S. Alexievich
Tôi không hề muốn nói về chuyện này chút nào cả. Tôi sẽ không nói. Tôi chỉ biết có một điều. Rằng tôi sẽ không bao giờ được biết đến hạnh phúc nữa.
Anh ấy từ chỗ đó trở về sau mấy năm công tác.
Đó là những năm tháng ác mộng. Anh ấy bảo tôi: “Nina. Rất may mình đã có hai đứa con. Đó là những gì còn sót lại của chúng ta.”
Anh ấy kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện. Ở giữa một ngôi làng có cái ao nhỏ. Đám ngỗng, vịt thường tụ tập ở đó. Mấy người lính, thực ra chỉ là những cậu trai trẻ tuổi, nằm dài người trên cỏ, không áo, không giầy, phơi người cho rám nắng.
“Đứng dậy ngay! các cậu nhỏ! Điên à? Muốn chết cả nút hay sao?”. Họ trả lời: “Ôi dào! lo vớ vẩn gì thế!”.
Cái chết đã có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng không một ai coi đó là việc nghiêm trọng.
Cuộc di tản: Bà cụ già quỳ gối trước căn nhà cũ có bức tượng thánh của mình.
Bà van vỉ: “Các cậu ơi! Già này không đi đâu. Già này quyết không từ bỏ chỗ này. Các cậu muốn thì cứ lấy chút ít tiền người ta cho già. Để đền bù cho căn nhà, cho con bò của già đấy. Nhưng ai sẽ phải đền bù cho đời của già đây? Đời già giờ chỉ còn là đêm đen thôi. Hai đứa con của già đã chết trong chiến tranh, chúng vẫn còn nằm trong nghĩa địa kia kìa. Các cậu gọi đây là chiến tranh hả? Chúng ta đang sống trong thời chiến sao? Trên trời vẫn có mây trắng, dưới đất cây táo đang ra hoa. Chẳng có ai tấn công chúng ta hết. Không có ai bắn súng. Ở đây chỉ có chúng ta thôi. Chúng ta đang có chiến tranh sao?”
Vậy mà không có ai trả lời những câu hỏi của bà: Viên đại tá có mặt ở ngay đó. Ông ta là người chỉ huy cuộc di tản và cũng là người của đảng ủy Vùng. Cả mấy ông sếp của chính quyền địa phương. Không một ai biết rằng đây là một cuộc chiến tranh, rằng cuộc chiến tranh ấy có tên là Chernobyl.
Tôi chưa bao giờ hỏi chồng tôi điều gì. Tôi hiểu anh ấy bằng cả tâm hồn của mình. Cả hai chúng tôi cảm thông với nhau cùng một chiều sâu thật sâu của tình chồng vợ. Qua sự hiểu biết và nỗi cô đơn cùng cực cả hai cùng kham chịu.
Anh ấy biết rồi mình sẽ chết. Và thực ra là anh ấy đang chết dần mòn. Anh ấy bảo sở dĩ mình còn sống được đến lúc này là nhờ tình yêu và sự tử tế. Tôi phải đi làm hai công việc một lúc. Chỉ với một đầu lương và tiền hưu của anh ấy thì không đủ. Anh bảo: “Hãy bán chiếc xe đi. Tuy nó không còn mới nhưng mình vẫn có được ít tiền mua sắm gì đó. Và như vậy em có thể ở nhà nhiều hơn với anh, để anh được ngắm nhìn em.” Anh ấy mời bạn bè đến nhà. Cha mẹ anh ấy cũng đến ở với chúng tôi một thời gian khá lâu. Anh ấy đã hiểu được một điều gì đó. Một điều gì đó về cuộc sống ở nơi ấy (Chernobyl) mà một thời gian dài anh chưa hiểu được. Anh ấy đã tìm ra được một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt.
“Nina”- anh ấy bảo tôi. “Nina. Rất may mình đã có hai đứa con. Đó là những gì còn lại của chúng ta.”
Tôi hỏi anh ấy: “Lúc đó anh có nghĩ đến em và con ở nhà không? Anh nghĩ sao về nơi đó?”
“Anh đã nhìn thấy một đứa trẻ. Nó sinh ra sau vụ nổ khoảng hai tháng. Nó tên là Anton, nhưng ai cũng gọi nó là Atomchik.”
“Anh nghĩ là . . .”
“Em phải cảm thấy thương xót cho tất cả mọi người ở đó. Kể cả con ruồi. Kể cả con chim. Mọi sinh vật phải được sống. Con ruồi phải có thể bay được, con dán phải có thể bò được. Thậm chí em không muốn giết một con dán.”
“ Anh . . .”
“Lũ trẻ con vẽ những hình ảnh về Chernobyl. Trong đó, cây mọc ngược. Nước sông thì đỏ thẫm hoặc vàng chóe. Chúng nó vẽ xong rồi ngồi khóc.”
Tôi muốn được hiểu . . . điều gì? Tôi còn không biết mình là ai nữa là.{Mỉm cười}
Bạn anh ấy đến ngỏ lời cầu hôn với tôi. Anh ta yêu tôi từ lâu lắm rồi. Từ lúc chúng tôi còn đi học chung một trường. Rồi anh ta lấy bạn tôi, và sau đó họ ly dị. Anh ta gạ gẫm: “Em sẽ sống như một bà hoàng.” Anh ta làm chủ một tiệm buôn, có một dãy chung cư lớn cho mướn, có cả nhà nghỉ ở thôn quê. Tôi suy nghĩ rất nhiều về lời đề nghị ấy. Rồi một hôm anh ta mò đến nhà tôi say khướt: “Em không thể nào quên được người anh hùng của mình phải không? Anh ta đi Chernobyl, còn anh thì thẳng tay từ chối. Bây giờ thì anh vẫn còn sống đây nhưng anh ta đã trở thành đài tưởng niệm mất rồi.”.
Vậy ư? Tôi đuổi cổ anh ta ra khỏi nhà. Ngay lập tức không một chút do dự.
Đôi khi, tôi có những ý tưởng kỳ lạ. Có lúc tôi đã nghĩ rằng chính Chernobyl đã cứu rỗi tôi, đã bắt tôi phải suy nghĩ. Và linh hồn tôi mở rộng ra.
Anh ấy thường kể lại nhiều lần với tôi. Tôi vẫn còn nhớ.
Những đám mây bụi. Những chiếc xe xúc trên cánh đồng. Những người phụ nữ và chiếc chỉa ba của họ. Những chiếc máy đo độ nhiễm xạ. Mọi thứ ở bên trong hàng rào kẽm gai. Khu Cấm: không người, nhưng thời gian vẫn cứ trôi. Dù ngày như dài ra, như dạo mình còn là con nít.
Những đoàn văn nghệ đến biểu diễn. Các nhà thơ đến đọc thơ. Ca sĩ Alla Pugacheva tổ chức một buổi biểu diễn ngoài cánh đồng. “Hỡi những chàng trai! Nếu các bạn không ngủ gật, tôi sẽ hát cho các bạn nghe suốt đêm”. Cô gọi họ là những anh hùng.
Ai cũng coi họ như những anh hùng {Khóc}. Làm sao có thể chịu đựng được nỗi thống khổ này nếu không có một lý lẽ nào đó để biện minh. Mà thực thế, chẳng có một lý lẽ nào cả. Cả tấm huy chương mà họ đã trao cho anh ấy cũng không thể an ủi được gì. Anh ấy đã đưa tấm huy chương ấy cho con trai chúng tôi .
Tôi chỉ biết có một điều. Rằng tôi sẽ không bao giờ được biết đến hạnh phúc nữa.
Nina Prohorovna Kovaleva, Vợ một Thanh Lý Viên.
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC