Tới hạn của EVN

FB Mai Quốc Ấn

25-7-2018

Sự cố vỡ đập ở Lào đã làm hàng trăm người thiệt mạng. Ảnh: internet

Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích, hàng ngàn người mất nhà cửa, tài sản phải sống cảnh màn trời, chiếu đất. Đây là một tai nạn mang tính cảnh báo rất cao cho Việt Nam!

8 năm trước, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Sơn Lâm- nguyên viện trưởng viện Khoa học vật liệu ứng dụng nói: “Cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học Viêt Nam làm tư vấn, phản biện cho Chính phủ trước khi xét duyệt dự án lớn, triển khai chính sách. Việt Nam cần chọn cho mình một con đường riêng dựa trên điều kiện quốc gia và nhu cầu của nền kinh tế, chứ không phải công nghệ nào cũng chọn, đối tác nào cũng ký để triển khai khai thác năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng”.

Khi ấy, bài viết về sự “tới hạn” của thủy điện của tôi đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị. Cũng 8 năm trước, câu chuyện về vận hành liên hồ chứa của thủy điện được đưa ra. Khi ấy, người chết, tài sản và hoa màu tan nát vì xả lũ “đúng quy trình” của các thủy điện. Sau 8 năm, buộc phải nhắc về nó thêm lần nữa trong mùa mưa này.

Các nhà báo từng đến thủy điện Sông Tranh tại quê hương Thủ tướng- Quảng Nam- có thể cảm nhận được nỗi bất an của người dân. Các nhà báo từng tác nghiệp mùa lũ ở thủy điện A Vương, Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Định Bình,… sẽ thấy rõ nỗi cơ cực của người dân hạ nguồn sau mỗi lần xả lũ.

Để đảm bảo tăng trưởng và nhu cầu sản xuất, các nhiệt điện xuất hiện liên tục với mật độ cao. Sự cơ cực của dân gần nhiệt điện Duyên Hải mấy ai biết tới? Những ngư phủ 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh hóa khi bị dồn lên… núi, may thì xuất khẩu lao động, đa phần đi làm công nhân qua ngày hay bán vé số, làm thuê mưu sinh mấy ai biết tới? 2 lần bạo loạn tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) vì nhiệt điện Vĩnh Tân thậm chị bị các dư luận viên và các “đại nhà báo” đổi trắng thay đen, nói dối hơn Cuội thì mấy ai biết tới?

Có một sự thật mà Chính phủ cần lắng nghe là Sơ đồ quy hoạch điện 7, Sơ đồ quy hoạch điện 8 đã vô cùng lỗi thời. Sự chuyển dịch của năng lượng từ thủy điện, nhiệt điện sang điện gió, điện mặt trời vô cùng chậm. Vấn đề nằm ở bộ phận… tham mưu, cụ thể ở đây là những người tham mưu cho Bộ Công thương và Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ về phát triển năng lượng.

Tôi tìm hiểu và được hướng dẫn như thế này: “Ấn hãy tìm xem sau lưng bọn được gọi là khoa học gia tham mưu cho Bộ Công thương có những công ty nào bán tuốc-bin (thủy điện), công ty nào bán lò hơi (nhiệt điện) thì sẽ rõ bọn học phiệt, bọn lợi ích nhóm thao túng chính sách ra sao.” Lực lượng an ninh của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng biết việc này không? Xin thưa: Biết! Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ biết việc này không. Cũng xin thư: Biết!

Chỉ là một thường dân bé mọn như tôi không biết các báo cáo trung thực có đến tay những cán bộ cao cấp nhất ở các cơ quan quyền lực nhất nói trên hay không…

Nhưng không thể không cảnh báo về một hiện tượng “nuôi ong tay áo” ngay tại một trong những cơ quan kinh tài lớn nhất Bộ Công thương là EVN. Cách họ tư vấn, tham mưu về năng lượng sẽ ảnh hưởng về mặt vĩ mô rất kinh khủng. Xin cho 2 ví dụ là thủy điện thiếu vận hành liên hồ, nhiệt điện thiếu phương án xử lý tro xỉ dù được thông qua. Người chết, cứ mỗi mùa mưa lũ đến vẫn đều đặn từ quy trình xả lũ. Người chết, vì tỉ lệ ung thư tăng do khói bụi nhiệt điện được chuyên gia y tế Nguyễn Trọng An cảnh báo không phải mới đây.

Tôi chờ đợi một cuộc cải cách lớn ở Bộ Công thương về vấn đề năng lượng chứ không phải chỉ về việc xóa bỏ giấy phép con hay các nhân sự thăng tiến thần tốc. Riêng EVN, nếu giờ mà viết về các khoản lỗ, đầu tư ngoài ngành hay giá thiết bị của họ thì tôi không hứng thú nữa bởi nhìn lại cách họ ứng xử với năng lượng tái tạo thì đủ hiểu.

Họ! EVN- chưa bao giờ lên tiếng về trách nhiệm tham mưu- dù rằng chính họ đã góp phần khiến người dân xuống đường ở Bình Thuận, dù rằng có hộ dân phải sống dưới đường dây cao thế bởi đền bù không thỏa đáng, dù rằng mỗi năm đều có người chết vì xả lũ,…

Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào hay bạo loạn 2 lần tại Bình Thuận là những cảnh báo đủ lớn đối với chế độ. Và những người đứng đầu quốc gia này nên dành chút ít thời gian để hỏi một câu thôi: “Ai bán tuốc-bin, ai bán lò hơi mà tham gia tư vấn chính sách?”. Rồi nên hỏi thêm câu nữa là “Điện gió, điện mặt trời bị làm khó ra sao, chậm triển khai thế nào?”. Tôi đảm bảo sẽ có những cán bộ toát mồ hôi giữa phòng máy lạnh!

Nếu Thanh tra Chính phủ rà soát lại toàn bộ hoạt động của EVN hơn 10 năm qua rồi chuyển cơ quan điều tra thì đại án đến là tất yếu. Cuộc “đốt lò” diễn ra khắp nơi mà bỏ qua EVN thì cũng kỳ!

Nhỉ?!

Chú thích: Một mô hình thủy điện “kinh điển”. Công thức làm đường vào khu vực thủy điện rồi làm thủy điện đã lấy bao nhiêu ha rừng nguyên sinh?

Bình Luận từ Facebook