9-3-2019
Trong những ngày về Hà Nội, tiều phu nghỉ ở 14 Lý Thường Kiệt. Ngôi nhà với những kỷ niệm êm ấm ngày xưa, nay thành một quán cơm khá nổi tiếng ở Hà Nội. Niềm hạnh phúc của ông bà chủ quán cơm lại là nỗi khổ của tiều phu. Suốt ngày hắn phải ra vào cái ngõ ẩm ướt, lúc nào cũng có mùi tanh và đêm khó ngủ phải nghe bọn chuột chạy qua các chồng bát đĩa mà hàng ngày đám công chức vẫn vui vẻ cầm ăn.
Nhưng khổ hơn cả là hai ngày cuối cùng ở đây. Ngày 26.2 thằng oắt con Kim Ủn đi tầu bọc thép đến Đồng Đăng và chiều hôm đó nó về trọ ở khách sạn Melia 44 Lý Thường Kiệt. Từ 14 đến 44 chỉ cách nhau 15 số nhà. Đứng ở nhà hắn, tiều phu có thể nhìn thấy một phần phố Lý Thường Kiệt bị chặn cứng.
Trên Facebook này có ít nhất 3 người chứng kiến sự khốn khổ của tiều phu vào tối 27.2. Lúc 20h30 tối, hắn phải lên sân bay Nội Bài để về Đức. Đúng lúc vác va- ly ra ngõ thì đường lại bị chặn vì xe của thằng oắt sắp đi qua. Từ sáng giờ đã có hai lần phố hắn bị chặn như vậy. Đoàn xe có còi hụ trước sau chỉ chạy qua đúng 1 phút là hết mà cảnh sát chặn đường trước 30 phút, chặn cả vỉa hè. Hai ông bạn tiều phu đánh xe đến đón, phải mất bao nhiêu thời gian vòng vèo mãi mới đến được vòng rào ngoài, cách nhà hai ngã tư. Hắn đành xách va- li chạy đến đó. Nhưng muốn vượt qua đường cũng phải nói khó với cảnh sát, thậm chí quát to lên họ mới cho đi.
Tối hôm trước, 26.2, tiều phu đi bộ dọc phố lên ga, nhưng đến đoạn khách sạn Melia thì bị chặn lại. Đang loay hoay tranh luận với mấy chú cảnh sát thì hai tay vệ sỹ Triều tiên cao mét tám, hồi sáng nay còn chạy bên xe của Ủn, đến nói với cảnh sát cho tiều phu vào. Tiều phu hoảng quá, nhưng bốn cánh tay sắt đã kẹp chặt hai vai và ủn hắn đi về cửa khách sạn Melia, trước cái nhìn sẫn sờ của mấy chú cảnh sát cơ động.
Gần đến cửa, một tay vệ sỹ đã nói qua máy bộ đàm điều gì đó. Ngay lập tức cô Kim Yo, em của Ủn chạy ra. Cô đệ nhất công chúa vương triều Kim này thực ra có dáng dấp của thôn nữ Triều Tiên, làm quan chỉ nhờ uy thằng anh. Giống như mấy bà vợ quan tỉnh ở ta, ả chẳng có chút gì chất vương giả. Ả hất hàm và hai tay vệ sỹ buông vai tiều phu ra, nhưng vẫn ốp bên cạnh. Giờ lại thêm hai cậu nữa ốp phía sau. Tiều phu được ủn vào một phòng lớn ngay gần sảnh. Ủn đang ngồi bàn bạc với bộ sậu ở đó.
Ủn đứng dậy và tiến về phia tiều phu. Khuôn mặt nung núc thịt của Ủn làm hắn nhớ đến viên quan phụ mẫu trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, chỉ cần châm kim vào là ra hàng lít mỡ. Đằng sau cặp gọng kính bằng sừng là đôi mắt sắc lẹm và xảo như muốn chém vào mặt tiều phu. Cái đầu cắt ngắn dựng ngược này dễ phải tốn đến nửa cân gôm? hắn tự hỏi.
Ủn giơ tay nhưng tiều phu không bắt tay, đứng chắp tay sau lưng. Ủn cười nhạt và nói bằng tiếng Đức với giọng Thụy Sỹ:
– Guten Tag, Herr Holzfäller! (Chào ông tiều phu)
Rồi Ủn tấn công luôn: Tôi biết ông luôn kêu gọi nhân quyền, ca ngợi tự do nên không chịu bắt tay “kẻ độc tài”. Nhưng thực ra ông là con cháu Thạch Sanh. Người ở rừng không quen bắt tay mà, không sao.
Tiều phu tức sôi máu, nhưng nhìn bốn tay vệ sỹ cơ bắp, mắt một mí, lạnh lùng ốp quanh nên đành phải nhũn.
– Tiều phu chỉ là cái nick trên mạng. Triều Tiên cấm Internet mà sao các anh lại biết?
– Chỉ có dân bị cấm thôi, Ủn nói. Còn cán bộ chức năng của tôi vẫn theo dõi mạng rất chặt chẽ. Trước chuyến đi này, họ có điểm danh một số blogger Việt hay chỉ trích chúng tôi. Từ năm ngoái, ông đã viết bài “Lòng tin”, coi cả tôi và Tổng thống Trump là loại bất tín, không thể làm ăn với nhau được chứ gì?
– Cái đó thì anh hiểu rõ hơn tôi. Anh thừa biết là sự tồn tại của vương triều Kim nhờ vào bom hạt nhân nên chẳng bao giờ có chuyện các anh từ bỏ. Giờ có một thằng điên nghĩ là có thể dùng vật chất lừa được các anh từ bỏ bom A. Đây là cơ hội ngàn vàng để anh bước vào xa- lông chính trị nên anh sẽ tìm cách lừa thằng điên kia để kiếm chác….
Ủn cười tít mắt: Đó chính là tính ưu việt của CNXH. Tôi chẳng cần đàm phán có kết quả cũng làm lãnh tụ suốt đời, còn gã kia cần có thành tích bằng mọi giá để được thêm 4 năm nữa. Gã đang nằm trong rọ của tôi. Lần trước ở Singapore về, tôi phê phán thái độ của Mỹ, còn gã vẫn phải ca ngợi tôi. Nếu mai điều đình mà gã không xuống nước, tôi có thể kích hoạt lại mấy bãi thử tên lửa. Dù tình báo NSA có báo cáo thì Trump vẫn phải tảng lờ, gã sợ mất điểm. Người Triều Tiên cũng có ngạn ngữ “nắm dao đằng chuôi” như các ông.
– Lý do gì mà lần này anh chọn Việt Nam? Tôi tò mò hỏi
Ủn: Đầu tiên là ở đây biểu tình bị cấm. Ngược lại, người vẫy cờ, hoan hô thì huy động thoải mái, thậm chí là miễn phí, vì chủ nhà chi. Cái này thì cả tôi và Trump đều khoái. Ở Trung Quốc cũng vậy, nhưng Bắc kinh lại là nhân tố chính trong bàn cờ hạt nhân. Cái lý do đường sắt chỉ là thứ yếu. Thực ra nếu tàu bọc thép của tôi đi xuyên qua Nga, tới Helsinki, Phần Lan thì tác dụng diễu võ dương oai được khuếch trương hơn. Nhưng bọn dân chết tiệt ở đó được biểu tình, nên cả ông Trump cũng ngại. Không ở đâu hai chúng tôi được mến mộ như ở Việt Nam.
– Thế không phải Trump khuyên anh sang học hỏi kinh nghiệm cải cách kinh tế của Việt Nam à?
– Đúng thế, Ủn trả lời lạnh lùng. Nhưng lão già chỉ biết tính tiền qua bất động sản, chứ chả hiểu mẹ gì về CNXH, về CNTB thế kỷ 21 cả. Hồi sáng giờ, từ Đồng Đăng về đến đây, tôi thực sự ấn tượng bởi những gì nhìn thấy trên đường. Tôi ấn tượng bởi sự láu cá, hám lời ngắn hạn của cả một dân tộc. Suốt dọc đường xe đi qua, thị trấn nào, thôn xóm nào nhà cửa cũng mọc lên như nấm, nhưng mạnh ai nấy xây, cứ như răng cải mả. Có những cái nhà bề ngang hai mét mà xây lên 6 tầng. Bên chúng tôi do mất mùa nên có người gầy giơ xương, nhưng không bao giờ có cái nhà gầy đét như thế. Vào đến Hà Nội các bộ răng cải mả càng dày đặc hơn. Cao ốc thì mọc như nấm, nhưng đường thì chật như nêm. Vỉa hè ở nhiều phố đã biến mất, người và xe chia nhau mặt đường. Tuy đoàn xe đi đến đâu, đường bị chặn đến đó, nhưng sự bát nháo thì không thể không nhận ra. Lão Trump bảo tôi: Sang mà xem, ở Việt Nam hàng quán la liệt. Đối với tôi thì cái trò “nhà nhà bán hàng” cho thấy là Việt nam đang ở một giai đoạn CNTB sơ khai, nhưng là một thứ tư bản bán hàng rong, sản xuất nhỏ.
(Còn tiếp)
Một số hình ảnh: