Tác giả: Rodion Ebbighausen
Dịch giả: Nguyễn Văn Vui
25-7-2018
Vụ vỡ một đập thủy điện làm nổi bật chính sách năng lượng của Lào, một chính sách đã gây tranh cãi lâu nay. Trong nhiều năm qua, hàng loạt đập được xây ồ ạo để chế ra điện. Bất kể môi trường, các nhà phê bình nói.
Các đội cứu hộ đang ra sức tìm kiếm những người sống sót ở tỉnh Attapqeu ở phía đông nam nước Lào. Sau khi một đập thủy điện bị vỡ vào tối 23.07.18, người ta ước tính có năm triệu tấn nước, bằng lượng nước của 1300 hồ bơi, đã chảy ào ạt và tràn ngập ít nhất là 7 ngôi làng dọc theo sông Xepian-Xe. Tính đến ngày 25.07, tin cho biết có 26 người thiệt mạng. Hàng trăm người vẫn còn mất tích.
Công tác cứu hộ tỏ ra rất phức tạp, vì vùng núi non xa xôi hiểm trở thiếu hẳn cơ sở hạ tầng. Họa hoằn lắm thì chỉ có vài con đường. Mà chúng cũng bị ngập chìm trong mùa mưa, khó mà vượt qua được. Chính quyền tỉnh đã xin trợ giúp từ chính quyền trung ương, cảnh sát và quân đội. Rất cần thiết hiện nay là quần áo, thực phẩm và nước uống sạch cũng như tiền bạc. Công ty xây dựng Hàn Quốc SK, công ty tham gia vào dự án xây đập thủy điện, đã gửi một đội cứu hộ.
Báo động từ công ty xây dựng
Con đập phụ dài 770 mét bị vỡ là một phần của đập chính Xepian-Xe Nam Noy. Các đập phụ thường được thiết lập để nâng mực nước tại đập chính cho cao hơn nữa và qua đó tăng công xuất của nhà máy thủy điện. Công ty xây dựng SK cho hay một ngày trước khi bị vỡ đập, họ đã báo động cho chính phủ Lào rằng đập đã có nhiều vết nứt sau khi những trận mưa to đổ xuống. Nhưng cho đến nay người ta hoàn toàn không nghe được bất cứ một ý kiến hoặc tuyên bố chính thức nào từ phía chính phủ Lào về nguyên nhân của thảm họa.
Sông Xepian-Xe (nơi có con đập phụ) và sông Namnoy là các nhánh của sông Mekong. Anoulak Kittikhoun của Ủy hội sông Mekong (MRC) tại Viêng Chăn, thủ đô của Lào, khẳng định với đài phát thanh Đức Deutsche Welle rằng trạm của họ đã đo thấy mực nước sông Mekong gia tăng đáng kể do mưa lớn và vỡ đập. “Tuy nhiên, chúng ta chưa đến mức cảnh báo cho một trận lụt”.
Kể từ khi vỡ đập, mực nước sông Mekong đã tăng lên từ 8,4 đến 11,4 mét. Ủy hội sông Mekong cho biết, mức báo động là 11,5 mét, còn mức nước lũ là từ 12,5 mét. Điều này có nghĩa là trong thời điểm hiện nay không có nguy cơ gì cho Campuchia, nằm ở hạ lưu của sông Mekong. Giới chức Việt Nam, nơi Mekong chảy ra Biển Đông, đã xác nhận rằng thảm họa ở Lào khó có khả năng gây lũ ở VN.
Mekong là nguồn cung cấp năng lượng
Thảm họa đã làm nổi bật chính sách gây tranh cãi của nhà nước độc tài độc đảng. Nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, Lào không có đường ra biển. Đây là một trong những nước nghèo nhất trong khu vực. Bốn trong số bảy triệu người sinh sống nhờ nông nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất bao gồm gỗ, cà phê và từ vài năm nay là điện từ các nhà máy thủy điện.
Khoảng mười năm trước, chính quyền Cộng sản đã quyết định biến Lào thành ra “Cục pin của Đông Nam Á”. Sông Mekong xuất phát từ vùng cao nguyên Tây Tạng ở độ cao 5200 mét trên mực nước biển, và chảy vào Biển Đông sau một quãng đường dài khoảng 4300 km. Con sông dài thứ 12 trên thế giới này đã đem lại cho 6 quốc gia các mô hình kinh doanh nhiều lợi nhuận chung quanh thủy điện.
160 con đập đã được lên kế hoạch. Trung Quốc đã xây dựng 8 đập và lên kế hoạch cho 11 cái khác. Tại Lào, hiện tại có 46 con đập và 54 dự án khác. Điện chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Lào. Maureen Harris, nữ giám đốc của tổ chức môi trường „International Rivers“ của Đông Nam Á cho biết: “Lào không có chuyên môn kỹ thuật và nguồn tài lực để tự xây dựng các đập“. Trong hai năm vừa qua đã có hai con đập ở Lào đã bị vỡ.
Các dự án đập ở Lào chủ yếu được tài trợ bởi đầu tư trực tiếp nước ngoài và được xây dựng bởi các công ty tư nhân. Một trong số đó con đập vừa bị vỡ, nó được xây dựng bởi một công ty Lào, Thái Lan và hai công ty Hàn Quốc. Thông thường các công ty tư nhân được quyền sử dụng các nhà máy thủy điện từ 25 đến 30 năm, trước khi chúng trở thành tài sản của chính phủ Lào.
Phát triển không bền vững
Từ nhiều năm qua, các nhà hoạt động môi trường đã chỉ trích sự bùng nổ xây dựng trên sông Mekong và các nhánh sông phụ. Những lời phê phán tập trung vào việc không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn và môi trường.
Bà Harris cho biết: “Chúng tôi thấy có sự thiếu sót trong việc đánh giá rủi ro trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp cũng như ở những vùng ngoại vi. Và người ta cũng không tính toán dài hạn gì cả“. Chẳng hạn, nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng việc biến đổi khí hậu sẽ làm tăng lượng nước mưa ở Lào một cách cực kỳ. “Chúng ta đứng trước nguy cơ các đập thủy điện sẽ không tài chịu nổi các điều kiện khí hậu tương lai.” Mùa mưa ở Lào kéo dài chủ yếu vào các tháng từ tháng 6 đến tháng 10.
Trong cuộc trò chuyện với DW, bà Harris nhận xét rằng thực ra Lào có những quy định rất tốt –nhưng chỉ trên giấy tờ mà thôi: “Chính phủ Lào hoàn toàn không có khả năng giám sát tất cả các dự án“. Ngoài ra, hầu hết các con đập sẽ được xây dựng ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Người dân ở đây khó mà có cơ hội để nói lên được mối quan tâm của họ trong một nước độc tài. Thủy điện là chính sách lớn của chính quyền trung ương. Xong, hết chuyện!
Các vấn đề môi trường
Các con đập trên sông Mekong được xem là mối đe dọa đối với sự đa dạng của động vật và thực vật. Sông Mekong tự nó là một hệ sinh thái toàn diện, nó không chỉ cung cấp cá cho hàng triệu người dân, mà còn cung cấp nước và phù sa màu mỡ cho đồng bằng sông Cửu Long ở Nam Việt Nam, được biết đến như là vựa lúa của Đông Nam Á.
Hệ sinh thái này bị các đập nước chia cắt ra từng mảnh. Theo bà Harris thì “các khảo sát cho thấy nếu tất cả các con đập trên sông Mekong được hoàn thành theo kế hoạch, thì lượng cá sẽ giảm tới 40%”. Việc này đụng chạm đến vấn đề bảo đảm lương thực cho một khu vực đông đảo dân cư.
Đúng, trong quá trình sản xuất thủy điện đã không tạo ra thán khí CO2 độc hại cho khí hậu. Tuy nhiên bà Harris vẫn tỏ ra rất lo lắng, khi mà người ta cho chủ đầu tư tư nhân thuê các dự án đập khổng lồ như một cơ sở hạ tầng nhậy cảm. “Những rủi ro và hệ quả của chương trình xây đập bị hạ thấp thấy rõ. Vì vậy đã đến lúc cần phải dừng các dự án, đánh giá chúng lại rồi tìm kiếm những giải pháp thay thế”. Các nước khác ở Đông Nam Á hiện đang tập trung nhiều hơn vào việc phát triện năng lượng mặt trời và gió.
Không rõ thủy điện A Lưới có xả lũ qua cửa xả A Sap sang Lào vào thời điểm đó không nhỉ?