Cái chết có thể rất đẹp

 

S. Alexievich

Nguồn ảnh: paranormal.news

Lúc đầu, câu hỏi được đặt ra là: Ai là người phải chịu trách nhiệm? Nhưng dần dà khi thời gian trôi qua, khi biết thêm được đôi điều, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ khác đi. Chúng ta nên làm gì đây? Làm thế nào để có thể tự cứu lấy chính mình? Sau khi nhận ra rằng những hệ quả nghiêm trọng không chỉ kéo dài một năm, hay hai năm, mà có thể là hàng nhiều thế hệ tiếp nối, chúng tôi ngoảnh nhìn lại phía sau, lần giở từng trang sự kiện.

Nó xẩy ra vào tối khuya thứ Sáu. Buổi sáng hôm đó, không ai thấy có gì khác thường. Con tôi đã đi học, chồng tôi đến hiệu cắt tóc. Tôi đang sửa soạn bữa cơm trưa thì anh ấy bước vào nhà, nói : “Ở khu vực nhà máy hạt nhân có một vụ hỏa hoạn. Họ bảo mình không nên tắt máy phát thanh.”. Tôi quên nói với bà chúng tôi ở Pripyat, kế cận khu vực nhà máy hạt nhân. Tôi vẫn còn có thể thấy những tia lửa màu đỏ sẫm sáng rực, như thể cả lò phản ứng đang rực sáng giữa bầu trời đêm. Vì thế, không thể bảo đây là một vụ cháy bình thường. Nó sáng lấp lánh và đẹp kỳ lạ. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một chùm lửa đẹp đến như vậy, dù là trong phim ảnh. Buổi chiều hôm đó, mọi người đều đổ ra ban công. Nhà ai không có ban công thì họ đến nhà bạn. Nhà chúng tôi ở trên lầu 9, nơi có một vị trí quan sát rất rõ ràng. Người ta dẫn trẻ con ra xem, chỉ đám lửa, bảo chúng: “Các con hãy nhìn và nhớ lấy nhé!”. Đó là những người làm việc tại nhà máy hạt nhân – những kỹ sư, công nhân, giảng viên vật lý. Trong đám bụi đen, họ trò chuyện, hít thở, băn khoăn về những gì đang xẩy ra. Dân chúng ở những vùng kế cận cũng túa đến, bằng xe hơi, bằng xe đạp. Lúc ấy, chúng tôi không biết rằng cái chết cũng có một vẻ đẹp quyến rũ đến như thế. Tôi không thể nói trong không khí lúc ấy không có một mùi gì khác lạ. Chẳng phải mùi mùa xuân hay mùi mùa thu, nhưng chắc chắn không phải mùi từ đất. Đó là một mùi gì đó – nếu nó thực sự hiện hữu – Chỉ thấy cảm giác ngứa ngáy ở cổ họng và nước mắt sống cứ chảy ròng ròng.

Đêm đó tôi không ngủ. Trên tầng lầu trên tiếng người cũng lục đục cả đêm. Không ai ngủ được cả. Hình như họ di chuyển vật gì đó, bỏ ra bỏ vào, giống như đang thu xếp hành trang cho một chuyến đi xa. Tôi uống mấy viên thuốc Citramon mong hạ cơn nhức đầu như búa bổ. Vào buổi sáng, khi thức giấc, tôi nhìn quanh và ghi nhớ cảm giác của mình. Lúc này đây, cảm giác của tôi nhận ra có một điều gì đó bất thường đang xẩy ra và nó sẽ thay đổi thế giới sống của tôi mãi mãi. Quãng 8 giờ sáng, đã thấy bóng dáng các quân nhân đeo mặt nạ dưỡng khí đi lại trên đường phố. Hình ảnh những người lính đi trên phố cùng với các trang thiết bị quân sự của họ không làm chúng tôi sợ hãi. Trái lại, chúng tôi cảm thấy an lòng. Quân đội đã đến để trợ giúp, chúng tôi không có gì để lo lắng nữa. Lúc ấy chúng tôi nào biết rằng những hạt bụi nguyên tử trông có vẻ hiền từ lại có thể giết người dễ dàng, khiến con người trở nên bất lực trước sự hoành hành của các định luật vật lý.

Suốt cả ngày hôm đó đài phát thanh nhắc đi nhắc lại rằng mọi người hãy sẵn sàng cho một cuộc di tản: toàn bộ dân chúng sẽ được cho đi ra khỏi khu vực trong 3 ngày để chính quyền dọn dẹp, tẩy rửa đường phố, nhà cửa. Học trò được dặn dò mang theo sách vở học của mình. Chồng tôi bỏ vào túi xách của mình các thứ giấy tờ cần thiết và hình ảnh đám cưới của chúng tôi. Còn tôi, chỉ lấy theo chiếc khăn choàng mỏng manh phòng khi thời tiết trở lạnh.

Ngay từ giây phút ấy, tôi đã có cảm giác mình là một thành phần riêng biệt, một loại người có tên đặc thù là Chernobyl. Xe tải chở chúng tôi ngừng lại ở một ngôi làng qua đêm. Người ta xuống xe tìm chỗ ngủ, trên sàn phòng các lớp học, các văn phòng hội quán. Vì chẳng còn nơi nào khác để đến. Một phụ nữ ra mời chúng tôi vào ngủ ở nhà chị. Chị nói: “Đến nhà tôi đi. Tôi đã chuẩn bị sẵn mấy tấm trải. Tội nghiệp cho lũ trẻ quá!”. Đột nhiên, có người bước lại kéo chị ra một bên và bảo: “Chị có điên không? Họ đã bị nhiễm xạ nguyên tử!”. Sau này, chúng tôi định cư ở Mogilev, và con tôi đi học ở đó. Ngay hôm đầu tiên, nó về nhà, nước mắt đoanh tròng. Người ta sắp cho nó ngồi cạnh một bé gái. Nhưng cô gái này lại không chịu cho con tôi ngồi gần với lý do con tôi đã bị nhiễm độc phóng xạ. Trong lớp 4 này thì con tôi là đứa học trò duy nhất đến từ Chernobyl. Đứa nào cũng xa lánh, sợ hãi thằng bé. Chúng gọi nó là thằng “Lấp lánh”. Thế là thời thơ ấu của con tôi đã mau chóng kết thúc.

Lúc chúng tôi ra khỏi Pripyat có một đoàn xe quân đội đi hướng ngược lại. Bóng dáng quân đội có ở khắp nơi, điều ấy làm tôi hoảng sợ. Dù vậy, tôi vẫn không thể rũ bỏ cái ý tưởng rằng mọi chuyện đang xẩy ra chẳng có gì liên quan đến mình, mà là cho một ai đó. Tôi khóc lóc, chạy đôn đáo tìm thức ăn, rồi về ngủ, lúc nào cũng ôm chặt lấy con dỗ dành nó, nhưng sâu thẳm bên trong, tôi vẫn mang cảm giác mình chỉ là kẻ đứng bên lề quan sát sự việc. Đến Kiev, chúng tôi được phát một ít tiền, nhưng cũng chẳng mua được gì. Hàng trăm ngàn người tị nạn bỏ nhà bỏ cửa, họ mua bất cứ thứ gì mua được, ăn bất cứ thứ gì ăn được. Nhiều người lên cơn đau tim, bị đột quỵ ngay tại nhà ga xe lửa, trên xe bus. Chính mẹ tôi là người đã cứu tôi, bà đã sống quá lâu, đã từng mất mát tất cả, không phải chỉ một lần. Lần thứ nhất là vào những năm 1930s, người ta lấy đi của bà nào bò, nào ngựa, nào nhà cửa. Lần thứ hai là do hỏa hoạn. Lần ấy, bà chỉ có thể cứu được tôi. Giờ thì bà bảo: “Mình phải chấp nhận hoàn cảnh thôi. Dù gì thì chúng ta vẫn còn sống sót!”.

Tôi vẫn còn nhớ: lúc ấy chúng tôi đang ngồi trên xe bus, mọi người đều khóc lóc. Phía trước, có một gã đàn ông đang quát mắng bà vợ. “Tôi không thể tưởng tượng sao bà lại ngu đần đến như vậy. Ai người ta cũng mang theo mọi thứ cần dùng, chỉ có bà lại tha theo mấy cái chai 3 lít này.” Bà vợ thì cho rằng nhân tiện họ đi xe bus nên mang theo mấy cái chai không này cho mẹ mình. Họ có mấy cái bao lỉnh kỉnh chai lọ để ngay bên cạnh ghế khiến chúng tôi cứ bị vấp vào chúng mỗi khi đứng lên. Và đó cũng là những thứ họ mang theo đến Kiev.

Hiện nay, tôi hát trong ca đoàn nhà thờ. Tôi đọc Kinh Thánh, đi lễ nhà thờ – nơi duy nhất người ta nói về cuộc sống vĩnh cửu. Nơi duy nhất người ta an ủi một con người. Bà sẽ không thể nghe được những lời lẽ ấy ở bất cứ nơi nào khác. Và tôi nghĩ bà cũng muốn được nghe những lời an ủi ấy.

Tôi thường mơ thấy mình đạp xe đạp đi trong thành phố Pripyat ngập nắng cùng với đứa con trai. Hiện giờ nó chỉ còn là thành phố ma không một bóng người. Dù vậy, chúng tôi vẫn đạp xe đi ngang qua đó để chiêm ngưỡng những bông hồng. Ở Pripyat có rất nhiều hồng, những bụi hồng thật lớn. Ngày ấy, tôi còn trẻ. Con tôi còn nhỏ. Đứa con tôi yêu thương hết sức. Thế nên, trong những giấc mơ, tôi quên hết mọi nỗi sợ hãi. Như thể tôi là một kẻ đứng bên lề, một khán giả đứng xem suốt từ đầu đến cuối tấn bi kịch.

 Nadezhda Petrovna Vygovskaya

Di dân đến từ thành phố Pripyat

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

Về lại MỤC LỤC

 

Bình Luận từ Facebook