ đó ra, để gã lái buôn đảo sư tử cười tít mắt.
Hiện nay Donald Trump đang đại diện cho một nước Mỹ ích kỷ hơn xưa, không muốn chi tiền cổ súy cho tự do kiểu Mỹ bên ngoài. Dĩ nhiên khi Mỹ cổ súy như vậy với tiềm lực và tiền của của mình, thì Mỹ cũng có lợi chứ chẳng phải không, nhưng chú Sam hiên nay đang bắt ai muốn chơi chung với mình thì phải chi tiền nhiều hơn.
Có thể là điều đó khá dễ với hai quốc gia rất tự cường là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng với mớ hỗn tạp Đông Nam Á, thì đó lại là điều kiện cho Bắc Kinh đào sâu thêm cái hố trống quyền lực mà người Mỹ đang để lại, bằng hai phương tiện: nhân dân tệ và tàu chiến.
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco