LTS: Một nền dân chủ mạnh mẽ phải có sự phân chia quyền quyền lực rạch ròi giữa Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Độc lập và liêm chính tư pháp có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định tuổi thọ của một nền dân chủ. Các lãnh đạo có khuynh hướng độc tài chuyên chế thường tìm cách thâu tóm quyền lực của Tư pháp để củng cố quyền lực.
Tổng thống Nga Putin, hay Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan của Thổ Nhĩ Kỳ đã khá thành công trong việc thâu tóm quyền lực của Tư pháp nhằm kéo dài quyền lực cai trị. Và khi âm mưu thâu tóm quyền lực bị người dân phát hiện và phản đối, các lãnh đạo độc tài chuyên chế sẽ tìm “dê tế thần” để đổ lỗi cho các cuộc biểu tình tự phát của người dân. Và George Soros là một trong những con “dê tế thần” nổi tiếng.
George Soros là một tỉ phú từ thiện người Mỹ và là nạn nhân sống sót trước sự truy sát của quân Phát xít Đức. Ông đứng sau các chương trình ủng hộ phong trào dân chủ ở vùng Trung và Đông Âu, công khai thúc đẩy tự do báo chí, bầu cử công bằng và minh bạch chính phủ, thay vì hỗ trợ các đảng đối lập. Tuy nhiên, Chính phủ các nước thường chống lại điều đó. Nga đổ tội Soros đã thổi bùng lên những phong trào đấu tranh ôn hòa ở các nước Liên Xô cũ trong những năm 2000. Belarus và Uzbekistan cũng có hành động tương tự.
Viktor Orban – thủ tướng của Hungary (là quê hương của Soros) và cũng chính là người từng nhận học bổng từ Soros – đã gọi các hoạt động từ thiện của Soros là “đế chế xuyên quốc gia”. Quốc hội Hungary vừa thông qua một đạo luật đóng cửa Central European University, trường đại học mà Soros thành lập năm 1991.
Nhiều người cho rằng, những người tham gia biểu tình ôn hòa – dù đó là biểu tình chống lại các chính sách của Tổng thống Trump hay tham nhũng ở Romania – là vì họ bị Soros mua chuộc. Laura Silber, giám đốc truyền thông của quỹ Xã hội Mở (OSF) – một quỹ của Soros, nói: “Nếu chúng tôi trả tiền cho tất cả những người biểu tình, chúng tôi đã phá sản rồi. Đó là những con người tự đứng lên đấu tranh cho niềm tin của họ“.
Soros không phải là một vị thánh. Ông được mọi người biết đến qua vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992, khi ông “đánh sập Ngân hàng Trung ương Anh” và cũng từng bị giới chức Pháp buộc tội giao dịch nội gián năm 1988. Nhưng ông đã cho đi nhiều tỷ USD để phục vụ cho mục đích cao cả. Soros chẳng có chút lợi lộc cá nhân nào khi vận động hủy bỏ án tử hình. Không giống như nhiều nhà tài trợ khác, trong chính trị, Soros luôn vận động vì lợi ích của cộng đồng. Thậm chí đôi lúc ông ủng hộ những chính sách (chẳng hạn như thuế má), có thể khiến bản thân ông bị thiệt thòi.
____
Tác giả: Bethan Staton
Dịch giả: Mai V. Phạm
17-12-2018
Hàng ngàn người đã diễn hành ở thủ đô Budapest của Hungary trong ngày biểu tình thứ tư nhằm phản đối Thủ tướng có khuynh hướng cực hữu Victor Orban và phản đối những đạo luật mới đe dọa quyền lao động và độc lập tư pháp.
Những người tuần hành mang các biển hiệu “Điều tôi nguyện ước cho Giáng sinh là Dân chủ” và các khẩu hiệu chống lại Thủ tướng Victor Orban, đứng chật cứng các con đường đóng băng của thành phố, trong đêm biểu tình thứ tư liên tiếp sau khi chính phủ phê duyệt các quy định về tăng ca ngoài giờ.
Những thay đổi, được phê duyệt trong bối cảnh thiếu lao động, cho phép tăng số lượng làm thêm giờ tối đa mỗi năm từ 250 đến 400 giờ và cho phép các chủ doanh nghiệp thanh toán các khoản tiền lương tăng ca ngoài giờ lên tới ba năm. Các đạo luật này đã được mệnh danh là “luật nô lệ”.
Zoli, một nhân viên vận tải trong cuộc biểu tình cho biết: “Chính phủ không đàm phán với bất cứ ai và họ chỉ làm bất cứ điều gì họ muốn. Họ ăn cắp tất cả mọi thứ. Thật không thể chịu đựng được nữa. Nó không thể tiếp tục”.
Những người biểu tình đốt pháo sáng và cảnh sát đáp trả bằng hơi cay. Trong khi đó các bài phát biểu tại Free Press Road – một con đường biểu tượng cho tự do báo chí của Hungary, biến thành một cuộc tuần hành về phía tòa nhà của đài truyền hình nhà nước, trong khi những đám đông khác chặn hai con đường gần sông Danube.
Những thay đổi này là những biện pháp độc đoán mới nhất được đưa ra bởi ông Orban, nhà lãnh đạo cực hữu của Hungary, là người đã giành được nhiệm kỳ thứ ba trong chính phủ vào tháng 4, với quyền đại đa số cho đảng Fidesz và đồng minh Dân chủ Thiên chúa giáo của ông.
Trong một dự luật khác được thông qua hôm thứ Tư, chính phủ đã tạo ra một hệ thống tòa án riêng để xử lý các vụ kiện như bầu cử, quyền tị nạn và lập hội, và khiếu nại bạo lực cảnh sát. Các nhóm nhân quyền cảnh cáo việc sắp xếp này khiến tòa án có nguy cơ bị can thiệp chính trị, bởi vì bộ trưởng Tư pháp sẽ có thể chọn thẩm phán và quyết định ngân sách của tòa án trong hệ thống tòa án mới, mà không có sự giám sát của nhánh Tư pháp.
Lydia Gall, một nhà nghiên cứu Đông Âu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói: “Việc một chính trị gia, một thành viên của nhánh Hành pháp, sẽ chọn tất cả các thẩm phán cho một hệ thống tòa án có nhiệm vụ kiểm soát quyền lực của chính phủ và nhánh Hành pháp là một sự nhạo báng về sự phân chia quyền lực và nền pháp trị“.
Những người biểu tình vào Chủ Nhật bao gồm các tổ chức thuộc đủ thành phần. Những thành viên của tổ chức Jobbik, khởi đầu là một phong trào cực hữu, nhưng lại xem mình là một “đảng nhân dân”, được tham gia bởi các công đoàn, các nhóm đối lập cánh tả và những người ủng hộ Đại học châu Âu. Tổ chức này, được thành lập bởi nhà từ thiện người Mỹ gốc Hungary, George Soros, tuyên bố trong tháng này họ sẽ phải rời Hungary đến Áo, vì bị “xua đuổi” bởi những cuộc đàn áp của thủ tướng Orban.
Thủ tướng Orban, người tự nhận mình là vị cứu tinh của văn hóa Kito giáo của Hungary, đã cáo buộc tỷ phú Soros dàn dựng một chiến dịch đưa người di cư đến nước này. Tỉ phú Soros nói rằng ông đang bị sử dụng như một “vật tế thần” để khuấy động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Các đồng minh của thủ tướng Orban và đảng cầm quyền Fidesz cáo buộc các tổ chức cánh tả được Soros hỗ trợ tài chính đứng sau các cuộc biểu tình, quy cho họ tổ chức các cuộc bạo loạn phạm pháp.