Tin Biển Đông
VTC dẫn lời ngư dân Quảng Nam kể về phút tàu cá bị tàu sắt hung hăng tấn công ở Hoàng Sa. Ông Huỳnh Tèo, thuyền trưởng tàu QNa 90398 TS kể: Chiều 15/10/2018, trong lúc các ngư dân đang ngủ, “tiếng động phát ra từ phía đuôi tàu khiến tất cả giật mình. Lúc này, con tàu chao đảo dữ dội. Và khi chạy ra ngoài nhìn thì chúng tôi mới phát hiện có một tàu sắt húc thẳng vào tàu của mình”.
Ngư dân Việt Nam đã thường xuyên bị “tàu lạ” tấn công khi hành nghề trong các vùng ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có những trường hợp không may mắn đã phải bỏ xác ngoài khơi. Còn các quan chức lãnh đạo CSVN thì vẫn chỉ đứng trên bờ để hô hào “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Mời xem clip từ báo Thanh Niên:
Không bảo vệ được ngư dân, nhưng lãnh đạo Việt Nam vẫn kêu gọi người dân và kiều bào hướng về biển, đảo, theo VOA. Bài báo cho biết, Chính phủ Việt Nam vừa lập một quỹ “để vận động mọi thành phần và nhân dân trong cả nước cũng như người Việt ở nước ngoài hướng về biển, đảo của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam phải dứt khoát bày tỏ lập trường trong quan hệ với Trung Quốc, bởi chẳng có tiền, của nào đủ để liên tục sửa chữa hay đóng tàu mới cho ngư dân, khi vừa ra khơi đã bị những con tàu sắt của “bạn vàng” đâm va, phá hoại. Nếu không dứt khoát trong mối quan hệ với TQ, sẽ chẳng có tiền, của nào đủ để đền bù cho ngư dân, chống chọi lại bọn “hải tặc” có giấy phép này.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: ASEAN thông qua luật va chạm trên không. Bộ quy tắc này “được xây dựng dựa trên một điều luật va chạm trên biển có sẵn trước đó, vốn đã được ASEAN cùng tám nước Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ thông qua từ năm ngoái”.
Trang Zing có bài: ASEAN mời Mỹ, Trung Quốc ký quy định hoạt động không quân ở Biển Đông. Bài viết lưu ý tình hình ngày càng căng thẳng trên Biển Đông từ đầu năm 2018 đến nay. Trung Quốc tiếp tục tập trận, thậm chí cho tàu khu trục ra chặn đầu tàu USS Decatur của Hải quân Mỹ ở khoảng cách 40m. Còn phía Hoa Kỳ đã triển khai B-52 tuần tra định kỳ ở Biển Đông.
ASEAN – Trung Quốc chuẩn bị tập trận trên Biển Đông, theo báo Tuổi Trẻ. Lần đầu tiên trong lịch sử, hải quân 10 nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận ở Biển Đông vào tuần tới. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen xác nhận: “Hải quân các nước ASEAN đang trên đường tới thành phố Trạm Giang của Trung Quốc cho cuộc diễn tập hàng hải ASEAN – Trung Quốc”.
Bên cạnh đó, ASEAN sẽ lần đầu diễn tập hải quân với Mỹ vào năm sau, theo VnExpress. Ông Ng Eng Hen cho biết: “Trung Quốc đề xuất diễn tập hàng hải với ASEAN và chúng tôi nhất trí. Mỹ cũng đưa ra đề xuất tương tự và chúng tôi có thể thực hiện điều đó. Chúng tôi cởi mở trong việc diễn tập chung cùng bên khác”.
Về quan hệ Trung – Philippines, ngày 18/10/2018, hai nước đã tổ chức cuộc gặp gỡ song phương lần thứ ba, bàn về Biển Đông, diễn ra tại Bắc Kinh. Phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Ngoại giao Khổng Huyễn Hựu dẫn đầu, còn phái đoàn Philippines do Thứ trưởng Ngoại giao Enrique Manalo làm trưởng đoàn. Hai bên bàn về các vấn đề chính trị và an ninh, quản lý đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường. Mời xem clip của VOA:
Mời đọc thêm: Nỗi ám ảnh của 13 ngư dân trên tàu cá bị tàu lạ đâm ở Hoàng Sa (TN). – Tàu sắt lạ tông tàu cá ngư dân gây hư hỏng nặng (ĐĐK). – ‘Sau khi tông, tàu lạ đẩy chúng tôi đi cả km’ (PLTP). – Cứu nạn tàu cá bị tàu sắt đâm va trên biển (TN&MT). – Ngư dân bàng hoàng kể lại giây phút bị tàu lạ đâm giữa biển (NLĐ). – Malaysia bắt 39 ngư dân Việt bị cáo buộc đánh bắt trái phép (VNE).
– ASEAN muốn tránh va chạm trên không (NLĐ). – ADMM thông qua nguyên tắc tránh đụng độ trên không (SGGP). ĐNÁ có bộ quy tắc đa phương về chạm trán trên không (VOA). – ASEAN nhắm đến hoạt động tập trận hải quân chung với Mỹ vào năm tới. – Việt Nam sẽ mua vũ khí Mỹ như thế nào (RFA). – ASEAN mời Mỹ, Trung Quốc ký quy định hoạt động không quân ở Biển Đông (Zing). – ASEAN và Trung Quốc chuẩn bị diễn tập hải quân chung lần đầu tiên (RFI).
Trên bước đường Hán hóa
PGS TS Mạc Văn Trang viết về tác dụng của Nhân dân tệ ở các tỉnh biên giới: “VTV1 chuyển động 24 giờ vừa đưa tin: các thương lái Trung Quốc đi thuyền sang Hà Giang mua gom trâu, mỗi người đem hàng mấy vạn nhân dân tệ để mua hàng trăm con trâu một lúc và thuê trẻ em dắt Trâu bơi qua sông nước chảy xiết… Mỗi con được thuê 200000₫. Thương lái Trung Quốc ngồi trên thuyền kiểm soát, còn trẻ em mạo hiểm cả mạng sống để đưa trâu sang Trung quốc…
Với đà này chả bao lâu nữa thương lái Trung Quốc sẽ vét sạch trâu ở các tỉnh biên giới đem về TQ thịt… Mà không biết bà con dân tộc có biết đây là tiền thật hay tiền giả không? Có khi bán hết trâu, đem về một đống tiền giả sau này không mua được gì?!”
Nghiệp đoàn Sinh viên có bài: Cần trừng trị tập đoàn Huawei cố tình xuyên tạc tiếng Việt là của Trung Quốc. Bài viết đăng bức ảnh chụp màn hình chiếc điện thoại Huawei, cho thấy phần ngôn ngữ tiếng Việt, mở ngoặc ghi tiếng “Trung Quốc”, để khi người sử dụng chọn tiếng Việt, tức là thừa nhận tiếng Việt là tiếng Trung Quốc.
Nhà báo Mai Quốc Ấn viết: “Hãy nghĩ thật sâu về điều này, trong bức ảnh! Vì con đường đến nô lệ bao giờ cũng có những ‘bước chân’ đầu tiên… Và họ đi rất nhiều bước do chính sự hời hợt của chúng ta tạo ra. Thêm Luật ANM nữa là xong?”
Mời đọc thêm: Kiện và cấm cửa tập đoàn Huawei cố tình xuyên tạc tiếng Việt là của Trung Quốc (Thạo Tin).
Nhân quyền ở Việt Nam
Facebooker Đàm Ngọc Tuyên đưa tin: Chùa Đạt Quang của thầy Thích Vĩnh Phước đang bị đập phá. Ông Tuyên cho biết, trưa hôm qua, chính quyền huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho xe cơ giới, an ninh, CA tới đập phá tượng Phật trong khuôn viên chùa Đạt Quang do thầy Thích Vĩnh Phước trụ trì. “Tịnh thất này ở gần chùa Phước Bửu, là một trong những ngôi chùa, tịnh thất của Tăng đoàn GHPGVNTN do Đức Thượng Thủ Ngài Thích Thiện Hạnh lãnh đạo“.
Ông Tuyên cũng có bài viết kể về chuyện công an tỉnh Quảng Ngãi mời ông làm việc: Ngày 17/10/2018, hai viên công an tỉnh đến nhà mẹ ông, mời ông ra công an xã làm việc, nhưng không đưa giấy mời. Khi biết ông Tuyên không còn ở Đà Nẵng, thì họ bỏ đi. Ông viết: “Nghe em tôi điện thoại kể lại câu chuyện, tôi không biết là CA tỉnh Quảng Ngãi cần mời tôi về vấn đề gì? Không biết có thật là CA tỉnh không, vì cả hai đến nhà nhưng không có CA xã, huyện nơi tôi thường trú đi cùng…!”
Mời đọc thêm: Mạng xã hội: Công cụ đấu tranh của những bà mẹ tại Việt Nam — blogger Mẹ Nấm: ‘tôi phải rời khỏi Việt Nam một cách bất đắc dĩ’ (RFA). Vì sao CSVN phóng thích và trục xuất Mẹ Nấm — Vụ tống xuất Mẹ Nấm có liên quan EVFTA? (VOA). – Tính hợp hiến của nghiệp đoàn lao động độc lập tại Việt Nam (NĐBC). – ‘Bất tuân dân sự: Quyền cuối cùng của người dân nếu Nghị định Luật An ninh mạng được ký!’ (RFA). – Vụ D’Capitale: Dân muốn đối thoại với Vingroup, Tân Hoàng Minh (BBC).
Thêm người chết trong đồn công an
Báo Tiền Phong đưa tin: Thanh niên cố thủ trong tiệm game đã tử vong tại trụ sở công an. Đó là ông Châu Dung Thành, nghi can một vụ cướp đã bị công an bắt vào chiều 17/10/2018 tại một tiệm game bắn cá. Đến rạng sáng 18/10, sau khoảng 12 tiếng bị tạm giữ ở trụ sở Công an phường 13, quận 11, Sài Gòn, ông Thành đã tử vong. Phía công an kể rằng lúc ấy ông Thành kêu mệt nên họ đưa vào bệnh viện, nhưng vẫn không qua khỏi.
Càng lúc càng có nhiều người người chết trong đồn công an. Gần một tuần trước, bà Huỳnh Thị Nhung, em dâu nhà báo Hoàng Khương đã chết sau một ngày bị tạm giữ tại đồn công an TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Phía công an một mực cho rằng bà Nhung cầm kéo tự đâm mình nhiều nhát, nhưng đa số cư dân mạng tin rằng bà bị công an giết chết.
Vụ em dâu nhà báo Hoàng Khương chưa được giải quyết, thì đến lượt ông Thành phải gia nhập danh sách những người chết bất minh trong đồn công an, một danh sách vốn đã rất dài. Có lẽ những tay công an này rất tin tưởng vào chế độ của họ, nên họ nghĩ có thể “đánh trước, hỏi sau” và không lo gặp báo ứng.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm khi người dân ‘tự tử’ tại trụ sở công an? Các LS trả lời rằng, cần có thiết bị ghi âm và phải tăng nặng trách nhiệm hình sự của các cơ quan chức năng. Vấn đề là, công an vẫn là “thanh gươm” bảo vệ chế độ trong những ngày nền chính trị Việt Nam càng lúc càng sa sút, nên họ vẫn là lực lượng kiêu binh lộng hành trên xương máu nhân dân.
Mời đọc thêm: Nghi can chết sau khi làm việc với công an: Thông tin mới nhất (VTC). – Người đàn ông tử vong sau khi bị cảnh sát tạm giữ (Zing). – Nghi can cố thủ ở tiệm game tử vong sau khi bị tạm giữ — Kiến nghị VKSND Tối cao điều tra vụ chủ nhà nghỉ chết (PLTP). – Kiến nghị làm rõ cái chết một phụ nữ bị kéo đâm tại trụ sở công an (NLĐ).
Đất quốc phòng bị xâu xé
Lãnh đạo TP Hải Phòng bắt đầu xử lý hàng trăm nhà lấn chiếm đất quốc phòng, theo báo Pháp Luật TP HCM. Bài báo cho biết: “Từ năm 2009, khu đất quốc phòng rộng 14,2 ha được Sư đoàn 363 Quân chủng Phòng không-Không quân cho một doanh nghiệp thuê 5 ha làm nhà xưởng nhưng khu đất bị san lấp, làm đường, vỉa hè, phân lô bán nền”. Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng đã đề nghị truy tố năm bị can.
Báo VnExpress đặt câu hỏi: Đất quân sự ở Hải Phòng bị chia lô trái phép như thế nào? Theo bài viết, sư trưởng của Sư đoàn 363 đã cấu kết với doanh nghiệp tư nhân và cán bộ địa phương để “xẻ thịt” đất quốc phòng. Trong năm người đã bị khởi tố, có hai sĩ quan quân đội cao cấp, cựu chủ tịch phường Thành Tô, một cán bộ Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng và chủ một doanh nghiệp tư nhân.
Trang Bảo Vệ Pháp Luật có bài: Hết thời giang hồ lộng hành xâu xé đất quốc phòng. Bài viết mô tả thực trạng, nhưng lại quên giải thích những “nguyên nhân khách quan và chủ quan” đã khiến những tay xã hội đen lại có thể hợp tác với “xã hội đỏ” để xâu xé đất quốc phòng. Đây chỉ là một trường hợp bị phát hiện trong vô số vụ biến chất, thoái hóa của quân đội cộng sản Việt Nam.
Mời đọc thêm: Nhận bàn giao “điểm nóng” đất Quốc phòng: Hải Phòng mạnh tay xử lý vi phạm (KT). – Hải Phòng: Lập lại trật tự khu đất quốc phòng bị “xâu xé” (NLĐ). – Hải Phòng: Căng thẳng giải tỏa đất quốc phòng bị lấn chiếm (Infonet). – ‘Xã hội đen’ xây nhà trái phép trên đất quốc phòng sao vẫn được cấp điện, nước? (VNE).
Vụ án Trịnh Xuân Thanh và hậu quả ngoại giao
Nhật báo Dennik N của Slovakia đã tiết lộ thêm một thông tin mới, rằng Bộ trưởng Tô Lâm đã đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng một hộ chiếu giả có tên “Trung Viet Luu”, sinh ngày 2/9/1968, để bay từ Slovakia sang Moscow ngày 26/7/2017, trong chuyến bay gồm có ông Tô Lâm, Trịnh Xuân Thanh và 10 người trong phái đoàn ngoại giao Việt Nam.
Vì vụ này, Slovakia đóng băng quan hệ và đe dọa sẽ tạm ngừng quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Slovakia là ông Dương Trọng Minh đang có nguy cơ bị trục xuất khỏi Slovakia. Nghị sĩ Martin Klus thuộc đảng SaS, nói: “Chính phủ Việt Nam đã trắng trợn lợi dụng Slovakia trong vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanha bằng cách sử dụng lãnh thổ của chúng ta và thậm chí cả chuyên cơ của chính phủ Slovakia để vận chuyển ông ta”.
Mời đọc thêm: Slovakia đóng băng quan hệ với Việt Nam (RFA). – Báo Slovakia: Phái đoàn VN được đặc cách visa lên máy bay chở Trịnh Xuân Thanh (VOA). – Tại “di sản” của Trịnh Xuân Thanh: PVN tiết lộ thêm nhiều vướng mắc về tài chính, nhân sự (DT).
Quản lý dân bằng hộ khẩu: Bỏ ngay đi!
RFA bàn về đề xuất bỏ sổ hộ khẩu: Hợp lòng dân. Bài viết dẫn lời một người dân: “Bao nhiêu năm qua hộ khẩu gây nhiều phiền phức cho gia đình. Con cái đi học cũng đòi hộ khẩu, làm sổ đỏ cũng đòi hộ khẩu”. Liệu lãnh đạo CSVN sẽ sớm từ bỏ hình thức quản lý người dân, mà họ đã áp đặt trên toàn cõi Việt Nam kể từ ngày 30/4/1975 đến nay?
Báo Lao Động có bài: Hãy bỏ hộ khẩu giấy để quản lí dân cư theo công nghệ 4.0! Bộ Công an thừa nhận, “nếu bỏ hộ khẩu giấy sẽ giúp tiết kiệm 1.600 tỉ đồng mỗi năm. Việc sử dụng mã số định danh cá nhân cũng sẽ giúp tiết kiệm đến 300 tỉ đồng chi phí làm sổ bảo hiểm”.
Mời đọc thêm: Chuyển đổi hình thức quản lý hộ khẩu: Sớm ngày nào, người dân đỡ mệt mỏi ngày đó (LĐ). – Mã số định danh cá nhân sẽ thay thế sổ hộ khẩu trong tất cả thủ tục hành chính (ANTĐ). – Sổ hộ khẩu quan trọng như thế nào? (DV). – Sẽ bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu? (VH). – Bỏ sổ hộ khẩu: Sao phải chần chừ! (NLĐ).
23 quả bom dội vào dân mỗi ngày
Thông tin Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan ngang bộ và địa phương phát hiện, trong năm 2017, đã có 5.639 văn bản trái ban hành pháp luật, tức là mỗi ngày có khoảng 23 quyết định trái luật được ban hành (trừ ngày lễ và cuối tuần).
Nhà báo Lưu Trọng Văn viết: “Một con số đáng nguyền rủa. Một con số đáng phẫn nộ. Con số khổng lồ các văn bản nhà nước chà đạp pháp luật ấy nói lên điều gì? Kỷ cương phép nước không được một tầng lớp quan lại của nhà nước coi trọng. Cuộc sống, sự bình yên làm ăn, tồn tại của nhân dân bị một tầng lớp quan lại coi thường… Hãy hình dung nhân dân, doanh nghiệp phải khốn nạn thế nào khi các văn bản, quyết định sai pháp luật kia được thi hành?”
Mời đọc thêm: Phải xử lý nghiêm! (LĐTĐ). – Trên thì quyết liệt, dưới thờ ơ: Chuyện lạ “giấy phép” con (ĐCSVN).
Đã bắt được hai người nhắn tin đe dọa ĐBQH
Báo Người Lao Động đưa tin: Chiêu thức khủng bố hàng loạt lãnh đạo đoàn ĐBQH của 2 nghi phạm. Theo thông tin từ phía công an, một nhóm thanh niên nghiện ma túy đã mua một quyển “Niên giám Quốc hội – Chính phủ khóa XIV, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2020” rồi tra tên tuổi và số điện thoại của các ĐBQH để gửi tin nhắn tống tiền.
Mời đọc thêm: Đe dọa, đòi lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH đưa 100 triệu đồng, hai đối tượng bị bắt giữ (Viet Times). – Xác định kẻ tống tiền nhiều cán bộ đoàn đại biểu Quốc hội (Zing). – Hé lộ động cơ khiến 2 thanh niên nhắn tin khủng bố, tống tiền hàng loạt lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐSPL/ VN Mới).
Tự nguyện “nhường ghế” được tiền
Ghế thì ít mà đít thì nhiều, cho nên cán bộ tự nguyện “nhường ghế” sẽ được tiền. Báo Lao Động có bài: Đà Nẵng hỗ trợ 160 triệu đồng cho cán bộ đầu tiên tự nguyện “nhường ghế”. Đó là ông Lê Văn Quang, Phó ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, đã viết đơn xin tự nguyện nghỉ việc.
Mời đọc thêm: Cán bộ nhận hỗ trợ 160 triệu để nghỉ việc vì ‘không theo nổi 4.0’ (N Đô Thị). – Cán bộ đầu tiên ở Đà Nẵng được hỗ trợ 160 triệu khi nghỉ việc (ANTT).
Môi giới mua bán thận
Báo Sài Gòn Giải Phóng đặt câu hỏi: Bệnh viện Việt Đức liên quan gì tới đường dây mua bán thận? Về đường dây mua bán thận vừa bị triệt phá, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức thừa nhận, “khoảng 2 tháng trước, Công an Hà Nội có đề nghị BV Việt Đức phối hợp để điều tra nhóm mua bán thận công an đang điều tra”. Tuy nhiên, ông Giang khẳng định: “Trong BV Việt Đức tôi khẳng định không có bất cứ sự khuất tất nào. Chỉ cần phát hiện nếu cán bộ y tế có liên quan, chắc chắn sẽ bị đuổi việc”.
Phát hiện thêm đường dây mua bán thận với giá gần nửa tỷ đồng/quả (VOV). – Bệnh viện Việt Đức khẳng định không móc nối với cò để mua bán thận (Zing). – Ngăn chặn tình trạng môi giới mua bán thận (ND). – Bắt đối tượng môi giới mua bán thận (SK&ĐS).
Ô nhiễm môi trường
Báo Người Lao Động có bài nói về những người gồng mình chịu đựng ô nhiễm hơn 20 năm ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm do Công ty TNHH Tùng Châu gây ra và “viết đơn kiến nghị gửi các cấp, ban ngành. Sau đó, khi có đoàn về kiểm tra, công ty tạm thời căng bạt để hạn chế bụi sơn, bột gỗ bay vào nhà dân nhưng chỉ vài hôm thì đâu lại vào đó”.
Báo Giao Thông bàn về vụ HS đeo khẩu trang nghe giảng: Lộ nhiều sai phạm, ô nhiễm môi trường. Bài viết lưu ý: “Liên tục từ ngày 10/10 vừa qua, người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tại khu vực này. Dòng nước kênh Đồng Đế đen ngoàm, bốc mùi hôi thối, khiến người dân lúc nào cũng phải đeo khẩu tra, kể cả khi ngủ”.
Mời đọc thêm: Mùi hôi thối bủa vây trường học ở Hà Nội: Sở Xây dựng lên phương án khắc phục (LĐ). – Nước thải từ Cụm công nghiệp Cát Trinh gây ô nhiễm môi trường (TN). – Điện Biên: Cần ngăn ngừa triệt để ô nhiễm môi trường từ sơ chế cà phê (TNMT). – Chậm xử lý ô nhiễm cầu Bây, tiêu chí môi trường sẽ “chết đứng” (DV).
– Hà Tĩnh: Huyện vào cuộc xử lý trại lợn sát khu dân cư, gây ô nhiễm (MTĐT). – Quảng Ngãi: Quyết định “lạ kỳ” về chấn chỉnh xe chở cát (DV). – Phó Chủ tịch xã La Phù xử lý ô nhiễm môi trường kiểu “tình làng, nghĩa xóm“? (KT). – Nước thải từ Cụm công nghiệp Cát Trinh gây ô nhiễm môi trường (TN).
Rừng bị tàn phá
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Rừng Sóc Sơn bị băm nát làm biệt thự, khu nghỉ dưỡng. Theo đó, không chỉ có biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, mà rất nhiều công trình nhà lầu, khu nghỉ dưỡng đã xuất hiện ngay “sát nách chính quyền” nhưng không bị xử lý. Trong số những công trình xây trên đất rừng, có cả “nhà một tầng, kết cấu bê tông cốt thép, có tường rào bao quanh khu đất gần 4.000 m2” của gia đình ông Vũ Văn Hòa, cựu giám đốc Lâm trường Sóc Sơn.
Mời đọc thêm: Chấm dứt dự án phá rừng nuôi bò ở Phú Yên – Ban Quản lý rừng khai gian, ăn chặn… hơn 5,3 tỉ đồng (PLTP). – Ban quản lý rừng phòng hộ chi sai hơn 5 tỉ đồng (TP).
***
Thêm một số tin: Xin lỗi chân thành và kiên quyết xử lý (LĐ). – Kỷ luật hàng loạt cán bộ xã vì chiếm đất công và đưa người thân vào hộ nghèo (NNVN). – Vụ “300 triệu đồng làm CMND”: Kiểm điểm, xem xét kỷ luật Trưởng CA xã Hòa Khánh Tây (LĐ). – Vở ‘hài kịch’ ở Trà Vinh (MTG). – Đồng ruộng bỏ hoang, đường sá nham nhở, người dân Thanh Đa chới với giữa dự án treo 26 năm ròng (LĐ). – Việt Nam sẽ phê chuẩn TPP-không-có-Mỹ vào tháng sau (VOA). – Những Bộ trưởng ‘dính chàm’ và lá phiếu tín nhiệm (MTG).
– Nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước từ dự án BT xây dựng hạ tầng Công viên vui chơi giải trí? (Thanh Tra). – Buộc thôi việc chấp hành viên làm sai lệch hồ sơ (Zing). – Phó bí thư xã điền tên vợ vào hộ ‘mới thoát nghèo’ để vay vốn (VNE). – Bệnh viện 500 tỉ chưa dùng đã hư (TT). – Nhiều sản phẩm của Cty dược mỹ phẩm Poliva bị thu hồi hiệu lực giấy xác nhận an toàn (LĐ). – 9 quận huyện phía Tây Sài Gòn bị cắt nước vì sự cố (VNE). – Vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt ai, ai phạt? – Đừng để phạt… trên giấy! (NLĐ). – Sạt lở lúc nửa đêm, 13 người mất nhà (PLTP).