Điện, xăng tăng giá và người dân ủng hộ EVN tăng giá điện?

BTV Tiếng Dân

11-5-2019

Trang News Plus dẫn lời Tiến sỹ Cao Sĩ Kiêm: Người dân đang ủng hộ EVN tăng lên, không ai phàn nàn tăng giá điện . Cựu Thống đốc NHNN VN Cao Sĩ Kiêm cho rằng: “Trong cộng đồng dư luận, kêu ca, phàn nàn về ngành điện đã ít đi rất nhiều, thay vào đó, sự ủng hộ đã nhiều hơn, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp”.

Vẫn là kiểu tuyên truyền đổi trắng thay đen quen thuộc của CSVN. Từ ngày điện tăng giá đến nay, dân tình càng lúc càng bất an, người dân đang tới gần giới hạn của sự chịu đựng, họ không ngại than phiền về giá điện trên các báo “lề đảng”, thậm chí yêu cầu tính lại hóa đơn tiền điện. Thái độ phớt lờ sự thật của những quan chức như ông Kiêm không thể thay đổi sự bất bình của người dân.

Nhà báo Đỗ Cao Cường viết: “Đường đường là một ủy viên ủy ban kinh tế quốc hội, thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam mà anh lại bảo không có người dân nào phàn nàn việc EVN tăng giá, anh căn cứ vào đâu để dùng từ không có ai? Cách nói này của anh không khác gì bọn bô vàng Vtv, chúng phỏng vấn một, hai người rồi khẳng định toàn dân giống ý chúng“.

Trong khi ông Kiêm “tự tin” nhận định như trên, thì ở TP.HCM: Hàng chục nghìn khách hàng đề nghị tra cứu lại giá điện tăng cao, theo báo Giao Thông. Ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết điện lực thừa nhận, từ ngày 20/3 – 6/5, đã có đến 17.570 khách hàng trên địa bàn TP HCM phản ánh đến Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP HCM đề nghị tra cứu giá điện, chỉ số điện kế và kiểm tra thiết bị đo đếm.

Báo Lao Động bàn về nguy cơ thiếu điện trầm trọng tương lai: Mua điện của Lào, Trung Quốc. Ngày 10/5, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương, xác nhận với báo chí, VN đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong tương lai do nhiều dự án năng lượng chậm tiến độ. Giai đoạn 2018- 2019, nước ta hầu như không còn nguồn dự phòng điện, sang giai đoạn 2021 – 2025 xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn điện. Một trong các giải pháp là mua điện từ Lào, Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 7/2017, EVN đã bán điện sang Lào, Campuchia, theo VnEconomy. Có thật là chỉ trong chưa đầy 2 năm, ngành điện VN từ tình trạng dư thừa đến mức bán điện cho nước ngoài, rồi bây giờ trở nên thiếu điện đến mức phải mua điện từ chính các nước đã từng mua điện của mình?

Trang Nhịp Cầu Đầu Tư bàn về nghịch lý EVN: Vỏ lời, ruột lỗ. Theo đó, sau khi EVN điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện lên 8,36%, nhiều doanh nghiệp ngành điện chứng kiến lợi nhuận bất chợt tăng vọt. Ví dụ: Công ty Nhiệt điện Phả Lại thu được lợi nhuận ròng 242,6 tỉ đồng chỉ trong quý I vừa qua, tăng mạnh 27% so với cùng kỳ, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí VN đạt lợi nhuận ròng quý I/2019 ở mức 915 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Lời như vậy nhưng EVN vẫn báo lỗ. PGS. TS Ngô Trí Long bình luận: “Đây là bệnh của kinh doanh sản phẩm độc quyền. Khi độc quyền họ luôn muốn tăng giá để tăng lợi ích, như lần trước, sau khi báo lỗ, EVN đã đề xuất tăng giá điện 12% rồi rút dần xuống”.

Doanh nghiệp xăng, dầu “móc túi” dân

Trang Biz Live có bài: Doanh nghiệp xăng dầu “móc túi” người tiêu dùng hàng ngàn tỷ đồng từ chênh lệch thuế. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI chỉ ra, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, theo Nghị định 100/2016/NĐ-CP, thuế này được tính dựa trên giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Tuy nhiên, thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng dầu cơ cấu trong giá cơ sở do Bộ Công Thương tính toán và ban hành từng kỳ cụ thể, kể từ ngày 19/8/2016 lại được xác định theo giá bán lẻ.

Ông Tuấn giải thích: “Vấn đề trên dẫn tới thực trạng người tiêu dùng đóng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng theo giá bán lẻ nhưng thuế chỉ được đóng vào ngân sách nhà nước theo giá bán buôn”.

Báo Tiền Phong viết về hiện tượng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm kéo dài: Kiến nghị xem lại cách điều hành. Dù giá xăng tăng mạnh 3 lần liên tiếp trong vòng một tháng, Petrolimex vẫn nói rằng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang lỗ khoảng 355 tỉ đồng. TGĐ một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khu vực phía Nam khẳng định, việc điều hành sử dụng Quỹ QBOGX của Bộ Công Thương đang có rất nhiều vấn đề.

TGĐ doanh nghiệp đó nói: “Với cách điều hành quỹ thế này và số tiền doanh nghiệp chúng tôi đang phải vay ngân hàng bù QBOGX để thu hồi đủ tiền trả ngân hàng, chỉ có cách dừng chi quỹ từ nay đến hết năm. Còn cứ chi ra đồng nào thì chúng tôi còng lưng trả lãi và tiền vay ngân hàng không biết đến bao giờ”.

_____

Mời đọc thêm: Cần lưu ý tác động đầy đủ của việc tăng giá điện và xăng dầu tới nền kinh tế (TCTC). – TP.HCM: Hàng chục nghìn khách hàng đề nghị tra cứu lại giá điện tăng cao (GT). – 17.570 khách hàng ở TP.HCM kiến nghị tra cứu giá, chỉ số điện (TT). – Từ vấn đề giá điện: Bài học về quản lý sự thay đổi (TBKTSG). – Tăng giá điện, người trồng Thanh Long đứng ngồi không yên (VOV). Trang Petro Times có bài phỏng vấn ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc PVN: Nhận diện đúng việc giá điện tăng cao.

TPHCM: “Giá điện, xăng tăng chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất!” (DT). – Giá điện tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp (TN).  – EVN Hà Nội lý giải vì sao hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng mạnh (ANTĐ). – KTNN chỉ ra lỗ hổng khiến người dân bị “móc túi” khi mua xăng (DV). – Giá xăng tăng đột biến, dân than khó, tính chiêu tiết kiệm (Zing). – Hàng hóa “rủ nhau” tăng giá theo xăng, điện! (HT). – Giá hàng hóa lại đua theo giá điện, xăng (HQ).

Bình Luận từ Facebook