Bản tin Biển Đông ngày 3/9/2018

BTV Tiếng Dân

Ngoài thực địa

Dấu hiệu mới nhất về sự tăng cường hoạt động của Nhật Bản ở Biển Đông, chiếc tàu lớn nhất của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng Kaga, đã tham gia các bài tập trận song phương cùng với cụm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ, theo báo The Japan Times, dẫn lời hải quân hai nước Nhật – Mỹ.

Chiến hạm của hai nước Mỹ – Nhật còn diễn tập các thủ tục tiếp viện cho nhau. Cuộc tập trận cho thấy, hạm đội của hai nước có thể phối hợp hành động “nhuần nhuyễn” như thế nào, Chuẩn Đô đốc của Mỹ, ông Karl Thomas cho biết.

Ông Thomas là người chỉ huy Đội 70 của Mỹ đóng ở Nhật Bản, nhấn mạnh rằng, cuộc tập trận chung giữa họ đã giúp “tăng cường hơn nữa khả năng tương tác, phối hợp” mà lực lượng hai nước “đã xây dựng trong những năm qua”, theo báo VnMedia.

Sự kiện đào tạo song phương này là một phần của chuyến hải hành kéo dài một tháng của Kaga và hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường. Hai con tàu này cũng sẽ ghé thăm cảng ở Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines. Trong chuyến hải hành này, các tàu Nhật Bản cũng sẽ tiến hành các bài tập trận chung nhằm tăng cường kỹ năng chiến đấu và cải thiện hợp tác với hải quân của mỗi quốc gia, theo Văn phòng Nhân viên Hàng hải của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Xem thêm: Một số hình ảnh tại đảo Trường Sa lớn và đảo Song Tử Tây tháng 5/2018.

Malaysia lo ngại về người Trung Quốc

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói rằng, người Malaysia có thể không có khả năng cạnh tranh với người Trung Quốc nếu họ được phép vào nước này ồ ạt, theo báo The Star Online của Malaysia.

Ông Mohamad nói rằng, người Trung Quốc làm việc chăm chỉ, thông minh và có kiến thức trong kinh doanh. Họ sẽ trở thành những doanh nhân thành công và sẽ khó để người dân địa phương cạnh tranh.

Vì vậy, chúng ta phải thừa nhận điểm yếu của chúng ta và bảo vệ chính mình cho đến khi chúng ta có thể cạnh tranh với họ“, ông nói tại một diễn đàn vào ngày 1 tháng 9.

Ông nói rằng, chính phủ Malaysia sẵn sàng mở rộng đất nước cho các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc, nhưng không phải để công dân của họ mua đất và kiểm soát các thành phố của Malaysia.

ông nói: “Họ sẽ mua đất của chúng ta và chúng ta sẽ bị đẩy ra khỏi các thành phố và sống ở rìa rừng – nếu như không phải sống trong rừng. Đây là hình ảnh tôi đã hình dung trước“.

Những gì chúng ta muốn từ một nhà đầu tư nước ngoài là họ thiết lập các nhà máy mà các công nhân là người Malaysia chứ không phải người nước ngoài“, Thủ tướng Malaysia nói.

Quan hệ quốc tế

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 5 – 8 tháng 9 theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, báo Người Lao Động đưa tin.

Cũng theo báo Người Lao Động, lãnh đạo Nga bày tỏ tin tưởng chuyến thăm chính thức sắp tới của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Liên bang Nga sẽ thúc đẩy hợp tác song phương, cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực cũng như sự phối hợp chặt chẽ trên các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai nước cùng quan tâm.

Dầu khí hiện đang là lãnh vực được ưu tiên trong hợp tác giữa Liên Bang Nga và Việt Nam. Xí nghiệp liên doanh dầu khí VietsoPetro hiện khai thác khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu thô ở Việt Nam.

Trước đó, trong chuyến thăm Nga cuối tháng 6 năm 2017 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này trên lãnh thổ hai nước; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có lĩnh vực lọc dầu và hóa dầu, cung cấp cho Việt Nam khí thiên nhiên hóa lỏng, sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa Việt Nam phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, theo tờ báo thuật lại.

Nói về quan hệ quốc tế của Việt Nam trong tình hình hiện nay, TS. Đinh Hoàng Thắng có bài viết trên trang Viet-studies: “Nối vòng tay lớn, kiến tạo các mối quan hệ chiến lược dài hạn…“, trong đó có hai câu quan trọng đã bị cắt khỏi bản đăng trên Báo Văn Nghệ (1) “Ba đặc khu” là OBOR trá hình; (2) “Ta càng nhân nhượng, kẻ muốn ăn thịt ta càng lấn tới” (lấy ý từ lời kêu gọi của Hồ Chí Minh). Sau cách mạng Tháng Tám là như vậy, từ sau Hội nghị Thành Đô đến nay lại càng như vậy!

Bài viết cũng đặt vấn đề: “Thực tế vừa qua, khi Trung Quốc ép Việt Nam không được khai thác các giếng dầu ngay trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, ấy vậy mà không một đối tác chiến lược (ĐTCL) nào trong hơn hai chục ĐTCL đứng ra ‘chống lưng’ góp phần giúp Việt Nam ‘xử lý một cách hiệu quả’ các vấn đề phát sinh ấy. Rõ ràng, tình hình thật đáng đáng phải báo động“.

Bài viết kết luận: “Điều Việt Nam hôm nay cần làm và làm ngay: Phải ý thức được chính mình, sức mạnh của mình, của cộng đồng mà mình là thành viên, ý chí quyết sống, ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình đối với khu vực, đối với thời đại!

Bình Luận từ Facebook