Tin Biển Đông
RFI đặt câu hỏi về tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông: Bước ngoặt của Trung Quốc? Trên trang Diplomat, chuyên gia Ankit Panda nhận định, cuộc thử nghiệm tên lửa mà Trung Quốc vừa tiến hành, có nhiều khả năng đã được thực hiện từ đất liền: “Nếu căn cứ vào các tọa độ của khu vực cấm qua lại gần quần đảo Trường Sa được Trung Quốc loan báo cho cuộc tập trận mới đây”, thì Trung Quốc có thể đã bắn thử tên lửa DF-21D từ đảo Hải Nam hoặc lục địa Trung Quốc đến mục tiêu tập trận trên Biển Đông.
Yếu tố mới trong cuộc thử nghiệm lần này “là mục tiêu nhắm bắn. Cho đến nay, loại tên lửa DF-21D chỉ mới được thử nghiệm trên các mục tiêu cố định trên bộ, điều mà Bắc Kinh đã tiến hành trên vùng sa mạc Gobi ở Nội Mông”.
Mỹ – Philippines phản ứng “hành vi dọa nạt” của Trung Quốc, theo báo Người Lao Động. Lầu Năm Góc đã chính thức lên tiếng vụ Trung Quốc thử tên lửa chống hạm ở Biển Đông. Ông Dave Eastburn, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói: “Đây rõ ràng là một hành động dọa nạt những quốc gia khác tuyên bố chủ quyền trên biển Đông… Hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết của họ về việc xúc tiến hòa bình trong khu vực”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuyên bố sẽ điều tra vụ thử nghiệm này.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Chìm tàu cá trên biển Bình Thuận, 5 thuyền viên mất tích. Đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Ná, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận, cho biết, vụ việc xảy ra vào lúc 19 giờ ngày 2/7/2019, tàu cá NT 90167-TS, với 10 thuyền viên đã bị sóng biển đánh chìm trong lúc đang hành nghề tại vùng biển Hòn Cau. Một tàu cá khác đi ngang qua đã cứu được 5 trong số 10 ngư dân nói trên.
Vụ chìm tàu của ngư dân Ninh Thuận: Tìm thấy 4 thi thể ở biển Hòn Cau, theo VOV. Đến trưa ngày 3/7, nhóm thợ lặn đã tiếp cận được chiếc tàu chìm và phát hiện 4 thi thể tử vong dưới biển. “Công tác tìm kiếm nạn nhân còn lại đang được tiếp tục tiến hành với sự hỗ trợ của các tàu cá của cả hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận”.
Mời đọc thêm: Mỹ nói TQ thử tên lửa chống hạm ở Biển Đông (VNN). – Hoa Kỳ lên án Trung Quốc thử tên lửa ở Biển Đông (RFA). – Tàu cá Philippines bị đâm chìm ở Biển Đông: Kết quả điều tra của tuần duyên là ‘đầy đủ’ (VTC). – Tàu cá bị đâm chìm: Philippines muốn gì ở Trung Quốc? (PLTP). – Chìm tàu cá, 5 ngư dân mất tích trên vùng biển Cà Ná (TN). – Tìm thấy 4 thi thể trong cabin tàu bị chìm trên biển Bình Thuận (VNN).
Cập nhật tin LS Trần Vũ Hải bị khởi tố “tội trốn thuế”
Kể từ khi xảy ra vụ khám xét tư gia và văn phòng của LS Trần Vũ Hải trưa 2/7, ông Hải bị khởi tố về tội “giúp người khác trốn thuế”, các báo “lề đảng” tiếp tục có những bài công kích LS Hải, thông qua các vụ mâu thuẫn giữa ông Hải với an ninh hoặc chính quyền trước đây.
Infonet có bài: Trước khi bị khởi tố, luật sư Trần Vũ Hải từng bị điều tra về hành vi lừa đảo. Theo đó, vào cuối năm 2015, LS Hải bị Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội triệu tập để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bài báo nói rằng ông Hải bị tình nghi đã “nhận hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho nhiều người dân tại các địa phương như Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, nhận tiền của người dân nhưng không thực hiện việc tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, ông Hải phủ nhận và cho rằng mình không làm gì sai”.
Báo Tiền Phong đưa tin: Lô đất vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải mua có giá thấp hơn thị trường. Đó là khu đất do LS Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương nhận chuyển nhượng từ ông Ngô Văn Lắm hồi tháng 8/2016, với diện tích hơn 290m2 ở hẻm 78/40 đường Tuệ Tĩnh, TP Nha Trang.
Đây là lô đất nằm ngay khu trung tâm của TP Nha Trang, hợp đồng công chứng do Văn phòng Hoàng Huệ Phạm Tuấn thực hiện. Theo bài báo: “Giá chuyển nhượng lô đất này theo hồ sơ chỉ hơn 6 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thị thường năm 2016 dao động ở mức 30-40 triệu đồng/m2“.
LS Lê Văn Luân cho rằng, giao dịch dân sự là do thoả thuận giữa hai bên mua và bán, miễn là không trái luật. Ông Luân cho rằng, “việc các bên thoả thuận giá mua bán thấp hơn (rất nhiều) giá thị trường hay kể cả là thấp hơn mức giá nhà nước cũng ‘không trái luật’ vì việc tính thuế đã có công thức rõ ràng và cụ thể, và giá cả phụ thuộc vào tính chất thị trường, mà giá thị trường thì không được coi là một căn cứ duy nhất để định giá (cả trong tố tụng dân sự lẫn hình sự) mà chỉ là mức giá tham khảo cho việc ấn định các chính sách về đất đai hoặc đưa ra các phương án xử lý hài hoà về lợi ích trong sự vụ nào đó“.
LS Trần Vũ Hải quyết định nghỉ ngơi. Ông Hải viết: “Thể theo nguyện vọng của tôi và gia đình, tôi sẽ tạm nghỉ ngơi trong một thời gian. Tôi sẽ dành thời gian chủ yếu cho gia đình, đọc sách, và giải quyết những vướng mắc liên quan đến sự kiện ngày 02/07/2019 cùng gia đình của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn bảo đảm với các khách hàng và những người đã ủy nhiệm cho tôi rằng những công việc mà tôi đang phục vụ họ vẫn được tiếp tục bởi đội ngũ nhân viên và đồng nghiệp của tôi một cách tốt nhất. Khi cần tôi cũng sẽ là cố vấn cho các khách hàng và các nhân viên, đồng nghiệp để giải quyết những công việc đó“.
Mời đọc thêm: Vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải mua đất ở Nha Trang giá 6 triệu/m2 (Zing). – Bộ Công an thông tin vụ khởi tố vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải (GDVN). – Điều tra mở rộng vụ luật sư Trần Vũ Hải trốn thuế (PLTP). – LS Trần Vũ Hải bị khởi tố, có bị thu hồi thẻ hành nghề luật sư? (DV). – Từ vụ luật sư Trần Vũ Hải: Hiểu đúng về trốn thuế! (KT).
Cập nhật vụ ông chủ Alibaba vs công an
Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa triệu tập Chủ tịch Công ty Alibaba về phát ngôn trên mạng xã hội, VOV đưa tin. Vụ ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba nói rằng “học ngu”, “côn đồ” thì làm công an, chủ tịch xã, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã gửi giấy triệu tập ông này đến trụ sở công an làm việc vào ngày 4/7/2019.
Bài viết lưu ý: Giấy triệu tập “được gửi đích danh ông Luyện, vì vậy ông Luyện không thể ủy quyền cho ai khác, mà phải đích thân đến làm việc với cơ quan an ninh”. Trước đó, ông Thân Đăng Phong, Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên đã có đơn đề nghị Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử lý ông Luyện theo pháp luật.
Mời đọc thêm: Cơ quan an ninh triệu tập Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba đến làm việc (TN). – Vụ CEO địa ốc Alibaba miệt thị cán bộ: Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu gửi giấy triệu tập (ĐSPL). – Địa ốc Alibaba gây náo loạn: Chốt hạn xử lý cuối cùng (ĐV). – Bộ Công an vào cuộc điều tra liên quan đến các dự án “ma” của Alibaba (GT).
Vụ trưởng Công an Thanh Hóa lường gạt qua chạy án
Trước đó, báo Pháp Luật Plus đưa tin: VKSND Tối cao đang điều tra vụ nguyên Trưởng Công an TP Thanh Hóa nhận hối lộ. Thông tin này được xác nhận trong cuộc họp báo của UBND tỉnh Thanh Hóa, tổ chức ngày 1/7. Đại tá Đào Đức Minh, PGĐ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra của VKSND Tối cao. “Việc khởi tố bị can, khởi tố vì tội danh gì đối với ông Nguyễn Chí Phương, nguyên Trưởng công an TP Thanh Hóa ra sao, phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan này”.
Đại tá Nguyễn Chí Phương từng bị tố giác nhận 260 triệu đồng của một thuộc cấp để “chạy án”. Người này sau đó vẫn bị tước quân tịch, bị khởi tố về tội “trộm cắp tài sản” rồi lãnh án treo, nên đã công bố bằng chứng ghi âm, tố cáo ông Phương. Đầu năm 2019, Công an tỉnh Thanh Hóa công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc tước quân tịch đối với đại tá Phương.
Bị lộ sau khi nhận tiền chạy án cho cấp dưới nhưng không thực hiện, lại có tin ông Phương bị… bệnh tâm thần. Thế nhưng, Giám đốc BV Tâm thần Thanh Hóa bác thông tin nguyên Trưởng công an TP Thanh Hóa nhập viện tâm thần, theo báo Công Lý. Ông Trịnh Văn Anh khẳng định: “Qua kiểm tra, tại Bệnh viện Tâm thần hiện nay không có bệnh nhân nào là Nguyễn Chí Phương, nguyên Trưởng Công an TP Thanh Hóa”.
Mời đọc thêm: VKSND Tối cao điều tra vụ cựu đại tá công an nghi ‘chạy án’ (Zing). – Phó giám đốc Công an Thanh Hóa nói về việc chưa khởi tố cựu Trưởng Công an TP bị tố nhận tiền “chạy án” (ĐSPL). – Tố Trưởng CA TP.Thanh Hóa nhận tiền ‘chạy án’: Đang điều tra (ĐV). – Nguyên Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa nhận tiền bị xử lý như thế nào? (GT). – Thông tin mới nhất vụ cựu Trưởng Công an TP Thanh Hóa bị tố nhận tiền “chạy án” (PT).
Tin giáo dục
VKSND tỉnh Hà Giang hoàn tất cáo trạng truy tố nguyên PGĐ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang ‘lo lót’ cho con thi tốt nghiệp, báo Một Thế Giới đưa tin. Cụ thể, trong vụ gian lận điểm thi THPT 2018 ở tỉnh này, có 5 cựu quan chức bị truy tố gồm: Nguyễn Thanh Hoài, cựu trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng GD, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Vũ Trọng Lương, cấp phó của ông Hoài, Phạm Văn Khuông, Triệu Thị Chính, đều là cựu PGĐ sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và Lê Thị Dung, cựu cán bộ công an.
Theo cáo trạng, bị can Phạm Văn Khuông đã nhờ bị can Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con. Khi Hội đồng thi gửi phiếu dự thi cho các thí sinh, bị can Khuông lên phòng làm việc của Hoài và nhờ Hoài xem xét giúp đỡ cho con trai tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.
VTC đặt câu hỏi về vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Vì sao không thí sinh nào bị buộc thôi học? Trong vụ gian lận này, có 309 bài thi các môn của 107 thí sinh đã được các quan chức nâng sửa điểm, nhưng sau khi vụ việc bị phanh phui, “Bộ GD&ĐT chấm thẩm định trả lại kết quả chính xác cho các thí sinh trước khi xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc, nên không có thí sinh nào bị buộc thôi học”.
Mời đọc thêm: Các cựu cán bộ giáo dục Hà Giang đối diện án thấp nhất 6 tháng tù (TP). – Hé lộ quy trình nâng điểm thi THPT Quốc gia của loạt cựu cán bộ sở GD&ĐT Hà Giang (NĐT). – Vụ gian lận điểm ở Hà Giang: ‘Phải xem xét tất cả môn thi cho con anh’ (Zing). – Gian lận điểm thi Hà Giang: Bí ẩn chủ nhân những mẩu giấy trong hồ sơ vụ án (NLĐ). – Gian lận điểm Hà Giang: Nâng gần 30 điểm nhưng không vì tiền! (PLTP). – “Hành trình” nâng 13,3 điểm cho con trai nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang (DT). – Giảm dần vai trò của cơ quan chủ quản trường đại học (TN).
Gánh nặng BOT
Báo Tiền Phong dẫn lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định về các dự án BOT: ‘Có lời thì bỏ túi, thua lỗ lại trả Nhà nước là vô lý’. Ông Huệ nói: “Nhà nước, nhà đầu tư cũng phải minh bạch. Kịp thời làm việc với chủ đầu tư, không để tình trạng chủ đầu tư bỏ dự án, xã hội nói ‘anh có lời thì bỏ túi, thua lỗ thì trả Nhà nước là vô lý’. Vấn đề này liên quan đến trật tự, an ninh, an toàn, cố tình phá hoại phải xử lý nghiêm”.
Chẳng hạn như, trường hợp công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang, gần đây có công văn số 78 gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị được hỗ trợ công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT Quốc lộ 91.
Báo Người Lao Động bàn về gánh nặng BOT giao thông: Đừng giở trò lời ăn, lỗ… chạy làng! Bài viết chỉ ra, “khi các chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải bắt đầu phản đối những dự án BOT ở cầu Bến Thủy, Cai Lậy, Biên Hòa… thì các dự án BOT mới bắt đầu chững lại. Nếu ngay từ những năm 2011 mà đã xảy ra tình trạng phản đối như vừa qua, chắc hẳn các dự án kiểu trạm T1,T2 Cần Thơ sẽ không bao giờ ra đời, để rồi phải cầu cứu Thủ tướng”.
Bộ GTVT ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư BOT trên danh nghĩa “thay mặt người dân” nhưng “lại không công bố nội dung các hợp đồng này, không tham khảo trực tiếp người sử dụng, đẩy tình trạng độc quyền về thu phí cho người dân tự gánh chịu”.
Mời đọc thêm: Doanh nghiệp BOT có nguy cơ phá sản: Bộ Xây dựng “quyết” không lấy tiền ngân sách để cứu trợ (Sputnik). – Bộ Xây dựng đề nghị không dùng ngân sách cứu dự án BOT (VNF). – Đề xuất hai phương án xử lý trạm BOT T2 (NLĐ). – Trạm BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ: Di dời hay giữ nguyên vị trí? (VOV). – Tạm thời miễn phí cho người dân gần trạm BOT Hòa Lạc (PT). – Các trạm BOT thu được hơn 1.000 tỉ đồng/tháng (TN).
***
Thêm một số tin: Bị nhóm bịt mặt đuổi đánh, phóng viên phải chạy vào nhà dân lánh nạn (DV). – Việt Nam giảm nhẹ loan báo đánh thuế của Mỹ lên thép xuất khẩu (VOA). – Oan sai 40 năm ở Tây Ninh: Nạn nhân chỉ được bồi thường gần 850 triệu đồng? (TN). – 12 người bị truy tố tội buôn thuốc giả thay vì tội buôn lậu trong vụ VN Pharma (RFA).