Tiều phu bị Ủn (Phần 2)

FB Nguyễn Thọ

11-3-2019

Tiếp theo phần 1

Tiều phu phản pháo: Tôi chưa đến Triều Tiên, nhưng được biết là các anh thiếu đủ thứ. Gạo không có ăn, dầu không có đốt, còn đói hơn cả Việt Nam những năm 80. Nếu mở cửa, có dù là CNTB đồng nát thì nó cũng sẽ cải thiện đời sống nhân dân. Cứ khư khư giữ cái CNXH phong kiến thì dân đói quá sẽ làm loạn.

Ủn trả lời, khuôn mặt nung núc không biểu hiện chút cảm xúc nào: Triều Tiên đã trải qua chế độ XHCN khá hoàn chỉnh mà Việt Nam chưa bao giờ với tới. Thời ông nội tôi và các bác Breznew, bác Ulbricht, bác Golmulka[1] còn sống, Triều tiên đã công nghiệp hóa xong. Hồi đó trường học ra trường học, bệnh viện sạch bong, xe bus, tàu điện ngầm đầy ắp công nhân viên chức. Sinh viên Việt Nam đi học Triều Tiên sướng như tiên, về nước đều giàu có hơn ông cán bộ cấp vụ. Trong khi Việt Nam sau 30 năm học tập CNTB vẫn chưa làm được cái ốc vít thì Triều tiên chưa cần mở cửa đã có bom hạt nhân và xuất khẩu tầu ngầm khắp thế giới. Nếu người Triều Tiên được yêu tư bản thì họ sẽ không phải kinh qua giai đoạn TBCN hàng rong, hay như ông vừa gọi là gì nhỉ… à Tư bản đồng nát. Giao thông Triều Tiên sẽ không bao giờ có cảnh kiến vỡ tổ như ở đây… Việt Nam không thể là bài học cho Triều Tiên được đâu.

– Ít ra thì cũng học được cách tham nhũng chứ? Tiều phu chọc kháy.

Ủn đi đi lại lại, nói chậm rãi như kẻ giảng đạo: Khỏi cần học. Từ chế độ công hữu tiến lên tư hữu mà tránh tự do cạnh tranh thì tham nhũng là cách duy nhất để tích tụ tư bản, đưa người của mình nắm tài sản xã hội, tạo ra một tầng lớp đặc quyền đặc lợi mới. Bọn này sẽ bảo vệ hệ thống kinh tế, chính trị đó đến đồng tiền cuối cùng. Bên Đông Âu, nước nào thay đổi cả kinh tế lẫn chính trị thì thúc đẩy được tự do cạnh tranh, tạo được cơ chế kiểm soát nhau, thì bớt được tham nhũng. Tham nhũng thì ở đâu cũng có, vì lòng tham của con người. Nhưng tham nhũng nhà nước lại là quy luật của các “thể chế kín”. Đã là quy luật thì khỏi phải ai dạy ai. Tham nhũng ở Việt Nam hay Triều Tiên chỉ khác nhau cách làm. Một kẻ khôn vặt làm ăn nhỏ và một thằng đại công nghiệp, cuồng tín thì cách ăn cắp phải khác nhau. Học thế nào được.

– Anh ca ngợi các thành tựu XHCN ở Triều Tiên, khen nền đại công nghiệp, sao vẫn có bao nhiêu người chết đói, vẫn có hàng trăm ngàn trẻ em suy dinh dưỡng?

– Ba đời nhà tôi là lãnh tụ thiên tả, nhưng tôi có lối tư duy rất hữu, nên rất hợp với ông Trump. Tôi thích xã hội có kẻ yếu, kẻ mạnh. Ngày trước khi còn Liên Xô bao cấp kiểu CCCP (các chú cứ phá) thì máy móc và sản phẩm công nghiệp Triều Tiên đủ đổi lại cuộc sống tem phiếu ấm no cho cả nước. Giờ thì duy nhất chỉ còn Triều Tiên vận hành nền kinh tế kế hoạch đó, cuộc sống ắt phải khó khăn hơn. Do đó, cái gọi là CNXH chỉ để dành cho những kẻ mạnh, còn những kẻ yếu thì chỉ được gặm cái “Quá độ lên CNXH”. Thế thôi, dễ hiểu mà, he he.

– Tôi biết, anh coi mạng dân đen Triều Tiên không đáng một xu. Do đó chắc anh cũng mừng bởi mục tiêu chính của Trump chỉ là giải trừ hạt nhân để ông ta đạt mục đích chính trị, cũng như yên tâm rút quân Mỹ khỏi Nam Hàn, theo nguyên tắc “America first”. Còn vấn đề nhân quyền thì ổng lờ tịt.

– Ông là dân đốn củi, có cái chất của Thạch Sanh nên hay quan tâm đến nhân quyền, tình người. Nhưng nếu ông là lái buôn thì mối quan tâm đó chỉ còn là cửa miệng. Đã thế, đi đàm phán với thằng ba đời không có khái niệm về nhân quyền, thì nói kiểu gì? Trẻ con bên tôi đi học về, trước tiên là cúi chào cả ba ông Kim Lãnh tụ trên tường, xong rồi mới chào đồng chí bố, đồng chí mẹ. Xã hội chúng tôi xây dựng trên cơ sở quan hệ đồng chí với đồng chí, cần gì nhân quyền? Có khi Trump không biết điều đó. Nhưng lão ấy đếch cần biết người Triều tiên sống chết ra sao. Lão chỉ cần lời hứa từ bỏ bom A của tôi. Như tôi đã nói ở trên, lão ảo tưởng. Hê hê.

– Vậy thì vấn đề thống nhất Triều Tiên cũng chỉ là trò bịp?

– Chuyện đó tôi chỉ bàn với Tổng thống Nam Hàn. Ông Moon hơn Trump ở điểm là quan tâm cả bom A lẫn thống nhất đất nước. Nhưng để được việc với tôi, ổng cũng lờ chuyện nhân quyền, dân chủ… Tôi đã đọc loạt bài về „Thống nhất nước Đức“ của ông, tiều phu ạ. Nhưng cái kịch bản đó sẽ không thể xảy ra. Đông Đức, Tiệp-Khắc hay Ba-Lan đều là con rối của Mạc Tư Khoa, lại không có bom hạt nhân, không có lãnh tụ anh minh. Nam Hàn dù giàu có đến mấy cũng không nuốt được chúng tôi. Trò „Một quốc gia hai chế độ“ cũng chỉ là cái mồi tôi nhử ông Moon cho vui. Cứ cho là dù thống nhất, tôi vẫn khóa chặt không cho dân tôi sang Nam Hàn, nhưng khi đã là một nước thì người Nam có quyền đến miền Bắc, dù là phải có visa. Sự hiện diện của họ, với những khác biệt về vật chất, văn hóa, về cách ứng xử, sẽ làm cho các ông bà „đồng chí“ của tôi bắt đầu đặt các câu hỏi. Đó là chưa kể sự thông thương hàng hóa và sản xuất, thông tin liên lạc. Khi đó làm sao bắt các đồng chí chỉ tin vào những gì tôi cho nghe, cho đọc. Mà tôi thì không muốn con tôi phải cầm phiếu đi bầu kẻ khác. Còn kịch bản như Việt Nam 1975 thì không thể xảy ra vì Nam Hàn mạnh và đông dân hơn chúng tôi nhiều. Bom A của tôi chỉ để dọa, chứ lôi ra đánh nhau thì chưa đủ gãi ghẻ cho kho bom của Mỹ.

Lúc này, cô em của Ủn bước vào, rỉ tai điều gì đó. Ủn cười to nói: Giờ là thời điểm tôi phải đi. Mời ông lúc nào sang thăm Triều Tiên. Bên tôi củi tươi nhiều lắm. Đại sứ của tôi ở Berlin sẽ lo hết!

Ủn khệnh khạng bước ra xe, với 12 gã hộ pháp tháp tùng hai bên, bỏ tiều phu một mình trong phòng họp. Tiều phu trấn tĩnh một lát sau rồi cũng ra sảnh. Viên quản lý tiếp tân của Melia trợn tròn mắt khi thấy một gã mặc T-Shirt, quần nhung, đi giày thể thao từ đó bước ra. Tiều phu hỏi cậu ta: Sao bọn này chặn đường lâu thế mà hắn còn ngồi lại nói chuyện với mình, rồi đột ngột bỏ đi?

– Tuyệt chiêu của ổng đấy chú ạ. Trước khi đi họ đã bắt chặn đường, chặn vỉa hè đủ lâu để dân đi đường dồn lại, làm cho các phố đông dần lên. Khi lượng người đã đạt đỉnh, là xe phải đi ngay. Thế là cánh nhà báo của họ quay được cảnh đoàn xe đi giữa biển người. Người Việt mình láu cá và thiếu kiên nhẫn, chờ lâu tý nữa là họ lách các ngõ ngách khác đi hết, khung cảnh lên phim sẽ không được hoành tráng.

Tiều phu chợt hiểu: Chà thằng oắt! Nó vừa mang máu phong kiến của ông, vừa có kiểu cuồng bạo của bố, vừa thực dụng kiểu tây học. Nó không cuồng tín, nó biết giới hạn của nó, nhưng nó biết tận dụng mọi khoảng khắc, mọi địa điểm, biết tìm những lão điên để lợi dụng, để tô vẽ cho nó từ thằng lên ông.

(Hết)

____

[1] Leonid Bresnew – Tổng bí thư đảng CS Liên Xô, Walter Unlbricht – Bí thư thứ nhất đảng XHCN thống nhất Đức, Wladislaw Gomulka – TBT đảng Công nhân Thống nhất Ba-Lan là những nhà lãnh đạo cùng thế hệ với Kim Nhật Thành.

Một số hình ảnh:

Người Triều Tiên chỉ biết có 3 đồng chí Kim Lãnh tụ vĩ đại
Sức mạnh của Triều Tiên nằm ở đây.
Tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng
Không ở đâu tôi được mến mộ như ở đây!
Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây