Lâm tặc hoành hành, cát tặc lộng hành, giang hồ tung hoành

BTV Tiếng Dân

22-6-2019

Từ lâm tặc hoành hành…

Nạn phá rừng ở Việt Nam đã và đang diễn ra trong nhiều năm qua và dường như các nhà chức trách từ trung ương đến địa phương bất lực, không có khả năng ngăn chặn. Hàng trăm ngàn hecta rừng nguyên sinh ở các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, các vườn quốc gia… bị tàn phá, biến Việt Nam trở thành một nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, sau Nigeria.

Những hệ lụy của việc phá rừng vô cùng nguy hiểm, đã và đang gây ra nạn lũ lụt, sạt lỡ, giết chết nhiều người trong những năm gần đây. Thế nhưng, những người có trách nhiệm không có hành động cụ thể để ngăn chặn triệt để. Một số quan chức địa phương đã và đang cấu kết với lực lượng kiểm lâm, tiếp tay cho lâm tặc tàn phá và chia chác rừng.

Dù rừng là lá phổi xanh của Trái Đất nhưng điều đó cũng không ngăn cản được con người chặt phá để kiếm lợi. Nguồn: VNE

Trang Bảo Vệ Pháp Luật đặt câu hỏi: Ai đang cùng lâm tặc phá rừng Đắk Nông? Tình hình lâm tặc tàn phá rừng ở Đắk Nông, mà bài báo mô tả: “Khó có thể diễn tả nổi sự tan hoang tại bãi chặt phá ấy, cây nhỏ thì bị phát để mở đường, bị cây to ngã xuống đè gãy, cây lớn thì ngổn ngang còn mỗi bìa vỏ bị xé bỏ lại. Sang một bãi khác gần đó thì than ôi, nhìn như một khoảnh rẫy lớn của người đồng bào”.

Bài viết không trả lời trực tiếp ai thật sự là lâm tặc ở đây, nhưng cung cấp thông tin gián tiếp: khu vực bị cho là lâm tặc đang chặt phá, các phóng viên đã gặp ba người mặc quần áo Kiểm lâm đi ra ngược chiều. Các phóng viên tiếp tục đi ngang qua chỗ lâm tặc, giả vờ như những người đi rừng bình thường, nên lâm tặc không chút quan tâm, bởi kiểm lâm vừa ở đây đi ra, lâm tặc đã được bảo kê, nên họ ngán ai?

Trang Gia Đình và Xã Hội có bài: Nhà báo Hùng Võ và hành trình “lật mặt” tội ác dưới tán rừng xanh. Nhà báo Võ Mạnh Hùng cho biết, khi tìm hiểu về thực trạng lâm tặc hoành hành ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam, có một “đồng chí” đã hứa cung cấp tin và dẫn đường đến khu vực rừng bị phá, nhưng khi gặp trực tiếp thì người này nói: “Tôi xin lỗi, tôi không cung cấp được gì hơn vì nếu lộ ra, sẽ bị trả thù”.

Trong bài có đoạn: “Nguyên nhân của những ‘tiếng khóc’ từ đại ngàn, ngoài những đối tượng lâm tặc thì không ai khác, chính một số người ăn lương nhà nước được giao trọng trách, bảo vệ rừng đã không làm tròn trách nhiệm”.

… đến cát tặc lộng hành

Không chỉ bị lâm tặc hoành hành, người dân còn bị bọn cát tặc lộng hành. Cát tặc được các quan chức địa phương bảo kê, ngày đêm khai thác, làm thay đổi môi trường sống, gây sạt lở ở các khu dân cư, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân. Khi bị dân phát hiện, xua đuổi, chúng chẳng sợ, mà còn đuổi đánh và chém dân.

Báo Đấu Thầu có bài viết bàn về tình hình chống “cát tặc”: Không thể mãi xử lý phần ngọn. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận, tình trạng khai thác cát lậu ở sông ngòi xung quanh TP HCM “đang ở mức báo động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh khu vực…, nhất là tại vùng biển Cần Giờ. Nguyên nhân là khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp”.

Chuyện chống “cát tặc” vẫn đang ở “phần ngọn”, vì “hầu hết các công trình xây dựng, kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công trình công ích quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh quốc gia đều sử dụng nguồn cát khai thác trái phép”. Đại diện Công an TP HCM đã xác nhận thông tin này.

Báo Thanh Niên có bài: Hiểm nguy từ thủy điện thượng nguồn và cát tặc. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cảnh báo, hiện tượng khai thác cát trái phép trên các sông ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp: “Phù sa bùn cát sụt giảm gây xói lở, biến động lòng bờ, sụt lún, giảm bồi đắp; hệ sinh thái bị đe dọa do mất các loài di cư, suy thoái giống loài; cản trở giao thông thủy”.

Giang hồ tung hoành

Vụ các lãnh đạo Đội cảnh sát 113 bị giang hồ bao vây ngày 12/6, báo Tuổi Trẻ có bài: Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nói về vụ giang hồ vây xe chở công an. Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, bình luận vụ giang hồ chặn xe công an hơn 2 tiếng đồng hồ, gây tắc nghẽn giao thông, rồi công an mới xuất hiện, như sau:

“Công an được điều động đến xử lý như vậy là chậm, để kéo dài, không có biện pháp trấn áp. Hiện vụ việc đã khởi tố, bắt giam một số người. Nhưng tôi vẫn yêu cầu làm rõ có hay không chuyện cán bộ ăn nhậu mâu thuẫn và công an có đánh người không”.

Một độc giả ở tỉnh Đồng Nai phân tích: “Thứ nhất, nhóm công an phải làm gì đó mới bị chặn xe lại như vậy. Thứ hai, nếu không có gì thì tại sao mấy tiếng đồng hồ sau mới thuyết phục được nhóm đó để đưa công an thoát khỏi vòng vây”.

Chắc chắn là phải “có gì” rồi, nên công an tỉnh Đồng Nai đã tạm đình chỉ 2 cán bộ công an bị giang hồ bao vây trên xe, Infonet đưa tin. Trung tá Đinh Tú Anh, đội trưởng Đội cảnh sát trật tự và Trung tá Nguyễn Quang Trường, Đội phó Đội cảnh sát 113, bị công an tỉnh Đồng Nai tạm đình chỉ công tác để xác minh, làm rõ nội dung vi phạm trong vụ vây xe nói trên.

Bài viết thống kê, tính đến ngày 21/6/2019, công an đã bắt giữ, tạm giam 4 đối tượng, gồm: Ngô Đình Giang (tức Giang “36”), là người đã điều động nhóm giang hồ đến chặn xe ô tô của nhóm cán bộ công an đi ăn nhậu rồi gây sự trong giờ hành chính, Nguyễn Duy Kỷ, Mai Văn Căn và Nguyễn Tấn Lương.

Vụ giang hồ vây xe chở công an ở Đồng Nai: Người bị phang ghế vào mặt lên tiếng, theo báo Người Lao Động. Ông Lê Vũ Trường Hải, là người bị nhóm cán bộ công an hành hung, kể: Cách đây khoảng 3 tháng, ông Hải vô tình quen biết ông Nguyễn Tấn Lương. Đến ngày 12/6, ông Hải xuống Đồng Nai làm việc và được ông Lương mời tới quán Lam Viên ăn cơm.

Những gì ông Hải kể sau đó thì khá trùng khớp với thông tin do nhà báo Hữu Danh cung cấp trước đó: Ông Lương đã bị một người trong nhóm cán bộ nôn vào người, nên gây sự với người này. Sau đó nhóm cán bộ xông vào hành hung ông Lương, “ông Hải đứng dậy can ngăn thì bị người còn lại dùng tay đấm vào mặt khiến ông choáng váng”.

VOV dẫn lời  Thượng tá Nguyễn Văn Đức, cựu cán bộ An ninh kinh tế, công an TP Hà Nội bình luận vụ giang hồ vây xe chở công an: Xem lại việc cán bộ ăn nhậu xảy ra xô xát. Ông Đức nói: “Việc ăn nhậu xong xảy ra xô xát cũng cần phải xem lại… Nhất là khi anh làm trong lực lượng bảo vệ pháp luật. Đối với các cán bộ công an, mỗi khi xử lý việc gì đều phải tuân theo điều lệnh”.

Lâm tặc hoành hành, cát tặc lộng hành, giang hồ tung hoành… có lẽ là bức tranh thu nhỏ về đời sống của người dân trên mảnh đất hình chữ S này.

_____

Mời đọc thêm: Gia Lai: Cận cảnh cánh rừng Kbang bị tàn phá “ngổn ngang”! (DT). – Khởi tố, tạm giam đối tượng khai thác gỗ trái phép ở Gia Lai (VOV). – Tác nghiệp ở vùng cao (TN&MT). – Xét xử vụ phá rừng pơmu ở Nghệ An (LĐNA). – Xét xử vụ án phá rừng tại Tương Dương: 4 bị cáo nhận án treo (NNVN).

‘Phải xử lý hình sự vài vụ cát tặc để răn đe’ (TT). – Cát tặc vẫn âm ỉ trên sông Đồng Nai (SGGP). – Lênh đênh sóng nước đối mặt với cát tặcHà Nội: “Cát tặc” đục khoét sông Hồng mùa mưa lũ (PLXH). – Thừa Thiên Huế: “Trận địa” cọc tre chống “cát tặc” đã tháo dỡ (TN&MT). – Người dân Huế tháo dỡ cọc tre ngăn ‘cát tặc’ trên sông Bồ (VNE).

Hai trung tá công an vụ giang hồ vây ôtô bị đình chỉ công tác (VNE). – Tạm đình chỉ 2 trung tá vụ giang hồ vây xe công an ở Đồng Nai (VNN). –  Giang hồ vây công an: Làm rõ chuyện ăn nhậu, đánh ngườiVụ giang hồ vây công an: Thu giữ loạt tài liệu (ĐV). – Khám xét nhà, công ty của chủ doanh nghiệp gọi giang hồ vây xe chở công an (ANTT). – Lai lịch nhóm giang hồ táo tợn “rượt” xe cán bộ công an ở Đồng Nai (PL Plus). – Vụ giang hồ vây xe công an ở Đồng Nai: Người bị đánh phải khâu 13 mũi nói gì? (ĐSVN).

Bình Luận từ Facebook