Slovakia muốn cung cấp chuyên cơ bay đến Hà Nội, nhưng Việt Nam không muốn

Hiếu Bá Linh, biên dịch

24-8-2018

Ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia trong bài báo của báo Dennik N, số ra ngày 23/08/2017

Tin nóng về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Tòa án Đức cho biết Slovakia ngỏ ý cung cấp một chiếc chuyên cơ bay thẳng đến Hà Nội, nhưng phía Việt Nam không muốn.

Bộ trưởng Tô Lâm không muốn là vì “cách này cũng bao gồm việc vận chuyển về Việt Nam, nhưng nó sẽ phải được chuẩn bị nhiều hơn, cần khoảng 2 ngày để có được tất cả hộ chiếu giấy tờ cho việc quá cảnh một nước thứ ba”, các nhà điều tra Đức viết trong báo cáo đầu năm nay.

Slovakia ngỏ ý cung cấp cho phái đoàn Việt Nam chiếc chuyên cơ của chính phủ để bay về tận Hà Nội. Nhật báo Dennik N của Slovakia đã được một phát phát ngôn viên của tòa án Đức viết trả lời như thế. Đó là Tòa án Thượng thẩm Berlin mà cách đây vài tuần đã kết án bị cáo Nguyễn Hải Long, một trong những can phạm tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Theo thông tin từ các thẩm phán Đức, Bộ Nội vụ Slovakia đã cung cấp cho một phái đoàn Việt Nam chiếc chuyên cơ mà được dùng để chở phái đoàn cùng với nạn nhân bị bắt cóc đến Moscow. Slovakia cũng ngỏ ý cung cấp một chiếc chuyên cơ bay thẳng đến Hà Nội, nhưng phía Việt Nam không muốn”, bà Lisa Jani, phát ngôn viên của tòa án Berlin- cho biết.

Hôm 25 tháng 7 năm 2017, mật vụ Việt Nam đã dùng xe chở Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đến thành phố Brno của CH Séc, ngày hôm sau tiếp tục chở đến Bratislava, thủ đô Slovakia. Từ đây những kẻ bắt cóc đã vận chuyển Trịnh Xuân Thanh đến Moscow bằng một chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia.

Theo tòa án Đức, có thể chính phủ Slovakia đã không biết gì về mục đích thật sự của chuyến bay là phục vụ cho vụ bắt cóc.

Ngoài ra, hiện nay Tòa án Thượng thẩm Berlin đang soạn thảo phần viện dẫn lý do kết án. Bị cáo Nguyễn Hải Long bị kết án 3 năm 10 tháng tù với tội danh hoạt động gián điệp chống lại nước Đức và thuê xe hỗ trợ mật vụ VN bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau khi bị kết án, bị cáo Nguyễn Hải Long đã đưa đơn kháng nghị phúc tra.

Về khả năng chính phủ Slovakia ngỏ ý cho phái đoàn Bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn chuyên cơ bay thẳng về Hà Nội, cũng được phản ảnh trong Báo cáo kết quả điều tra của cảnh sát Đức mà báo Dennik N có trong tay. “Cách thức này cũng bao gồm việc vận chuyển về Việt Nam, nhưng nó sẽ phải được chuẩn bị nhiều hơn, cần khoảng 2 ngày để có được tất cả hộ chiếu giấy tờ cho việc quá cảnh một nước thứ ba”, cảnh sát Đức viết trong báo cáo đầu năm nay.

Thời gian tổ chức chuyến bay cho một chuyên cơ của chính phủ không phải là một giờ, kể cả chuyến bay chỉ đến Moscow. Trong trường hợp vận chuyển phái đoàn Việt Nam, vì không đủ thời gian tối thiểu như luật định để xin giấy phép bay qua không phận Ba Lan, nên Slovakia đã thông báo cho phía Ba Lan rằng ông Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, có mặt trên chiếc chuyên cơ (để được hưởng trường hợp ngoại lệ dành cho Bộ trưởng, Nguyên thủ quốc gia).

Khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho mượn chuyên cơ, giấy phép và các tài liệu khác để bay luôn được viết như một chuyến bay của Bộ trưởng, mặc dù Bộ trưởng có thể có mặt hay không có mặt trên chuyên cơ. Đó là lý do tại sao có tên của Bộ trưởng Robert Kalinak trong danh sách hành khách chuyến bay”, Bộ Nội vụ Slovakia giải thích vào tháng 6 năm nay.

Về thông tin của Tòa án Đức cho biết, Slovakia ngỏ ý cung cấp một chiếc chuyên cơ bay thẳng đến Hà Nội, Bộ Nội vụ Slovakia đã lên tiếng bác bỏ trong một bản thông báo: “Bộ Nội vụ đã hoàn toàn không cung cấp một cơ hội như vậy. Điều đó không đúng”. Còn cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak đã không trả lời câu hỏi này.

Bộ Nội vụ Slovakia đã cho phái đoàn Bộ trưởng Công an Tô Lâm thuê chiếc chuyên cơ này mà hoàn toàn không lấy một đồng nào, được coi như là một dịch vụ hữu nghị.

Lê Hồng Quang cùng Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Kalinak và Bộ trưởng Tô Lâm, đi thăm một nhà máy sản xuất thiết bị an ninh trong Khu Công nghiệp An ninh – Bộ Công an ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh trên mạng

Thông tin về người cố vấn bí mật của Thủ tướng Fico

Ngoài Tòa án Berlin, các nhà điều tra Đức cũng cho rằng chính phủ Slovakia không biết mình đã tham gia vụ bắt cóc một công dân Việt Nam từ Berlin đưa đến Moscow qua ngã Bratislava. Tuy nhiên trong báo cáo kết quả điều tra của cảnh sát Đức có ghi rằng Việt Nam có thể có “người trong cuộc” (tức là có “nội gián”) của họ trong phái đoàn Slovakia. Việc cung cấp chuyến bay từ Praha đến Bratislava mà Lê Hồng Quang – cố vấn cho Thủ tướng Fico khi đó – cũng có mặt trên chiếc chuyên cơ này, và sau đó còn tham dự cuộc họp rất ngắn giữa 2 phái đoàn Slovakia và Việt Nam tại khách sạn Borik của chính phủ, lúc đó xe chở nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đậu trước khách sạn Borik. Ông Lê Hồng Quang đã phủ nhận tất cả các cáo buộc có liên quan đến vụ bắt cóc này.

Khách sạn Borik của chính phủ Slovakia, nơi diễn ra cuộc hội đàm giữa 2 Bộ trưởng, được làm bình phong để đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU. Ảnh trên mạng

Nhật báo Dennik N đã hỏi cơ quan chính phủ Slovakia về những dữ liệu của ông Lê Hồng Quang: Trong khoảng thời gian nào ông Quang làm cố vấn cho Thủ tướng Fico? Làm việc toàn thời gian? Mức lương bao nhiêu? và ông Quang đã nhận được những tặng thưởng gì?

Nhưng cơ quan chính phủ Slovakia đã từ chối, không cung cấp thông tin cho nhật báo Dennik N, với biện minh là ông Lê Hồng Quang hiện nay là một cá nhân bình thường (không còn giữ một chức vụ nào) và cần có sự đồng ý của ông Quang.

Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào ngày 23 tháng 7 năm ngoái tại Berlin. Ba ngày sau, ngày 26/07/2017 một phái đoàn Công an cao cấp do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu đến Bratislava thủ đô Slovakia. Cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nội vụ Kalinak chỉ được chuẩn bị tổ chức 1 ngày trước đó, và phía Việt Nam xin Slovakia cho mượn một chiếc chuyên cơ. Phái đoàn Việt Nam đi bằng chuyên cơ từ Praha đến Bratislava chỉ có 4 người, nhưng sau cuộc hội đàm ngắn 50 phút tại khách sạn Borik, phái đoàn Việt Nam rời Bratislava với 12 người (từ 4 đột ngột tăng lên 12 người) bay đến Moscow bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia.

Vụ bắt cóc này đã được phía Đức điều tra từ hơn 1 năm nay với kết luận, hầu như không còn nghi ngờ gì, Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc đưa ra khỏi EU bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia. Các cơ quan hữu trách của Slovakia đã không điều tra vụ bắt cóc này, chỉ đến khi báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức và báo Dennik N của Slovakia công bố lời tường thuật của các nhân chứng, thì Slovakia mới vào cuộc điều tra. Và hiện nay cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Phía Đức cho rằng, chính phủ Slovakia không biết mình đã tham gia vụ bắt cóc một công dân Việt Nam từ Berlin đưa đến Moscow qua ngỏ Bratislava, nghĩa là Slovakia đã bị Việt Nam lừa đảo. Tuy nhiên, sau vụ bắt cóc Bộ trưởng Nội vụ Kalinak làm như thể Việt Nam đã không làm cho Slovakia thất vọng. Hai tháng sau vụ bắt cóc, Bộ trưởng Kalinak đã đích thân đón tiếp Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ tại thủ đô Bratislava hồi cuối tháng 9 năm ngoái. Sau đó đến tháng 11/2017 ba Bộ trưởng Slovakia đã đi thăm Việt Nam. Gần đây, sau khi báo chí đăng tải những thông tin, 3 Bộ trưởng này nói rằng, ông Kalinak chẳng thông báo gì cho họ biết về cáo buộc bắt cóc trước khi họ đến thăm Việt Nam.

Ông Kalinak, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, chào đón Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Slovakia ngày 20/09/2017. Ảnh trên mạng
Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Hy vọng EU sẽ rút ra kết luận:
    – Không thể “tự do thương mại”, không thể “hợp tác” với lũ lưu manh, khủng bố, lừa bịp là nhà cầm quyền VN.
    Đã đến lúc phải nhắn nhủ lũ lợn CSVN:
    – Hãy quên EVFTA đi!!!

  2. Bị bịa đặt hoặc có đôi chút, ví dụ như vấn đề Hội nghị Thành Đô, hoặc như vấn đề Hồ Tập Chương và như vấn đề bộ trưởng Tô Lâm bảo rằng không biết gì về chuyện Trịnh Xuân Thanh đã về nước, nhưng, tất cả đều chìm trong im lặng vì cái dấu mật nó tác oai tác quái. Nhân dân muốn tìm hiểu thì tự tìm hiểu, nhưng mà, phải theo “khuôn khổ mà pháp luật cho phép”, ngoài ra thì ăn đòn đấy!

  3. Nếu đây là chuyện bịa dặt bôi xấu chế độ VN thì tại sao đảng, chính phủ, bộ ngoại giao VN và cả 700 tờ báo VN chẳng phản pháo nhỉ? Hỏi tức là trả lời! Nhà nước khủng bố ở đâu?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây