LTS: Trong bản tin hôm qua, Tiếng Dân có điểm bài viết của tờ báo cực hữu Breitbart News về kế hoạch của TT Trump thách thức các tuyên bố chủ quyền của TQ trên Biển Đông.
Như đã nói hôm qua, tờ báo này từng nằm dưới sự điều hành của Steve Bannon, cánh tay phải của Trump. Họ có thể có những thông tin độc quyền, nhưng có những chi tiết trong bài cần kiểm chứng lại mà bài dịch dưới đây, dịch giả Song Phan đã đưa ra chú thích cuối bài để giải thích rõ hơn.
____
Tác giả: Alex Lockie
Dịch giả: Song Phan
23-7-2017
Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt một kế hoạch để kềm chế Bắc Kinh trong việc tiếp tục quân sự hoá và các hành động của họ ở biển Đông, Kristina Wong từ Breitbart News, cho biết.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã có tham vọng xây đảo trên các rạn đá và san hô ở biển Đông và quân sự hóa chúng bằng tiền đồn radar, đường băng quân sự và các hầm trú ẩn để phòng thủ tên lửa.
Các nhà phân tích quân sự tin rằng, Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng vùng nhận diện phòng không của họ vào phía Tây Thái Bình Dương và xây dựng một lực lượng hải quân biển xanh để cạnh tranh với Mỹ, nhưng sáu quốc gia khác cũng đưa ra yêu sách các phần của khu vực này.
Năm 2016, một tòa án quốc tế tại The Hague kết luận rằng các yêu sách biển của Trung Quốc là bất hợp pháp và quá đáng, nhưng Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ phán quyết đó và đã tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự và đơn phương tuyên bố các khu cấm bay và cấm tàu bè qua lại.
Khi một quốc gia đưa ra yêu sách biển quá mức, hải quân Hoa Kỳ sẽ thách thức bằng việc cho tàu, thường là các tàu khu trục, chạy gần lãnh thổ tranh chấp hoặc chạy xuyên qua vùng biển đang tranh chấp để bảo đảm tự do hàng hải cho tất cả mọi người. Trong năm 2016, Mỹ đã thách thức yêu sách quá mức của 22 quốc gia, yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông mà hàng năm có khoảng 5 nghìn tỷ Mỹ kim hàng hoá vận chuyển ngang qua đó, là yêu sách nổi bật nhất.
Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ lại các xâm phạm của Hoa Kỳ vào khu vực này, nói với Hoa Kỳ rằng những hành động đó là khiêu khích và rằng Hoa kỳ phải xin phép họ, mà điều đó thì không phù hợp với luật pháp quốc tế hoặc các công ước của LHQ.
Khi phản ứng lại việc máy bay ném bom của Mỹ bay trong khu vực, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói “Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực”.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ đã ngưng hoạt động tự do đi lại ở biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015. Trong năm 2016, Mỹ chỉ thực hiện ba thách thức như vậy (*). Cho đến nay, dưới thời Trump, Mỹ đã thực hiện ba lần thách thức.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White nói với Breitbart News: “Chúng ta chắc chắn có việc trở lại trạng thái bình thường”.
Bà ấy nói: “Chính quyền này dứt khoát trả lại quyền hạn cho những người có vị thế tốt nhất để thực thi những quyền hạn đó, vì thế đó là việc trở lại tình trạng bình thường”.
Các hoạt động tự do hàng hải hoạt động tốt nhất khi chúng là lệ thường trong bản chất và không tạo ra tin tức.
Chúng dùng để giúp Mỹ thiết lập các sự kiện trên biển, nhưng ở biển Đông, những sự kiện đó đều chỉ ra sự kiểm soát của Trung Quốc.
Khi các máy bay phản lực quân sự của Trung Quốc bay trên đầu, khi tàu hải quân Trung Quốc tuần tra vùng biển, và khi các đội xây dựng của Trung Quốc đặt ra bộ khung cho một mạng lưới các căn cứ quân sự ở biển Đông, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đều để ý tới.
Sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ tại khu vực này sẽ không quay ngược thời gian và không tháo dỡ các đường băng, nhưng nó có thể gửi một thông điệp tới các đồng minh rằng Hoa Kỳ hậu thuẫn họ và sẽ không quay lưng trong việc kềm chế Bắc Kinh.
____
(*) Ghi chú của dịch giả Song Phan: Tác giả so sánh mức độ thường xuyên nhưng lờ đi mức độ mạnh bạo, chẳng hạn lần thách thức hết sức mạnh bạo (thách thức đường cơ sở phi pháp của TQ) dưới thời Obama ngày 21/10/2017.
Đây là những lần thách thức Trung Quốc dưới thời Obama và thời Trump:
- 27/10/2015: quần đảo Trường Sa (đá Xu Bi và một vài thể địa lý gần đó), USS Lassen (DDG-82), yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hại.
- 29/1/2016: Quần đảo Hoàng Sa (đảo Tri Tôn), Curtis Wilbur (DDG-54), yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hại.
- 10/5/2016: Quần đảo Trường Sa (đá Chữ Thập), USS William P. Lawrence (DDG-110), Yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hại.
- 21/10/2016: Quần đảo Hoàng Sa, USS Decatur (DDG-73), các tuyên bố cơ sở đường thẳng quá mức.
- 24/5/2017: Quần đảo Trường Sa (đá Vành Khăn), USS Dewey (DDG-105), Không rõ ràng, được cho là lãnh hải bất hợp pháp
- 3/7/2017: Quần đảo Hoàng Sa (đảo Tri Tôn), USS Stethem, yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hai (?)
- 7/7/2016: Biển Đông (không có thông tin cụ thể trên [các] thể địa lý nào), máy bay ném bom chiến lược B-1B, yêu cầu các nước phải thông báo / xin phép trước khi đi qua vô hại (?)
GS Trần Hữu Dũng bình luận: “Không biết tin này thực hư ra sao nhưng điều đặc biệt là nó phát xuất từ website Breibart của Steve Bannon, cố vấn của Trump”.
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt