25-2-2019
“Lượng tro xỉ thải ra từ nhiệt điện Vĩnh Tân nếu chứa trong các container 40 feet với tải trọng 30 tấn, đặt trên các toa tàu thì phải cần đến gần 127.000 toa tàu. Đoàn tàu tro xỉ đó có chiều dài là 1.900 km, với đầu máy tại ga Sài Gòn và toa cuối ở ga Đồng Đăng. Đều đặn mỗi năm, điện lực Vĩnh Tân tạo ra một đoàn tàu tro xỉ dài như thế.
Nhưng Việt Nam không chỉ có mỗi điện lực Vĩnh Tân, mà còn điện lực Duyên Hải (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang), Mông Dương (Quảng Ninh), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Quỳnh Lập (Nghệ An), Quảng Trạch (Quảng Bình), Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Long An… và rất nhiều nữa. Chúng cũng đang và sẽ tạo ra những “đoàn tàu” tro xỉ khác.” (Trích Đoàn tàu tro xỉ, tác giả Nguyễn Đăng Anh Thì, VNE ngày 22/2/2019)
Số tro xỉ này nếu ở điều kiện tối ưu là có chạy lọc tĩnh điện trên ống khói (xỉ nằm ở đáy lò) và thu được hơn 97% tro bay thì cũng còn dư ra hơn 8 tấn bụi/ngày cho một công trình nhiệt điện 5.000MW. Tin rất đáng buồn là 8 tấn tro bay ấy có sự xuất hiện của bụi siêu siêu mịn mà công nghệ lọc tĩnh điện không xử lý được. Và ở Việt Nam không phải chỉ có một mà là khoảng 50 nhiệt điện như vậy…
Trong một bài viết trước khi tôi đưa thông tin về nghiên cứu của Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT); bụi siêu siêu mịn đã được phát hiện và đi kèm với nó là tác nhân gây ung thư, tim mạch, tiểu đường. Ở một bình diện khác, nó có thể làm biến đổi thời tiết nữa, khiến các cơn mưa bất thường và cực đoan hơn chẳng hạn. Hai ông Junkermann và Jorg M. Hacker- đồng tác giả công trình nghiên cứu về bụi siêu siêu mịn đã nói rất rõ là nhiệt điện là nguồn phát thải bụi siêu siêu mịn lớn nhất thế giới, hơn cả khói xe tại các thành phố lớn.
Người Đức lên ngay lộ trình chấm dứt nhiệt điện than sau nghiên cứu này. Tại Thụy Điển, thậm chí luật còn cấm tất cả các hoạt động sử dụng than đá. Ở Việt Nam, từ nay đến 2030, số nhiệt điện sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 26 lên 54 nhiệt điện, đa phần là nhiệt điện than.
Và lạ lùng thay, có một KOLs dẫn link bài báo về nhiệt điện than đã bị hạn chế reach (xem ảnh). Nghĩa là có người không muốn cho những sự thật ấy lan toả. Nhất là trong bối cảnh Bộ Công thương quyết định giải cứu “nhiệt điện đắp chiếu” ở Thái Bình.
Chỉ có một lưu ý rằng Thái Bình không quá xa Hà Nội. Và biết đâu câu chuyện bụi siêu mịn (PM2.5) và bụi siêu siêu mịn (PM0.1) sẽ tìm tới thủ đô khi nó vận hành. Thủ đô nước ta thì bụi siêu mịn cao hơn Bangkok thời điểm thủ đô Thái Lan đóng cửa trường học để bụi siêu mịn không gây hại cho sức khỏe trẻ em.
Lộ trình nhiệt điện vẫn tịnh tiến. Bọn học phiệt vẫn báo cáo láo. Bụi mịn, và nay phát hiện thêm bụi siêu mịn, vẫn cứ phát tán. Phương thức bậy bạ là đem tro xỉ đi san lấp công trình xây dựng, đường giao thông vẫn không được ngăn lại…
Bất kỳ ai cũng phải thở và thứ bụi siêu mịn, bụi siêu siêu mịn sẽ sớm “ghé thăm” tất cả!
Nếu không vì trăn trở chuyện thoái giống nòi, có lẽ tôi sẽ bắt chước cây cột điện bởi tôi có chân. Nhưng bỏ cố xứ sao đành khi tôi còn có cả tim óc nữa?