Nguyễn Quang Duy
1-12-2018
Thứ năm 22/11/2018 nhật báo TAZ của Đức bình luận về việc Hà Nội trục xuất cô Lê Thu Hà như sau: “Lê Thu Hà là công dân của nước Việt Nam, cô không có quốc tịch nào khác. Một quốc gia khước từ, không cho công dân của mình nhập cảnh là một hành vi vi phạm Công pháp quốc tế“.
Cô Hà sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, vì bất đồng chính kiến đã bị Hà Nội bắt bỏ tù và sau đó trục xuất sang Đức. Cô mong trở về Việt Nam sống với mẹ già nhưng một lần nữa lại bị Hà Nội trục xuất phải quay lại Đức.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết, “cô Hà được Đức cấp giấy tờ có hiệu lực 3 năm ở Đức bắt đầu từ ngày 1/11/2018 bao gồm sổ thông hành, giấy phép định cư, giấy phép lao động nhưng cô ấy đã không nhận…”.
Như thế là Chính phủ Đức thực hiện Công Ước 1954 về Quy chế “người không quốc tịch” trợ giúp cô Lê Thu Hà.
Giúp người không quốc tịch là…
Công ước 1954 về Quy chế người không quốc tịch yêu cầu chính phủ các nước bảo vệ người không quốc tịch tối đa, hỗ trợ họ có giấy tờ đi lại, trợ giúp hành chính, công ăn việc làm, giáo dục…
Thuật ngữ “người không quốc tịch” là người không được coi là công dân của bất kỳ quốc gia nào theo pháp luật hiện hành của quốc gia người đó đang sống.
Công ước 1961 về Giảm bớt người không quốc tịch đề cập đến việc phải làm để giảm bớt số người không quốc tịch, bao gồm quyền rời khỏi nơi bị truy bức cũng như quyền trở về quê hương xứ sở.
Cả hai Công ước 1954 và 1961 đều chưa được Hà Nội ký kết.
Một số người dịch thuật ngữ “stateless person” thành “người vô tổ quốc” là không chính xác.
Người Việt có thể bị tước quyền công dân nước CHXHCN Việt Nam vì bất đồng chính kiến hay vì các lý do khác thì vẫn là người Việt và tổ quốc Việt Nam vẫn là tổ quốc của người Việt Nam.
Quyền công dân nước CHXHCN Việt Nam rất khác nếu không nói là hoàn toàn khác với quyền công dân tại miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975 và tại các nơi khác trên thế giới.
Trả quyền công dân…
Tổng Thống Trần Văn Hương đã chính thức từ chối nhận quyền công dân do nhà nước cộng sản trả lại.
Câu chuyện được chính ông Hương kể là vào đầu năm 1976 nhà nước cộng sản đã quyết định trả quyền công dân cho ông.
Để tuyên truyền họ cho tổ chức một buổi lễ “trả quyền công dân” ngay tại nhà ông, với sự hiện diện của báo chí và các đài truyền thanh, truyền hình tại Sài Gòn.
Ngay giữa buổi lễ, ông tuyên bố từ chối không nhận với lý do là còn hàng trăm ngàn công chức quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, mà ông là cấp chỉ huy tối cao của họ, vẫn còn đang học tập cải tạo và chưa được trả quyền công dân. Ông nói rõ là:
“Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi!”
Đầu năm 1976 nhà cầm quyền cộng sản cho tổ chức tổng kiểm kê dân số ở các tỉnh miền Nam chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc Hội chung cả nước ngày 25/4/1976.
Người miền Nam phải điền một tờ đơn xin trả quyền công dân và một tờ khai sơ yếu lý lịch. Khi nhận lá đơn nhiều người miền Nam mới hiểu ra rằng sau 30/4/1975 tất cả người miền Nam đã thành “người không quốc tịch” ngay chính trên quê hương đất nước mình.
Mấy trăm ngàn tù đi cải tạo khi ấy không được phát đơn, họ chỉ được làm đơn xin trả quyền công dân khi đã được thả về một thời gian.
Nhiều người miền Nam nhất là những người Việt gốc Hoa mặc dù đã nạp đơn nhưng không được trao trả quyền công dân.
Cả trăm ngàn người Việt gốc Hoa đã bị tống lên các con tàu ra đi “bán chính thức” để nhà cầm quyền thu vàng và tài sản của họ. Nhiều người đã chết trên biển.
Hằng triệu người Việt đã băng rừng vượt biển tìm tự do và đã được quốc tế đón nhận như những người tỵ nạn cộng sản.
Trang sử về người Việt “không quốc tịch” ngay chính trên đất nước Việt Nam khó mà quên được.
Thanh lọc công dân…
Công ước 1954 ra đời để giúp đỡ các nạn nhân bị nhà cầm quyền trục xuất như trường hợp Hitler tước quốc tịch Đức, trục xuất và diệt chủng người Do Thái.
Trong thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và một số nước Đông Âu cũng tước quốc tịch và trục xuất các nhà bất đồng chính kiến, các văn nghệ sỹ và người Do Thái ra khỏi xứ.
Hằng triệu công dân Liên Xô gốc Tatar bị cưỡng bách di dân và không được phép quay trở lại quê hương của họ.
Tại Kampuchia, khi cộng sản chiến thắng trục xuất và thảm sát hằng trăm ngàn người Việt và người Chàm sống ở đó. Đồng thời thực hiện thanh lọc và diệt chủng công dân Kampuchia.
Tại Nam Tư sau khi cộng sản tan rã cũng xảy ra tình trạng thanh lọc chủng tộc.
Tại Cuba ngày 6/4/1980, 7.000 người Cuba lao vào đại sứ quán Peru tại La Habana xin tị nạn chính trị. Fidel Castro ra lệnh mở cảng Mariel và mở cửa trại tù cho bất kỳ ai muốn rời Cuba được ra đi. Kết quả chỉ hơn 2 tháng có trên 125.000 người Cuba đã di cư sang Mỹ.
Năm 1998 xung đột biên giới giữa hai nước Eritrea và Ethiopia, chính quyền Ethiopia đã vây bắt hàng nghìn công dân và tống họ sang Eritrea với lý do họ thuộc nhóm sắc tộc Eritrea.
Nhà cầm quyền Miến Điện mở chiến dịch thanh lọc sắc tộc, khiến hơn 300.000 người Hồi giáo Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh hồi cuối tháng 8/2017.
Sau vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn tháng 6/1989, Trung Quốc cũng đã thanh lọc nhiều công dân bất đồng chính kiến.
Gần đây hằng triệu người Hồi giáo ở Tân Cương đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh tước quyền công dân và đẩy vào những khu tập trung như đã từng xảy ra tại Việt Nam sau 30/4/1975.
Trên là một số các trường hợp tạo ra tình trạng “người không quốc tịch” và người tỵ nạn, hầu như đều xảy ra ở các nước độc tài hay cộng sản.
Quyền công dân nước CHXHCN Việt Nam
Hà Nội chính thức trục xuất nhiều công dân bất đồng chính kiến và không cho trở về Việt Nam như trường hợp cô Lê Thu Hà.
Nhưng chiếu theo Khoản 2 Điều 17 của Hiến Pháp 2013 thì “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.”
Khoản 4, Điều 88 của Hiến pháp 2013 lại cho phép Chủ tịch nước quyền “tước quốc tịch Việt Nam”.
Khoản 1 điều 31 Luật Quốc Tịch 2008 quy định về việc công dân CHXHCN Việt Nam bị tước quốc tịch.
Ngày 24/4/2013, ông Phạm Văn Điệp một công dân Việt Nam sống ở Nga từ năm 1992, nhưng không xin nhập quốc tịch Nga, khi về nước đã bị chận lại và trục xuất vì “vi phạm pháp luật Việt Nam”.
Ông Điệp cho rằng chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền tước quốc tịch của ông, nhưng ông vẫn bị cảnh sát cơ động áp tải ra máy bay tống khỏi Việt Nam.
Ông Điệp từng tham gia đảng Dân chủ Việt Nam và có viết bài đăng trên Đàn Chim Việt và Dân Luận.
Ông Điệp là trường hợp thứ nhất được biết tương tự với trường hợp cô Lê Thu Hà.
Nhiều trường hợp công dân nước CHXHCN Việt Nam khi đến tòa Đại Sứ xin gia hạn thẻ thông hành (hộ chiếu) mới biết họ mất quyền gia hạn.
Một số công dân Việt Nam khi về lại Việt Nam bị tịch thu giấy thông hành một hình thức cấm xuất ngoại.
Một số công dân Việt Nam khác mặc dù có thẻ thông hành nhưng bị cấm xuất ngoại.
Luật pháp Việt Nam khá tùy tiện và như cố luật sư Ngô Bá Thành từng diễn tả “Việt Nam có cả rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!” Và giờ đây Hà Nội lại sử dụng luật rừng với quốc tế.
Bởi thế ngày 24/6/2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Khoản 2, Ðiều 13 kêu gọi người Việt sống ở nước ngoài làm đơn xin giữ quốc tịch Việt Nam. Trên 4 triệu người Việt sống ở nước ngoài chỉ có 6,000 người xin giữ quốc tịch.
Chắc chắn có nhiều người Việt chọn làm “người không quốc tịch” thay vì phải làm người mang quốc tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Các nước đảm bảo quyền công dân
Xin kể về các quyền gắn liền với quốc tịch Úc, nơi tôi đang sinh sống, và ở Mỹ, ở Đức để có sự so sánh:
Úc có truyền thống đơn tịch bắt đầu với Đạo luật Quốc tịch năm 1903 (Naturalization Act 1903). Khi xin gia nhập Quốc tịch Úc, người đứng đơn không bị đòi hỏi bỏ quốc tịch gốc.
Năm 2002, Đạo luật Tu chính Quốc tịch Úc bỏ quy định công dân Úc đương nhiên mất quốc tịch Úc khi nhận quốc tịch của quốc gia khác. Nghĩa là Úc công nhận tình trạng song tịch hoặc đa tịch.
Cuối năm 2015, chính quyền Liên Bang có tu chính Luật Quốc Tịch cho phép tước quốc tịch Úc những người đã xin vào quốc tịch, còn giữ song tịch, mà phạm tội hoặc có liên can tới khủng bố.
Còn ở Đức trong thời chiến tranh lạnh, phía Đông Đức năm 1967 đã ban hành Luật mới về quốc tịch, nhưng phía Tây Đức vẫn áp dụng Luật quốc tịch theo luật huyết thống ban hành từ năm 1913 “Người Đức là công dân Đức”.
Tây Đức vì vậy chấp nhận quyền công dân cho tất cả “công dân Đông Đức“. Luật quốc tịch 1913 được tiếp tục sử dụng khi nước Đức thống nhất.
Luật Đức đòi hỏi khi nộp đơn xin quốc tịch Đức phải chính thức từ bỏ quốc tịch gốc. Công dân Đức bị mất quốc tịch khi trở thành công dân nước khác.
Nhiều nhân viên ngoại giao và sinh viên du học từ Việt Nam Cộng Hòa gặp khó khăn trong thủ tục xin gia nhập quốc tịch nên nhiều người đã rời nước Đức hay không trở thành công dân Đức.
Công dân Đức không bị tước quốc tịch hay bị trục xuất vì bất cứ lý do gì.
Còn tại Mỹ Hiến Pháp và Luật Pháp định nghĩa công dân theo nguyên tắc huyết thống. Nghĩa là con cái của công dân Mỹ sinh ra bất cứ nơi nào trên thế giới đều được mang quốc tịch Mỹ.
Để tránh trường hợp bị kỳ thị da màu, Tu chính án 14 công nhận quyền công dân cho mọi người sinh ra ở Mỹ.
Lợi dụng Tu chính án 14 nhiều người ngoại quốc sang Mỹ sinh đẻ để đứa trẻ được cấp quyền công dân và sau này có thể di dân đến Mỹ. Tổng Thống Trump tuyên bố sẽ ra một sắc lệnh ngăn cấm việc lạm dụng này.
Hiến Pháp và luật pháp Mỹ không công nhận song tịch mà cũng không cấm song tịch.
Theo Ðiều khoản 349 INA của luật Quốc Tịch Mỹ “Công dân Hoa Kỳ có thể mất quốc tịch Mỹ nếu nhập quốc tịch khác hoặc tuyên thệ trung thành với nước khác.”
Nhưng thông thường chỉ khi công dân Mỹ làm đơn và tuyên thệ xin từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ thì mới được xem là mất quốc tịch.
Luật pháp Mỹ không cho phép bất cứ ai tước đoạt quyền công dân của người khác, nhưng trong một số trường hợp công dân Mỹ không được phép hay bị cấm tới một số khu vực vì lý do an ninh hay chính trị.
Quyền Công Dân thời Việt Nam Cộng Hòa
Việt Nam Cộng Hòa sử dụng luật huyết thống. Người Việt và con cái người Việt đều mang quốc tịch Việt Nam.
Ngày 7/12/1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm còn ban hành Dụ số 10 qui định tất cả những ai sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều là người Việt Nam.
Lãnh thổ Việt Nam được nói rõ trong Hiến Pháp 1956 và Hiến Pháp 1967 là từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, nghĩa là người miền Bắc hay người miền Nam đều là công dân Việt.
Người có quốc tịch Việt Nam sống ở bất cứ nơi vẫn là người Việt Nam và không ai có quyền tước quốc tịch của người Việt Nam. Người Bắc di cư hay vượt tuyến đương nhiên được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ công dân.
Người theo cộng sản vẫn được xem là công dân Việt chỉ khác là họ lầm đường lạc lối.
Chính sách chiêu hồi tạo cơ hội trên 230 ngàn cán binh cộng sản trong đó rất nhiều cán binh từ miền Bắc về hồi chánh. Họ đã được tự động nhận mọi quyền lợi và nghĩa vụ công dân.
Theo Hiến Pháp 1967 Việt Nam Cộng Hòa đa số người Việt hải ngoại có đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử kể cả các chức vụ cao nhất là Tổng thống.
Điều 13.2 quy định “Mọi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử và tham gia công vụ trên căn bản bình đẳng theo điều kiện và thể thức luật định.”
Điều 53.1 quy định quyền ứng cử Tổng Thống hoặc Phó Tổng Thống những công dân hội đủ các điều kiện sau đây : “Có Việt tịch từ khi mới sanh ra và liên tục cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam ít nhất mười (10) năm tính đến ngày bầu cử. Thời gian công cán và lưu vong chánh trị tại ngoại quốc được kể như thời gian cư ngụ tại nước nhà.”
Vấn đề quốc tịch và tổ quốc ngày nay
Người Việt hải ngoại dù là thuyền nhân, vượt biên đường bộ, đi theo diện HO, ở lại các quốc gia thuộc Liên Xô và Đông Âu hay nay bị trục xuất như cô Lê Thu Hà đều có chung một đặc thù là tị nạn chính trị.
Những người ra đi chính thức nhưng có những việc làm về thông tin, văn hóa, chính trị trái ý với nhà cầm quyền cộng sản bị cấm không thể trở về Việt Nam đều có thể được xem là “lưu vong chánh trị”.
Những người được gia đình bảo lãnh hay sinh ra ở hải ngoại vẫn được xem là những người tị nạn chính trị.
Khi thể chế tại Việt Nam thay đổi sẽ có những bước chuyển tiếp, trong đó có việc bầu ra Quốc Hội Lập Hiến soạn thảo một Hiến Pháp mới cho Việt Nam.
Hiến pháp mới và Luật pháp tương lai nên dựa trên tinh thần nhân bản, tinh thần hòa đồng dân tộc, Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, và các Công ước quốc tế về quyền không bị tước quốc tịch với những điểm tương tự như Hiến Pháp 1967.
Xin cám ơn góp ý và xin trả lời một số quý vị về việc người có quốc tịch VNCH sau 30/4/1975. Tôi viết đoạn trên dựa vào bài viết
Trước sau vẫn là câu trả lời : “Tôi là người của nước Việt Nam Cộng Hòa, đến từ Miền Nam Việt Nam!” tác giả Lê Ngọc Châu trên https://www.baocalitoday.com/cong-dong/truoc-sau-van-la-cau-tra-loi-toi-la-nguoi-cua-nuoc-viet-nam-cong-hoa-den-tu-mien-nam-viet-nam.html
“…khi nộp đơn xin tỵ nạn chính trị, ai ở Đức giữa thập niên 70 đều phải trải qua những thủ tạp khá phức tạp, điều quan trọng cần nêu ra rõ lý do tại sao xin tỵ nạn khi “VN thống nhất rồi?”. Chuyện từng bị hỏi từ đâu đến, lý do …v..v… thì bắt buộc người đệ đơn phải kê khai, giải thích. Vẫn viết ra câu trả lời: “Tôi đến từ Việt Nam, Miền Nam VN, nước Việt Nam Cộng Hòa”, rồi nêu ra rõ lý do rằng cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam VN, VNCH mất và tôi mất nước. Viện dẫn bằng bút mực, với chữ ký rành rành vì không thể sống với cộng sản nên xin tỵ nạn ở Đức. Một điểm khác tôi (chúng tôi) cũng được vị nhân viên lưu ý: “Với thông hành tỵ nạn Đức anh không được về VN đó nghe!”. Tôi trả lời, lần này bằng tiếng Đức dù không giỏi gì: “Tôi chấp nhận và tự biết điều này. Vừa cười và nói xã giao thêm với ông ta: “Chắc ông cũng rõ, đồng quan điểm rằng nếu tôi đã ký tên xác nhận khai sự thật là xin tỵ nạn vì cộng sản rồi lại về VN với thông hành tỵ nạn thì còn gì thể thống nữa và chính tôi đã thiếu thành thật!. Ông ta nhìn tôi và cả hai đều im lặng nhưng người nhân viên Đức hiểu ý tôi muốn nói gì, bởi lúc đó nước Đức còn bị phân đôi, một bên là DDR (cộng sản) và bên này là Tây Đức (Cộng Hòa).”
To Tien Nguyen
Căn cứ vào đâu để xác định hành vi lam dung TCA 14? Bác hỏi…
Tôi không có nhiệm vụ và tầm cỡ để trả lời, xin dành cho TT Trump trả lời.
Trump tuyên bố SẼ ra sắc lệnh (trích). Vậy là chưa có sác lệnh. Đến khi nào ông ta ra sắc lệnh, ông ta phải nêu “thế nào là lạm dụng”.
Khi đó mọi người tha hồ vặn vẹo ông ta. Nhưng nhớ là đừng vặn vẹo tôi. Đừng nói gì sớm quá.
Tôi không ủng hộ Tổng thống Trump trong nhiều vấn đề. Nhưng trong vấn đề chấm dứt quyền có quốc tịch khi sinh đối với người di dân bất hợp pháp, di dân tạm thời và du khách nước ngoài đến Mỹ, tôi cho rằng ông Trump có lý do. Các đời tổng thống Mỹ đều nghĩ đến việc giải quyết vấn đề di dân, nhưng ông Trump mạnh tay hơn cho nên có thể có những bước đi chưa ai làm. Điều này không có nghĩa là ông ấy nhất định sai.
Hủy bỏ việc cấp quốc tịch một cách “cơ hội” là một xu hướng của cả thế giới. Cho tới nay, hầu như chỉ còn phần lớn quốc gia Tây bán cầu giữ cơ chế này. Đây là di sản lịch sử, bởi vì các nước Châu Mỹ — từ Bắc, Trung xuống tới Nam Mỹ — đều có nhu cầu chấp nhận nô lệ và di dân đến từ lục địa cũ trở thành công dân.
Bước đi này tại Mỹ vẫn đang được chính giới và các luật gia luận bàn. Ông Trump đương nhiên không có quyền ký sắc lệnh để hủy bỏ một tu chính án. Nhưng ông có quyền ra lệnh cho các cơ quan liên bang dừng cấp quốc tịch cho một số trường hợp nhất định.
Một hành động lập pháp cũng đang được Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham tiến hành để làm điều tương tự.
Tranh chấp về Tu chính án 14 cũng không xa lạ gì với hệ thống pháp đình Mỹ. Tối cao Pháp Viện Mỹ trước kia cũng từng xử một vụ cư dân gốc Trung Hoa sinh ra ở Mỹ đòi quyền công dân, bởi vì cách áp dụng Tu chính án 14 của chính quyền Mỹ thời đó cố tình loại trừ người Trung Hoa!
Lần này sắc lệnh của ông Trump và đạo luật của ông Graham xem chừng sẽ dẫn tới tranh chấp pháp lý lớn, có thể sẽ lên tới Tối cao Pháp viện một lần nữa. Lần này, với các thẩm phán mới do ông Trump bổ nhiệm, tòa này có thể sẽ đưa ra phán quyết siết chặt việc áp dụng Tu chính án 14 thay vì mở rộng như trong vụ kiện của cư dân gốc Hoa Wong Kim Ark năm 1898.
Trích
“Tổng Thống Trump tuyên bố sẽ ra một sắc lệnh ngăn cấm VIỆC lạm dụng này”
Bất cứ văn bản pháp lý nào cũng có thể “bị lạm dụng”. Trump ngăn cấm VIỆC lạm dụng. Cụ thể Trump ngăn cấm HÀNH VI lạm dụng. Thế thôi. Trump không làm thay đổi nội dung văn bản
Tác giả viết không sai đâu ạ.
To Do Van. Căn cứ vào đâu để xác định được hành vi lạm dụng tu chính án 14? Bằng cách nào để có thể xác định được môt phụ nữ có visa vào Mỹ có ý định sinh con ở Mỹ để đứa trẻ có quốc tịch và sau này dùng cơ sở đó để di dân?
Bạn thử formulate sắc lệnh đó xem sao? Phụ nữ vào Mỹ dưới 50 tuổi phải qua thử máu tại Custom Service, phải qua Polygraph…xem có ý định sinh con ở Mỹ không?
Trump dốt, thích phán bậy, nói cho sướng miệng để mị dân bởi bản tính ông ta như thế. Nhưng người hiểu biết thì không nên a dua theo nhất là khi viết bài.
Chẳng lẽ các đời TT trước Trump không ai nghĩ đến chuyện đó sao?
Tác giả viết có mâu thuẫn, trong khi báo Đức “Lê Thu Hà là công dân của nước Việt Nam, cô không có quốc tịch nào khác. Một quốc gia khước từ, không cho công dân của mình nhập cảnh là một hành vi vi phạm Công pháp quốc tế“, tức là cô Hà vẫn có quốc tịnh VN, nhưng ngay sau đó, tác giả lại kết luận: “Như thế là Chính phủ Đức thực hiện Công Ước 1954 về Quy chế “người không quốc tịch” trợ giúp cô Lê Thu Hà.
Viết “Nhiều nhân viên ngoại giao và sinh viên du học từ Việt Nam Cộng Hòa gặp khó khăn trong thủ tục XIN GIA NHẬP QUỐC TỊCH nên nhiều người đã rời nước Đức hay không trở thành công dân Đức”, theo tôi là chưa chính xác. Chính xác hơn là họ gặp khó khăn trong việc – XIN THÔI QUỐc TỊCH VN, và nhiều lý do khác như khí hậu, ngôn ngữ, khác biệt văn hóa…
Nếu có chứng minh, đã làm đơn xin thôi quốc tịnh trên 1 năm mà phía VN không trả lời, phía Đức vẫn cho quốc tịnh Đức.
Tất cả các sinh viên du học ở Đức ra đi từ miền Nam trước năm 1975 đều được nhập quốc tịch dễ dàng. Họ được chính phủ Đức mời lên bộ ngoại giao, thông báo tình trạng của họ và được đề nghị nhập quốc tịch Đức, không có ai gặp khó khăn gì. Ông Duy viết không có căn cứ.
– Quyền tỵ nạn ở Đức, được hiến định theo Điều 16 – Luật Cơ bản của CHLB Đức.
Điều 16 ấy lại được dựa trên cơ sở của “Công ước Châu Âu về Nhân quyền” (European Convention on Human Rights) do 47 nước Châu Âu ký ngày 4/11/1950, có hiệu lực từ 3/9/1953.
Tất cả mọi người được công nhân tị nạn ở Đức đều hưởng theo những điều trên, chứ không hưởng theo cái “Công Ước 1954 về Quy chế người không quốc tịch”. Theo tôi, cô Hà cũng không là ngoại lê, và cũng không phải người không còn quốc tịnh VN.
Trích: “Lợi dụng Tu chính án 14 nhiều người ngoại quốc sang Mỹ sinh đẻ để đứa trẻ được cấp quyền công dân và sau này có thể di dân đến Mỹ. Tổng Thống Trump tuyên bố sẽ ra một sắc lệnh ngăn cấm việc lạm dụng này.”
Tác giả viết sai! Trump không có quyền ký sắc lệnh thay đổi hiến pháp. Trump là lãnh đạo cao nhất của hành pháp, muốn thay đổi hiến pháp phải là quốc hội. Ca tụng Trump một cách lố bịch, không phải là thái độ đúng đắn của người viết.
Sự thật là Tổng thống Trump có đưa ra tuyên bố đó:
President Wants to Use Executive Order to End Birthright Citizenship
https://www.nytimes.com/2018/10/30/us/politics/trump-birthright-citizenship.html
Tôi không thấy tác giả có câu nào “ca tụng Trump một cách lố bịch” trong bài này.