Luật pháp bất công đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ cộng sản

Trung Nguyễn

13-5-2019

Chính quyền “của dân, do dân, vì dân” và Quốc hội “đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân” lại liên tục khiến những người dân bình tĩnh và ôn hòa nhất, cũng phải … chửi thề vì liên tục đưa ra những điều luật vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Có những điều luật thì hoang tưởng vì có đưa ra cũng không biết cách nào thực thi được.

Luật chất lượng kém

Dự thảo luật mới nhất khiến dân chửi là bổ sung các quy định về văn hóa công vụ vào Luật Cán bộ – Công chức, Luật Viên chức sửa đổi. Bộ Nội vụ đã đề nghị đưa điều khoản công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng vào các luật đó.

Có thể nói đây là một điều khoản thể hiện rõ sự yếu kém và mị dân của giới lãnh đạo cộng sản. Khi ra một điều luật nào đó, trong đầu giới làm luật, tức các đại biểu quốc hội, luôn phải trả lời được các câu hỏi sau.

Thứ nhất là mục đích của việc đưa ra điều luật đó để điều chỉnh xã hội liệu có đạt được không? Ở đây mục đích của điều khoản “không nịnh bợ” này chắc chắn không thực hiện được vì cán bộ, công chức muốn tiến thân trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện tại phải dựa vào quan hệ tốt đẹp với cấp trên để được cất nhắc, đề bạt.

Chính đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân từng nói thẳng tại diễn đàn Quốc hội về tiêu chuẩn chọn cán bộ – lãnh đạo của đảng cộng sản là “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ”. Một hệ thống chính trị mà quan chức thăng tiến không phải do thi tuyển, không phải do cạnh tranh qua lá phiếu trung thực của dân thì tất yếu sẽ dẫn đến chuyện “nịnh bợ”.

Quan chức cộng sản không xử lý vấn đề gốc rễ gây ra “nịnh bợ” là độc quyền chính trị, là lãnh đạo khóa trước tự đẻ ra lãnh đạo khóa sau không cần thông qua lá phiếu của dân, mà đi sửa cái ngọn thì vĩnh viễn không bao giờ xóa bỏ được vấn nạn “nịnh bợ”. Rõ ràng là điều khoản luật này chỉ được đưa ra để xoa dịu tạm thời bất bình của người dân chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Thứ hai, giới làm luật phải đặt ra câu hỏi là chi phí xã hội phải bỏ ra để thực thi một điều luật nào đó là bao nhiêu. Để có thể tìm ra một câu “nịnh bợ” giữa cấp trên và cấp dưới không hề dễ dàng. Không lẽ ngành công an phải đi cài máy nghe lén vào mọi cơ quan công quyền, rồi ngành công an phải đi tuyển thêm người để ngồi nghe toàn bộ cuộc nói chuyện trong chốn công sở? Thế rồi nếu cấp dưới gặp cấp trên ngoài đường hoặc tại nhà riêng thì sao? Ngành công an sẽ phải cài máy nghe lén trên xe máy, xe ô tô, nhà riêng của quan chức?

Và câu hỏi tiếp theo là cơ quan nào sẽ đi giám sát việc “nịnh bợ” trong chính ngành công an?  Chi phí người dân phải bỏ tiền ra để đóng thuế cho việc mua máy nghe lén và tuyển thêm người cho ngành công an chắc chắn phải là một con số khổng lồ. Cũng có nghĩa là luật pháp không thực tiễn, không có cách nào áp dụng điều khoản luật này vào thực tế cuộc sống.

Thứ ba, giới làm luật phải trả lời câu hỏi là điều khoản luật đã đủ rõ ràng để thẩm phán có thể xét xử hay chưa? Các nhà làm luật có thể đưa ra được một định nghĩa thế nào là “nịnh bợ” và thế nào là “động viên”, “khen ngợi” hay không? Hay các ông bà đại biểu có tiêu chí nào để có thể phân biệt một câu “nịnh bợ với động cơ trong sáng” và “nịnh bợ với động cơ không trong sáng” hay không?

Chắc chắn là Bộ nội vụ và Quốc hội cộng sản không có cách nào để trả lời các câu hỏi trên. Đó là những câu hỏi rất cơ bản mà sinh viên trường luật nào cũng phải biết nhưng các ông bà cộng sản đang cai trị quốc gia, với rất nhiều người có bằng về luật, lại có thể đề ra những điều khoản luật hết sức ngu xuẩn, chỉ nhằm mị dân để ra vẻ chế độ tốt đẹp, không có “nịnh bợ”.

Chính phủ đề xuất luật, Quốc hội bấm nút thông qua cho đúng quy trình

Một trong những điều tệ hại nữa của luật pháp cộng sản là luật pháp lại do các bộ ngành chính phủ viết ra dự thảo rồi đưa qua Quốc hội “bấm nút thông qua”. Các bộ luật làm ra vì thế chỉ toàn vì lợi ích của các bộ ngành, đẩy hết phần khó về cho dân, nhằm vòi vĩnh, nhũng nhiễu, moi tiền của dân. Thậm chí có những điều khoản trên Hiến pháp và bộ luật hết sức tốt đẹp, nhưng khi đến nghị định, thông tư hướng dẫn thì đã đi ngược lại hoàn toàn với tinh thần tốt đẹp đó.

Đơn cử như điều 22 Hiến pháp cộng sản quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”. Thế nhưng theo Nghị định 208/2013 và Thông tư 35/2014 của Bộ Công an lại quy định công an có quyền vào nhà dân kiểm tra bất kì lúc nào, không cần thông qua Lệnh khám xét nhà của Tòa án hoặc Viện kiểm sát.

Tình trạng Nghị định, Thông tư thủ tiêu quyền dân chủ của dân, đi ngược Hiến pháp diễn ra phổ biến ở tất cả các quyền tự do dân chủ của công dân như tự do lập hội và hội họp, tự do biểu tình, tự do ngôn luận và báo chí, tự do đi lại và cư trú…

Công an thành kiêu binh; quan chức kiêu ngạo, lộng ngôn, lộng quyền

Ví dụ điển hình mới đây nhất về tình trạng vi phạm Hiến pháp là dự thảo Thông tư quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ công an do Bộ công an đưa ra để lấy ý kiến đóng góp của dân. Báo VnExpress ghi rõ:

“…Bộ Công an cũng đề xuất hình thức kỷ luật ‘Tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc buộc thôi việc đối với công nhân công an’ với các trường hợp vi phạm một trong các quy định trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông sau đây (nếu được miễn trách nhiệm hình sự): Tham gia giao thông gây tai nạn chết người nhưng bỏ chạy hoặc rời khỏi khỏi hiện trường không có lý do chính đáng; Lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép gây tai nạn chết người…”

Điều 260 Bộ luật hình sự quy định những trường hợp nêu trên đều bị xử lý hình sự và khởi tố vụ án. Không hiểu sao Bộ Công an lại thòng thêm một câu là “nếu được miễn trách nhiệm hình sự”? Không lẽ các thẩm phán khi xét xử công an lại có thể miễn trách nhiệm hình sự cho công an say xỉn gây tội ác để giao về cho cơ quan công an kỷ luật? Vậy thì có còn “bình đẳng” giữa công an và dân thường như điều 16 Hiến pháp cộng sản quy định hay không?

Việc biệt đãi cho công an như vậy là do đảng cộng sản tranh thủ lòng trung thành của công an để bảo vệ chế độ. Thực tế là có nhiều vụ dân thường chết trong đồn công an “không rõ lý do” hoặc do “tự tử”. Người dân chỉ có thể kêu cứu trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hải ngoại, chứ báo chí trong nước cũng không được đăng về những trường hợp như vậy.

Trước ngày 30/4/2019, Bí thư thành Hồ Nguyễn Thiện Nhân cả gan “hứa với Bộ Chính trị” là sẽ không để xảy ra biểu tình. Tức là ông Nhân đang vi phạm quyền tự do biểu tình hiến định của dân, và ông Nhân tuyên bố điều đó công khai mà không phải e dè, giữ mồm giữ miệng gì.

Chế độ ngày càng mất tính chính danh

Việc chế độ cộng sản ban hành luật để lừa dân về sự tốt đẹp của chế độ (cấm nịnh bợ), hoặc mị dân (hiến pháp quy định dân có đủ các quyền tự do dân chủ, nhưng trên thực tế, người dân không có quyền gì), hoặc để ban phát quyền lợi cho quan chức (tứ trụ về hưu được đem xe công về dùng) khiến khoảng cách tầng lớp dưới là dân và tầng lớp trên là quan chức ngày càng xa.

Người dân không còn tin vào pháp luật công bằng trong chế độ cộng sản độc đảng toàn trị, mà thôi thúc về một chế độ khác tốt đẹp hơn chế độ hiện tại ngày càng lớn. Người dân cũng có thể dễ dàng tìm ra thông tin về chế độ chính trị dân chủ, pháp quyền đang phổ biến trên thế giới qua sách báo trong nước và trên mạng internet. Nói cách khác, chế độ cộng sản đang ngày càng mất tính chính danh, những lời lừa đảo về quá khứ vẻ vang chống Pháp, Mỹ không còn lừa được dân nữa.

Hệ quả là xã hội Việt Nam hiện tại như một thùng thuốc súng đầy ngột ngạt. Nếu ai không tin có thể rảo bước trong các quán cà phê từ sang trọng tới vỉa hè để nghe người dân chửi chế độ tham nhũng, sách nhiễu dân, hoặc đơn giản là đi xe ôm, đi taxi để nghe các tài xế trút giận về chế độ như tăng giá xăng, điện.

Chế độ cộng sản biết rõ là chỉ cần một mồi lửa là thùng thuốc súng sẽ nổ tung. Đó là lý do đám lãnh đạo luôn dặn dò công an “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. Đó cũng là lý do họ đã bắt chước cộng sản Trung Quốc, cài đặt hệ thống camera thông minh nhận dạng khuôn mặt để phòng ngừa dân biểu tình lật đổ chế độ.

Rồi chế độ sẽ sụp đổ nhanh chóng và bất ngờ

Có điều là cộng sản vẫn chỉ đối phó với sự bất mãn của dân ở phần ngọn chứ không phải từ gốc. Trình độ lãnh đạo, cán bộ thấp kém, liên tục đưa ra những câu nói hoặc điều khoản luật vi phạm đạo lý và Hiến pháp, do coi trọng “hồng hơn chuyên” càng đẩy nhanh quá trình diệt vong.

Có thể nhận định rằng chế độ này sẽ sụp đổ nhanh chóng và bất ngờ như cộng sản Liên Xô và Đông Âu vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước.

Bình Luận từ Facebook