Giải mã câu chuyện gang thép Thái Nguyên xung quanh kết luận thanh tra

LaoDai Lao

3-4-2019

Sau thời gian im lặng về kết luận thanh tra Chính phủ về dự án gang thép Thái nguyên giai đoạn 2, ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (cũ), Bộ Công Thương, đã lên tiếng về kết luận này nhưng vẫn không nói thẳng mà chỉ rộng đường cho dư luận nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn về kết luận thanh tra.

Trong kết luận thanh tra có đoạn: “Thời điểm khi TISCO, VNS và Bộ Công Thương xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thì đa số các bộ, ngành được lấy ý kiến đều phản đối, cho rằng thiếu cơ sở”.

Ông Quang giải thích: “Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (do vốn đầu tư tăng) của các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tại thời điểm những năm 2007-2011, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện việc điều chỉnh TMĐT. Sau đó Bộ Xây dựng đã ban hành công văn số 900/BXD-KTXD ngày 01/6/2012 hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án“.

Cũng theo ông Quang, các tài liệu vẫn còn lưu đầy đủ, khẳng định Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương, “Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Tài chính thì bên cạnh việc khẳng định dự án thuộc loại điều chỉnh của văn bản quy phạm nào thì đều lưu ý những bên có trách nhiệm trực tiếp như VNS, Bộ Công thương đánh giá sự cần thiết, chịu trách nhiệm về hiệu quả nếu có điều chỉnh… Do vậy, cần khẳng định không có chuyện Bộ Công thương đi ngược lại ý kiến các bộ khác“.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Thanh tra Chính phủ cố tình hiểu sai ý kiến góp ý của các Bộ ngành và đưa ra kết luận hàm hồ, hay vì bị sức ép nào khác.
Tại phần kiến nghị của Thanh tra Chính phủ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền được nêu tại Kết luận thanh tra.

Trong bài viết mới đây trên VietnamNet, ông Cường nguyên chủ tịch Hiệp Hội Thép đã lý giải, “công việc của VPCP ở đây là tổng hợp ý kiến của các bộ liên quan và trình Thủ tướng chứ họ không tham mưu những vấn đề này, cũng không có văn bản nào thể hiện sự cho phép hoặc chấp thuận đề nghị của TISCO. Do đó, việc xử lý cũng cần xem xét cụ thể quy định của pháp luật, tính đến bối cảnh thực tế và các diễn biến liên quan, đảm bảo xử lý khách quan, chính xác, đúng pháp luật“. Xem lại chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng Chính phủ cũng đúng với những gì ông Cường nói.

Một lần nữa, dư luận đặt câu hỏi, Thanh tra Chính phủ thuộc Chính phủ, trong các kết luận trước đây, chưa từng có tiền lệ kiến nghị xử lý các Bộ ngành cùng cấp với mình, tại sao lại có kiến nghị này, đã đánh giá đúng và khách quan vụ việc chưa, ý đồ đằng sau là gì?

Lại nữa, nguyên văn kết luận có nêu: “Theo cam kết tại Ðiều 9 của Hợp đồng, giá hợp đồng tổng thầu EPC là 160.888.887 USD. Giá hợp đồng này là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC”.

Ông Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh lại là hợp đồng EPC này đã ghi rõ “Giá Hợp đồng này là trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng” và “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, nên không có việc làm sai hợp đồng.

Vậy việc cắt xén nội dung trong Hợp đồng để làm căn cứ kết luận thanh tra càng làm dấy lên câu hỏi, ý đồ đằng sau việc này của Thanh tra Chính phủ là gì. Chắc chắn việc này chỉ có ông Nguyễn Đức Tâm, trưởng đoàn thanh tra mới trả lời rõ ràng được.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây