12-3-2019
Hôm qua tôi viết về cái “ác quá đáng” không có điểm dừng. Chiều nay, hội thảo về Nước mắm truyền thống do Hội nước mắm Phú Quốc tổ chức (ở Phú Quốc), có đại biểu quốc hội tỉnh Kiên Giang, chính quyền và nhiều tờ báo lớn cả nước dự. Một loạt hội thảo bày tỏ ý kiến và nêu kiến nghị ở các tỉnh có làng nghề nước mắm sẽ tiếp tục được tổ chức. Không ai nghĩ là dừng lại dù Bộ KH&CN đã công bố tạm dừng ban hành cái qui phạm sai trái. Tôi vẫn tin sau bốn lần (bất quá tam thành ra bất quá tứ rồi) các nạn nhân đã thấm thía là cái “ác quá đáng” vẫn tiếp tục tấn công họ trong bóng tối.
BÓNG MA UNG THƯ – NỖI SỢ HÃI
Ngoài công khai, họ kinh doanh nỗi sợ hãi. Sáng nay gặp chị Lý Kim Chi, chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM. Lần nào nhắc tới vụ 3 MCPD chị cũng rưng rưng nước mắt nghẹn ngào “Tới giờ mình vẫn còn ân hận. Do Hội phản ứng chậm không kịp hỗ trợ mà chết hết mấy chục đơn vị sản xuất nước tương cho họ chiếm hết thị trường”. Đến vụ arsenic (thạch tín) còn táo bạo hơn. Khi chiến dịch đã đẩy cả xã hội đến hốt hoảng thì mẫu quảng cáo, cả áo thun in quảng cáo sẵn, thật đắc địa được tung ra (xem ảnh) cứu thế.
Hôm qua, có bạn luật sư gửi cho tôi bài của nhà báo Quốc Vĩnh đang còn trên trang nhà anh ngày 25-10-2016, trò chuyện với ông Nguyễn Đăng Quang về chiến dịch arsenic và bức ảnh trang quảng cáo in trên báo (có tiểu thương nhận được tờ rơi y như thế ở các chợ). Tất cả đều tô vẽ trên chiêu bài Sức khỏe người tiêu dùng, an toàn thực phẩm. Bạn tôi, một chuyên gia KT nổi tiếng nghe tôi hỏi “Sao họ đạt gần 80% rồi mà không cho người ta sống?” thì bật cười “Kinh doanh bất chấp thì phải độc chiếm toàn bộ, chừng ấy thì cho xã hội ăn gì, uống gì với giá nào làm sao cãi, có gì mà lạ?”
Còn trong bóng tối đã xảy ra những gì, chỉ khi đến chiêu hốt gọn cuối cùng mọi người mới biết. Dự thảo chuyển cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng những ngày sát Tết. Rồi họp báo về quy phạm thực hành nước mắm mà cũng chỉ có chuyên gia về an toàn thực phẩm còn các đối tượng, nạn nhân (tiềm năng) thì bị cấm cửa. Mỗi bước thực hiện chủ trương họ đều rất chi tiết. Mấy hôm nay, bị hỏi mãi, chị Hồng Minh mới ngao ngán tiết lộ câu chuyện trong bóng tối, kiểu “quy phạm thực hành” rất “đúng luật” để chống lại việc thành lập Hội nước mắm truyền thông (đã 3 năm qua không thành). Có cả ông tiến sĩ “Ác quá đáng” tham gia ban vận động lập cái Hội trùng tên để cản trở lập Hội thật cho tới bây giờ.
Nhưng báo chí chưa rọi đèn tới một chỗ đáng biết để trả lại sự công bằng cho những người làm nước mắm truyền thông lương thiện, tự trọng và tử tế.
AI BẢO NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG LÀ BẨN? HỌ BIẾT CẠNH TRANH BẰNG TIÊU CHUẨN VÀ KHÔNG LẬP LỜ LỪA GẠT NTD.
Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập (CHN) do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (Hội DN.HVNCLC) khởi xướng xây dựng từ cuối năm 2016 có sự đồng hành ngay từ đầu của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ tiêu chí có nền tảng là các quy định của pháp luật Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế phổ quát mà các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sử dụng để từ đó nhằm khuyến khích doanh nghiệp quan tâm hơn đến xây dựng tiêu chuẩn, tuân thủ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Đến nay trong số 102 doanh nghiệp thực phẩm đạt CHN, có 7 doanh nghiệp nước mắm đã vượt qua được các tiêu chí và sự đánh giá khắc nghiệt của Hội đồng chuyên gia, gồm các thương hiệu: Khải Hoàn, Thanh Quốc, Thanh Hà, Hòa Hiệp, 584 Nha Trang, Bảy Hồng Hạnh, Liên Thành.
Nghĩ về cuộc phấn đấu cực kỳ gian khổ của các doanh nghiệp này, tôi luôn cảm động khi nghĩ về Thanh Quốc. Bắt đầu nộp hồ sơ ngày 3/9/2018 (lúc này cơ sở chưa có áp dụng hệ thống tiêu chuẩn HACCP), cty còn một số thiếu sót về yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng nên kỳ họp Hội đồng chuyên gia ngày 3/11/2018, không được thông qua. Sau đó,ban quản lý dự án CHN tư vấn, góp ý, mời học các khoá đào tạo về HACCP mà Hội doanh nghiệp HVNCLC tổ chức thì Thanh Quốc gắng nâng cấp cơ sở vật chất, thay đổi quy trình sản xuất và áp dụng HACCP vào sản xuất. Đến 2/2019, 5 tháng sau, Thanh Quốc (TQ) còn mới được chứng nhận HACCP và ISO 22000, và chứng nhận CHN. Đến nhà thùng Thanh Quốc, tôi bất ngờ trước lý giải của chị Nguyễn thị Tịnh, sao lại dùng tới 2 thương hệu: TQ và Quốc Đảo? Chị Tịnh nói: doanh nghiệp chỉ dán logo Chỉ dẫn địa lý nước mắm Thanh Quốc, Phú Quốc, khi nước mắm đó làm đúng qui trình và là nguyên chất, còn Quốc Đảo, cũng của TQ nhưng pha chút chất điều vị để đa dạng hoá sản phẩm và giá cũng nhẹ hơn cho đối tượng khách khác hơn nên phải đổi tên.
Chẳng vì sợ ai kiểm tra cả mà vì lương tâm và sự trung thực để giữ gin cái tên “Nước mắm Phú Quốc” mà thôi. Nên khi nghe chị Tịnh bồi hồi kể ” hôm đó nghe vụ arsenic, biết mình chăc bị dính, tôi khóc mấy ngày vì thôi vậy đành bỏ nghề rồi”.
Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống cũng đang nỗ lực để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong số các doanh nghiệp nước mắm đạt HVNCLC – CHN có những DN đã xuất khẩu với nhiều tiêu chuẩn quốc tế nhưch còn thấp và đôi khi chưa được xuất khẩu chính ngạch, có thể kể đến một vài cái tên như: Thanh Hà với HACCP, BRC, BSCI, FDA; Hồng Hạnh với ISO 9001: 2008, HACCP, HALAL, FDA…
Nhưng… họ đang bị ngáng đường do chính… qui định của chính VN mình. Bị hàng rào kỹ thuật nước ngoài thì tất nhiên rồi, nhưng rào do mình dựng mới ly kỳ. Đó là cái ải: quy định về hàm lượng histamine. Năm 2006, Ủy ban Codex Việt Nam và Thái Lan hợp tác đồng biên soạn Bộ Tiêu chuẩn Codex về nước mắm với ngưỡng histamine là 400mg/lít. Rồi 2012, Ủy ban Codex Việt Nam soạn lại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước mắm (National technical regulation for fish sauce) vẫn giữ hàm lượng histamine là 400 mg/lít. Thì chỉ có nước mắm công nghiệp đã pha loãng mới thỏa tiêu chí này. Chính doanh nghiệp Thanh Hà cũng đã mất hơn 2 năm không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ do bị FDA cảnh báo hàm lượng histamine vượt qui định và tới giờ vẫn không gỡ được. Với mức đó, cửa định mệnh chỉ mở cho nước mắm công nghiệp mà thôi?