Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 9)

Hồ Bạch Thảo

28-8-2019

Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguồn: Kênh 14

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6 —  phần 7 —  phần 8

9. Lý Thái Tổ khởi nghiệp [1010-1028] (Tiếp theo)

Về lãnh vực ngoại giao, sau khi lên ngôi vào năm Thuận Thiên thứ nhất [1010] Vua Lý Thái Tổ sai Sứ sang triều Tống giao hảo: “Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010] Sai Viên ngoại lang Lương Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống để kết hảo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Triều Tống bèn phong chức cho Vua Lý Giao Chỉ Quận vương: “Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010] Nhà Tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương lĩnh Tĩnh Hải quân tiết độ sứ.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.

Sử Trung Quốc chép, vào năm sau nhà Vua được phong tiếp chức Đồng bình chương sự: Trường Biên, quyển 75. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 4 [1011]

Ngày Bính Tý tháng 5 [7/6/1011], gia phong Giao Chỉ quận vương Lý công Uẩn Đồng bình chương sự.”

(丙子,加交阯郡王李公蘊同平章事。)

Năm kế tiếp [1012], Sứ thần Đại Cồ Việt đến cống; triều Tống cho thăng trật, ưu đãi; riêng viên chức chết dọc đường được chu cấp đưa về quê nhà: Trường Biên, quyển 77. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 [1012]

Tháng 4, Lý Công Uẩn Giao Châu sai Sứ thần đến cống, viên Sứ được ưu đãi thăng trật; người tháp tùng bệnh chết trên đường, được chu cấp để đưa về nhà”.

(交州李公蘊遣使來貢,其使者並優進秩。從隸有道病死者,所賜物附還其家。)

Sử nước ta xác nhận trong chuyến đi này do các các Sứ thần Thái bảo Đào Thạc Phụ, Viên ngoại lang Ngô Nhưỡng cầm đầu: “Năm Thuận Thiên thứ 3 [1012]; Mùa đông, tháng 10, sai Thái bảo Đào Thạc Phụ và Viên ngoại lang Ngô Nhưỡng sang nước Tống để kết hảo”. Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.

Nội dung chuyến đi liên quan đến việc xin tổ chức buôn bán chung tại Nam Ninh Ung châu; nhưng vì lý do an ninh nên nhà Tống từ chối:

Trường Biên, quyển 78. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 [1012]

Ngày Giáp Tý tháng 6 [19/7/1012], Chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ tâu Lý Công Uẩn đất Giao Châu xin điều người và thuyền đến Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] hỗ thị. Thiên tử phán:

Dân ven biển thường sợ Giao Châu xâm lăng quấy nhiễu, theo thông lệ trước chỉ cho hỗ thị tại Quảng Châu [Quảng Đông] và trấn Như Hồng [Khâm Châu]; vì rằng đó là chốn góc biển nơi có thể khống chế, nay nếu đưa vào thẳng nội địa, sự việc sẽ không thuận tiện; nên ra lệnh ty sở tại cẩn thận giữ qui chế cũ”.

(甲子,廣南西路轉運使言,交州李公蘊乞發人船直趨邕州互市。上曰:「瀕海之民常懼交州侵擾,承前止令互市於廣州及如洪鎮【五】,蓋海隅有控扼之所。今若直趨內地,事頗非便,宜令本司謹守舊制。」)

Trong quá trình bang giao năm 1014, lúc viên quan soạn thảo chiếu thư trình bản thảo lên, trong chiếu thư dùng 4 chữ “thiện phủ lê manh 善撫黎氓” để khen vua ta khéo cai trị dân; nhưng vua Tống cẩn thận sợ chữ “lê” là dân đen, dễ bị hiểu lầm là họ “Lê” ám chỉ Vua Lê Đại Hành, nên bắt sửa lại:

Trường Biên, ngày Kỷ Tỵ tháng 8 [12/9/1014], Lý Công Uẩn đất Giao châu sai Sứ đến cống, Học sĩ viện thảo tờ chiếu ban cho Công Uẩn, trong đó có nhóm chữ “thiện phủ lê manh 善撫黎氓” [khéo léo vỗ về dân đen lưu manh không nghề nghiệp]. Vua bảo:

Vì Công Uẩn gây bất lợi cho họ Lê [Lê Hoàn], sợ dân man không hiểu, cho là chế nhạo, nên ra lệnh đổi sang chữ khác”.

(己巳,交州李公蘊又遣使來貢,學士院草賜公蘊詔有「善撫黎氓」之語。上曰:「公蘊始不利於黎氏【七】,蠻夷不曉,或疑朝廷諷己,可令改易賜之。」)

Năm 1016 vua Tống ban chiếu phong Vua Lý Thái Tổ tước “Nam Bình Vương” có nghĩa là Vương dẹp loạn phương nam, tước này cao hơn tước “Quận vương” trước đó phong cho Vua Lê Đại Hành. Xét về truyền thống lịch sử Việt, trân trọng với độc lập thực sự, nhận phong chỉ là ngoại giao; nhưng phíaTrung Quốc thì họ phải cân nhắc, vậy đây có thể là đặc cách thưởng công Vua đã đánh dẹp Nam Chiếu: “Thuận Thiên năm thứ 7 [1016], nhà Tống phong vua chức Nam Bình Vương”. Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 2.

Sử nước ta chép năm 1018, nhà Vua sai Sứ sang Trung Quốc thỉnh kinh Tam Tạng (1): “Thuận Thiên năm thứ 9 [1018], Mùa hạ, tháng 6, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam Tạng”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Phối kiểm với sử Trung Quốc thấy sự việc chép vào năm sau [1019], do phải cộng thêm thời gian di chuyển: Trường Biên, quyển 94. Năm Thiên Hy thứ 3[1019]         

Ngày mồng một Ất Dậu tháng 8 [2/9/1019], Lý Công Uẩn đất Giao Châu sai em là Hạc đến cống sản vật địa phương”.

(八月乙酉朔,交州李公蘊遣其弟鶴來貢方物。)

Hai năm sau [1021], lại có một phái đoàn khác sang Trung Quốc cống sản vật địa phương:

Thuận Thiên năm thứ 12 [1021], Sai bọn Viên ngoại lang Nguyễn Khoan Thái và Nguyễn Thủ Cương sang nhà Tống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Cũng phải tính thêm nhu cầu đi lại, sử Trung Quốc chép vào năm sau [1022]: Trường Biên, quyển 98. Năm Càn Hưng thứ nhất [1022]

Ngày Bính Dần tháng 4 [30/5/1022], Lý Công Uẩn đất Giao Châu sai Sứ đến cống sản vật địa phương”.

(丙寅,交州李公蘊遣使來貢方物。)

Cuối thời vua Lý Thái Tổ, vào năm 1026 cử phái bộ do Lý Trưng Hiến, Lê Tái Nghiêm cầm đầu sang triều Tống giao hảo: “Thuận Thiên năm thứ 17 [1026], Mùa thu, tháng 8, sai Lý Trưng Hiển và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống kết hảo”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Về việc giao thiệp tại phương nam, như thường lệ nước Chiêm Thành sai sứ cống sư tử: “Năm Thuận Thiên thứ 2 [1011]; Nước Chiêm Thành dâng sư tử”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Việc đột xuất xảy ra là nước Chân Lạp bắt đầu đến cống nước ta, và rất chăm việc triều cống, trong 18 năm dưới thời vua Lý Thái Tổ đến cống 5 lần: “Năm Thuận Thiên thứ 3 [1012]; tháng chạp nước Chân Lạp đến cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Năm Thuận Thiên thứ 5 [1014]. Nước Chân Lạp sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Thuận Thiên năm thứ 11 [1020]. Mùa hạ, tháng 4, nước Chân Lạp đến cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Thuận Thiên năm thứ 16 [1025]. Mùa xuân, tháng 2, nước Chân Lạp sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

“Thuận Thiên năm thứ 17 [1026], Mùa đông, tháng 11, nước Chân Lạp sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Vua Lý Thái Tổ chú ý việc an dân, nhà Vua hiểu rõ dưới thời Lê Long Đỉnh dân chúng không được sống yên, lưu lạc tha phương; nên lúc mới lên ngôi bèn xuống chiếu khuyến khích dân trở về quê cũ làm ăn:

Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; xuống chiếu truyền cho những kẻ trốn tránh phải về quê cũ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Lại cấp thuốc men, lương thực, quần áo cho người thiểu số bị bắt; cùng tha những người dân vùng Nam Giới [Hà Tĩnh] từng chống đối, cho trở về quê:

Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]. Cấp áo quần, lương thực, thuốc men cho 28 người lính man bị Ngọa Triều bắt, sai người đưa về quê cũ. Tha cho người ở vùng Nam Giới, huyện Thạch Hà thuộc châu Hoan được trở về bản huyện”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Đối với tù binh Chiêm Thành nhà Vua cũng tỏ lượng khoan hồng, cho lập trại Định Phiên tại phía nam Nghệ An để dễ bề sinh sống và tiện việc quản lý:

Thuận Thiên năm thứ 16 [1025], xuống chiếu lập trại Định Phiên ở địa giới phía nam châu Hoan, cho quân giáp Lý Thai Giai làm chủ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Vua Lý Thái Tổ tỏ ra là nhà cai trị khéo, dùng phép trị nước giống như bà nội trợ điều hòa nồi canh “điều canh nhi trị”; nên lúc xây xong cung Thúy Hoa, xá giảm thuế khóa cho dân 3 năm, những người mồ côi, góa bụa, ốm đau từ lâu thiếu thuế đều được tha:

Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010. Mùa đông, tháng 12, cung Thúy Hoa làm xong; lễ khánh thành, đại xá các thuế khóa cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cho cả”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Những năm được mùa, đều là dịp tốt để nhà Vua biểu lộ lòng nhân từ tha thuế cho dân: “Thuận Thiên năm thứ 7 [1016], Năm ấy được mùa to, 30 bó lúa giá 70 tiền. Cho thiên hạ 3 năm không phải nộp tô thuế”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Thuận Thiên năm thứ 9 [1018], xá một nửa tô ruộng cho thiên hạ”. Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.

Thực hiện được những công việc xã hội nêu trên, cần một nền kinh tế tốt, vững, lành mạnh; là nước nông nghiệp với thành tích “30 bó lúa giá 70 tiền”, có thể đánh giá cao về nền kinh tế lúc bấy giờ.

Về phương diện cai trị, sau khi lên ngôi nhà Vua chia lãnh thổ thành 24 lộ, riêng vùng đất mới tại 2 châu Hoan [Nghệ An], Ái [Thanh Hóa] thì thiết lập trại:

Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; Đổi 10 đạo làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Qui định chế độ thuế khoa một cách minh bạch, với 6 loại thuế trưng thu với mức độ khác nhau:

Năm Thuận Thiên thứ 4 [1013]]. Mùa xuân, tháng 2, định các lệ thuế trong nước:

 1 – Ao hồ ruộng đất,

 2 – Tiền và thóc về bãi dâu,

 3 – Sản vật ở núi nguồn các phiên trấn,

4 – Các quan ải xét hỏi về mắm muối,

5 – Sừng tê, ngà voi, hương liệu của người Man Lão,

6 – Các thứ gỗ và hoa quả ở đầu nguồn”. Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.

Quân đội xếp cấp bậc, thấp nhất là giáp, mỗi giáp 15 người, do 1 Quản giáp chỉ huy:

“Thuận Thiên năm thứ 16 [1025]; mùa thu, tháng 8, định binh làm giáp, mỗi giáp 15 người, dùng một người quản giáp”.

Nhà Vua sinh ra và lớn lên tại huyện Đông Ngàn, Bắc Ninh, vùng đất nổi tiếng về hát Quan Họ, nên nghệ thuật trình diễn ca hát được lưu ý; bấy giờ có cô ca sĩ họ Đào nổi tiếng, nên thói quen từ đó con hát được gọi là Đào Nương:

Khi ấy có con hát là Đào thị, giỏi nghề hát, thường được ban thưởng. Người thời bấy giờ hâm mộ tiếng hát của Đào thị, phàm các con hát đều gọi là Đào nương”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Có lẽ vì thuở bé vua sống ở trong chùa, nên Phật Giáo được ưu đãi; lúc mới lên ngôi, vua cho xây trong phủ Thiên Đức quê nhà đến 8 ngôi chùa:

Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]. Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả 8 sở, đều dựng bia ghi công”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Ra lệnh trong nước, nơi nào có chùa quán đổ nát, đều trùng tu lại: “Lại hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đã đổ nát đều phải sửa chữa lại”. Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.

Khuyến khích giúp đỡ dân xuất gia, lấy tiền kho ra đúc chuông: “Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; Năm ấy độ dân làm sư. Phát bạc ở kho 1.680 lạng để đúc chuông lớn, treo ở chùa Đại Giáo”. Toàn Thư, Bản Kỷ. quyển 2.

Mấy năm sau, lại cho xây chùa Chân Giáo ngay trong kinh thành Thăng Long: “Năm Thuận Thiên thứ 15 [1024]; mùa thu, tháng 9, làm chùa Chân Giáo ở trong thành để vua tiện ngự xem tụng kinh”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Về việc lạm dụng xây chùa, đúc chuông; Sử thần Lê Văn Hưu có nhận xét như sau:

Lê Văn Hưu nói: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét màu mỡ của dân ư? Vét màu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Tuy có tỳ vết như vậy, nhưng khi nhận xét tổng quát Lê Văn Hưu vẫn đánh giá cao vua Lý Thái Tổ, với lời bình như sau:

Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên noi theo họ Lý”. Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.

_____

Chú thích:

  1. Tam Tạng: ba bộ, gồm Kinh, Luật, Luận.
Bình Luận từ Facebook