Nguyễn Đình Cống
13-12-2018
Tiếp theo đoạn 1 — đoạn 2 — đoạn 3 — đoạn 4 — đoạn 5 — đoạn 6 — đoạn 7
Chương 14: PHÁ VỠ KHUÔN ĐÚC
BA THỦ LĨNH PHI CHÂU
Ngày 6 tháng 9, 1895, ba thủ lĩnh Phi châu, của Ngwato, Ngwaketse và Kwena, đã đến Anh với một nhiệm vụ: cứu các nhà nước của họ và năm nhà nước Tswana khác khỏi Cecil Rhodes. Tám nhà nước Tswana tạo thành xứ Bechuanaland, sẽ trở thành Botswana sau độc lập năm 1966.
Các bộ lạc này đã buôn bán với những người Âu châu trong hầu hết thế kỷ thứ mười chín. Năm 1885 Anh đã tuyên bố Bechuanaland là một xứ bảo hộ. Nhưng đối với những người Tswana tình hình đã thay đổi trong năm 1889 khi công ty Nam Phi Anh của Cecil Rhodes đã bắt đầu bành trướng lên phía bắc từ Nam Phi, cướp đoạt các dải đất lớn mà cuối cùng trở thành Bắc và Nam Rhodesia, bây giờ là Zambia và Zimbabwe. Vào năm 1895 Rhodes đã để mắt đến các vùng lãnh thổ tây nam của Rhodesia, Bechuanaland. Các thủ lĩnh đã biết rằng chỉ có tai họa và sự bóc lột nằm ở phía trước đối với các vùng lãnh thổ nếu chúng rơi vào sự kiểm soát của Rhodes. Họ đã quyết định chọn cái ít tệ hơn trong hai cái xấu: một sự kiểm soát lớn hơn của người Anh, hơn là sự sáp nhập bởi Rhodes.
Ngày 11 tháng Chín, 1895 Chamberlain đã tuyên bố rằng ông sẽ xem xét việc áp đặt sự kiểm soát Anh để bảo vệ các bộ lạc khỏi Rhodes. Mỗi trong ba thủ lĩnh, sẽ có một nước mà bên trong đó họ sẽ sống như cho đến nay dưới sự che chở của Nữ Hoàng. Các thủ lĩnh sẽ cai trị nhân dân của chính họ như hiện nay.
Các thủ lĩnh thực ra đã có cái gì đó có giá trị mà họ bảo vệ khỏi Rhodes và sau đó sẽ bảo vệ khỏi sự cai trị gián tiếp của Anh. Vào thế kỷ thứ mười chín, các nhà nước Tswana đã phát triển một tập lõi của các thể chế chính trị. của sự tập trung hóa và các thủ tục ra quyết định tập thể mà thậm chí có thể coi như một dạng mới sinh, thô sơ của chủ nghĩa đa nguyên.
Tất cả các vấn đề về chính sách bộ lạc được giải quyết cuối cùng trước một đại hội đồng của những người đàn ông trưởng thành trong kgotla (địa điểm hội đồng) của thủ lĩnh. Các cuộc họp như vậy được tổ chức rất thường xuyên. Giữa các đề tài được thảo luận có các tranh chấp bộ lạc, những sự cãi nhau giữa thủ lĩnh và họ hàng của ông, việc đánh các loại thuế mới, tiến hành các công trình công cộng mới, ban hành các sắc lệnh mới bởi thủ lĩnh không phải là lạ đối với hội đồng bộ lạc để bác bỏ các ý muốn của thủ lĩnh. Vì bất cứ ai có thể nói, các cuộc họp này cho phép ông biết chắc các ý kiến của nhân dân nói chung, và tạo cho nhân dân một cơ hội để nói rõ những mối bất bình của họ. Nếu có cơ hội, ông và các cố vấn của ông có thể làm nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, vì người dân ít khi sợ để nói công khai và thẳng thắn.
Vượt xa hơn kgotla, chức thủ lĩnh Tswana đã không mang tính cha truyền con nối nghiêm ngặt mà mở ra cho bất cứ người đàn ông nào chứng minh tài năng đáng kể và năng lực. Các thủ lĩnh Tswana đã tiếp tục các nỗ lực để duy trì sự độc lập của họ với Anh và bảo tồn các thể chế bản xứ của họ sau chuyến đi đến London.
Xét cho cùng, các thủ lĩnh, và nhân dân Tswana, đã may mắn. Có lẽ bất chấp mọi khó khăn bất lợi, họ đã thành công ngăn chặn sự thôn tính của Rhodes.
Một bước ngoặt khác vào lúc kết thúc thời kỳ thuộc địa có tính quyết định hơn đối với thành công của Botswana, cho phép nó phát triển các thể chế dung hợp. Vào lúc Bechuanaland trở thành độc lập năm 1966 dưới cái tên Botswana, thành công may mắn của các thủ lĩnh Sebele, Bathoen và Khama đã là lâu trong quá khứ. Trong các năm ở giữa, những người Anh đã đầu tư ít ở Bechuanaland. Vào lúc độc lập, Botswana đã là một trong những nước nghèo nhất thế giới; Thế nhưng trong hai mươi lăm năm tiếp theo, Botswana đã trở thành một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Ngày nay Botswana có thu nhập đầu người cao nhất ở châu Phi hạ-Sahara, và ở cùng mức như các nước Ðông Âu thành công như Estonia và Hungary, và các quốc gia Mỹ Latin thành công nhất, như Costa Rica.
Botswana đã phá vỡ vòng luẩn quẩn như thế nào? Bằng cách phát triển nhanh các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp sau độc lập. Kể từ đó, nó đã là dân chủ, tổ chức các cuộc bầu cử đều đặn và cạnh tranh, và đã chẳng bao giờ trải qua nội chiến hay sự can thiệp quân sự. Chính phủ đã dựng lên các thể chế kinh tế thực thi các quyền tài sản, bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, và khuyến khích sự phát triển của một nền kinh tế thị trường. Nhưng tất nhiên, câu hỏi thách thức hơn là, Botswana đã làm thế nào để tìm được cách thiết lập một nền dân chủ ổn định và các thể chế đa nguyên, và chọn được các thể chế kinh tế dung hợp, trong khi hầu hết các nước Phi châu khác đã làm ngược lại? Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu một bước ngoặt, lần này là sự chấm dứt của sự cai trị thực dân, đã tương tác thế nào với các thể chế hiện tồn của Botswana.
Botswana đã có mức độ nào đó của sự tập trung hóa nhà nước và các thể chế bộ lạc đa nguyên một cách tương đối, đã sống sót qua được chủ nghĩa thực dân. Vào lúc độc lập những người Tswana đã nổi lên với một lịch sử của các thể chế coi là linh thiêng chức thủ lĩnh hạn chế và mức độ nào đó của trách nhiệm giải trình của các thủ lĩnh đối với nhân dân. Ðộc lập cũng đã là chuyện tương đối trật tự. Cuộc vận động cho độc lập đã được lãnh đạo bởi Ðảng Dân chủ Botswana (BDP), được thành lập năm 1960 bởi Quett Masire và Seretse Khama. Khama đã là cháu của Vua Khama III; tên của ông, Seretse, có nghĩa “đất sét mà kết dính với nhau.” Nó đã là một cái tên đặc biệt thích hợp. Mặc dù sự tăng trưởng ban đầu ở Botswana đã dựa trên xuất khẩu thịt, tình hình đã thay đổi đột ngột khi kim cương được khai thác.
Ở Sierra Leone và nhiều quốc gia Phi châu hạ-Sahara khác, kim cương đã kích động, đã cấp nhiên liệu cho xung đột giữa các nhóm khác nhau và đã giúp duy trì các cuộc nội chiến, có được nhãn Kim cương Ðẫm Máu vì sự tàn sát do các cuộc chiến tranh để giành quyền kiểm soát kim cương. Ở Botswana, các nguồn thu kim cương đã được quản lý cho lợi ích của quốc gia.
. Ngày nay Botswana trông giống một nước thuần nhất, không có sự chắp vá sắc tộc và ngôn ngữ như ở nhiều quốc gia Phi châu khác. Botswana đã đạt tốc độ tăng trưởng xuất sắc sau độc lập bởi vì Seretse Khama, Quett Masire, và Ðảng Dân chủ Botswana đã lãnh đạo Botswana đi lên con đường của các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp.
Botswana đã phá vỡ khuôn đúc bởi vì nó đã có khả năng nắm lấy bước ngoặt, sự độc lập hậu thuộc địa, và dựng lên các thể chế dung hợp. Ðảng Dân chủ Botswana và các elite truyền thống, kể cả bản thân Khama, đã không thử tạo ra một chế độ độc tài hay dựng lên các thể chế chiếm đoạt có thể làm giàu cho chính họ với cái giá của toàn xã hội phải trả. Ðấy một lần nữa đã là kết quả của sự tương tác giữa một bước ngoặt và các thể chế hiện tồn.
KẾT THÚC SỰ BÓC LỘT Ở MIỀN NAM
Ngày 1 tháng Mười Hai, 1955. Thành phố Montgomery, Alabama, miền Nam Hoa kỳ. Lái xe bus đã gặp rắc rối, ông đã gọi cảnh sát. Một phụ nữ da đen, Rosa Parks, ngồi vào ghế dành cho người da trắng, Parks đã bị phạt mười dollar. Rosa Parks là thư ký chi hội Montgomery của Hội Quốc gia cho sự Tiến bộ của những người Da Màu. Việc bắt cô đã kích động một phong trào quần chúng, được đạo diễn bởi Martin Luther King, nhằm tẩy chay xe Bus Montgomery.
Cuộc Tẩy chay xe Bus đã là một thời điểm mấu chốt trong phong trào các quyền dân sự ở miền Nam Hoa Kỳ. Phong trào này đã là phần của một chuỗi các sự kiện và những thay đổi mà cuối cùng đã phá vỡ khuôn đúc ở miền Nam và đã dẫn đến những thay đổi cơ bản của các thể chế.
Bắt đầu trong các năm 1950, các thể chế miền nam đã bắt đầu đưa khu vực này lên một quỹ đạo tăng trưởng nhanh hơn nhiều. Ðồng thời, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và chính phủ liên bang cuối cùng đã bắt đầu can thiệp một cách có hệ thống để cải cách các thể chế chiếm đoạt ở miền Nam. Như thế một nhân tố chính tạo ra một bước ngoặt cho sự thay đổi ở miền Nam đã là sự trao quyền cho những người Mỹ da đen ở đó và sự kết thúc của sự cai trị không bị thách thức của các elite miền Nam.
Sự thúc đẩy quan trọng nhất cho sự thay đổi đã đến từ phong trào các quyền dân sự. Nó đã trao quyền cho những người da đen ở miền Nam đã đi đầu, như ở Montgomery, bằng cách thách thức các thể chế chiếm đoạt xung quanh họ, bằng cách đòi các quyền của họ, và bằng cách phản đối và huy động [quần chúng] nhằm đạt được chúng. Nhưng họ đã không đơn độc trong việc này, bởi vì miền Nam Hoa Kỳ đã không là một nước tách biệt và các elite miền Nam đã không có sự kiểm soát tự do, chẳng hạn như các elite Guatemala đã có. Miền Nam đã phải tuân thủ Hiến pháp Hoa Kỳ và luật pháp liên bang. Sự nghiệp cho cải cách cơ bản ở miền Nam cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ từ hành pháp, lập pháp và Tòa án Tối cao Hoa Kỳ một phần bởi vì phong trào các quyền dân sự đã có khả năng khiến cho tiếng nói của nó được lắng nghe ở bên ngoài miền Nam. Luật pháp liên bang đã là mấu chốt trong quá trình cải cách thể chế ở miền Nam.
Như ở Botswana, chìa khóa ở miền Nam Hoa Kỳ đã là sự phát triển của các thể chế chính trị và kinh tế dung hợp. Ðiều này đạt được bằng đặt cạnh nhau sự bất mãn ngày càng tăng giữa những người da đen chịu đau khổ dưới các thể chế chiếm đoạt miền nam và sự tan rã của sự cai trị độc đảng của Ðảng Dân chủ ở miền Nam. Lại một lần nữa, các thể chế hiện tồn đã định hình con đường thay đổi. Trong trường hợp này, đã là mấu chốt rằng các thể chế miền nam ở bên trong các thể chế dung hợp của liên bang của Hoa Kỳ, và điều này cuối cùng đã cho phép những
người da đen miền nam huy động chính phủ và các thể chế liên bang cho sự nghiệp của họ. Toàn bộ quá trình cũng được làm cho dễ hơn bởi sự thực rằng, với sự di cư ồ ạt của những người da đen ra khỏi miền Nam và sự cơ giới hóa sản xuất bông, các điều kiện kinh tế đã thay đổi cho nên các elite miền nam đã ít sẵn sàng để chiến đấu nhiều hơn.
TÁI SINH Ở TRUNG QUỐC
Ðảng Cộng Sản đã lật đổ các nhà Dân tộc Chủ nghĩa trong năm 1949. Các thể chế chính trị và kinh tế được tạo ra sau 1949 đã hết sức chiếm đoạt. Về mặt chính trị, họ đề cao chế độ chuyên chế của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc. Cho đến khi chết năm 1976, Mao đã hoàn toàn thống trị Ðảng Cộng Sản và chính phủ. Ði cùng đã là các thể chế kinh tế hết sức chiếm đoạt. Kinh tế thị trường đã cơ bản bị xóa bỏ.
Như với tất cả các thể chế chiếm đoạt, chế độ Mao đã cố gắng khai thác nguồn lực từ đất nước khổng lồ mà bây giờ ông kiểm soát., Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đã có độc quyền về bán sản phẩm. Những cố gắng công nghiệp hóa đã biến thành Ðại nhảy Vọt khét tiếng sau 1958
Một hệ quả của Ðại nhảy Vọt đã là thành viên kỳ cựu của Ðảng Cộng Sản, Ðặng Tiểu Bình, một tướng rất thành công trong cách mạng, người đã lãnh đạo phong trào “chống hữu” gây ra sự hành quyết của nhiều “kẻ thù của cách mạng, ” đã có một sự thay đổi tấm lòng. Tại một hội nghị ở Quảng Châu miền Nam Trung Quốc năm 1961, Ðặng lập luận, “Không quan trọng liệu mèo là đen hay trắng, nếu nó bắt được chuột, nó là con mèo tốt.” Không quan trọng liệu các chính sách có vẻ cộng sản hay không; Trung Quốc đã cần các chính sách khuyến khích sản xuất sao cho nó có thể cho nhân dân của nó ăn. Thế nhưng không lâu sau Ðặng bị Mao trừng phạt trong Ðại Cách mạng Văn hóa Vô sản
Ðặng đã thấy mình được dán nhãn kẻ số hai đi con đường tư bản chủ nghĩa, và bị tù trong năm 1967. Ông đã được phục hồi năm 1974, và Mao đã được Thủ tướng Chu Ân Lai thuyết phục để bổ nhiệm Ðặng làm phó thủ tướng thứ nhất.
Đã có một bước ngoặt: Mao chết. Với việc này đã có một chân không quyền lực thật sự. Bè Lũ Bốn Tên đã có ý định tiếp tục với các chính sách của Cách mạng Văn hóa. Hoa Quốc Phong đã muốn từ bỏ Cách mạng Văn hóa, nhưng ông đã không thể tách mình quá xa nó, Ðặng Tiểu Bình đã không muốn hủy bỏ chế độ cộng sản và thay thế nó bằng các thị trường dung hợp hơn Ông và những người ủng hộ ông đã nghĩ rằng sự tăng trưởng kinh tế đáng kể có thể đạt được mà không gây nguy hiểm cho sự kiểm soát chính trị của họ. Ðể đạt điều này, họ đã muốn từ chối không chỉ Cách mạng Văn hóa mà cả nhiều trong số di sản thể chế Maoist. Họ đã nhận ra rằng sự tăng trưởng kinh tế sẽ là có thể chỉ với các bước đáng kể theo hướng các thể chế kinh tế dung họp.
Nhóm của Ðặng đã cũng mở cửa cho đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, và đã muốn theo đuổi một chính sách năng nổ hơn nhiều về hội nhập với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đã có những giới hạn, và việc xây dựng các thể chế kinh tế dung hợp thật sự và sự làm giảm đi sự kìm kẹp mà Ðảng Cộng Sản đã có lên nền kinh tế đã không thậm chí là các lựa chọn.
Hội nghị toàn thể Thứ Ba của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa Mười Một đã tạo ra bước đột phá, đã quyết định rằng, từ nay trở đi, tiêu điểm của đảng sẽ không là đấu tranh giai cấp mà là hiện đại hóa kinh tế. Tại Ðại Hội lần thứ Mười Hai của Ðảng năm 1982, và sau đó trong Hội nghị Ðảng Toàn Quốc tháng Chín 1985, ông đã đạt được sự cải tổ lại hoàn toàn ban lãnh đạo đảng và các cán bộ cấp cao. Những người trẻ hơn nhiều, có đầu óc cải cách đã tham gia. Nếu so sánh 1980 với 1985, thì vào năm sau, hai mươi mốt trong số hai mươi sáu ủy viên Bộ Chính trị, tám trong số mười một thành viên Ban Bí Thư Ðảng Cộng Sản, và mười trong số mười tám phó thủ tướng đã được thay.
Bây giờ vì Ðặng và các nhà cải cách đã hoàn thành cuộc cách mạng chính trị của họ và đã kiểm soát nhà nước, họ đã tung ra một loạt những thay đổi thêm về các thể chế kinh tế. Chính nền kinh tế nông thôn đã cất cánh đầu tiên. Việc đưa ra các khuyến khích đã dẫn đến một sự tăng lên đột ngột về năng suất nông nghiệp.
Sự tái sinh của Trung Quốc đến với một sự dịch chuyển quan trọng khỏi một trong những tập chiếm đoạt nhất của các thể chế kinh tế và hướng tới các thể chế dung hợp hơn. Các khuyến khích thị trường trong nông nghiệp và công nghiệp, rồi sau đó tiếp theo bởi đầu tư nước ngoài và công nghệ, đặt Trung Quốc lên một con đường tăng trưởng kinh tế nhanh.
Botswana, Trung quốc và miền Nam Hoa Kỳ, hệt như Cách mạng Vinh quang ở nước Anh, Cách mạng Pháp, và Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản, là những minh họa sống động rằng lịch sử không phải là định mệnh. Bất chấp vòng luẩn quẩn, các thể chế chiếm đoạt có thể được thay thế bởi các thể chế dung hợp. Nhưng nó chẳng tự động, cũng không dễ. Một sự hợp lưu của các nhân tố, đặc biệt một bước ngoặt gắn liền với một liên minh rộng của những người thúc đẩy cho cải cách hay các thể chế hiện tồn thuận lợi khác, thường là cần thiết cho một quốc gia để đi những bước dài hướng tới các thể chế dung hợp hơn. Ngoài ra sự may mắn nào đó là chìa khóa, bởi vì lịch sử luôn luôn diễn ra theo cách tùy thuộc ngẫu nhiên.
Chương 15: HIỂU SỰ THỊNH VƯỢNG VÀ NGHÈO KHÓ
CÁC NGUỒN GỐC LỊCH SỬ
Có những khác biệt khổng lồ về mức sống quanh thế giới. Sự tương phản của Nam và Bắc Triều Tiên, của hai Nogalese, và Hoa Kỳ với Mexico nhắc nhở chúng ta rằng đấy là các hiện tượng tương đối gần đây. Năm trăm năm trước, Mexico, đã chắc chắn giàu hơn các chính thể ở phía bắc, Khoảng cách giữa hai Nogalese thậm chí còn mới đây hơn. Nam và Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế, cũng như về mặt xã hội và văn hóa, đã không thể phân biệt được trước khi nước này bị chia cắt tại vĩ tuyến thứ 38. Tương tự, hầu hết những sự khác biệt kinh tế khổng lồ mà chúng ta quan sát thấy xung quanh chúng ta hôm nay đã nổi lên trong hai trăm năm vừa qua.
Tất cả những thứ này có cần phải như thế? Có phải đã được xác định trước về mặt lịch sử – hay về mặt địa lý hay văn hóa hay sắc tộc – rằng Tây Âu, Hoa Kỳ, và Nhật Bản trở nên giàu hơn nhiều đến thế so với châu Phi hạ-Sahara, Mỹ Latin, Ðã có phải là không thể tránh được rằng Cách mạng Công nghiệp đã tiến triển trong thế kỷ thứ mười tám ở Anh, và sau đó lan sang Tây Âu và các nhánh của châu Âu ở Bắc Mỹ và Australasia? Liệu một thế giới phản thực (counterfactual) nơi Cách mạng Vinh quang và Cách mạng Công nghiệp xảy ra ở Peru, mà sau đó thuộc địa hóa Tây Âu và bắt những người da trắng làm nô lệ, là có thể, hay chỉ là một dạng của khoa học viễn tưởng lịch sử?
Ðể trả lời – thực ra, ngay cả để suy luận về – các câu hỏi này, chúng ta cần một lý thuyết về vì sao một số quốc gia thịnh vượng trong khi các quốc gia khác thất bại và nghèo.
Lý thuyết này cần phác họa cả các nhân tố mà tạo ra và làm chậm sự thịnh vượng và các nguồn gốc lịch sử của chúng. Cuốn sách này đã đề xuất một lý thuyết như vậy. Bất cứ hiện tượng xã hội phức tạp nào, như nguồn gốc của các quỹ đạo kinh tế và chính trị khác nhau của hàng trăm chính thể quanh thế giới, chắc có vô số nguyên nhân, khiến cho hầu hết các nhà khoa học xã hội tránh các lý thuyết một nguyên nhân, đơn giản, và có thể áp dụng một cách rộng rãi, và thay vào đó tìm kiếm những sự giải thích khác nhau cho những kết quả có vẻ tương tự nổi lên trong các thời đại và các vùng khác nhau. Thay vào đó chúng tôi đã đề nghị một lý thuyết đơn giản và đã sử dụng nó để giải thích những đường nét chính của sự phát triển kinh tế và chính trị khắp thế giới từ Cách mạng đồ Ðá Mới. Sự lựa chọn của chúng tôi đã được thúc đẩy không phải bởi một lòng tin ấu trĩ rằng một lý thuyết như vậy có thể giải thích mọi thứ, mà bởi lòng tin rằng một lý thuyết như vậy sẽ cho phép chúng ta tập trung vào những sự tương tự, đôi khi phải trả giá bằng trừu tượng hóa khỏi [tức là phải bỏ qua] nhiều chi tiết lý thú. Một lý thuyết thành công, khi đó, không tái tạo một cách trung thành các chi tiết, nhưng cung cấp một sự giải thích có ích và có cơ sở về mặt kinh nghiệm cho một loạt các quá trình trong khi cũng làm rõ các lực chính đang hoạt động.
Bản thân những khác biệt thể chế hiện tồn giữa các xã hội là kết quả của những sự thay đổi thể chế trong quá khứ. Vì sao con đường thay đổi thể chế là khác nhau từ xã hội này sang xã hội khác? Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở sự trôi dạt thể chế.
Lịch sử là chìa khóa, vì chính là quá trình lịch sử, qua sự trôi dạt thể chế, tạo ra những khác biệt mà có thể trở nên quan trọng trong các bước ngoặt.
Ðể bắt đầu, ngược với các giả thuyết địa lý và văn hóa, Peru không bị buộc phải nghèo bởi vì địa lý hay văn hóa của nó. Trong lý thuyết của chúng ta, ngày nay Peru nghèo hơn Tây Âu hay Hoa Kỳ rất nhiều là bởi vì các thể chế của nó, và để hiểu các lý do của tình trạng này, chúng ta cần hiểu quá trình lịch sử của sự phát triển thể chế ở Peru.
Thứ nhất, những sự khác biệt thể chế bên trong châu Mỹ trong thế kỷ thứ mười lăm đã định hình các vùng này bị thuộc địa hóa thế nào. Bắc Mỹ đã đi theo một quỹ đạo thể chế khác với Peru bởi vì nó được định cư thưa thớt trước thuộc địa hóa và đã thu hút những người định cư Âu châu, những người sau đó đã thành công đứng lên chống lại elite những người mà các thực thể như Công ty Virginia và Quốc vương Anh đã thử tạo ra. Ngược lại, các nhà chinh phục Tây Ban Nha đã tìm thấy một nhà nước tập trung, chiếm đoạt ở Peru mà họ đã có thể tiếp quản và một dân cư đông mà họ đã có thể đưa vào làm việc tại các mỏ và các đồn điền.
Thứ hai, Ðế chế Inca đã có thể chống lại chủ nghĩa thực dân Âu châu, như Nhật Bản đã làm khi các tàu của Commodore Perry đến Vịnh Edo. Mặc dù sự khai thác lớn hơn của Ðế chế Inca ngược lại với Tokugawa, Nhật Bản, chắc đã làm cho một cuộc cách mạng chính trị na ná như Minh trị Canh tân là ít có khả năng ở Peru, đã không có sự tất yếu lịch sử nào rằng những người Inca hoàn toàn chịu thua ưu thế Âu châu. Nếu giả như họ đã có thể kháng cự và thậm chí hiện đại hóa về mặt thể chế trong việc đáp lại các mối đe dọa, thì toàn bộ con đường lịch sử của Thế giới Mới, và toàn bộ lịch sử của thế giới, đã có thể khác đi.
Thứ ba và triệt để nhất, thậm chí đã không được quyết định trước về mặt lịch sử hay địa lý hay văn hóa rằng những người Âu châu là những người thuộc địa hóa thế giới. Ðã có thể là những người Trung Quốc hay thậm chí những người Inca. Tất nhiên, một kết quả như vậy là không thể khi chúng ta nhìn vào thế giới từ vị trí thuận lợi của thế kỷ thứ mười lăm, mà vào thời gian đó Tây Âu đã vượt trước châu Mỹ, và Trung Quốc đã quay sang hướng nội rồi.
Cho dù việc đưa ra các tiên đoán chính xác về các xã hội nào sẽ phát đạt tương đối so với các xã hội khác là khó, chúng ta đã thấy suốt cuốn sách này rằng lý thuyết của chúng ta giải thích khá tốt những sự khác biệt rộng về sự thịnh vượng và nghèo khó của các quốc gia khắp thế giới. Chúng ta sẽ thấy trong phần còn lại của chương này rằng nó cũng cung cấp một số chỉ dẫn về những kiểu nào của các xã hội có nhiều khả năng hơn để đạt sự tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập niên tới.
Lý thuyết của chúng ta cũng gợi ý rằng sự tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt như ở Trung Quốc, sẽ không mang lại sự tăng trưởng bền vững, và chắc sẽ hết hơi. Ngoài các trường hợp này, có nhiều sự không chắc chắn. Cuba, chẳng hạn, có thể chuyển tiếp theo hướng đến các thể chế dung hợp và trải qua một sự biến đổi kinh tế lớn, hay nó có thể chần chừ dưới các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt. Cũng đúng thế về Bắc Triều Tiên và Burma (Myanmar) ở châu Á. Như thế, trong khi lý thuyết của chúng ta cung cấp các công cụ cho tư duy về các thể chế thay đổi thế nào và các hệ quả của những thay đổi như vậy, bản chất của sự thay đổi này – vai trò của những sự khác biệt nhỏ và của sự tùy thuộc ngẫu nhiên – khiến cho các tiên đoán chính xác hơn là khó.
Tất nhiên, tất cả lý thuyết của chúng ta là về các quốc gia có thể tiến hành các bước thế nào hướng tới sự thịnh vượng – bằng cách biến đổi các thể chế của họ từ chiếm đoạt sang dung họp Nhưng nó cũng nêu rất rõ ngay từ đầu rằng không có các công thức dễ dàng nào cho việc đạt được một sự chuyển tiếp như vậy. Tuy nhiên, lý thuyết của chúng ta vẫn hữu ích cho phân tích chính sách, vì nó cho phép chúng ta nhận ra lời khuyên chính sách tồi, dựa hoặc trên các giả thuyết không đúng hay trên sự hiểu biết không thỏa đáng về các thể chế có thể thay đổi ra sao. Trong việc này, như trong hầu hết sự việc, tránh các sai lầm tồi tệ nhất là quan trọng như – và thực tiễn hơn – việc thử phát triển các giải pháp đơn giản. Có lẽ điểm này có thể thấy được rõ nhất khi chúng ta xem xét các khuyến nghị chính sách hiện thời cổ vũ cho “sự tăng trưởng độc đoán” dựa trên kinh nghiệm tăng trưởng thành công của Trung Quốc trong vài thập niên qua. Tiếp theo chúng ta giải thích vì sao các khuyến nghị chính sách này làm cho lầm đường lạc lối và vì sao tăng trưởng Trung Quốc, như nó đã diễn ra cho đến nay, chỉ là một dạng khác nữa của sự tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt, không chắc để chuyển sang sự phát triển kinh tế bền vững.
SỰ QUYẾN RŨ KHÔNG CƯỠNG LẠI ÐƯỢC CỦA SỰ TĂNG TRƯỞNG ÐỘC ÐOÁN
Ðới Quốc Phương từ sớm đã nhận ra sự đến của đợt hưng thịnh bột phát đô thị ở Trung Quốc. Suy luận rằng công ty Sắt và Thép Giang Tô của anh có thể chiếm một thị trường lớn với tư cách một nhà sản xuất chi phí thấp. Tuy vậy, vào tháng Ba 2004, dự án bị ngừng lại theo lệnh của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, và Ðới đã bị bắt vì các lý do chẳng bao giờ được nói rõ ràng. Tội thật của anh đã là khởi động một dự án cạnh tranh với các công ty do nhà nước bảo trợ và làm vậy mà không có sự chuẩn y của các quan chức cao hơn trong Ðảng Cộng Sản. Ðấy chắc chắn là bài học mà những người khác rút ra từ vụ này.
Phản ứng của Ðảng Cộng Sản đối với các doanh nhân như Ðới không phải là một sự ngạc nhiên. Trong khi rất nhiều công ty tư nhân bây giờ hoạt động có lời ở Trung Quốc, nhiều yếu tố của nền kinh tế vẫn dưới sự chỉ huy và bảo hộ của đảng.
Những câu chuyện này không phủ nhận rằng Trung Quốc đã đi những bước dài vĩ đại hướng tới các thể chế kinh tế dung hợp, những bước dài mà làm nòng cốt cho tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của nó trong hơn ba mươi năm qua. Hầu hết các doanh nhân có sự an toàn nào đó, nhất là bởi vì họ nuôi dưỡng sự ủng hộ của các cán bộ địa phương và các elite của Ðảng Cộng Sản ở Bắc Kinh. Trung Quốc trước tiên đã có thể tăng trưởng bởi vì dưới thời Ðặng Tiểu Bình đã có những cải cách triệt để khỏi các thể chế kinh tế chiếm đoạt nhất và hướng tới các thể chế kinh tế dung hợp.
Kinh nghiệm Trung Quốc là một thí dụ về sự tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt. Quan hệ giữa doanh nghiệp và đảng là hết sức béo bở cho cả hai. Các doanh nghiệp được đảng ủng hộ nhận được các hợp đồng với các điều kiện thuận lợi, có thể đuổi dân thường để tước đoạt đất của họ, và vi phạm luật pháp và các quy định mà không bị trừng phạt. Những người chặn đường kế hoạch kinh doanh này sẽ bị chà đạp và thậm chí có thể bị tù hay bị sát hại.
Bởi vì sự kiểm soát của đảng lên các thể chế kinh tế, mức độ của sự phá hủy có tính sáng tạo bị cắt bớt nghiêm trọng, và nó vẫn như thế cho đến khi có sự cải cách triệt để về các thể chế chính trị. Hệt như ở Liên Xô, kinh nghiệm Trung Quốc về tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt được tạo thuận lợi rất nhiều bởi vì còn rất nhiều sự đuổi kịp để làm. Thu nhập đầu người ở Trung Quốc vẫn là một phần nhỏ của thu nhập đầu người ở Hoa Kỳ và Tây Âu. Tất nhiên, tăng trưởng của Trung Quốc được đa dạng hóa hơn đáng kể so với tăng trưởng Soviet; nó không chỉ dựa vào vũ khí hay công nghiệp nặng, và các doanh nhân Trung Quốc cho thấy rất nhiều tài khéo léo. Dẫu sao, sự tăng trưởng này sẽ hết hơi trừ phi các thể chế chính trị chiếm đoạt mở đường cho các thể chế dung hợp. Chừng nào các thể chế chính trị còn là chiếm đoạt, sự tăng trưởng sẽ bị hạn chế một cách cố hữu, như đã được thấy trong tất cả các trường hợp tương tự.
Như lý thuyết của chúng ta nêu bật, đặc biệt trong các xã hội mà đã trải qua mức độ nào đó của sự tập trung nhà nước, kiểu tăng trưởng này dưới các thể chế chiếm đoạt là có thể và có thể thậm chí là kịch bản có khả năng nhất cho nhiều quốc gia, trải từ Cambodia và Việt Nam đến Burundi, Ethiopia, và Rwanda. Nhưng nó cũng ngụ ý rằng tất cả các thí dụ về tăng trưởng dưới các thể chế chính trị chiếm đoạt, sẽ không bền vững.
Thái độ của nhiều người về tương lai của xã hội và nền dân chủ Iraq sau hậu quả của sự xâm chiếm do Hoa Kỳ lãnh đạo đã lạc quan một cách tương tự bởi vì lý thuyết hiện đại hóa. Bất chấp thành tích kinh tế tai hại của nó dưới chế độ Saddam Hussein, trong năm 2002 Iraq đã không nghèo như nhiều quốc gia châu Phi hạ-Sahara, và nó đã có dân cư được giáo dục tốt một cách tương đối, vì thế đã tin rằng là chín muồi cho sự phát triển dân chủ và các quyền tự do dân sự, và thậm chí cho cái mà chúng ta mô tả như chủ nghĩa đa nguyên. Những hy vọng đó nhanh chóng bị tan vỡ khi sự hỗn loạn và nội chiến đổ xuống xã hội Iraq.
Lý thuyết hiện đại hóa là sai và và vô ích cho tư duy về làm thế nào để đương đầu với các vấn đề lớn của các thể chế chiếm đoạt trong các quốc gia thất bại. Mẩu bằng chứng mạnh nhất ủng hộ lý thuyết hiện đại hóa là, các quốc gia giàu là các quốc gia có các chế độ dân chủ, tôn trọng các quyền dân sự và các quyền con người, và có được các thị trường hoạt động và các thể chế kinh tế dung hợp nói chung. Tuy thế lại diễn giải sự liên kết này như sự ủng hộ lý thuyết hiện đại hóa bỏ qua ảnh hưởng lớn của các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp lên sự tăng trưởng kinh tế.
Hồ sơ lịch sử thậm chí còn ít rộng lượng hơn với lý thuyết hiện đại hóa. Nhiều quốc gia tương đối thịnh vượng đã chịu thua và đã ủng hộ các chế độ độc tài đàn áp và các thể chế chiếm đoạt. Cả Ðức và Nhật Bản đã là giữa các quốc gia giàu nhất và được công nghiệp hóa nhất trên thế giới trong nửa đầu thế kỷ hai mươi, và đã có các công dân được giáo dục tốt một cách tương đối. Ðiều này đã không cản sự nổi lên của Ðảng Xã hội Chủ nghĩa Dân tộc (Quốc xã) ở Ðức và một chế độ quân phiệt có ý định bành trướng lãnh thổ qua chiến tranh ở Nhật Bản – làm cho cả các thể chế chính trị lẫn kinh tế quay đột ngột theo hướng các thể chế chiếm đoạt. Argentina cũng đã là một trong những nước giàu nhất thế giới trong thế kỷ thứ mười chín, nó cũng đã có dân cư được giáo dục nhất ở Mỹ Latin. Nhưng dân chủ và chủ nghĩa đa nguyên đã không thành công hơn. Thậm chí các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ cũng vẫn hành động như các nhà độc tài tham lam. Các chính phủ Argentina thế kỷ thứ hai mươi mốt vẫn có thể tước đoạt của cải của các công dân của mình mà không bị trừng phạt.
Tất cả những thứ này làm nổi bật vài ý tưởng quan trọng. Thứ nhất, sự tăng trưởng dưới các thể chế chính trị độc đoán, chiếm đoạt ở Trung Quốc, mặc dù chắc vẫn tiếp tục trong một thời gian, sẽ không chuyển thành sự tăng trưởng bền vững, được ủng hộ bởi các thể chế kinh tế thực sự dung hợp và sự phá hủy có tính sáng tạo. Thứ hai, ngược với các khẳng định của lý thuyết hiện đại hóa, chúng ta không nên tính đến sự tăng trưởng độc đoán sẽ dẫn đến dân chủ hay các thể chế chính trị dung hợp. Trung Quốc, Nga, và nhiều chế độ độc đoán khác hiện nay đang trải qua sự tăng trưởng nào đó chắc sẽ đạt các giới hạn của sự tăng trưởng chiếm đoạt trước khi chúng biến đổi các thể chế chính trị của chúng theo một hướng dung hợp hơn – và thực ra, có lẽ trước khi có bất cứ mong muốn nào giữa các elite đối với những thay đổi như vậy hay bất cứ sự phản đối mạnh nào buộc họ phải làm vậy. Thứ ba, sự tăng trưởng độc đoán không đáng mong mỏi cũng chẳng có thể đứng vững trong dài hạn, và như thế không nên nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như một mẫu cho các quốc gia ở Mỹ Latin, châu Á, và châu Phi hạ-Sahara, cho dù nó là con đường mà nhiều quốc gia sẽ chọn chính xác bởi vì nó đôi khi phù hợp với các lợi ích của các elite kinh tế và chính trị chi phối chúng.
KHÔNG THỂ SẮP ÐẶT SỰ THỊNH VƯỢNG
Không giống lý thuyết mà chúng ta đã phát triển trong cuốn sách này, giả thuyết ngu dốt đến dễ dàng với một gợi ý về làm thế nào để “giải” vấn đề nghèo khó: nếu sự thiếu hiểu biết đã đưa chúng ta đến đây, thì sự khai sáng và các nhà cai trị và các nhà hoạch định chính sách có hiểu biết có thể đưa chúng ta ra khỏi đây, và chúng ta phải có khả năng để “sắp đặt-engineer” sự thịnh vượng quanh thế giới bằng cung cấp lời khuyên đúng và bằng cách thuyết phục các chính trị gia về hoạt động kinh tế tốt là gì.
Các nỗ lực sắp đặt này đến với hai hương vị. Thứ nhất, thường được chủ trương bởi các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận ra rằng sự phát triển nghèo là do các chính sách và các thể chế kinh tế tồi gây ra, và sau đó đề xuất một danh sách những cải thiện mà các tổ chức quốc tế này thử xui các nước nghèo chấp nhận.
Cách tiếp cận thứ hai đến sắp đặt sự thịnh vượng đang là cách được ưa chuộng nhiều ngày nay. Nó nhận ra rằng không có cách sửa chữa dễ dàng để chuyển một quốc gia từ nghèo sang thịnh vượng trong một sớm một chiều hay thậm chí trong tiến trình của vài thập kỷ. Thay vào đó, nó khẳng định, có nhiều “khuyết tật thị trường vi mô” mà có thể được uốn nắn với lời khuyên đúng, và sự thịnh vượng sẽ nảy sinh nếu các nhà hoạch định chính sách tận dụng lợi thế của các cơ hội này
Cái mà tình tiết này minh họa là một phiên bản vi mô của sự khó khăn để thực hiện những sự thay đổi có ý nghĩa khi trước hết các thể chế là nguyên nhân của các vấn đề. Trong trường hợp này, đã không phải là các chính trị gia tham nhũng hay các doanh nghiệp hùng mạnh làm xói mòn cải cách thể chế, mà đúng hơn, cơ quan quản lý địa phương và các nhân viên đã có khả năng phá hoại sơ đồ khuyến khích của các nhà kinh tế học phát triển. Việc này gợi ý rằng nhiều khuyết tật thị trường vi mô mà có vẻ dễ sửa có thể là hão huyền: cấu trúc thể chế tạo ra các khuyết tật thị trường sẽ cũng ngăn cản việc thực hiện những can thiệp để cải thiện các khuyến khích ở mức vi mô. Cố gắng để sắp đặt sự thịnh vượng mà không đối mặt với nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề – các thể chế chiếm đoạt.
SỰ THẤT BẠI CỦA VIỆN TRỢ NƯỚC NGOÀI
Tiếp sau các cuộc tấn công của Al Qaeda ngày 11 tháng Chín, 2001, các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo đã nhanh chóng lật đổ chế độ áp bức Taliban ở Afghanistan, Hiệp định Bonn tháng Mười Hai 2001 đã tạo ra một kế hoạch cho việc thiết lập một chế độ dân chủ. Bước đầu tiên đã là đại hội đồng toàn quốc, đã bầu Karzai lãnh đạo chính phủ lâm thời. Cộng đồng quốc tế đã nghĩ rằng tất cả cái Afghanistan cần bây giờ là một sự bơm mạnh viện trợ nước ngoài vào.
Cái xảy ra sau đó đã không phải là một sự ngạc nhiên, đặc biệt căn cứ vào sự thất bại của viện trợ nước ngoài cho các nước nghèo và các nhà nước thất bại trong năm thập kỷ qua. Hàng tỷ dollar bây giờ đổ vào Afghanistan. Nhưng ít trong số đó đã được dùng để xây dựng hạ tầng cơ sở, Khoản tiền đầu tiên đã được sử dụng để đưa vào vận hành một tuyến hàng không hoạt động con thoi quanh các quan chức Liên Hiệp Quốc và quốc tế khác. Việc tiếp theo họ đã cần đến là các lái xe và các phiên dịch, đi kèm họ đó đây, trả cho họ nhiều lần lương Afghan hiện hành. Các luồng viện trợ, thay cho xây dựng cơ sở hạ tầng ở Afghanistan, lại đã bắt đầu làm xói mòn nhà nước Afghan mà họ được cho là để dựa vào và để củng cố.
Những người dân làng trong một huyện xa trong thung lũng trung tâm của Afghanistan đã nghe một công bố trên radio về một chương trình mới nhiều triệu dollar để phục hồi lại nhà cửa
cho vùng của họ. Sau một thời gian dài, một ít xà gỗ, được Ismail Khan, viên cựu tư lệnh nổi tiếng và thành viên của chính phủ Afghan, được chở đến. Dân làng đưa chúng vào việc sử dụng khả dĩ duy nhất: làm củi. Thế thì cái gì đã xảy ra với hàng triệu dollar được hứa cho các dân làng?. Số tiền ít ỏi đến được Afghanistan đã được dùng để mua gỗ từ miền tây Iran, và phần lớn của nó được trả cho Ismail Khan để bù cho giá vận tải đã được thổi phồng lên. Ðã phải có một chút phép mầu rằng các xà gỗ đã đến được làng.
Cái đã xảy ra ở thung lũng trung tâm của Afghanistan không phải là một sự cố cô lập. Nhiều nghiên cứu ước lượng rằng chỉ khoảng 10 hoặc nhiều nhất 20 phần trăm của viện trợ từng đến được mục tiêu của nó.
Kinh nghiệm Afghan với viện trợ đã thực ra có lẽ được cho là một thành công so với những nơi khác. Suốt năm thập kỷ qua, hàng trăm tỷ dollar đã được trả cho các chính phủ xung quanh thế giới như viện trợ “phát triển”. Phần lớn của số đó đã bị lãng phí về chi phí chung và tham nhũng,
Bất chấp thành tích không tâng bốc này của viện trợ “phát triển, ”, viện trợ nước ngoài là một trong những chính sách phổ biến nhất mà các chính phủ phương Tây, các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, và các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc các hạng khác nhau khuyến nghị như một cách để chiến đấu với nghèo khó quanh thế giới. Và tất nhiên, chu trình thất bại của viện trợ nước ngoài tự lặp lại mình hết lần này đến lần khác.
Một giải pháp – mà gần đây trở nên phổ biến hơn, một phần dựa vào sự nhận ra rằng các thể chế có liên quan gì đó đến sự thịnh vượng và ngay cả đến việc phân phát viện trợ – là để biến viện trợ thành “có điều kiện.” Theo quan điểm này, viện trợ nước ngoài được tiếp tục phải phụ thuộc vào các chính phủ nhận viện trợ thỏa mãn các điều kiện nào đấy – chẳng hạn, tự do hóa các thị trường hay tiến theo hướng dân chủ. Chính quyền George W. Bush đã tiến hành bước lớn nhất theo hướng loại này của viện trợ có điều kiện bằng bắt đầu các Tài Khoản Thách Thức Thiên Niên Kỷ, mà làm cho việc rót tiền viện trợ tương lai phụ thuộc vào những cải thiện chất lượng trong nhiều chiều kích của sự phát triển kinh tế và chính trị. Nhưng tính hiệu quả của viện trợ có điều kiện tỏ ra không tốt hơn loại không có điều kiện
Nhưng tất cả điều này không ngụ ý rằng nên dừng viện trợ nước ngoài, trừ loại nhân đạo. Chấm dứt viện trợ nước ngoài là không thực tế và sẽ chắc dẫn đến thêm sự đau khổ con người. Nó không thực tiễn bởi vì các công dân của nhiều quốc gia phương Tây cảm thấy tội lỗi và lo lắng về những thảm họa kinh tế và con người quanh thế giới, và viện trợ nước ngoài làm cho họ tin rằng cái gì đó được làm để chiến đấu với các vấn đề. Cho dù cái gì đó này rất không hiệu quả, mong muốn của họ để làm việc đó sẽ tiếp tục, và như thế viện trợ nước ngoài sẽ tiếp tục. Các tổ chức quốc tế hết sức phức tạp và các NGO sẽ cũng không ngừng đòi hỏi và huy động các nguồn lực để bảo đảm sự tiếp tục của hiện trạng. Hơn nữa, sẽ là nhẫn tâm đi cắt viện trợ cho các quốc gia cần đến nhất. Ðúng, phần lớn nó bị lãng phí. Nhưng nếu từ mỗi dollar cho viện trợ, mười cent được đưa cho người nghèo nhất trên thế giới, đó là mười cent nhiều hơn số họ đã có trước đó để xóa sự nghèo khốn nạn nhất, và nó vẫn có thể tốt hơn không có gì.
Có hai bài học quan trọng ở đây. Thứ nhất, viện trợ nước ngoài không phải là một phương tiện rất hiệu quả để giải quyết sự thất bại của các quốc gia quanh thế giới. Còn xa mới thế. Các nước cần các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp để phá vỡ vòng nghèo khó. Thứ hai, vì sự phát triển các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp là chìa khóa, việc sử dụng các luồng viện trợ nước ngoài hiện tồn chí ít một phần để tạo thuận lợi cho sự phát triển như vậy sẽ là hữu ích. Như chúng ta đã thấy, tính có điều kiện không phải là câu trả lời ở đây, vì nó đòi hỏi các nhà cai trị hiện hành đưa ra những sự nhượng bộ. Thay vào đó, có lẽ cấu trúc viện trợ nước ngoài sao cho việc sử dụng và quản lý của nó đưa các nhóm và các nhà lãnh đạo bị loại trừ khỏi quyền lực vào quá trình ra quyết định và trao quyền cho một mảng rộng của dân cư có thể là một triển vọng tốt hơn.
SỰ TRAO QUYỀN
Ngày 12 tháng Năm, 1978, tại nhà máy xe tải Scânia của Brazil. các công nhân đã bồn chồn. Các cuộc đình công đã bị cấm ở Brazil từ 1964, Khi ca làm việc 7 giờ sáng bắt đầu, các công nhân bỏ công cụ của họ xuống. Chủ tịch của Tổ chức Công nhân là một nhà hoạt động ba mươi ba tuổi có tên là Luiz Inácio Lula (“Lula”). Vào buổi trưa Lula đã có mặt tại nhà máy. Khi công ty yêu cầu ông thuyết phục các nhân viên quay lại làm việc, ông đã từ chối.
Cuộc bãi công Scânia đã là cuộc đầu tiên trong một làn sóng bãi công quét ngang Brazil. Trên bề mặt của nó là về lương, nhưng như Lula muộn hơn đã lưu ý, không thể tách các nhân tố kinh tế và chính trị. Cuộc đấu tranh đã là về lương, nhưng trong đấu tranh vì lương, giai cấp lao động đã có một chiến thắng.
Sự phục hồi của phong trào lao động Brazil đã chỉ là một phần của phản ứng xã hội rộng hơn nhiều đối với một thập kỷ rưỡi của sự cai trị quân sự. Nền dân chủ sẽ được tạo ra ở Brazil bởi nhiều nhóm xã hội mà tập hợp lại chống lại chế độ quân sự.
Nhà máy Scânia đã báo trước sự hình thành của liên minh này. Vào cuối 1978, Lula đã thả nổi ý tưởng tạo ra một đảng chính trị mới, Ðảng của những người Lao động (Ðảng Lao động). Ðấy, tuy nhiên, là đảng không chỉ của các nghiệp đoàn viên. Lula đã khăng khăng rằng nó phải là một đảng của tất cả những người làm công ăn lương và người nghèo nói chung. Vào ngày 18 tháng Tám, 1979, một cuộc họp đã được tổ chức tại São Paulo để thảo luận về sự hình thành của Ðảng Lao động, đã tập hợp lại các cựu chính trị gia đối lập, các lãnh đạo nghiệp đoàn, các sinh viên, các trí thức, và những người đại diện cho một trăm phong trào xã hội khác nhau đã bắt đầu để tổ chức trong các năm 1970 khắp Brazil. Ðảng Lao động, được khởi đầu tại quán ăn São Judas Tadeo ở São Bernardo trong tháng Mười 1979, sẽ đại diện cho tất cả các nhóm khác nhau này.
Suốt các năm 1980, khi nền dân chủ từ từ được tái tạo ở Brazil, Ðảng Lao động đã bắt đầu tiếp quản nhiều và nhiều hơn các chính quyền địa phương.
Mặc dù Lula đã bị Fernando Henrique Cardoso đánh bại trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 1994 và 1998, ông đã được bầu làm tổng thống Brazil năm 2002. Ðảng Lao Ðộng đã nắm quyền kể từ đó.
Sự hình thành một liên minh rộng ở Brazil như một kết quả của sự tập hợp cùng nhau của các phong trào xã hội khác nhau.
Sự trỗi dậy của BRAZIL từ các năm 1970 đã không được sắp đặt (thiết kế) bởi các nhà kinh tế học của các định chế quốc tế. Nó đã không đạt được bằng việc bơm viện trợ nước ngoài vào. Ðúng hơn, nó đã là hệ quả của các nhóm người dân khác nhau dũng cảm xây dựng các thể chế dung hợp. Cuối cùng những việc này đã dẫn đến các thể chế kinh tế dung hợp hơn. Nhưng sự biến đổi của Brazil, giống sự biến đổi của nước Anh trong thế kỷ thứ mười bảy, đã bắt đầu bằng việc tạo ra các thể chế chính trị dung hợp. Nhưng làm cách nào xã hội có thể xây dựng các thể chế chính trị như vậy?
Lịch sử, như chúng ta đã thấy, bị bày bừa bộn với các thí dụ của các phong trào cải cách mà đã chịu thua quy luật sắt của chính thể đầu sỏ và đã thay thế một tập của các thể chế chiếm đoạt bằng các tập thậm chí còn độc hại hơn. Chúng ta đã thấy rằng nước Anh trong năm 1688, Pháp trong năm 1789, và Nhật Bản trong Minh Trị Duy Tân năm 1868 đã bắt đầu một quá trình tạo dựng các thể chế chính trị dung hợp với một cuộc cách mạng chính trị. Nhưng nói chung các cuộc cách mạng chính trị như vậy gây ra nhiều sự tàn phá và gian khổ, và thành công của chúng còn xa mới chắc chắn. Cách mạng Bolshevik đã thông báo mục đích của nó như để thay thế hệ thống kinh tế bóc lột của nước Nga Sa hoàng bằng một hệ thống công bằng và hiệu quả hơn, sẽ mang lại quyền tự do và sự thịnh vượng cho hàng triệu người Nga. Chao ôi, kết quả đã ngược lại, và các thể chế đàn áp và chiếm đoạt hơn đã thay thế các thể chế của chính phủ mà những người Bolshevik đã lật đổ. Những kinh nghiệm ở Trung Quốc, Cuba, và Việt Nam đã tương tự.
Cái chung giữa các cuộc cách mạng chính trị, đã mở đường thành công cho các thể chế dung hợp hơn và những thay đổi thể chế từ từ ở Bắc Mỹ, ở Anh trong thế kỷ thứ mười chín, và ở Botswana sau độc lập –cũng đã dẫn đến sự củng cố đáng kể của các thể chế chính trị dung hợp– là, chúng đã thành công trong trao quyền cho một bộ phận tiêu biểu khá rộng của xã hội. Chủ nghĩa đa nguyên, hòn đá tảng của các thể chế chính trị dung hợp, đòi hỏi quyền lực chính trị phải được nắm giữ một cách rộng rãi trong xã hội,
Như chúng ta đã thấy, Cách mạng Vinh quang đã được tạo thuận lợi bởi sự huy động trước và sự trao quyền của một liên minh rộng, và quan trọng hơn, đến lượt nó lại đã dẫn đến sự trao quyền thêm cho một mảng còn rộng hơn nữa của xã hội so với sự trao quyền trước đó
Cách mạng Pháp, cũng vậy, là một thí dụ về sự trao quyền cho một mảng rộng của xã hội, mà đã đứng lên chống ancien régime (chế độ cũ) ở Pháp và đã tìm được cách để mở đường cho một hệ thống chính trị đa nguyên hơn.
Có nhiều sự tương tự giữa các quá trình lịch sử này về sự trao quyền và cái đã xảy ra ở Brazil bắt đầu trong các năm 1970. Gốc rễ của Ðảng Lao Ðộng là phong trào nghiệp đoàn, ngay từ những ngày đầu của nó, các lãnh tụ như Lula, cùng với nhiều trí thức và các chính trị gia đối lập đã tìm cách biến nó thành một liên minh rộng.
Sự tương phản giữa sự phát triển các thể chế đa nguyên ở Brazil với kinh nghiệm Venezuela là đích đáng trong bối cảnh này. Venezuela cũng đã chuyển sang nền dân chủ sau 1958, nhưng việc này đã xảy ra mà không có sự trao quyền ở mức cơ sở và đã không tạo ra một sự phân bố đa nguyên của quyền lực chính trị. Thay vào đó, nền chính trị thối nát, các mạng lưới đỡ đầu, và xung đột đã kéo dài ở Venezuela, và một phần như một kết quả, khi các cử tri đi bỏ phiếu, họ thậm chí sẵn sàng ủng hộ những kẻ bạo ngược như Hugo Chávez, rất có thể bởi vì họ đã nghĩ chỉ mình ông ta có thể đứng lên đương đầu với các elite đã được thiết lập của Venezuela. Vì thế, Venezuela vẫn tiều tụy dưới các thể chế chiếm đoạt, trong khi Brazil đã phá vỡ vòng kim cô.
Có thể làm gì để kích-khởi động, hay có lẽ chỉ tạo thuận lợi cho, quá trình trao quyền và như thế cho sự phát triển của các thể chế chính trị dung hợp? Câu trả lời chân thật tất nhiên là, không có công thức nào cho sự xây dựng các thể chế như vậy. Tất nhiên có một số nhân tố hiển nhiên mà có thể làm cho quá trình trao quyền có nhiều khả năng hơn để cất cánh khỏi mặt đất. Những cái này bao gồm sự hiện diện của mức độ nào đó của trật tự được tập trung sao cho các phong trào xã hội thách thức các chế độ hiện hành không ngay lập tức sa vào tình trạng vô trật tự; các thể chế chính trị có trước nào đó mà đưa vào chút ít chủ nghĩa đa nguyên, như các thể chế chính trị truyền thống ở Botswana, sao cho các liên minh rộng có thể hình thành và tiếp tục tồn tại; và sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự mà có thể điều phối các đòi hỏi của dân cư sao cho các phong trào đối lập không dễ bị nghiền nát bởi các elite hiện thời cũng chẳng biến một cách không thể tránh khỏi thành một phương tiện cho một nhóm khác để nắm quyền kiểm soát các thể chế chiếm đoạt hiện tồn. Nhưng nhiều trong số các nhân tố này được xác định trước về mặt lịch sử và chỉ thay đổi một cách chậm chạp. Trường hợp Brazil minh họa các tổ chức xã hội dân sự và các thể chế đảng liên kết có thể được xây dựng ra sao từ cơ sở lên, nhưng quá trình này là chậm, và nó có thể thành công ra sao dưới các hoàn cảnh khác nhau chưa được hiểu kỹ.
Vai trò của truyền thông đại chúng (media) cũng đóng vai trò quan trọng. Nhưng tất nhiên một media tự do và các công nghệ truyền thông mới có thể giúp đỡ chỉ ở bên lề, bằng cách cung cấp thông tin và sự điều phối các đòi hỏi và những hành động của những người tranh đua vì các thể chế dung hợp hơn. Sự giúp đỡ của chúng sẽ chuyển thành sự thay đổi có ý nghĩa chỉ khi một mảng rộng của xã hội huy động và tổ chức nhằm để ảnh hưởng đến sự thay đổi chính trị, và làm vậy không vì các lý do bè phái hay để nắm quyền kiểm soát các thể chế chiếm đoạt, mà để biến đổi các thể chế chiếm đoạt thành các thể chế dung hợp hơn. Liệu một quá trình như vậy sẽ có được khởi hành và mở cửa cho sự trao quyền hơn nữa, và cuối cùng đến cải cách chính trị lâu bền hay không, sẽ phụ thuộc, như chúng ta đã thấy trong nhiều thí dụ khác nhau, vào lịch sử của các thể chế kinh tế và chính trị, vào nhiều sự khác biệt nhỏ mà quan trọng và vào chính con đường rất tùy thuộc ngẫu nhiên của lịch sử.
(Hết tóm tắt)