Trân Văn
10-5-2019
Tuần này, dân chúng Việt Nam lại sôi lên vì giận trước tin Bộ GTVT dự định đổi tên các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thành… trạm thu tiền. Đó là nỗ lực… duy nhất và… mới nhất để đáp ứng “ý chí, nguyện vọng” của dân chúng về vấn nạn BOT (1).
Trước làn sóng chỉ trích việc quản lý – điều hành hệ thống trạm thu phí mọc lên như nấm tại Việt Nam và những phân tích về tác hại của hệ thống này đối với kinh tế – xã hội, năm ngoái, Bộ GTVT từng đáp ứng “ý chí, nguyện vọng” của dân chúng bằng… quy phạm pháp luật: Dùng một thông tư, cải sửa cách gọi các trạm thu phí thành trạm thu… giá.
Không may cho Bộ GTVT là trạm thu… giá không thể trụ được trong trận bão dư luận nên Bộ GTVT quyết định bỏ, quay về cách gọi cũ là trạm thu phí. Giờ, bổn cũ soạn lại, Bộ GTVT tiếp tục chứng tỏ sự cầu thị đối với “ý chí, nguyện vọng” của dân chúng về vấn nạn BOT bằng dự tính ban hành một quy phạm pháp luật khác, khai sinh… trạm thu tiền!
Chưa rõ dự thảo thông tư chỉ đạo đổi tên trạm thu phí thành trạm thu tiền cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT có thể… chào đời hay không (?), chỉ thấy trước mắt, búa rìu dư luận tiếp tục phủ xuống đầu Bộ GTVT, không ít facebooker miệt thị ý tưởng trạm thu tiền như Nguyễn Xuân Minh: Tiền thường gọi là “đạn”. Hãy gọi trạm thu tiền là “trạm thu đạn” và cấm… nói lái (2).
Trên diễn đàn Nhà báo Việt Nam, Vo Tuyen góp ý, thu gì thì cũng là moi tiền từ túi của dân, thay từ đổi chữ làm chi để người ta miệt thị trình độ của các quan? Tương tự, Nguyễn Quang Tiến gọi các viên chức có liên quan là “lũ óc chó” vì đổi tên đâu có giải quyết được mức thu, thời gian thu,… đang là gánh nặng làm dân chúng bất bình (3). Sự bất bình sâu rộng ấy được Duc Nguyen Van xem là phần thưởng cho… “công tìm chữ” của Bộ GTVT (4).
Giống như những lần trước, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT lại được công chúng réo tên, chỉ mặt. Lệ Cam Trần nhấn mạnh, đối với vấn nạn BOT, điều duy nhất mà dân chúng cần là sự minh bạch trong thông tin. Tự thân cách gọi: Thu phí, thu giá, rồi thu tiền hay… thu ngân, không giải quyết được vấn nạn mà chỉ chứng minh “ngu quá thể”, “tham quá thể”, “dốt quá thể”… thôi! Cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam nên thay… anh Thể bằng… anh khác có năng lực hơn một chút (5).
Giống như Lệ Cam Trần, Đào Tuấn liệt kê hàng loạt yếu tố gây nhức nhối từ vấn nạn BOT, bản đồ các trạm thu phí như một bản đồ máu. Ở Bình Phước, một đoạn đường chỉ 60 cây số mà có tới ba trạm thu phí. Ở Bình Định, đoạn đường dài hơn một chút – 100 cây số nên mật độ trạm BOT lớn hơn: Bốn trạm… Ông Thể thừa nhận vấn nạn BOT nóng nhưng chỉ giải quyết đổi cách gọi. Do vậy, theo Đào Tuấn, nơi làm việc của ông Thể nên là… 71 Kim Mã, chỗ… Nhà hát Chèo tọa lạc (6).
Mạnh Quân thì xem nỗ lực đổi cách gọi trạm thu phí thành trạm thu giá rồi trạm thu tiền là bằng chứng thể hiện sự luẩn quẩn, tù hãm trong đầu của các viên chức lãnh đạo ngành GTVT. Facebooker này cho rằng, lối biện giải về nỗ lực thay đổi cách gọi là theo luật hoàn toàn không ổn. Luật bất hợp lý thì kiến nghị sửa luật chứ không thể “vật lên, vật xuống” mấy tấm biển. Còn không, đê đỡ mất công tội nghiệp cho mấy tấm biển, đổi đồng loạt thành “Trạm thu… gì tự hiểu” cho hết phải bận tâm (7).
Tại sao Bộ GTVT không giải quyết tận gốc vấn nạn BOT mà chỉ nỗ lực để đổi cách gọi các trạm vặt tiền, Sơn Minh Phan giải thích: Gọi là trạm thu phí thì hoạt động bị chi phối bởi Luật Phí và lệ phí, tăng giảm phải xin phép và được phê duyệt, đặt sai vị trí thì phải đập bỏ, không thể thu quá hạn đã định. Trạm thu giá thì hoạt động theo Luật về giá, chủ đầu tư “tự chủ” nên rộng quyền hơn trong việc vặt tiền. Chỉ kẹt là dư luận phản đối dữ dội quá nên phải ngưng và dự tính chuyển thành thu tiền là một dự tính đểu cáng để tiếp tục lách khỏi sự chi phối của Luật Phí và lệ phí.
Sơn Minh Phan nhấn mạnh, sự lươn lẹo ấy cho thấy dã tâm của những nhóm lợi ích đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và được Bộ GTVT chống lưng, tìm mọi cách hỗ trợ chuyện móc túi dân chúng. Sơn Minh Phan nhận định: BOT bẩn chính là một dấu trừ của thể chế về nhân tâm, đồng thời là một thất bại thảm hại của công cuộc đốt lò (8).
***
Cột thu lôi vẫn được hiểu như cột thu sấm sét dẫn vào lòng đất, vì “lôi” còn có nghĩa là đánh đập và xét theo nghĩa này thì Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) chẳng khác gì cơ quan chuyên chọc cho dân chúng nổi giận để thu hết tất cả khinh miệt, giận dữ, rủa sả về cho cả chính phủ lẫn thể chế. Rõ ràng, Bộ Giao thông – Vận tải hết sức xứng đáng trong chuyện được cải danh thành Bộ… thu lôi!
____
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/thoi-su/de-xuat-doi-ten-tram-thu-phi-thanh-tram-thu-tien-3920108.html
(2) https://www.facebook.com/minhnx/posts/10157116904674344
(3) https://www.facebook.com/nhabaovietnam.vn/posts/461367021311096
(4) https://www.facebook.com/duc.nguyenvan.3781995/posts/2555941184637418
(5) https://www.facebook.com/lecam.tran.3/posts/1271600283004297
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2303873892968513
(7) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10157444339894824
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2511595512207210
Bổ sung tiếp.
Khi bộ giao thông công khai danh tiếng “mãi lộ” của mình thì các trò mãi lộ ngoài bộ sẽ bị coi là phi pháp. Bản nhân lẩm cẩm nghĩ rằng khi bộ “mãi lộ” chính danh thì người sử dụng giao thông sẽ bị mất ít tiền hơn vào các trò mãi lộ phi pháp đấy!
Bổ sung.
Nhiều bộ hiện nay làm chức năng quản lý nhà nước thì ít mà “mãi” nhiều, cũng nên đổi tên thành bộ “mãi….” cho nó oách.
Nói “mãi lộ” là đủ rồi và cái bộ này cũng nên mang cái tên này là đúng nhất!
Suy đi – nghĩ lạii, tôi thấy ông Thể dùng chữ “trạm thu tiền” là đúng, là bởi vì đằng say 3 chữ trạm thu tiền còn cò có hai chữ ẩn, và nếu đọc đày đủ thì là “TRẠM THU TIỀN…..MÃI LỘ”
Danh xưng “Trạm thu tiền mãi lộ” vừa đúng với chức năng, vừa đúng với mục đích (cao cả) của…..trạm.