Đỗ Thành Nhân
18-5-2018
I. Ngày 19 tháng 5
Trong lịch sử nhân loại, có hai nhân vật cộng sản nổi tiếng của thế giới hiện đại cùng sinh ngày 19 tháng 5 là Pôn Pốt của Campuchia và Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Người thứ nhất là Saloth Sar sinh ngày 19-5-1925 chết ngày 15-4-1998, được biết đến dưới cái tên Pol Pot (phiên âm là Pôn Pốt), là người lãnh đạo Đảng Cộng sản Khmer Đỏ và là thủ tướng Campuchia (tên chính thức Kampuchea Dân chủ dưới quyền ông) từ 1976 đến 1979, nhưng cầm quyền không chính thức từ giữa năm 1975.
Trong thời gian cầm quyền Pol Pot đã tạo ra một chế độ cải cách nông nghiệp, nhằm tạo ra một xã hội cộng sản lý tưởng nhưng đã đàn áp các nhà trí thức. Ngày nay chế độ của ông bị hầu hết mọi người cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 1,7 triệu người Campuchia – khoảng 26% dân số tại thời điểm đó. Mặc dù Pôn Pốt đã chết từ 1998, nhưng đến năm 2010 Tòa án quốc tế vẫn đưa ra xét xử về tội diệt chủng của Pôn Pốt và tập đoàn Khơ me Đỏ(1).
Người thứ hai là Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19-5-1890, chết ngày 2-9-1969, được cả thế giới biết đến với tên Hồ Chí Minh; là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Ông là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian 1945-1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951-1969(2).
Ngoài ngày sinh, hai nhân vật lịch sử Pôn Pốt và Hồ Chí Minh còn có nhiều điểm tương đồng: đều sinh ra ở xứ Đông Dương thuộc Pháp; đều được Pháp đào tạo và sau này tham gia vào Đảng Cộng sản Pháp. Đã từng là đồng chí và cùng lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cho 3 nước Đông Dương. Đều cùng dựa vào đường lối của Mao Trạch Đông để thực thi các chính sách cải cách trên chính đất nước mình. Và gần đây (2014), cùng có tên trong một danh sách bình chọn của Daily Mail(3), là tờ báo lớn thứ 2 của Vương quốc Anh ra đời hơn 100 năm.
Nhưng, khác với Pôn Pốt, chết rồi vẫn bị đưa ra tòa án xét xử với tội diệt chủng. Ông Hồ Chí Minh sau khi chết được ướp xác, xây lăng và vẫn được kỷ niệm ngày sinh hàng năm.
Khác với Campuchia, ngay sau khi chết, Pôn Pốt trở thành tội đồ của dân tộc; ở Việt Nam 22 năm sau khi mất “Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra năm 1991 (ngày 24 – 27/6/1991) tại Hà Nội đã xác định: lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Từ đây Tư tưởng Hồ Chí Minh được đưa vào giảng dạy trong tất cả trường đại học như một bộ môn bắt buộc đối với tất cả các sinh viên thuộc mọi ngành học”(4).
Khác với Campuchia, ở Việt Nam khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!” được treo khắp mọi miền đất nước. Con dân nước Việt từ những cháu mẫu giáo đã học “5 điều Bác Hồ dạy”, thuộc bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh”, đến cán bộ đảng viên già hưu trí cũng phải “học tập và làm theo …”.
Khác với Pôn Pốt của Campuchia, Mao Trạch Đông của Trung Quốc, ở Việt Nam hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành ngưỡng cực đại để nhân dân cả nước mãi mãi phải “học tập và làm theo”. Nhân cách, sự trung thành, thăng tiến của cán bộ đảng viên được đánh giá qua việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“; thực tế đã không có chỗ đứng cho bất kỳ sự “lệch lạc” hay “vượt qua” nào!
II. Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đưa vào trường đại học, cao đẳng và các trường trung cấp lý luận chính trị – hành chính thì có nghĩa là toàn bộ quan chức của bộ máy quản lý đảng, nhà nước và xã hội đều phải “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt giai đoạn ông Nông Đức Mạnh là Tổng Bí thư (2001-2011), phong trào học tập và làm theo “Tư tưởng Hồ Chí Minh” phát động đến mọi ngành, mọi cán bộ đảng viên.
Theo Wikipedia thì “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết, hệ thống hóa. Hệ thống tư tưởng này bao gồm những quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.” (4).
Người dân với nỗi lo sinh tồn, nộp thuế nên rất khó mà lĩnh hội được hệ thống tư tưởng này; nhưng qua các phương tiện thông tin và mạng xã hội mà biết được những tấm gương “học tập và làm theo …” điển hình tiêu biểu để có niềm tin, hy vọng!
Tấm gương điển hình:
Ngày 24/01/2010, lần đầu tiên đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại thủ đô Hà Nội; lần đầu tiên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã “Tuyên dương 3 bí thư tỉnh ủy học và làm theo Bác”(5).
Ba Bí thư Tỉnh ủy đó là: ông Hồ Xuân Mãn, tỉnh Thừa Thiên-Huế; ông Nguyễn Duy Hưng, tỉnh Quảng Ninh và ông Huỳnh Phong Tranh, tỉnh Lâm Đồng, nằm trong số 144 cá nhân điển hình toàn quốc sau ba năm triển khai cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng vinh danh.
Theo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đây là những đại diện cho rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong phạm vi cả nước. Tổng Bí thư khẳng định: Cuộc vận động đã mang lại ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần của toàn xã hội.
Đến khi ba ông Bí thư này về hưu, dư luận tiếp tục vinh danh thành tích “học tập và làm theo …?” từ những năm trước:
– Ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư tỉnh Thừa Thiên – Huế được vinh danh là Anh hùng lực lượng vũ trang bằng việc khai man lý lịch(6).
– Ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư tỉnh Quảng Ninh được vinh danh vì có “căn biệt thự khủng” ở ngay cạnh vịnh Hạ Long mà nhiều đại gia mơ ước, giá thị trường phải tính đến đơn vị triệu USD(7).
– Ông Huỳnh Phong Tranh, Bí thư tỉnh Lâm Đồng (năm 2011 làm Tổng thanh tra Chính phủ) được vinh danh trước khi về hưu đã bổ nhiệm dồn dập, cấp tốc 35 cán bộ thanh tra(8).
Chịu khó tìm trên mạng, không ít quan chức giàu có nhờ “học tập và làm theo …”; Nhiều thanh “củi gộc” đang bị cho vào “lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng phát động, nêu gương “học tập và làm theo …” từ những nhiệm kỳ trước.
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là “tấm gương” của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh(9):
– Bài viết “Từ người gánh củi trở thành Tổng Bí thư”(10) cho thấy ông xuất thân từ nghèo khó, tuổi thơ phải bươn chải kiếm sống, tự lo ăn học, cha mẹ không để lại tài sản gì đáng giá.
– Năm 1958, tròn 18 tuổi ông học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà Nội. Mặc dù được ưu tiên người dân tộc và lý lịch tốt, nhưng khởi điểm trình độ ở mức trung cấp; có thể nói giai đoạn phổ thông ông không có thành tích học tập xuất sắc.
– Nhưng quá trình phấn đấu, ông đã làm Chủ tịch Quốc hội (1992-2001) và Tổng bí thư (2001-2011), nằm trong bộ tứ quyền lực suốt 20 trời. Người dân nhớ đến ông mỗi khi đến các địa phương với câu nói “trồng cây gì, nuôi con gì” để làm giàu.
– Đặc biệt ông Nông Đức Mạnh đã có công rất lớn, là người đã ký Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 để “Phát động cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, bắt đầu từ ngày 03-02-2007 và tổng kết vào ngày 03-02-2011, có sơ kết hàng năm vào dịp sinh nhật Bác (19-5).”(11)
Mặc dù ông đã nghỉ hưu, nhưng phong trào “học tập và làm theo …” vẫn duy trì đến nay, ngày 19 tháng 5 hàng năm các phương tiện truyền thông đưa tin về những tấm gương điển hình tiêu biểu.
Còn bản thân ông Nông Đức Mạnh vẫn sống “tử tế, mẫu mực” trong một cơ ngơi(12) mà không có vị thái thượng hoàng nào của lịch sử Việt Nam có được; và cũng hiếm có vị nguyên thủ quốc gia phát triển nào trên thế giới tích lũy được sau khi kết thúc sự nghiệp.
Cứ đến ngày 19 tháng 5, Đảng vẫn kêu gọi cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thế hệ nối tiếp thế hệ được vinh danh, nhân tố điển hình cho “học tập và làm theo …” ngày càng nhiều; gánh nợ công trên lưng từng người dân Việt ngày càng trĩu nặng.
Cứ đến ngày 19 tháng 5, trên khắp nẻo đường, truyền thông lề phải “học tập và làm theo …”. Có thể nói “Học tập và làm theo …” là sáng tạo của không thua kém gì so với phát minh “làm chủ tập thể” vĩ đại của Cố Tổng Bí thư Lê Duẫn(13), với những đặc điểm:
– “Học tập và làm theo …” ngưỡng giới hạn cực đại tư duy phát triển.
– “Học tập và làm theo …” mục tiêu của cán bộ đảng viên.
– “Học tập và làm theo …” chuẩn đánh giá năng lực thực thi công vụ nhà nước pháp quyền.
– “Học tập và làm theo …” vũ khí lợi hại để thanh lọc đồng chí.
– “Học tập và làm theo …” chỉ có đảng Cộng sản Việt Nam phát minh và nhờ đó mà uy tín của Đảng được nâng lên(14).
______
Tham khảo:
(1) Pôn Pốt (Wiki).
(2) Hồ Chí Minh (Wiki).
(3) Daily Mail – From Stalin to Hitler, the most murderous regimes in the world (Daily Mail)
(4) Tư tưởng Hồ Chí Minh (Wiki).
(5) Tuyên dương 3 bí thư tỉnh ủy học và làm theo Bác (VNN).
(6) Hồ Xuân Mãn (Wiki).
(7) Nguyễn Duy Hưng (Wiki).
(8) Huỳnh Phong Tranh (Wiki).
(9) Nông Đức Mạnh (Wiki).
(10) Từ người gánh củi trở thành Tổng Bí thư (VNE).
(11) Chỉ thị số 06-CT/TW (VBPL).
(12) Nhà ông Nông Đức Mạnh (NBVH).
(13) “Loài người cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể“. (Bài nói chuyện của ông Lê Duẩn tại lớp chính trị Trung cao cấp ngày 13-3-1977 tại trường Nguyễn Ái Quốc, Hồ sơ lãnh tụ Lê Duẩn, lưu trữ tại kho Lưu trữ Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh)
(14) Học tập, làm theo Bác, uy tín của Đảng nâng lên (TT).