4-6-2019
PV: Chúng ta hãy trở lại cuộc nói chuyện bằng một chút thời sự. Hôm nay là ngày kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn. Anh có nghĩ một sự kiện Thiên An Môn lần thứ hai sẽ tái diễn ở Trung Quốc trong tương lai hay không?
BLV: Rất có thể. Và đó cũng nằm trong những gì tôi đã dự báo từ đầu rằng chúng ta có thể sẽ chứng kiến những biến cố chính trị chưa từng xảy ra ở thế kỷ 21 này trong vài năm tới. Khả năng này đặc biệt cao với sự chuyển biến thái độ của Tập Cận Bình trong cơn vùng vẫy của Trung Quốc nhằm lột xác nền kinh tế.
Về cơ bản, những gì Tập Cận Bình thể hiện trong vài tuần qua đã củng cố một xu hướng nguy hiểm là ông ta cùng ban lãnh đạo Trung Quốc đang quay về với chủ nghĩa nguyên giáo (fundamentalism) của cộng sản. Anh có thể thấy nó từ chiến dịch “về nguồn” hay là “trung thành với sứ mệnh ban đầu của đảng” mà Trung Quốc vừa phát động từ đầu tháng 6. Nó được quyết định tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 13.5 mà tôi đã nói ở phần trước.
Khi trở về với những tín niệm nguyên giáo thì bạo lực cách mạng sẽ là lựa chọn hàng đầu mỗi khi sự thống trị của đảng Cộng sản bị đe dọa. Tập Cận Bình tin rằng để duy trì sự cai trị ổn định của đảng, họ phải tăng cường kiểm soát internet, cấm bản tự do ngôn luận cũng như sự trung thành tuyệt đối của quân đội. Tập không dung thứ cho bất kỳ tiếng nói đối lập nào và ông ta sẵn sàng biến Tân Cương trở thành một nhà tù khổng lồ.
Nếu một cuộc biểu tình như Thiên An Môn nổ ra giữa lúc Trung Quốc đang trong cuộc đối đầu với Mỹ về mọi phương diện thì Tập Cận Bình sẽ không ngần ngại trở thành Đặng Tiểu Bình thứ hai. Chẳng phải cho đến nay, họ vẫn khăng khăng vụ thảm sát là một quyết định đúng đắn hay sao? Và Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng cũng mới xác quyết điều này ở Đối thoại Shangri-la.
– Nghe có vẻ giống Mao hơn. Nhưng chẳng phải anh từng nói Tập là một nhà cải cách sao?
– Ông ta từng cố thực hiện cải cách nhưng cuộc cải cách của ông ta đầy rẫy mâu thuẫn. Về cơ bản ông ta phải chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc nhưng phải bảo đảm sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc không bị đe dọa.
Tất cả những gì Tập cố làm tăng cường sự kiểm soát của đảng trước khi cải cách đe dọa sự cai trị của đảng.
Thế nên anh chứng kiến những mâu thuẫn như một mặt thúc đẩy phân bổ nguồn lực theo thị trường, mặt khác giới thiệu chương trình Made in China 2025 với những trợ cấp công nghiệp lớn. Hoặc một mặt đề xuất cải cách theo hướng thị trường hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhưng mặt khác lại tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước và cả tư nhân; một mặt tăng cường kiểm soát xã hội nhằm duy trì sự ổn định, mặt khác khiến cho tầng lớp trung lưu lo lắng về những rủi ro bất ổn và họ đang cố chuyển dịch tài sản ra khỏi nước…
Đứng trước những mâu thuẫn đó, Tập đã đi quá giới hạn những đồng thuận ban đầu mà các nguyên lão đã thiết kế trước đó. Và đến một lúc nào đó, xung quanh Tập trở nên có quá nhiều kẻ thù. Tập chưa thúc đẩy được cải cách, không quản lý được quan hệ với Mỹ, và bị tố cáo quay trở lại với sự sùng bái cá nhân.
Anh hẳn nghe những tin đồn về một âm mưu chính biến nào đó vào giữa tháng 8 năm ngoái.
– Hội nghị Bắc Đới Hà?
– Khi những bức hình của Tập được tháo xuống. Tập vắng bóng trên Nhân Dân nhật báo trong một thời gian dài. Mọi chuyện có lẽ không kịch tính như những tin đồn nhưng đã có một sự phản đối nào đó từ các nguyên lão. Về cơ bản họ nói mọi chuyện không thể tiếp tục xu hướng như thế này.
– Tập vượt qua được vụ này nhưng ông đã nhận được sự cảnh cáo. Hãy nhớ, nhiệm vụ của anh là thúc đẩy các cải cách kinh tế và chúng tôi chấp nhận sự tập trung quyền lực dành cho anh là để thực hiện nhiệm vụ này. Không phải để anh làm mấy thứ nhố nhăng khiến người dân và cả thế giới bên ngoài cho rằng chúng ta đang trở lại với Cách mạng Văn hóa. Trước tiên hãy quản lý quan hệ với Mỹ đang lâm vào khủng hoảng. OK?
– Donald Trump đóng vai trò thế nào trong chuyện này?
– 300 chính sách cải cách mà họ thông qua từ Hội nghị trung ương 3 năm 2013 và những đòi hỏi của Mỹ có điểm tương đồng. Vì thế, đối với những gì cũng là mục tiêu Trung Quốc vạch ra trước đó thì họ sẵn sàng thuận theo những đòi hỏi của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn nói họ cần thời gian. Nhưng Trump rõ ràng không phải là mẫu người kiên nhẫn. Các anh cần bao nhiêu thời gian? 5 năm, 10 năm. Thôi chấm dứt trò đùa đó đi! Đã 30 năm trôi quan kể từ Thiên An Môn, gần 20 năm kể từ khi các anh gia nhập WTO. Trump về cơ bản cho họ 3 đến 6 tháng.
– Vậy có phải Trump đẩy Tập vào tuyệt lộ?
Không hẳn thế. Vì chúng ta không biết cuộc cải cách đầy rẫy mâu thuẫn sẽ dẫn đến đâu. Tập Cận Bình đang loay hoay với cuộc cải cách của mình, trong khi Trump đóng vai trò chất xúc tác khiến quá trình này xảy ra nhanh hơn. Rốt cuộc Tập đã chọn con đường đối đầu, trước nguy cơ quá lớn cho sinh mạng chính trị của ông cũng như trước mối đe dọa với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là những gì xảy ra vào cuối tháng 4.
– Những người như Lưu Hạc đóng vai trò thế nào?
– Lưu Hạc là một trong những người dẫn đầu của nhóm cải cách. Ông ta thực sự là một nhà cải cách mà các đồng nghiệp ở phương Tây đánh giá rất cao. Hãy nhớ ở nhiệm kỳ đầu của Tập Cận Bình, Lưu Hạc chỉ là ủy viên trung ương nhưng có khi lại lấn lướt cả Thủ tướng Lý Khắc Cường. Bởi khi đó cải cách là ưu tiên. Mọi chuyện trở nên phức tạp sau khi Trump xuất hiện ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ một.
Đã có một cuộc đấu tranh dữ dội giữa những người chủ trương cải cách với cánh bảo thủ, và các nhóm lợi ích.
Anh có nhớ bài báo của South China Morning Post cách đây ít ngày về cuộc gặp riêng của Lưu Hạc với Steven Mnuchin và Robert Lighthizer ở Bắc Kinh? Không khí đàm phán thay đổi hẳn sau cuộc gặp riêng giữa ba người, với sự hiện diện của một thông dịch viên của Lưu vào ngày 30.4.
Về cơ bản Lưu đã đề nghị được gặp riêng với Mnuchin và Lighthizer, và thông báo với họ rằng phái cải cách của ông ta đã thất bại hoàn toàn. Họ không thể tiến tới một thỏa thuận như đòi hòi của Mỹ. Sắc mặc của ba người sau khi rời khỏi phòng họp cực kỳ u ám, vì ngay lúc đó họ đã biết Trung Quốc và Mỹ không thể tránh khỏi một cuộc đối đầu, hay thậm chí là một cuộc chiến tranh Lạnh.
Một vài tin đồn cho biết quyết định được đưa ra trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trước đó. Sau khi Lưu cùng nhóm đàm phán trình bày kết quả đàm phán và bản dự thảo thỏa thuận, Phó thủ tướng Hàn Chính, cựu Bí thư thành ủy Thượng Hải, đã đứng dậy phản đối hoàn toàn thỏa thuận với Mỹ. Và Tập Cận Bình đã tiếp thu sự phản đối. Đó là khoảnh khắc quyết định.
(Còn tiếp)
Ngu thì chết chứ có bệnh tật gì đâu.