Tư duy nô lệ

Nguyễn Việt Nam

2-4-2019

Tại sao dân Việt Nam khổ thế mà chưa chịu đứng lên lật đổ chế độ hiện nay là câu hỏi mà người ta thường hay hỏi nhau. Có rất nhiều lý do khác nhau nhưng một trong những lý do đó là: Tư duy nô nệ.

Cái tư duy này chính do tuyên giáo cộng sản nhồi nhét vào đầu người dân từ bao lâu nay và nó đã trở thành tư duy lối mòn. Rất nhiều người trong chúng ta đều hiểu kiểu tư duy này và chúng ta đi vào bóc tách từng ý nghĩ một để tìm lối thoát tư tưởng cho mỗi chúng ta.

Phần I: Đa nguyên, đa đảng là loạn

Đây là một luận điệu điêu ngoa của tuyên giáo cộng sản. Họ lấy ví dụ ít ỏi về một số nước đang có lục đục chính trị giữa các đảng phái hay một số sự việc đụng độ bạo lực ở các nước có chế độ đa đảng để dọa nạt người dân Việt Nam. Họ gieo nỗi sợ hãi cho người Việt Nam rằng đất nước Việt Nam độc đảng nhưng bình yên, nếu đa đảng sẽ có bạo lực, loạn lạc. Và như thế là ý chí đấu tranh cho quyền lợi của mỗi chúng ta bị triệt tiêu.

Chế độ chính trị đa đảng có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đảng phái để giành quyền điều hành đất nước. Có cạnh tranh chính trị thì mới chọn được ra đảng phái có năng lực tốt nhất, từ đó đất nước mới có được chính phủ tốt nhất. Cơ chế giám sát chéo sẽ là công cụ hạn chế quyền lực, những quyết định độc tài, nạn chạy chức chạy quyền, tham nhũng, quan liêu… Bất kỳ một đảng phái nào đương nhiệm nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ vì dân, vì nước của mình thì đều bị các đảng khác phanh phui và bị nhân dân phế truất quyền điều hành đất nước, kể cả người lãnh đạo cao nhất như Tổng Thống.

Có đa đảng thì người dân mới được tự do chính trị, hiền tài mới được cống hiến cho nhân dân, đất nước, phản biện, giám sát mới có hiệu quả thực tế… Không ai khác làm chủ đất nước ngoài nhân dân và chính chúng ta mới là người quyết định vận mệnh của chính chúng ta và quốc gia. Chúng ta quyết định nó bằng những lá phiếu đầy quyền lực của chúng ta. Và nó chỉ có quyền lực khi có sự cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái để giành được sự ủng hộ của nhân dân. Các kế hoạch điều hành, phát triển đất nước được các đảng phái đưa ra và người dân có nhiều sự lựa chọn cho quốc gia của mình và cho chính mình.

Đó là những cái hay của một chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng. Chúng ta đều nhìn thấy ở quốc gia của họ có sự phồn thịnh về kinh tế, sự hùng cường về quân sự và vị thế cao trên toàn cầu. Người dân của họ được hưởng một cuộc sống chất lượng cao, nó cao đến nỗi những thứ họ xem là cơ bản, là tầm thường từ cách đây mấy chục năm mà bây giờ vẫn còn là mơ ước của người Việt Nam. Tôi nói đơn giản như cái tủ lạnh, cái điều hòa hay cái xe hơi thôi thì ở Việt Nam vẫn còn là mơ ước của đại đa số người dân trong khi đó thì ở nước họ nó quá rẻ và quá tầm thường đến mức trở thành điều kiện cơ bản của cuộc sống.

Chúng ta thử nhìn lại xem ở Việt Nam chúng ta có gì? Độc tài cai trị, chất lượng cuộc sống thì quá tồi tệ, tự do nhân quyền thì trong cái lồng độc tài đan cho chúng ta, thu nhập bình quân đầu người thì chưa bằng 1/10 thế giới, an sinh xã hội thì thiếu thốn đủ đường, xã hội thì man rợ, tha hóa, nát như tương, bầu cử thì chạy quyền chạy chức, đảng cử dân bầu, bầu đi bầu lại vẫn là mấy thằng cộng sản với nhau, chỉ khác phe cánh và nhóm lợi ích, tham nhũng thì chỉ bị kỷ luật, cảnh cáo, quan chức nhà nước phạm tội thì chạy tội cho nhau, tòa án thì ngồi xổm lên hiến pháp và pháp luật…

Cái gì cũng có cái giá của nó. Để có được thành công, có được những mà đất nước họ có thì chúng ta phải đánh đổi bằng rất nhiều thứ. Nếu chúng ta cứ ôm cái tư duy nô lệ là đa đảng là loạn thì chúng ta vẫn mãi cứ khổ cực trong bình yên. Có đúng là đang bình yên không? Không. Tai nạn, chết chóc do bệnh tật, hiếp dâm, giết người, trộm cướp, ô nhiễm, oan ức… luôn rình rập quanh cuộc sống của chúng ta. Chết lúc nào có biết đâu. Đấy là bình yên ư???

Phần II: Vài người thì làm được gì?

Không thay đổi được đâu, vài người thì làm được gì đâu, khó lắm. Đây là cách nghĩ của rất nhiều bộ phận nhân dân từ xưa đến nay. Đến cái thời mà internet, văn minh của nhân loại đã tìm đến nhà vệ sinh của từng người (đi vệ sinh hay dùng smartphone) mà người ta vẫn ôm cái tư duy ấy thì đúng là không thể nào hiểu nổi.

Không chỉ vài người đâu mà là cả triệu con người trên cái đất nước này đang đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau. Họ dấn thân, họ cống hiến bằng những gì họ có. Họ theo đuổi mục tiêu cao cả hàng nhiều năm ròng rã không mệt mỏi. Họ làm vì ai? Vì họ, vì bạn, vì tôi và vì chúng ta. Tại sao bạn lại suy nghĩ như vậy để những người mà bạn gọi là “vài người” kia bị cô độc? Họ đấu tranh cho cả bạn, cho gia đình bạn, cho đất nước của bạn và cho tương lai của tất cả cơ mà.

Chẳng lẽ bạn không phải là người Việt? Bạn không có trách nhiệm gì với bản thân, gia đình, dân tộc và đất nước sao? Bạn cứ nghĩ kiếm được tiền lo cho bản thân, cho gia đình là đủ sao? Bạn cứ nghĩ rằng chỉ biết mình và gia đình mình là đủ sao? Bạn cũng phải ăn bẩn, sống trong môi trường ô nhiễm, bị bóc lột thuế má, bị cướp đi nhân quyền, tự do, bị vây bủa bởi các tiêu cực xã hội…như bao người.

Vậy tại sao bạn lại đùn đẩy trách nhiệm của mình cho người khác mà chỉ biết lo cho bản thân rồi chờ thành quả đấu tranh của người khác ? Ích kỷ, khôn lỏi như vậy mà được ư? Chính vì bao nhiêu người suy nghĩ như bạn mà đất nước mới ra thế này. Cuộc sống như vậy mà đã bằng lòng đến mức cam chịu ư? Ai cũng như bạn thì đất nước đi về đâu?

Đừng mang cái tư duy vài người thì làm được gì, rồi ôm cái ích kỷ và cho rằng mình như thế là khôn ngoan. Không, nước mất thì nhà cũng tan, kinh tế tàn thì đời bạn cũng rách mà thôi. Như nhau cả thôi. Lúc đó đầu gối mới bò thì cũng hơi muộn rồi đấy. Không thiếu gì cách đấu tranh và hãy chọn cho mình một cách phù hợp. Đừng để ” vài người” gánh trọng trách cho cả gần 100 triệu người nữa. Đất nước chứ không phải là nhà trọ mà vô trách nhiệm. Dân tộc, đồng bào chứ không phải nước lã đâu mà hất đi.

Phần III: Sợ hãi

Việc dám nói ra những bức xúc của cá nhân trước sai trái, man rợ của chế độ hay đứng lên đấy tranh là một điều rất khó khăn với nhiều người. Đó là một nỗi sợ mà chế độ cộng sản đã định hình nó trong nhận thức của người dân. Họ sợ liên lụy gia đình, công việc, bị bắt, bị đánh, bị sách nhiễu, thậm chí là bị giam cầm. Họ có quá nhiều thứ “ích kỷ cá nhân” để bảo vệ và không dám hi sinh nó vì mục đích chung của dân tộc.

Nhưng cuối cùng họ cũng chẳng có gì. Tại sao ư? Nếu họ cứ vì cái ích kỷ cá nhân kia mãi mà bỏ qua chuyện quốc gia, dân tộc thì thử hỏi nước mất thì nhà có tan không, kinh tế lụi bại thì nhà có tàn không? Cộng sản là chúa phá hoại và tham lam. Nước mất, tất cả là nô lệ. Kinh tế lụi bại thì tiền chỉ là giấy mà thôi. Kiếm rất nhiều tiền, bảo vệ rất an toàn cho bản thân và gia đình nhưng cuối cùng đói nghèo có chừa một ai không?

Hãy nhìn những nước cộng sản đã sụp đổ thì rõ, nhìn luôn hiện tại của Venezuela thì rõ. Tiền vô giá trị, cha mẹ đuổi con ra đường đi bụi chỉ vì thiếu ăn, đàn bà, con gái bán tóc, tụt quần bán dâm vì miếng ăn, kéo đoàn kéo lũ bỏ xứ mà đi tìm nơi sống mới… Vậy thì tiền bạc, ích kỷ cá nhân còn giá trị gì khi đất nước lâm nguy bởi tay người cộng sản?

Bạn sợ bị đi tù, bị đánh đập, giam cầm ư? Đừng nghĩ vậy. Vốn dĩ hiện nay bạn đã đang ở trong một nhà tù rồi, đã bị giam rồi và bị cướp đi quá nhiều thứ rồi. Nhà tù do chế độ này dựng lên nó giam nhốt tự do của bạn, giam nhốt rất nhiều quyền của bạn, nó giam nhốt cả tư tưởng của bạn. Chỉ khác nhau nếu bạn dám đấu tranh mà không may bị bắt thì bị giam ở nhà tù nhỏ hơn và thiếu tự do, quyền lợi hơn mà thôi.

Bạn bị giam có thời hạn nếu bạn đấu tranh. Nhưng nếu bạn không đấu tranh thì bạn sẽ bị giam vô thời hạn. Không những bạn bị giam mà cả bố mẹ bạn, con cái bạn, người thân của bạn và cả dân tộc này. Bạn chọn cái nào? Giảm lỏng vô thời hạn hay chấp nhận đánh đổi để đi tìm tự do thực sự, giải phóng gông xiềng?

Sức mạnh của dân tộc là vô cùng mạnh mẽ. Nó hoàn toàn thắng vũ khí, sự tàn bạo của những lực lượng cai trị. Nếu tất cả chúng ta cùng lên tiếng, cùng hành động, hành động kiên quyết cho đến cùng thì không ai có thể thắng được. Thế nhưng ai cũng sợ, ai cũng ích kỷ thì bó đũa sẽ bị bẻ từng que và người bị bẻ lại chính là những người đấu tranh thay cho bạn. Thay vì bạn đấu tranh, đồng hành, bảo vệ họ thì bạn lại nhìn họ và sợ hãi. Đừng làm, sẽ bị bắt như nó mà thôi. Có đúng như vậy không?

Rồi có một ngày bạn sẽ không còn sợ nữa đâu khi chúng nó sờ đến bạn và gia đình. Sờ trực tiếp để bạn thấy thì bạn mới hết sợ. Giờ chúng nó đang sờ bạn đó nhưng mà là gián tiếp. Chúng nó vẫn đang vét nồi cơm nhà bạn đó, vẫn đang bóc lột bạn đó, vẫn bắt bạn cùng gia đình gánh nợ thay chúng nó đó, vẫn bắt bạn và gia đình ăn bẩn, sống bẩn đó… Nhưng không ai phản ứng gì. Và bạn chỉ phản ứng khi người cộng sản giết người nhà bạn, cướp đất nhà bạn, xử oan cho bạn. Lúc đó bạn kêu ai? Hãy tự đứng lên thôi.

Phần IV: Không phải việc của mình

Cha chung không ai khóc hay chuyện bao đồng là những tư duy nhiều người định nghĩa về chuyện quốc gia, dân tộc. Kệ, việc nhà chưa xong thì hơi đâu mà lo chuyện bao đồng, ăn cơm ngô nói chuyện thế giới làm gì. Thật là buồn khi người dân cứ sống theo lối mòn tư duy này và mặc kệ chuyện quốc gia, dân tộc. Thật là căm hận khi người cộng sản đã hình thành lối tư duy này vào đầu người dân để dễ bề cai trị.

Chúng ta đều thử tự hỏi mình xem rằng: chuyện chính trị có phải là chuyện của mình không? Nó có phải là chuyện của riêng lãnh đạo hay không ? Và tự chúng ta suy ngẫm đáp án thì sẽ rõ. Thực sự thì nó chính là việc của chúng ta, của mỗi người con đất Việt. Chuyện chính trị ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc, của mỗi chúng ta và thế hệ tương lai của chúng ta cũng như của quốc gia, dân tộc.

Đất nước dưới ách cai trị của cộng sản bao năm nay đã tan hoang, khánh kiệt, lầm than, oan ức, nhục nhã. Tài nguyên, khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, rừng vàng biển bạc cũng hết, nợ nần quốc gia chồng chất và nhân dân phải gánh, quyền lợi của con người không được đảm bảo, an sinh, phúc lợi xã hội thì quá kém, ngân khố thì mục ruỗng, ô nhiễm khắp nơi nơi, bệnh tật muôn ngả, tiêu cực xã hội ở mọi ngóc ngách, xã hội thì tha hóa, biến chất theo xu hướng mọi rợ, không có tính văn minh, cướp bóc, tham nhũng, bè cánh tàn phá khắp nơi nơi, sưu cao thuế nặng…

Tất cả là do hệ thống tuyên giáo của cộng sản gây ra. Họ hướng dân theo lối tư duy ích kỷ, xa rời chính trị, thờ ơ với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Thờ ơ với chuyện của quốc gia, dân tộc là thờ ơ với chính hiện tại và tương lai của mình, gia đình mình…Và những thứ chúng ta phải gánh, mất mát ngày hôm nay chính là do sự thờ ơ và ích kỷ này gây ra. Đừng có ngồi đó mà than rằng là mãi không thấy tiền đâu, bao giờ mới hết khổ hay kêu khóc, cay cú vì bị chúng nó cướp mà hãy tìm nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và tìm cách giải quyết nó.

Phần V: Chuồn ra nước ngoài hoặc muốn giữ chế độ để bảo vệ tài sản

Đây là một tư duy của một bộ phận đông đảo giới trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam. Một tư duy mang đầy tính ích kỷ, vô trách nhiệm và rất tàn nhẫn với đồng bào, đất nước. Phần lớn những người này là người biết kiếm tiền, có tư duy, học vấn, trình độ cao. Thay vì dang tay, cống hiến, đấu tranh để cứu vớt đồng bào mình, đất nước mình thì họ lại tìm cách trốn chạy khỏi trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc, trốn chạy khỏi chính đất nước mình.

Chuồn ra nước ngoài để ấm riêng thân ư? Thế còn người ở lại? Ai cũng đi thì đất nước để cho ai, nó đi về đâu? Quê cha đất tổ mất thì nguồn cội biết đâu mà tìm? Nước mất rồi thì ai tìm lại? Tại sao mình là người có tài, có năng lực mà lại trốn chạy để đẩy trách nhiệm cho những người kém cỏi hơn mình? Đó là một loạt câu hỏi sẽ đi theo những bước chân chạy trốn của các bạn. Nó sẽ cắn xé lương tâm của các bạn khi các bạn đắp mảnh chăn ấm, ăn miếng cơm ngon ở nới xứ người. Bạn tàn nhẫn đến mức ngồi rung đùi mà nhìn đồng bào mình, đất nước mình lầm than, tan nát vậy ư?

Bạn mặc kệ cho chế độ này tồn tại để bảo vệ lợi ích , quyền lợi của mình ư? Vậy còn hàng mấy chục triệu con người khác thì sao? Họ nghèo khổ, chịu bất công, áp bức, đè nén thì sao? Chế độ này không chỉ đọa đày họ đâu mà cả chính các bạn. Các bạn đều phải gánh nợ công như họ, đều phải chịu sưu cao thuế nặng, đều mất nhân quyền, đều hứng chịu tiêu cực xã hội, ô nhiễm, độc hại…Chỉ khác là bạn có tiền thì bạn có nhiều hơn họ vài sự lựa chọn mà tiền có thể mua được mà thôi.

Chúng ta còn tương lai, còn con cháu của chúng ta, còn cả giang sơn này phải gánh vác. Sẽ đến lúc tất cả chúng ta phải chịu chung một thảm cảnh đen tối mà chế độ này gây ra. Kể cả bạn ra nước ngoài sống. Còn người thân, bạn bè của bạn có đi hết được không? Chưa chắc. Vậy thì bạn có đau không, có rơi nước mắt không khi chứng kiến người thân, bạn bè, đồng bào mình khổ cực, đất nước mình tan nát, nô lệ?

Bạn cố gắng bảo vệ tài sản ư? Đến một ngày nào đó, tiền chẳng có giá trị gì ngoài giấy tính theo kg. Còn đời con bạn thì sao? Sẽ chịu chung thảm cảnh cùng dân tộc. Ngày bạn giàu có, bạn bỏ rơi dân tộc, quốc gia. Lúc bạn nghèo đói thì dân tộc bao bọc, che chở và đồng hành cùng bạn. Giọt nước mắt ân hận ấy có muộn màng không hả những con người ích kỷ, vô cảm?

Phần VI: Thôi kệ, công an nó bắt đấy

Khi đề cập đến chính trị là nhiều người lảng tránh, thậm chí rời khỏi cuộc nói chuyện vì lo sợ vạ lây, tai vách mạch rừng. Tôi cũng chẳng hiểu là họ sợ cái gì nữa. Cái mồm sinh ra đâu chỉ ăn, để nói mà nó còn để đưa ra chính kiến của mình. Tôi ngồi trà đá vỉa hè ở Hà Nội thấy dân họ chửi cả bố thằng Trọng lú và lũ quan chức cộng sản lên mà có sao đâu. Chửi oang oang như chuyện hàng tôm, hàng cá vậy.

Chế độ này đã dùng luật rừng, nhà tù, công an để gây lên nỗi khiếp sợ cho người dân khiến họ xa lánh chuyện chính trị. Chính vì thế mà người dân để mặc cộng sản nó lộng hành bao năm nay. Biết chúng nó kìm kẹp mình, cướp của mình mà không dám nói, không dám đuổi. Chúng nó cho bọn khuyển cảnh là công an ra sẵn sàng đàn áp, dọa nạt, đánh đập…những ai dám chống lại chúng, đe dọa quyền lực của chúng. Chính vì vậy nên nhiều người dân Việt Nam sợ lắm, nhất là công an.

Sợ đến bao giờ? Chúng ta đến bao giờ mới hết sợ? Bạn sợ, bạn im lặng thì chúng nó có tha bạn đâu. Nó vẫn cướp của bạn, vẫn bắt bạn trả nợ, vẫn đè nén bạn, vẫn bắt bạn phải sống chung với đủ loại tiêu cực cơ mà… Đời bạn, con bạn, cháu bạn và cả dân tộc này cứ sợ hãi mãi thế sao? Bạn cúi đầu càng thấp thì bạn lại càng không nhìn thấy phía trước. Bạn càng cúi thấp thì chúng càng dễ cưỡi lên lưng bạn. Bạn càng cúi thấp nó càng dễ đánh bạn và bạn càng khó phản kháng .

Rồi một ngày nào đó bạn sẽ không còn sợ nữa. Nhưng cái giá phải trả lúc đó quá đắt và muộn. Sao ai cũng cho mình là tài giỏi, ai cũng muốn khôn hết phần người khác mà vẫn cúi đầu?

Phần VII: Trông chờ

Trông chờ một ai đó hay một tổ chức nào đó làm nên lịch sử là tâm lý của rất nhiều người. Người ta phó mặc số phận của mình, của gia đình, đất nước cho một người nào đó, một tổ chức nào đó và dường như xem trách nhiệm đó không phải là trách nhiệm của mình. Và thế là năm tháng cứ qua đi, sự trông chờ cứ kéo dài mãi. Và dĩ nhiên những người hiểu được sự thối nát của cái chế độ này và mong đất nước thay đổi thì mới trông chờ chứ những người không hiểu thì lại chửi: Ôi đm cái bọn phản động. Thậm chí họ chửi là đm cái bọn phản quốc nữa cơ. Trong khi đó họ chẳng hiểu khái niệm của hai chữ ” phản quốc và bọn nào mới là phản quốc.

Đất nước chẳng phải của riêng ai. Trách nhiệm với đất nước, với dân tộc của mọi người đều như nhau. Chẳng ai sinh ra đã bị mặc định là: à mày phải thay tao gánh trọng trách to lớn ấy cả. Vậy tại sao lại trông chờ? Sao không phải là chính mình, là tất cả chúng ta cùng làm việc?

Tôi thấy cái cảnh bạn bè bị bắt lên xe bus khi đi biểu tình giúp cả hàng triệu con người mà tất cả chỉ biết đứng nhìn hay lảng tránh với đôi mắt e dè, sợ sệt. Đến thằng hèn như tôi còn dám đi theo dòng người biểu tình. Bạn tôi bị bắt thì tôi cũng chỉ biết đẩy thằng công an và nói sao lại bắt người ta.

Tôi không thể một mình đánh lại chúng nó để cứu bạn tôi. Tôi chỉ biết phản đối và đi tiếp theo dòng người. Giá mà có nhiều người dám đẩy thằng công an, dám đi theo đoàn biểu tình như tôi, dám lôi bạn tôi khỏi bàn tay bọn công an thì có lẽ sự việc đã khác . Và tôi buồn lắm khi nhìn những ánh mắt sợ hãi và những bước đi vô cảm ấy.

Không một lãnh tụ nào, một tổ chức nào có thể thành công nếu không có sự ủng hộ, trợ giúp của nhiều người. Và những người đó phải là những người hiểu. Nếu chúng ta cùng nắm tay nhau, che chở, bảo vệ nhau thì sự tình đã khác hiện nay rất nhiều. Bạn hiểu, bạn muốn thay đổi nhưng bạn lại không hành động thì bao giờ mới có sự thay đổi? Người khác làm cho bạn nhưng bạn lại không ủng hộ họ, không bảo vệ họ, không đồng hành cùng với họ thì bạn là cái gì? Đừng có trông chờ ích kỷ như vậy chứ. Bạn chỉ biết đứng nhìn người khác gánh trách nhiệm thay cho bạn thôi à? Bạn là ai?

Phần VIII: Nhịn để mà sống

Sống dưới cái chế độ này nó vậy, biết làm sao bây giờ hay xã hội nó vậy phải nhịn thôi chứ biết làm sao là tư duy của rất nhiều người. Chúng ta phải công nhận rằng chính bản thân chúng ta cũng chưa hoàn toàn tốt. Nhưng chúng ta chưa tốt là do cái chế độ này định hình lên bản chất của xã hội và nó định hình lối sống của con người.

Tôi lấy ví dụ như chúng ta không tuân thủ luật giao thông thì đó là lỗi của chúng ta. Nhưng cảnh sát giao thông lại buông lỏng quản lý, xin đểu, để khe cho dân vi phạm nhằm kiếm tiền mãi lộ… Và nó trở thành thói quen đút lót và nhận hối lộ. Hay chúng ta phải đút lót khi vào bệnh viện, cơ quan hành chính… Và rồi cũng nói rằng phải chịu chứ biết làm sao.

Nhà cầm quyền tăng giá xăng dầu, thuế xe, tiền điện, tiền nước… và chúng ta cũng nói câu chịu thôi chứ biết làm sao. Chúng ta có quyền phản ánh, phản đối sự thối nát của các cơ quan công quyền, của chế độ, nêu lên bất đồng chính kiến nhưng rồi cũng lại nói rằng chế độ này nó vậy rồi, châu chấu đá voi thì ăn thua gì, công an nó bắt bỏ mẹ. Tòa án bất công, pháp luật có như không, nhũn như cọng bún và rồi chúng ta cũng ậm ừ rằng nó như thế thì biết làm sao…

Thế là bao năm qua chúng ta cứ thế. Chúng ta đã trở thành những thứ như kiểu một loài vật bị thuần hóa và không còn sức phản kháng. Như những con trâu kéo cày miệt mài vì sợ đòn roi và đói khát. Kéo mãi và thành thói quen. Quen đến nỗi định hình luôn tư tưởng trong đầu mình rằng mình là con trâu, con bò và phải chịu phận kéo cày đến chết chứ không phải là con người như bao con người trên thế giới này. Quen đến nỗi mà khi những người khác nói thay tiếng nói của mình thì quay ra chửi họ là phản động. Chợt nhớ ra câu nói rằng: Tôi thấy các bạn tôi ăn cứt, tôi bảo bạn tôi đừng ăn cứt nữa. Và thế là họ quay ra chửi tôi rằng: Đm thằng phản động.

Vậy thì nhiều người trong chúng ta còn nhịn đến bao giờ? Và chúng ta phải bắt con cháu chúng ta lại tiếp tục sống kiếp trâu ngựa cày ra cơm trắng, giò thơm cho cái đảng cộng sản này nó ăn mãi sao? Con hơn cha là nhà có phúc. Chúng ta cố gắng để thế hệ tương lai có một tương lai tốt đẹp. Vậy tại sao lại bắt con trẻ sống kiếp khổ cực như chúng ta? Trách nhiệm của người cha, người mẹ chỉ đơn giản là cho con cái ăn mặc học hành đầy đủ thôi sao? Chúng ta tưởng như vậy là đã làm tròn trách nhiệm của mình ư?

Chưa đâu. Rồi còn trách nhiệm với đất nước, với dân tộc này nữa. Đất nước của chúng ta, đồng bào máu mủ của chúng ta hay chỉ là cái nhà trọ và một giống loài trong trại súc vật với nhau?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Quý vị nào biết xin cung cấp số liệu
    – Có bao nhiêu người đọc bài này để hiểu về cái hay, cái tiến bộ của Đa Nguyên?
    Có lẽ rất ít trong số 100 triệu dân Việt. Tôi đoán độ 5000 hoặc 50.000. Cứ cho là 500 ngàn đi.
    Những người đọc bài này (50 ngàn hoặc 500 ngàn) thì đã quá hiểu vẫn đề (không đọc, vẫn biết đa nguyên là cần thiết). Đọc xong, không giác ngộ hơn lúc chưa đọc.

Comments are closed.