Giá điện bình quân

Mai Quốc Ấn

27-5-2019

Ông Ngô Đức Lâm. Ảnh: internet

Giá điện tăng khiến mọi thứ đều tăng theo. EVN lý giải giá điện vẫn tăng ở mức chỉ 8,37% và quả thực công thức đưa ra của họ không sai cho từng bậc trong 6 bậc giá điện.

Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà đã tính ra con số tăng 189% so với so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá; chứ không phải là 8,37%.

Tuy nhiên, cử tri Mai Quốc Ấn xin góp ý rằng nếu sa đà vào công thức 8,37% thì sẽ dễ vị EVN “qua mặt” cho đợt thanh tra, kiểm toán giá điện 2019 với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước và Bộ Tài chính vào cuộc.

“Tôi cho rằng, trước khi bàn luận tới giá lũy tiến, cần xem xét giá điện bình quân đã. Tại sao lại ra giá điện bình quân như hiện nay? Chưa có bất kỳ công bố nào về phương pháp tính giá điện bình quân này cho việc giám sát. Đây hoàn toàn là giá do doanh nghiệp EVN và Bộ Công thương ấn định.”- Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập – Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nhận định trên báo Người Đô Thị.

Ý kiến này mới thực sự chỉ ra cốt lõi của vấn đề: Giá điện đầu vào đã đúng hay chưa?

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm chỉ rõ: “Để ra được giá điện bình quân thì phải tính đến nhiều yếu tố, gồm: giá phát điện (giá của nhà máy để sản xuất ra được điện), giá truyền tải điện, giá phân phối điện, tỷ giá, và giá quản lý ngành.

Trong đó, nếu giá phát điện chiếm tới 70% của giá điện bình quân, thì cần xét đến nhà máy phát điện. Nhà máy phát điện lại phụ thuộc nhiều yếu tố: số lượng nhiên liệu than tiêu thụ (có đúng không); giá nhiên liệu; chất lượng sửa chữa và vận hành thiết bị; năng suất lao động; tổn thất tự dùng trong nhà máy và tổn thất truyền tải trên đường dây;…”

Hiện nay, sự u u minh minh về giá điện của EVN về năng suất lao động ngành điện, về đầu tư các dự án điện và chi phí vận hành chúng không minh bạch.

Lấy ví dụ về việc đội vốn tại các dự án nhiệt điện, nhẹ thì vài trăm tỉ, nặng thì gần cả chục nghìn tỉ; đều được tính vào giá điện hay cụ thể hơn là thời gian thu hồi vốn của cả dự án. Cụ thể hơn, có thiết bị được đưa vào dự toán dự án và thực tế đã giải ngân để mua (dĩ nhiên tính vào giá điện) bỗng thành thiết bị dư, phải bán “ve chai” thấp hơn giá đầu vào. Chẳng thấy ai ở EVN chịu trách nhiệm cho điều đó! Cũng chẳng thấy các đơn vị giám sát thi công, nghiệm thu nào chịu trách nhiệm cả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời Quốc hội cho biết sẽ kiểm toán, thanh tra giá điện 2019. Cử tri Mai Quốc Ấn đề nghị phải kiểm toán, thanh tra tất cả các yếu tố giá điện đầu vào của EVN từ 2007 đến lần tăng giá điện gần nhất vào 2019.

Bởi nếu giá điện bình quân là số liệu đầu vào của công thức tăng 8,37% thì hễ số liệu đầu vào sai thì số liệu đầu ra của công thức tăng ấy dĩ nhiên sai.

Cái sai ấy nếu nói rằng chỉ diễn ra trong 12 năm (2007-2019) e là vẫn quá nhẹ. Tuy nhiên, giai đoạn đó chứng kiến rất nhiều sai phạm của EVN “ung dung” qua mặt Bộ Công thương, Chính phủ lẫn Quốc hội.

Giống như kiểu thủy điện không có vận hành liên hồ gây ra xả lũ không đồng bộ làm thiệt hại về người và tài sản nhiều năm. Giống như kiểu nhiệt điện đặt cả cụm mà không có đánh giá môi trường chiến lược khiến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, sinh kế người dân tan hoang và sức khỏe thì đi về hướng bệnh tật tất yếu.v.v…

Đại phẫu EVN là lối thoát duy nhất cho giá điện quốc gia- nghĩa là cho an sinh toàn xã hội trên bình diện vĩ mô lẫn sức khỏe của cả nền kinh tế. Chính phủ phải có trách nhiệm đó vì siêu con nợ vay vốn nước ngoài to nhất quốc gia (gần 10 tỉ đô) là EVN được chính phủ bảo lãnh vay. Chính phủ bảo lãnh nhưng có lời thì EVN đút túi, lỗ thì toàn dân trả nợ thông qua giá điện.

Và Chính phủ, Quốc hội cứ thử hỏi xem những cá nhân chuyên gia (với tôi là học phiệt), tập thể EVN và Bộ Công thương- những người luôn mồm muốn giá điện bằng với thế giới; xem cụ thể tiền đền bù đất, hoa màu cho dân rẻ mạt của các dự án điện cùng công suất có bằng với thế giới không? Lương công nhân ngành điện có bằng thế giới không? Chi phí bảo trì và quy chuẩn kỹ thuật an toàn có bằng thế giới không? Các dự án điện của thế giới có bị biểu tình phản đối nhiều như tại Việt Nam không?.v.v..

Mổ xẻ ngành điện mà không có đại án thì tôi mạnh dạn dự đoán một “đại án” khác cho quốc gia này trong tương lai. Mà dấu hiệu của nó chính là sự rên siết của nhân dân…

Chẳng ai vô can cả!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ông Ấn có tin vào ngài Huệ và cái bầy thanh tra Chú Phỉnh không? ông có tin vào một loại Chính Phủ chỉ biết chờ nghe báo cáo để ngủ trên chiếc xuồng bị chìm? .
    Như vậy bọn độc quyền là gì? nó bịt mắt được ông Trọng bà Ngân ông Phúc được ư, vậy thì có cần thay cái chính thể tà quyền này?
    Khi có cơn lũ thanh tra, lũ mang cặp táp sẽ giàu lên vì phong bì chạy tội, lũ sâu mọt sẽ trong sạch hơn, dân đen sẽ nghèo thêm một cấp.

Comments are closed.