Góp ý về sửa đổi điều lệ Đảng

Nguyễn Đình Cống

21-5-2019

Đảng CSVN đã nhiều lần sửa đổi điều lệ. Lần này, tại Hội nghị Trung ương 10, TBT Nguyễn Phú Trọng nêu ra vấn đề “có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại đại hội sắp tới hay không?”

Hưởng ứng việc này, Nguyễn Ngọc Chu công bố 2 bài: Sửa đổi điều lệ đảng là đòi hỏi bức bách của cuộc sống, Sửa đổi điều lệ đảng: Những đồn bốt phải nhổ.

Nguyễn Ngọc Chu (NNC) cho rằng việc sửa đổi là cấp thiết, rằng để sửa đổi thì Đảng phải cần đến sự sáng suốt và dũng cảm của BCH Trung ương, của trên 4 triệu đảng viên. Đảng cần những nhà lý luận am hiểu thực tế, am hiểu xu thế thời đại, …, dám dũng cảm thừa nhận cái sai, dũng cảm sửa sai, dũng cảm hiến dâng cho điều mới đúng. Đồng thời cần gạt bỏ tất cả những nhà lý luận ăn theo, nói theo; ký sinh trên tư tưởng của tiền nhân… Những nhà lý luận như thế chính là kẻ thù của Đảng.

NNC chỉ ra những nội dung cần sửa đổi, trước hết là 3 vấn đề được xem là các lô cốt:

1. Đảng của ai. ĐCS bây giờ không phải là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là….” như đã ghi.

2. Mục đích xây dựng đất nước của Đảng là gì? Cần xóa bỏ việc “thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”.

3. Về chủ nghĩa nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần xóa bỏ chủ nghĩa Mác Lê.

Tôi hoàn toàn tán thành các ý kiến của NNC, ngoài ra bổ sung thêm vài ý.

Phải chăng ông Trọng đã lờ mờ thấy được cần thay đổi vai trò của Đảng cho phù hợp với thực tế và hòa nhập với thế giới. Đó là từ đảng lãnh đạo cách mạng, đảng nắm chính quyền theo phong cách thống trị thay đổi thành đảng chịnh trị cầm quyền. Hay là ông Trọng muốn theo Tập Cận Bình, sửa đối điều 17, ở cuối mục 1 có ghi: Ðồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nếu chỉ sửa điều 17 thì không cần gì đến các góp ý của NNC và của nhiều người khác.

Thôi thì ông Trọng nghĩ như thế nào tùy ông ấy, chúng ta góp theo ý chúng ta. Ngoài 3 lô cốt mà NNC đưa ra, tôi thấy cần sửa đổi rất nhiều thứ, gần như toàn bộ. Vì vậy không nên gọi là sửa đổi mà là viết lại.

Tiếp theo 3 lô cốt là đến một số nguyến tắc: lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình”.

Qua thực tiễn hơn nửa thế kỉ, tôi thấy rằng: Tập trung dân chủ là việc làm nhằm hủy hoại dân chủ, lãnh đạo tập thể nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân, tự phê và phê bình được cho là vũ khí sắc bén, nhưng đã bị cùn nhụt từ lâu. Thế thì còn giữ lại làm gì.

Đảng kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

Bây giờ làm gì còn “Chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân” mà kết hợp. Viết rằng “góp phần tích cực vào sự nghiệp…” để tỏ ra khiêm tốn, nhưng trong thâm tâm nghĩ rằng, muốn rằng ĐCSVN phải làm ngọn cờ tiên phong xây dựng CNXH và CNCS. Xin bỏ cái ý tưởng đầy kiêu ngạo ấy.

Mấy điều sau tuy có hơi ra ngoài điều lệ một chút, nhưng cũng nên nhắc để Đảng chú ý. Đảng thảnh lập và hoạt động nhiều năm trong bí mật, đến nỗi giữ bí mật thành thói quen, bây giờ cầm quyền rồi mà một số chuyện vụn vặt vẫn giữ bí mật.

Đảng rất thích “đồng thời”. Vừa là đội tiên phong của giai cấp, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động (phải chăng công nhân nằm ngoài nhân dân lao động). Đảng vừa là thành viên, đồng thời lãnh đạo của Mặt trận. Đảng rất thích ôm đồm. Khi chưa có chính quyền thì Đảng làm một số việc thay chính quyền. Khi đã nắm chính quyền rôi vẫn cứ làm thay.

Về đảng viên

Khi là đảng lãnh đạo làm cách mạng, đảng thống trị thì cần nhiều đảng viên, nhưng một đảng chính trị cầm quyền không cần có đông đảng viên mà rất cần những đảng viên có chất lượng cao. Đảng cầm quyền thành công nhất thế giới (đảng Hành động Nhân dân singapore) có số đảng viên chỉ khoảng 0,2% dân số.

Ngày nay, đảng viên không cần là những chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong giai cấp công nhân mà nên là những người có năng lực trong nhận thức và quản lý.

Về tổ chức đảng

Việc lập tổ chức Đảng đến tận hang cùng ngõ hẻm như hiện nay là thích hợp, cần thiết cho đảng làm cách mạng. Việc lập các tổ chức, cơ quan của Đảng bên cạnh các tổ chức của chính quyền (hình thức là bên cạnh, thực chất là bên trên) là cần thiết đối với đảng thống trị. Với đảng chính trị cầm quyền, cách tổ chức như vừa kể là không cần thiết. Đảng cầm quyền thông qua các đảng viên được cử vào bộ máy chính quyền chứ không phải bằng các tổ chức của đảng kẹp chặt, áp sát cơ quan chính quyền. Kiểu tổ chức 3 tầng (Đảng, Chính quyền, Mặt trận) như hiện nay là quá cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả, lãng phí.

Về cơ quan lãnh đạo trung ương

Cho rằng cơ quan lãnh đạo cao nhất là Đại hôi, và giữa 2 kỳ ĐH là BCH TƯ, là Bộ Chính trị. Điều này chấp nhận được. Nhưng cách bầu BCHTƯ và tổ chức ĐH như hiện nay là kém hiệu quả, nặng về hình thức, phô trương, lãng phí, kém thực chất.

Đất nước VN kéo dài. Người ở Hà Giang và Kiên Giang khó có điều kiện hiểu biết về nhau. Ở ĐH họ bầu cho nhau mà chưa chắc đã biết mặt. Vậy nên tổ chức bầu BCH TƯ theo kiểu bầu Quốc hội, trước khi tổ chức ĐH. Mà BCH TƯ cũng không cần đông, không cần địa phương nào, ngành nào cũng có đại diện. BCH TƯ chỉ nên khoảng trên dưới 100 người, thật sự đại diện cho trí tuệ của Đảng, không chấp nhận kiểu cơ cấu.

Đại hội cũng không cần quá đông và kéo dài nhiều ngày. Đại biểu chính thức là các UV CH TƯ hiện tại (cũ) và vừa được bầu (mới), thêm một số nữa là đại biểu được bầu dự ĐH. Không bầu BCH TƯ, Đại hội tập trung trí tuệ vào việc thảo luận, tranh luận về đường lối sắp tới. Việc bầu tổng bí thư phải qua tranh cử công khai ở ĐH, do toàn thể ĐH bầu. Báo cáo chính trị và các loại nếu có không cần đọc tại hội trường, chỉ cần in phát cho đại biểu và công bố trên báo.

Về Đảng lãnh đạo nhà nước

Rất cần phân biệt khái niệm cầm quyền, quản lý và lãnh đạo. Đảng có thể đề ra một số chủ trương, đường lối, thảo luận trong Đảng, rồi các đảng viên giữ chức vụ chủ chốt trong chính quyền tìm cách cụ thể hóa chúng thành luật lệ, thành mệnh lệnh. Khi đã dùng luật lệ và mệnh lệnh thì đó là quản lý chứ không còn là lãnh đạo nữa.

Phải thấy rõ trong thời gian dài vừa qua Đảng đã lãnh đạo nhân dân cướp và giữ chính quyền. Đáng lẽ Đảng trao quyền lại cho Dân, nhưng Đảng đã giữ lấy làm của riêng. Đảng lại tự cho quyền quyết định cán bộ mọi cấp, mọi ngành. Đây thực chất là thống trị, cần thay đổi.

Về tài chính của Đảng

Tài chính của Ðảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ ngân sách nhà nước và các khoản thu khác.

Hình như chưa có một báo cáo công khai, chính thức nào về thu và chi của Đảng hằng năm, về tỷ lệ giữa 3 nguồn thu (đảng phí, ngân sách, khoản thu khác). Chi cho Đảng gồm 2 phần chính: Chi cho các hoạt động của bản thân Đảng và chi cho Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể chính trị xã hội, là những cánh tay nối dài của Đảng. Tổng cộng các khoản chi này chắc không dưới con số vài trăm ngàn tỷ mỗi năm.

Tôi đề nghị tài chính của Đảng phải dựa chủ yếu vào đảng phí. Hàng năm Quốc hội công khai tiền hỗ trợ cho đảng cầm quyền (không quá 0,5 % ngân sách). Đảng sẽ dùng số tiền đó để chi tiêu, kể cả cho Mặt trận TQ và các đoàn thể do Đảng lập ra. Không phải bất kỳ việc gì của Đảng và các đoàn thể đều lấy từ ngân sách.

Vài lời cuối

Tôi vào Đảng năm 48 tuổi, lúc là PGS-TS, với nguyện vọng được đóng góp trí tuệ và công sức, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thế nhưng càng ngày tôi càng nhận ra rằng Chủ nghĩa Mác Lê có nhiều độc hại, rằng Chủ nghĩa cộng sản chỉ là ảo tưởng, nên năm 79 tuổi (2016) tôi đã từ bỏ Đảng và thỉnh thoảng viết phản biện vài nghị quyết hoặc chỉ thị của Đảng mà tôi phát hiện ra những điều (mà tôi cho là) bất hợp lý.

Tôi đã tìm hiểu một số đảng cầm quyền và thấy rằng Đảng Hành động Nhân dân của Singapore là một đảng thành công lớn, đáng cho những đảng chính trị cầm quyền tham khảo.

Ông Trọng làm luận văn tiến sĩ ngành xây dựng đảng, nhưng hình như chỉ được học và thực hành việc xây dựng các đảng kiểu mới của giai cấp công nhân theo mô hình do Lê Nin vach ra. Ông và các cán bộ cao cấp của ĐCSVN nên tìm hiểu thêm các mô hình khác về đảng cầm quyền khi sửa đổi điều lệ. Đó là nói chuyện các ông muốn làm cho VN có dân chủ, tự do, hạnh phúc, phát triển. Còn nếu chỉ muốn sửa điều 17 thì cứ sửa mà không cần tham khảo bất kỳ ai, ngoài việc xin chỉ thị của Tập Cận Bình.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Lúc còn ở trong đảng thì chẳng góp ý cho đảng.
    Ra khỏi đảng là hành động bôi tro trát trấu vô mặt đảng.
    Nay lại thành tâm góp ý cho đảng.

    Số phận đảng CS VN sẽ giống như số phận đảng CS Liên Xô thôi.
    Khi Eltsin đã được bầu làm tổng thống, đã có hiến pháp mới, mà ĐCS LX còn làm đảo chính (bất thành) thì tổng thống dựa vào Hiến Pháp đã Quyết Định xóa sổ (khai tử) cái đảng này.
    Đảng CSLX Chấm dứt lịch sử tồn tại từ đấy.

  2. Từ lúc là thanh niên trưởng thành 18 tuổi, phải đến năm 48 tuổi bác Cống mới vào Đảng (sau 30 năm suy nghĩ, trăn trở từ lúc trưởng thành?). Đến năm 79 tuổi (2016) bác Cống đã từ bỏ Đảng (cũng sau 30 năm suy nghĩ, trăn trở từ lúc bỏ Đảng?). Với trình độ PGS-TS như bác Cống mà vào Đảng & ra khỏi Đảng là 01 quá trình dài nhận thức rồi phản biện thì với những ng dân bình thường chắc thời gian còn phải lâu hơn nữa?
    Bác lớn hơn bác Trọng 4 tuổi nên góp ý của bác cần phải có thời gian cho bác Trọng suy nghĩ, trăn trở? Nói vui 01 chút, những ng CS đa nghi như Tào Tháo nên lấy câu nói để đời của Tào Tháo rồi thay từ “vợ” bằng từ “Đảng” bác Cống thấy sao ?
    “Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi “Đảng”, “Đảng” bảo sao cứ làm ngược lại. Ắt thành công”.

  3. Bác Cống ơi !
    Người Mỹ có câu châm ngôn rất chí lý này là “đừng dạy chó già làm
    trò mới” vì nó lú lẫn đi theo tuổi già nên không thể nào dạy nó học
    trò biểu diễn mới cho thành công được ?

Comments are closed.