23-10-2018
Sau cuộc bỏ phiếu được xem là mang tính hình thức hôm 23/10 tại quốc hội thường được gọi là “nghị gật” với tỉ lệ thuận lên đến 99,97%, người đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam giờ đây cũng chính thức nắm thêm chức chủ tịch nước.
Báo chí trong nước cho hay trong tổng số 477 đại biểu có mặt, 476 người bỏ phiếu đồng ý bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm người kế nhiệm ông Trần Đại Quang, vị chủ tịch nước đã qua đời cách đây hơn một tháng.
Chỉ có 1 phiếu không đồng ý và không có tin tức gì về ai là người bỏ lá phiếu đó.
Trong lễ tuyên thệ cùng ngày để chính thức trở thành tân Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vị tổng bí thư đảng “trân trọng cảm ơn” quốc hội đã “tín nhiệm bầu” ông giữ chức chủ tịch nước. Ông Trọng nói thêm đây là “một vinh dự vô cùng to lớn”, song cùng lúc “vui mừng” về điều này, ông cũng có những lo lắng về “làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình”.
Người nay nắm giữ cả hai vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam phát biểu trước quốc hội trong buổi lễ được tường thuật trên truyền hình và sóng radio rằng ông có 3 mối lo cụ thể.
Một là tình hình đất nước “đang có không ít khó khăn, thách thức”, theo lời tân chủ tịch nước. Không đưa ra chi tiết, song ông Trọng cho rằng “tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được” là một phần trong các khó khăn, thách thức đó.
Mối lo thứ hai của người có thực quyền lớn nhất hiện nay, qua lời phát biểu của bản thân ông Trọng, là cùng với việc nắm thêm chức chủ tịch nước, ông “vẫn đang gánh chức Tổng Bí thư của Đảng” với khối lượng công việc “rất nhiều”, bao gồm cả công tác “chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng”.
Đại hội đó sẽ diễn ra vào đầu năm 2021. Mỗi kỳ đại hội là dịp đảng quyết định về các nhân sự lãnh đạo chủ chốt và các chính sách lớn của đất nước trong 5 năm tiếp theo hoặc dài hạn hơn.
Vị lãnh đạo 74 cho biết điều thứ ba ông lo lắng là “trình độ, năng lực, sự hiểu biết” của ông “có hạn”, tuổi tác lại “đã lớn”.
Sau phát biểu nhậm chức của ông Trọng, blogger Trương Duy Nhất, người thường lên tiếng phản biện về các vấn đề chính trị-xã hội, bình luận trên Facebook cá nhân rằng: “Như vậy, lần đầu tiên, Việt Nam có một nguyên thủ vừa tuổi cao, lại hạn chế về năng lực, trình độ”.
Ông Nhất, từng bị bỏ tù về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, viết thêm ông tin rằng điều ông Trọng nói ra là “dũng cảm thừa nhận một cách thật thà”, chứ không hẳn là cách nói khiêm nhường.
Phản ứng quốc tế đầu tiên về việc Việt Nam “nhất thể hóa” hai vị trí lãnh đạo chính trị hàng đầu đến từ phái bộ ngoại giao Mỹ.
Một tuyên bố phát đi từ đại sứ quán Mỹ hôm 23/10 cho hay Đại sứ Kritenbrink “chúc mừng” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp ông “đảm nhận vị trí Chủ tịch nước”.
Tuyên bố của đại sứ Mỹ nói việc lựa chọn ông Trọng làm chủ tịch nước diễn ra vào thời điểm mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam “đang mạnh mẽ hơn lúc nào hết”, và bày tỏ mong muốn của Mỹ “tiếp tục làm việc chặt chẽ với Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhằm củng cố và mở rộng Quan hệ Đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Ít giờ sau tuyên bố của phái bộ Mỹ, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, cũng đã gửi lời chúc mừng đến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhân dịp ông được bầu làm chủ tịch nước.
Trong lời chúc, ông Tập nói ông mong làm việc với ông Trọng nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện để tăng cường sự lãnh đạo chính trị đối với quan hệ song phương, đưa quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện hai nước lên tầm cao mới.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận đưa ra nhận xét cá nhân rằng ông Nguyễn Phú Trọng là người “có khả năng tốt nhất” để vừa nắm chức tổng bí thư lẫn chủ tịch nước.
Theo luật sư Trần Quốc Thuận, ông Trọng đã thể hiện tốt vai trò là người lãnh đạo hàng đầu Việt Nam trong các cuộc gặp gỡ song phương hoặc hội nghị quốc tế ở Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu và ASEAN.
Song ông Thuận cho rằng điều quan trọng hơn các hình ảnh đối ngoại là việc Tổng Bí thư Trọng nhắm đến củng cố kiểm soát quyền lực, chuẩn bị cho đại hội đảng năm 2021.
Trong bối cảnh như vậy, kết hợp với cuộc đấu tranh chống tham nhũng do ông Trọng đứng đầu đang được đẩy mạnh, ông Thuận phân tích rằng việc nắm thêm cả chức chủ tịch nước không còn mang tính hình thức nữa mà sẽ “cực kỳ quan trọng”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa của tỉnh Đồng Tháp được báo Giáo dục Việt Nam trích lời hôm 23/10 nói rằng trong thời gian ông Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, “đã có sự quyết tâm rất cao trong đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng”.
“Các vụ án tham nhũng lớn được xử lý rất cương quyết, không có vùng cấm. Bất cứ ai vi phạm mà bị phát hiện được xử lý đến nơi đến chốn”, ông Hòa nói.
Vì vậy, vị đại biểu quốc hội bày tỏ ông “rất kỳ vọng” là nhà lãnh đạo nay đã tập trung được quyền lực sẽ có thể làm cho tình hình kinh tế xãhội, an ninh quốc phòng của Việt Nam “ngày càng tốt, ổn định hơn”. Trong đó, ông Hòa mong muốn rằng “đặc biệt là bài trừ tệ nạn tham nhũng” sẽ diễn ra quyết liệt hơn để “đến một giai đoạn nào đó không còn tình trạng này”.
Mặc dù dư luận và một số cơ quan báo chí gọi việc tổng bí thư nắm cả chức chủ tịch nước là “nhất thể hóa”, song chính ông Nguyễn Phú Trọng trong một buổi gặp gỡ cử tri hôm 8/10 lại cho rằng không nên gọi như vậy mà theo ông đây là động thái có tính chất “tình huống”.
Các bản tin khi đó cho hay vị tổng bí thư giải thích rằng “tình huống” trong trường hợp này là “không may, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần đột ngột … phải có người sớm thay thế”.
Theo tường thuật của báo chí, ông Trọng cũng đưa ra cách nhìn của ông về sự sắp xếp chính trị mới, ông nói: “Chúng ta không nên nói Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế, 2 cơ quan khác nhau, kiêm vai nào chính, vai nào phụ thì không chuẩn. Cũng không nên nói nhất thể hoá, vì không phải nhất thể hoá mà, nôm na là bầu cho một người để làm hai công việc”.
Trong lịch sử của nhà nước Việt Nam cộng sản, đã từng có duy nhất một tiền lệ là tổng bí thư đảng cũng giữ chức chủ tịch nước, vào thời ông Hồ Chí Minh nắm quyền trong các thập niên 1950, 1960.
Trong một cuộc phỏng vấn với VTC News cách đây ít ngày, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói sau khi ông Hồ Chi Minh qua đời vào năm 1969, “vì hoàn cảnh và điều kiện môi trường lúc đó” nên Việt Nam không thể tiếp tục thực hiện mô hình này.