BTV Tiếng Dân
Ngoài thực địa
Hôm 20 tháng 8, Indonesia đánh chìm 125 tàu cá nước ngoài, trong đó có 86 tàu cá Việt Nam, với cáo buộc khai thác trái phép tại vùng biển nước này.
Theo báo Dân Việt, Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi Indonesia không sử dụng vũ lực đối với tàu cá và ngư dân Việt, cho rằng hành động không phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và nguyên tắc đối xử nhân đạo với ngư dân. Tuy nhiên Indonesia vẫn thể hiện lập trường cứng rắn.
Việt Nam phản ứng trước một số diễn biến gần nhất tại Biển Đông
Hồi tuần trước, Bộ Quốc Phòng Mỹ lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể triển khai vũ khí hạt nhân đến Biển Đông, qua quan sát của Mỹ. Đáp trả lại lời cảnh báo vừa nêu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng, vào hôm 18 tháng 8 nói rằng, các hoạt động ở Biển Đông của Trung Quốc nhằm để phòng vệ cũng như cam kết với phát triển hòa bình.
Ngày 23 tháng 8, Philippines đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc điều động vũ khí hạt nhân ra Biển Đông. Báo Inquirer của Philippines dẫn lời ông Harry Roque, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, nói rằng: “Chúng tôi quan ngại khả năng bất kỳ quốc gia nào ngoài khu vực, như Mỹ, Nga hay Trung Quốc có thể mang đầu đạn hạt nhân vào vùng lãnh thổ Philippines hoặc khu vực ASEAN, nơi đã được tuyên bố là vùng không có vũ khí hạt nhân“.
Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến quan điểm của Philippines trong buổi họp báo thường kỳ vào chiều ngày 23 tháng 8, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà cho biết: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung và cũng là nghĩa vụ của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy tất cả các bên liên quan đều có nghĩa vụ phải đóng góp cho mục tiêu này“.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với việc gần đây Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật xung quanh đảo Ba Bình, bà Trà trả lời: “Việc Đài Loan tiếp tục tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình Biển Đông. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên, yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay và không tái diễn các hành động tương tự.”
Chính sách Biển Việt Nam
Theo nguồn tin của báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, Luật đặc khu dự kiến được xem xét thông qua ở kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (khai mạc vào ngày 22-10-2018).
Trong một tham luận tham gia tọa đàm của CODE với chủ đề “xây dựng luận cứ khoa học cho dự án ba đặc khu kinh tế”, cựu đại sứ Nguyễn Trung lại cho rằng, “bối cảnh của khu vực và đòi hỏi của đất nước hôm nay không có chỗ đứng cho 3 đặc khu kinh tế”.
Theo ông, trong ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã huy động những nguồn lực to lớn ở mọi dạng cho sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Việt Nam nằm trong nhóm đứng đầu thế giới về thu hút FDI và ODA tính theo đầu người, nhận được khoảng trên dưới 200 tỷ USD kiều hối từ nhiều nguồn. Các nguồn lực đất đai tài nguyên, khoáng sản, môi trường… khổng lồ của đất nước đã được huy động đến mức cạn kiệt.
Nhưng toàn bộ những nguồn lực này đã không làm nên được một nước Việt Nam công nghiệp, với nền kinh tế, công nghệ lạc hậu, thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động thấp, 100 Khu công nghiệp trong số 124 khu được thành lập vẫn còn đang dở dang, 20 khu kinh tế các loại mới chỉ lấp đầy được 50% diện tích mỗi khu.
Theo ông Trung, nguyên nhân gốc của thất bại này, không phải là thiếu động lực từ bên ngoài mà là do Việt Nam không đặt ra và vì thế đã thất bại trong việc xây dựng một thể chế chính trị và một hệ thống quản lý quốc gia mà sự nghiệp Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước đòi hỏi.
Bởi vậy theo ông, đòi hỏi chiến lược của Việt Nam hôm nay không phải là tăng thêm lực kéo từ bên ngoài như dự án 3 đặc khu kinh tế đang hướng tới, chưa nói đến 3 đặc khu kinh tế như đang thiết kế trong tình hình thực tế của quốc gia và của khu vực hiện nay còn chứa chấp những mối nguy khó lường, vượt ra ngoài khả năng kiểm soát rất yếu kém hiện nay của đất nước. Hành xử của TQ đang đặt ra những thách thức rất nghiêm trọng cho toàn khu vực cũng như đối với chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và quốc phòng của nước ta. Bối cảnh này không cho phép 3 đặc khu kinh tế như đang dự định được tồn tại ở nước ta, dù chỉ một ngày.
Tác giả cho rằng, đòi hỏi chiến lược của Việt Nam hôm nay, nhất là trong tình hình nóng bỏng hiện nay của khu vực và trên thế giới, là phải mau chóng khắc phục nguyên nhân gốc nói trên, để giải phóng và phát huy nội lực.
Cũng trong kỳ họp tháng 10 này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Đọc thêm: Malaysia và Trung Quốc hủy bỏ các dự án liên kết đường ống dẫn khí ven biển phía Đông — Vay nợ Trung Quốc rất nguy hiểm, nhưng Việt Nam nợ bao nhiêu?