Về vụ bạo động ở tỉnh Bình Thuận

BS Lê Trọng Kim

14-6-2018

Cảnh sát cơ động đối mặt với đoàn người biểu tình ở Bình Thuận. Nguồn: Facebook

Nhìn cảnh đổ nát sau hai ngày bạo động ở Bình Thuận, chắc ai cũng chạnh lòng về mức độ cuồng nộ và những thiệt hại ấy. Rất may là đã không có ai bị thiệt mạng về phía người dân và cảnh sát (*).

Dù thế nào, thì sự bạo động của người dân là không nên để xảy ra và không nên có trong một xã hội nếu có luật pháp và luật pháp công minh. Có nghĩa là quyền lợi và trách nhiệm của công dân và nhà nước được giải quyết rạch ròi đúng lúc, đúng theo luật định.

Rất dễ hiểu rằng, người dân không dễ gì tự nhiên mà họ lại dám đi chống lại nhà nước, nhất là không phải một hai người, mà là hàng ngàn, hàng vạn người, thì tất nhiên họ không phải là những người điên đến mức không còn lý trí. Có điều là ta không sống ở nơi họ sống, ta không ở trong hoàn cảnh của họ, nên những bức xúc của họ ít khi ta quan tâm, tìm hiểu và nhất là phải tìm hiểu suốt trong quá trình họ bức xúc.Vì không phải hễ có bức xúc, có bất mãn, thì người dân muốn chống lại nhà nước ngay, mà sự bất mãn ấy phải có quá trình bị đè nén đến cùng, nên có khi quá sức chịu đừng của họ, thì nó bùng lên như một chiếc lò xo…

Bất kỳ một sự việc nào ta cũng phải nhìn theo nhiều chiều khác nhau để có cái nhìn rộng lòng và chính xác. Sự việc không phải chỉ là những gì bày ra trước mắt cho ta dễ thấy, mà còn có những nguyên nhân, những góc khuất khác và nếu là người hiểu biết nhiều thì ta nên nhìn sâu vào góc độ tâm tư của những người bức xúc. Vì họ mới chính là những người yếu thế, chỉ có tai không và rất có thể quyền lợi và đời sống của họ đã có lắm thiệt thòi từ lâu, mà Dự luật về Đặc khu hành chánh và thời hạn cho thuê đất 99 năm của chính phủ chỉ là giọt nước tràn ly? Có hai vấn đề quan trọng với người dân ở Bình Thuận mà chúng ta phải rộng lòng hiểu cho họ, trước khi chúng ta muốn kết tội họ.

1- Một là, kể từ khi lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc và kể cả những tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc ức hiếp ngư dân Việt Nam trên biển bằng những hành động ăn cướp hết sức dã man, như đâm tàu cá của ngư dân mình cho hư hỏng, cho chìm giữa biển và bỏ mặc, rồi chúng cướp ngư cụ và thành quả cá đánh bắt được của ngư dân ta. Thậm chí có nhiều vụ chúng bắn chết ngư dân hay bắt ngư dân ta rồi đòi tiền chuộc… Trong những vụ chúng hà hiếp, cướp của và giết người trên biển thì ngư dân Bình Thuận là những người phải chịu đựng nhiều nhất. Lòng căm thù giặc Tàu đã sôi sục trong lòng người dân Bình Thuận nhiều hơn ở những nơi khác.

2- Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, chạy bằng than đá do Trung Quốc đầu tư ở Bình Thuận, trong nhiều năm liền đã xả khói và bụi than ra môi trường làm ô nhiễm khói bụi rất trầm trọng trong một khu vực rất rộng. Người dân tại đây đã khiếu nại và yêu cầu chính quyền địa phương: Một là phải di dời nhà máy này ra xa khu dân cư, hai là phải bồi thương thiệt hại hoa mầu và sức khỏe cho dân.

Nhưng tiếc thay lòng kiên trì khiếu kiện trong nhiều năm của người dân đã không được chính quyền sở tại giải quyết công bằng theo hướng bảo vệ người dân, thay vì dung dưỡng bảo vệ doanh nghiệp làm giàu, làm ảnh hưởng nghiêm trong đời sống và tính mạng của người dân.

Chúng ta cũng biết Bình Thuận là một tỉnh nghèo, thuộc nhóm tỉnh nghèo nhất nhì trong nước. Bình Thuận lại có khí hậu khắc nghiệt, thường xảy ra hạn hán. Người dân rất dễ bị mất mùa thu hoạch.

Khi người nghèo, đời sống đã khó khăn, quyền lợi của họ dù ít cũng là nhiều, là quan trọng đối với họ. Làm sao họ có thể xoay xở cuộc sống và tạo lập đời sống bền vững yên ổn cho họ. Họ đâu có nhiều con đường sinh tồn, đâu có nhiều phương cách để tính toán đời sống của họ như những người có nhiều tiền của dễ xoay xở cho mình, khi gặp phải thiên tai hay nhân họa. Nếu là thiên tai bất đắc dĩ thì họ còn cam lòng mà chịu đựng, nhưng nếu là nhân họa do con người gây ra cho họ mà chính quyền địa phương không mấy quan tâm đến đời sống và tính mạng của họ thì liệu rằng họ có còn lòng tin và lòng tôn trọng chính quyền nữa không? Nên khi có giọt nước đổ tràn ly thì niềm tin, lòng tôn trọng của họ với chính quyền địa phương đã biến thành lòng thù hận và nỗi bức xúc đó đã bùng lên thành hành động và hành động do lòng căm ghét do bức xúc, thì như ranh giới để đưa đến bạo động là rất mong manh.

Và khi bạo động đã xảy ra rồi, thì ta cũng nên xét từ hai phía. Nếu người dân sử dụng bạo lực trước là dân sai, vì cho dù có bức xúc đến mấy thì khi được biểu tình, người dân được nói lên chính kiến, được biểu hiện sức mạnh của toàn dân trong nhóm có cùng một chính kiến, cùng yêu sách… thì nên dừng lại chờ nhà nước, xem coi nhà nước có quan tâm, có xem trọng chính kiến của mình không, rồi hãy có bước tiếp theo. Tuy vậy cũng còn suy xét một lẽ nữa là, nếu người dân chỉ khởi phát bạo động sau khi có những người trong nhóm của họ bị cảnh sát bắt giữ và hành động bạo động của họ sau đó nhằm giải cứu người của họ, thì sự bạo động ấy ta cũng cần có chút thông cảm với họ.

Còn nếu người của nhà nước sử dụng bạo lực với dân trước là quá sai. Tại sao vậy? Vì nhà nước có đủ mọi thứ để giải quyết một vấn đề cho hợp với lòng dân, nguyện vọng của dân, quyền lợi của dân… Thế mà trước khi có biểu tình, nhà nước đã không làm tròn, không giải quyết sự việc theo ý dân. Đến khi người dân xuống đường để đưa ra yêu sách, thì nhà nước đã không thương lượng ôn hòa mà lại sử dụng bạo lực trước với dân, thì đúng là nhà nước đó không phải là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Nhà nước đó không tôn trọng dân, không lấy dân làm gốc và nếu đã là như thế thì nhà nước đó cũng không phải là nhà nước bảo vệ dân, lo cho dân, cho nước, mà rất có thể là họ đang lo cho ai đó, hay một số người nào đó.

Mặt khác, theo hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tiền thân của nước Cộng Hòa xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay và hiến pháp sau cùng của nước ta được thông qua vào năm 2013, thì quyền được tự do thể hiện chính kiến, quyền được biểu tình, được lập hội và các quyền về tự do ngôn luận… cũng được ghi rõ trong đó. Nhưng dự luật về quyền được biểu tình đã bị Chính phủ và Quốc Hội đình hoãn nhiều lần, đến nay vẫn chưa được thông qua. Vì Quốc Hội và Chính phủ sợ rằng, khi luật ấy được thông qua thì tình trạng biểu tình sẽ nhiều hơn và có khi sẽ khó kiểm soát.

Đây là một sai lầm lớn, vì muốn quản lý xã hội tốt thì phải có luật, luật phải rõ ràng, phải hài hòa giữa lợi ích của dân và công việc của nhà nước. Luật phải được thực thi nghiêm minh, có hiệu quả tức khắc. Nếu đã có luật biểu tình như các nước, thì sự việc ở Bình Thuận sẽ không lớn lao và thiệt hại nhiều như thế.

Vì khi có luật biểu tình thì những người muốn biểu tình phải làm giấy xin phép nhà nước. Trong giấy đó phải ước chừng số người tham gia biểu tình, nói rõ địa điểm biểu tình, mục đích biểu tình… và sẽ có cam kết không làm ảnh hưởng đến người khác, đến trật tự và sinh hoạt của xã hội. Nếu đã có luật biểu tình, thì người tham gia biểu tình sẽ có ý thức cao, ít khi có xảy ra bạo động và bạo lực. Những ai không tuân thủ luật thì sẽ bị pháp luật xử lý và những tổ chức, những người nào đứng ra xin phép biểu tình mà không làm đúng thì lần sau đừng có hòng mà xin được giấy phép nữa.

Như thế, khi Nhà nước và Quốc Hội không chịu thông qua luật biểu tình, thì cái mầm móng bạo loạn của xã hội rất dễ xảy ra. Mà như là không có luật để xứ ý cho chính danh.

Còn xét về thực tế và hậu quả của cuộc bạo động ở Bình Thuận vừa qua, thì ta hãy hoan nghênh những người biểu tình và những nhân viên công lực của nhà nước mà chủ yếu là lực lương công an.

Rất hoan nghênh vì đã không có thiệt hại về nhân mạng (*). Trong lúc những người dân đang bừng bừng bức xúc và tức giận, khi họ đã chiếm giữ được cơ quan nhà nước và đốt cháy hàng chục xe công… mà họ đã không đốt chết một anh công an nào cả.

Và khi giằng co với người biểu tình, rồi lại thất thủ trong khi trong tay công an có súng, có vũ khí, có xe chữa lửa rất to. Chỉ cần lái những xe này đâm thẳng vào đám đông để giải tán, thì thử hỏi sẽ có biết bao là xương máu nhày nhụa trên mặt đường, giống như bọn độc tài, tàn sát dân trong vụ biểu tình ở Thiên An Môn năm 1998, một vết nhơ của đảng CS Trung Quốc, không bao giờ rửa sạch.

Nhưng công an ở Bình Thuận hôm đó có vẻ như vẫn cũng còn chút tình thương dân sót lại, thông cảm với những người dân đang bức xúc. Họ đã không đan tâm xuống tay với người dân, thì thật rất đáng khen. Vì vậy trọng cuộc bạo động này, cả hai bên còn giữ được tình người, tình đồng bào…, tình người dân và người lính vẫn rất tuyệt vời.

Bác sĩ Lê Trọng Kim

____

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Vài Facebooker đưa tin, đã có 2 người chết trong vụ đụng độ giữ người biểu tình với cảnh sát ở Bình Thuận, nhưng chúng tôi vẫn chưa kiểm chứng được thông tin này.

Clip CSCĐ cởi bỏ quân phục. Nguồn: Facebook

Bình Luận từ Facebook