Tương Lai
27-3-2018
Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 36
Chuyện này thì cũ rích, xảy ra như cơm bữa, việc gì phải tốn giấy mực viết để rồi có thể đẻ số, sinh chuyện thêm khi đã phải chịu nhiều chuyện rồi. Biết vậy, nhưng không viết không đành, phải chìa vai san sẻ bớt gánh nặng với một anh bạn chí cốt đang hết lòng với sứ mệnh khoa học một cách trong sáng và rất quyết liệt, có khi còn thuộc loại “động vật quý hiếm của nước nhà” chứ chả bỡn. Nếu lúc này mà chỉ “ngậm miệng ăn… sách hắn tâm huyết gửi cho” thì xấu hổ quá.
Duyên do là thế này, tôi với gã Minh Đường này gắn bó với nhau trong chuyện sách vở, tranh luận đôi khi nảy lửa dễ đã mười mấy năm kể từ ngày hắn gửi cho tôi một cuốn sách in đẹp có tên là “Việt Nam nhất định phát triển” do Nhà Xuất bản Lao Động ấn hành năm 2002. Năm năm sau hắn lại gửi cho tôi cuốn sách in còn đẹp hơn, gồm hai tập bìa cứng in màu, cho vào trong một hộp các tông dày với tên sách lộng lẫy trên gáy hộp: “Học thuyết Hồ Chí Minh – Hành trang để định vị và đi tới tương lai” do Nhà Xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2007.
Nói thật lòng, với cuốn sách đầu, do chưa thật quen nên tôi cũng chỉ đủ thời gian đọc qua, vì còn nhiều cuốn khác nhận được cần đọc kỹ để có thể có đôi điều nhận xét theo yêu cầu của người cho sách. Nhưng đến lần thứ hai nhận được sách, thì cái tên sách làm tôi chú ý: lần đầu tiên một tác phẩm in công khai bởi một nhà xuất bản “Quốc doanh” lại ra mắt cuốn sách nghiên cứu về “Học thuyết Hồ Chí Minh” và nói rõ đây là “Hành trang để định vị và đi tới tương lai” mà chẳng đả động gì tới cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lênin” thì to chuyện rồi đây. Thế là tôi phải thu xếp thời gian để đọc kỹ, cho dù mắt tôi lúc này đang “có vấn đề”, chữ trong hai tập sách lại không phóng ra được như trên màn hình máy tính.
Phải đọc kỹ vì đây là lần đầu tiên trong một cuốn sách như vậy lại được lưu hành rộng rãi trong nhiều đối tượng bạn đọc, kể cả từ Hội đồng lý luận TƯ cho đến cấp cao hơn nữa mà tác giả đã hào phóng gửi tặng. Vả chăng, cũng đề tài này, trong một hội thảo do Hội đồng lý luận TƯ bàn về “Phương pháp luận nghiên cứu chủ thuyết phát triển và tư tưởng Hồ Chí Minh” tổ chức tại Sài Gòn do Tô Huy Rứa chủ trì, tôi nhận được lời mời tham dự và đã gửi tham luận đến Ban tổ chức. Nhưng rồi trước ngày khai mạc Hội thảo thì nhận được điện thoại khuyên là tôi đừng đến vì tham luận sẽ không thể trình bày. Đơn giản vì trong đó tôi chỉ nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh theo nội dung đích thực của nó và “không có cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Trong tham luận này tôi viết rõ: “Từ lâu, những người cộng sản có sự hiểu biết sâu sắc về lý luận trong một số đảng Cộng sản đã từ bỏ khái niệm và cụm từ “Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Có Đảng Cộng sản đã chính thức từ bỏ khái niệm và cụm từ đó từ khoảng năm chục năm nay. Họ chỉ thừa nhận rằng có học thuyết của C.Mác và rồi sau đó có sự đóng góp của V.I.Lênin và của một số nhà lý luận cộng sản khác vào học thuyết ấy, chứ không hề có cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin”, một sản phẩm xuyên tạc, cả cố ý và vô tình của J.Stalin”…. “ Dựng lên một “chủ nghĩa”, gán cho cho nó cái tên là “Chủ nghĩa Mác-Lênin” theo ý đồ của J.Stalin, bao hàm trong đó sự xuyên tạc những tư tưởng đúng đắn của C.Mác để phục vụ cho những toan tính của J.Stalin và của một số người khác, xác định đó là “nền tảng tư tưởng”, là “kim chỉ nam”, để rồi buộc phải “trung thành” với nó là một bi kịch. Tệ hại hơn, ai có ý định đặt lại vấn đề đó thì bị xem như là phản bội, là “chống Đảng”. Đó chính là một ngộ nhận lịch sử hết sức lớn mà hệ luỵ của nó thì không sao lường hết được”.
Đấy chính là lý do tôi chú ý đọc kỹ cuốn sách Minh Đường và các cộng tác viên của Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA, một “Think Tank” có những đóng góp nghiêm túc về mặt Lý luận và Khoa học cho sự nghiệp xây dựng một Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, mạnh mẽ hơn theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đoạn lịch sử mới với những biến động đầy bất ngờ gửi tặng.
Thế là từ chuyện sách, tôi với hắn gắn bó với nhau, chỉ thi thoảng mới lỡ nhịp, còn thì đều đều vài ngày một, Minh Đường gọi điện tâm sự vụn với tôi. Thượng vàng hạ cám, chúng tôi nghiêm túc “đấu láo”. Điện thoại kết nối qua Viber hay WhatsApp không mất tiền thì tha hồ mà “buôn” đủ mọi chuyến vào Nam, ra Bắc, lên ngược về xuôi, vòng qua ASEAN tán chuyện EU và Brexit, lướt sóng Thái Bình Dương bàn chuyện Donald Trump có điên điên khùng khùng không hay là làm đảo điên chính trường Mỹ và toàn thế giới? Rồi tiện đà ngẫu hứng trở lại Đông bắc Á để bình loạn lên rằng tay Ủn thế mà ghê, vì trẻ măng nên không lú chút nào, dám đương đầu với cả thế giới khiến nhiều anh hai muốn “vãi linh hồn” bởi tay độc tài trẻ dám dùng đại bác xử tử đối thủ chính trị mà cứ hơn hớn cười chẳng mất công dàn dựng các phiên tòa bỏ túi làm gì cho dân chửi, luật sư vạch mặt, báo chỉ xỏ xiên!
Cũng phải nói thêm một chút riêng tư là, trong cuốn sách này có dẫn ra một câu của tôi viết trong bài “Hiện tượng Obama”: “Chuẩn mực chính là sự thay đổi”.Trò đời “lòng vả cũng như lòng sung”, được một cuốn sách in đẹp trích dẫn thì sao không thú vị khoái chí ngầm, dù có làm bộ ta đây không màng! Ngoài chuyện “lòng vả lòng sung” tầm thường đó, có chuyện đáng nói hơn là, tôi chỉ ngồi nhà “nghe hơi nồi chõ” mà viết về Obama với ý tưởng tuyệt vời vừa dẫn ra, còn gã Minh Đường thì chẳng thế, hắn ta phải “thật mục sở thị”. Hắn cả gan dẫn đầu một đoàn các nhà khoa học dông thẳng sang Mỹ theo gợi ý và giúp đỡ của một giáo sư Mỹ, thời gian đó đang cùng làm việc trong Viện Nghiên cứu – Think Tank SENA trong các dự án phát triển cho Việt Nam.
Ông Giáo sư Mỹ này nói rằng, như thông lệ các Tổng thống Mỹ khi nhậm chức sẽ đi thăm một số nước có quan hệ thân cận với Mỹ và Tổng thống Obama sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 44 sẽ rất vui lòng chưa về Mỹ để ghé thăm Việt Nam ngay sau khi kết thúc chuyến thăm các nước đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, nếu phía Việt Nam có lời mời.
Tiếc “hùi hụi” vì người ta đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng cho đất nước, hắn cho biết cơ hội lớn ấy đã được ông Giáo sư Mỹ và hắn trình bày trực tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và được ông Thủ tướng khích lệ và hứa sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị. Nhưng chắc ý định đó bị bác bỏ nên cũng chẳng có hồi âm nào. Tôi chọc quê bạn tôi là “ngây thơ” vì dù có chuyện đó, khi chưa thỉnh thị “Thiên triều” bố bảo cũng chả dám làm liều như gã điếc không sợ súng bạn quý mến của tôi kia!
Nhưng vốn tự tin vào ý định tốt đẹp với luận cứ vững chắc từng được trình bày trong cuốn sách “Việt Nam thay đổi và Hạnh phúc” in vào tháng 12.2009 đã gửi đến Hội đồng Lý luận TƯ và các cấp cao hơn nữa của Đảng, Quốc hội và Chính phủ (kèm theo một đĩa mềm), bằng bản lĩnh của một nhà khoa học từng cầm súng chiến đấu trong binh chủng Phòng không Không quân, và đã có cống hiến xuất sắc trong một đại đội được nhận Danh hiệu Anh hùng với trận “Điện Biên phủ trên không”, Minh Đường vẫn dẫn đầu một số khoa học sang Mỹ theo sự thu xếp của giáo sư Mỹ nói trên để tham dự Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Một người trong bọn họ, do thông thạo tiếng Anh (mà Minh Đường thì chỉ quen tiếng Đức) được trao trách nhiệm trực tiếp gặp Tổng thống Obama. Họ mạnh dạn thực hiện ý định của mình vì theo họ: Lịch sử đã sang trang; Thời đại Hội nhập đang giục giã; Diện mạo thế giới đang thay đổi mạnh mẽ tương thích với bước tiến như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là thành tựu của công nghệ thông tin ứng dụng vào thực tiễn. Trong bối cảnh mới đó, Việt Nam phải xác lập được quan hệ chiến lược với Mỹ, và bằng điều đó thì quan hệ với Trung Quốc mới lành mạnh và bền vững được, trên cơ sở đó mà thúc đẩy các mối quan hệ đa phương ngày càng phát triển có thực chất và tạo ra những tương tác với mối quan hệ Việt-Mỹ-Trung, trong đó Việt Nam có một vị thế rất tế nhị, nhạy cảm và trực tiếp. Tất cả những ý tưởng lớn này đã trình bày rõ trong “Việt Nam Thay đổi và Hạnh phúc” vừa nói.
Một lần nữa sự “ngây thơ” của ông bạn quý của tôi lại bộc lộ ra khi hăm hở tin vào những lời vàng ngọc có tính chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đặt ra với Hội đồng Lý luận TƯ mà cuốn sách “Giai đoạn mới, Chính thể mới, Văn hóa mới” của Viện SENA gửi đến Hội đồng nói trên và cấp cao hơn nữa đã trân trọng trích dẫn, xem như một điểm tựa “quá vững chắc” cho các tìm tòi nghiên cứu khoa học trung thực và mạnh dạn của mình vào trong cuốn sách in giấy coucher bóng rất đẹp: “Sự thiếu nhất trí trong Đảng ta hiện nay chủ yếu là trên mặt nhận thức. Là vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí. Muốn vậy, phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn trước hết là: Sau thảm họa sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu, chúng ta có nên tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Có thể có con đường nào khác phù hợp hơn? …Bản chất Đảng có gì thay đổi?… Có nên cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, cho phép kết nạp cả những nhà tư bản tư nhân vào Đảng hay không”?
Cái giá phải trả cho sự nhẹ dạ cả tin mà tôi chọc quê là “ngây thơ” này là cuốn sách đã bị phê phán nặng nề, và thay vì “vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí”, thì củ cà rốt được thái nhỏ phi hành tỏi điếc cả mũi, cay cả mắt để cho cây gậy được thân ái được vung ra, người ta ra lệnh thu hồi sách (hủy các đĩa mềm kèm theo).
Không biết Minh Đường hiểu ra có muộn quá không, chứ bây giờ thì hắn đoan chắc rằng những tìm tòi nghiên cứu khoa học với thừa tâm huyết, giàu trí tuệ tuy thiếu tiền phải bán cả xe, giật gấu vá vai để duy trì hoạt động của một Viện nghiên cứu khoa học đang bước sang một trang mới đã bị một đòn chí mạng!
Tuy chưa phải là tiếng “Chuông nguyện hồn ai” đã điểm, vì chàng Minh Đường của tôi đâu phải là Robert Jordan của Ernest Miller Hemingway. Hơn nữa, người chiến sĩ Minh Đường chiến đấu cho tổ quốc mình, cùng đồng đội, đồng chí của mình đổ máu cho nhân dân của mình, chứ không phải tham gia vào Lữ đoàn Quốc tế chống phát xít để rồi hy sinh bên một cây cầu trên đất Tây Ban Nha. Và nếu có dài lời thêm một chút thì cũng thật ái ngại cho anh ta là không có “một Maria” nữ du kích Tây Ban Nha xinh đẹp bên cạnh tiếp thêm sức mạnh như Robert Jordan từng có may mắn đó.
Nếu trước đây anh và đồng đội phơi mình dưới bom B52 và đạn vãi ra như trấu từ các máy bay cường kích tấn công Hà Nội trong trận Điện Biên Phủ trên không giữa bầu trời Hà Nội, thì hôm nay đây Minh Đường lại cùng đồng đội và những trí thức mới chiến đấu cho sự tồn tại và phát triển của một cơ quan khoa học có trụ sở đặt tại số nhà 35, đường Điện Biên Phủ trên mặt đất ngay dưới Cột cờ Hà Nội, địa danh lịch sử thiêng liêng! Ngôi nhà đặt trụ sở cho viện nghiên cứu khoa học là niềm mơ ước không chỉ của một tiến sĩ vật lý được đào tạo ở Đức như anh, mà cũng là sự mong mỏi của nhiều nhà khoa học muốn cống hiến trí tuệ và tài năng của mình cho đất nước, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ mà Minh Đường luôn dành cho họ sự ưu ái, cởi mở và trân trọng.
Ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ, trụ sở của một cơ quan khoa học trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thật Việt Nam do tiến sĩ Minh Đường và nhiều bạn chiến đấu cùng đơn vị với một số nhà khoa học tâm huyết góp sức, góp vốn để tự xây lên với sự hỗ trợ cách đây 20 năm của Bộ Công An và UBND Thành phố Hà Nội. Sau khi được phép phá dỡ hoàn toàn nhà cũ đã xuống cấp nghiêm trọng và có giấy phép xây nhà mới, họ đã tự dốc sức người sức của hết sức hạn hẹp của mình để mong xây nên một trụ sở hoạt động của một Viện Nghiên cứu Khoa học mới có đủ điều kiện làm việc cho các nhà khoa học trong nước có mối liên kết với các tổ chức và nhà khoa học nước ngoài, đặt nền tảng vững chắc cho hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng phải mở rộng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ngôi nhà thật đẹp, học lỏm các thầy phong thủy mà phán thêm thì không hiểu có được vị thế “tả thanh long”, “hữu bạch hổ” gì gì đó không, kẻ ngu dốt này chả dám tếu táo! Nhưng nếu nói theo ngôn từ của Nam Cao, tác giả của truyện “Chí Phèo” thì đây có vẻ là đất “quần ngư tranh thực” vì nó ngon ăn quá, khiến khối kẻ dòm ngó mà chảy nước dãi như lũ Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo.. cứ muốn kiếm kế, lập mưu mà vồ lại. Lại nữa, cái thế nhà thì hung quá, bên trái là Đồn Công An, bên phải và đằng sau là Đại sứ quán Tàu, toàn là đằng đằng sát khí, chỉ mới thầm nghĩ cũng đã phát khiếp, ngẫm sâu càng hãi!
Ấy thế nhưng đây lại là điểm tụ hội lý tưởng của khách thập phương thích cùng nhau gặp gỡ để tìm hiểu, trao đổi những đề tài khoa học, công nghệ một cách cởi mở và thông thoáng nhờ Viện N/C Công nghệ và Phát triển SENA hoạt động dưới dạng một Think-Tank. Mà nếu hiểu một cách đầy đủ thì Think Tank là một tổ chức nghiên cứu độc lập về kiến tạo chủ trương, chính sách, với các chuyên gia có khả năng nghiên cứu; có cảm hứng lý luận và kinh nghiệm thực tế. SENA được xây dựng và hoạt động theo hướng một think tank vào loại sớm nhất nếu chưa muốn nói là đầu tiên ở Việt Nam. Vì vậy cũng dễ hiểu là nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có các nhà khoa học Pháp muốn có mối liên hệ hợp tác với Viện SENA. Một trong những ví dụ tiêu biểu là SENA, một đơn vị khoa học của Việt Nam đã được các cơ quan có thẩm quyền chỉ định là cơ quan đầu mối với các Viện Nghiên cứu của Pháp vốn tập hợp trong “Ngôi nhà khoa học Pháp” tại Hà Nội.
Bản thân tôi cũng may mắn có nhiều lần đến hầu chuyện các bậc thức giả, các cán bộ lão thành, các trí thức nhân sĩ giàu tâm huyết với đất nước tại ngôi nhà nghĩa tình này. Chỉ xin gợi lại một kỷ niệm ấm áp mà Viện SENA để lại sâu đậm trong tôi. Trước Tết Mậu Tuất nhân ra Hà Nội thăm mộ mẹ và những người thân trên nghĩa trang Yên Kỳ về, tôi được Chủ tịch Think Tank SENA Nguyễn Mạnh Can và Viện trưởng Minh Đường mời dự bữa cơm thân mật với những người bạn thân thiết, càng thấy cái mái nhà SENA ở 35 Điện Biên Phủ thật là nơi gặp gỡ lý tưởng và thân tình giữa những người làm nghiên cứu khoa học giàu tâm huyết, những cán bộ lão thành từng trải qua gần hai phần ba thế kỷ cách mạng và kháng chiến, bảo vệ và xây dựng đất nước chống thù trong câu kết với giặc ngoài.
Anh Quang Văn Thỉnh của Thanh Văn thân thiết ôm chặt tôi sau nhiều năm gặp lại đã nhắc đến chuyện trong một bài viết của tôi trên cuốn sách của SENA trong loạt ấn phẩm dành riêng cho chủ đề Thanh Văn, mà ông Nguyễn Mạnh Can với sự trải nghiệm của một Phó Ban Tổ chức TƯ Đảng đã dành nhiều thời gian về xã này tìm hiểu để đưa ra những kiến nghị mạnh mẽ. Trong cuốn sách đó tôi đã dẫn ra một câu rất ngắn về “bí quyết thành công” của xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai Hà Nội do anh làm bí thư đảng ủy trong suốt 24 năm! Tôi nói thêm với anh rằng, sở dĩ tôi nhận lời viết một bài dài về Thanh Văn để đưa vào trong sách của Viện SENA buổi ấy vì tôi nghĩ đấy là một cách nhìn đúng, nói chính xác là một phát hiện về một mô hình kiến tạo và phát triển trong bối cảnh mới mà những nhà khoa học và các cộng tác viên ưu tú của họ đã dám mạnh dạn đặt ra.
Hình ảnh cuộc họp về mô hình Thanh Văn tại Viện SENA năm 2013 do nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An chủ trì. Bên trái ông là ông Nguyễn Mạnh Can, giáo sư Đào Xuân Sâm, bên phải là ông Quang Văn Thỉnh đang ký tặng cuốn “Giai đoạn mới, Chính thể mới, Văn hóa mới” do Viện N/C-Think Tank SENA xuất bản, rồi trước đó tấm ảnh ghi hình các ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, GS Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bô KH&CN, GS Đào Xuân Sâm, Ts Thang Văn Phúc, Viện trưởng VIDS, Nguyễn Mạnh Can và nhiều người khác đang được ông Quang Văn Thỉnh, bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn mời đi thăm bà con Thanh Văn đã đưa ra những tín hiệu đáng mừng. Những tưởng rằng, rồi đây từ một đốm lửa nhỏ có thể bừng cháy một cảnh sắc mới tươi sáng cho nông thôn Việt Nam. Người ta đang chờ từ thực tiễn Thanh Văn mà đúc kết để đưa ra những mệnh đề mang tầm lý luận. Nhưng là một lý luận mới vượt khỏi cái “nền cũ, lâu đài bóng tịch dương”[ thơ Bà huyện Thanh Quan] vốn đã quá rệu rã rêu phong nhưng vẫn cứ lay lắt phủ cái bóng ảm đạm ẩm mốc lên cuộc sống đang cần bươn chải bằng những bước chân hối hả cho kịp nhịp sống thời đại.
Muốn có khởi nghiệp về kinh tế mà không dám thay đổi về cách nghĩ, cách làm với một sức tin mới bởi những người dám nghĩ dám làm, mà tôi tạm gọi là bộ phận tinh hoa mới nảy sinh từ thực tiễn, biểu hiện sống động sự khởi sắc của một diện mạo văn hóa mới, thì rất khó để có được thành tựu bền vững của phát triển kinh tế. Phải chăng đó là cội nguồn thành công của Thanh Văn? Thật thú vị là cũng đã có nhiều vị khách quý chú ý tìm hiểu, cất công về thăm bà con xã Thanh Văn và dành thời gian trao đổi, thảo luận về hiện tượng mới mẻ này, nhằm đưa ra những gợi ý nghiên cứu từ sự phát hiện có tính đột phá của Nguyễn Mạnh Can và Minh Đường cùng nhiều nhà khoa học cộng tác viên của SENA.
Nghĩ kỹ thì độ chín của thực tiễn Thanh Văn xem ra đã có thể thu hoạch và chưng cất trong hoạt động lý luận đích thực. Nhưng rồi giới lý luận chih1 thống của nước nhà chỉ mới đưa quả ngọt Thanh Văn lên mũi ngửi qua rồi ái ngại vội vã bước sang ngôi vườn quen thuộc với “Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối, Hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng; Giải nước đen giả suối chẳng thông dòng, Len dưới nách những mô gò thấp kém; Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm; Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu, của chốn ngàn năm cao cả âm u…” [Thế Lữ. “Nhớ rừng”]! Có thể thực tiễn Thanh Văn chưa hội đủ những nhân tố để vẫy gọi những đầu óc lý luận dám rũ bỏ những trang sách giáo điều, phá bỏ những bức tường đang giam cầm họ nhưng cũng do chính họ dựng lên nhằm tìm tòi những nhân tố mới.
Song theo tôi, chủ yếu là sức trĩu nặng của tập quán tư duy hướng thượng, hệ lụy đáng sợ của cái mô hình giáo điều bảo thủ đang kìm hãm sự phát triển của đất nước hơn bốn thập kỷ qua và nay tuy đã mốc meo ruỗng nát vẫn chưa chịu tự cáo chung đang cầm tù họ. Khi dám đưa thực tiễn Thanh Văn làm một đối tượng nghiên cứu và dám in thành sách để quảng bá rộng rãi, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Can và Viện trưởng Minh Đường cũng các nhà khoa học và cộng tác viên của Think-Tank SENA đã thực hiện được một đột phá trong nghiên cứu lý luận gắn làm một với những nhân tố mới của thực tiễn nảy sinh từ quần chúng nhân dân.
Rồi cái giá họ sẽ phải trả sẽ không dễ chịu đâu, rồi cũng tựa như Quang Văn Thỉnh, người đứng mũi chịu sào của cái mô hình mới mà họ phát hiện và cổ vũ ấy từng phải gánh chịu sức ép nặng nề ra sao. Thì chẳng phải “cấp trên” đã nhiều lần yêu cầu phải thay người khác làm bí thư Đảng ủy nhưng đảng viên Thanh Văn vẫn kiên quyết bầu lại người mà họ tin rằng, với bản lĩnh ấy mới chống chọi lại được sức ép ghê gớm của tư tưởng và thế lực trì trệ bảo thủ đó sao? Mà đảng viên dám làm vậy vì họ có được sự hậu thuẫn can đảm và trung thực của người nông dân Thanh Văn, những người từng tuyên bố thật rành rẽ rằng rồi sau này họ sẽ bầu ông Thỉnh làm thành hoàng làng khi ông trăm tuổi! Mạnh Tử, nhà tư tưởng cổ đại chắc sẽ có thêm dữ kiện để bổ sung cho mệnh đề rất nổi tiếng của mình “Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh”.
Cũng trong bữa cơm thân mật đó tôi được gặp lại đại tá Nguyễn Đăng Quang, cây bút hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh quyết liệt đánh dấu một bước đột phá của nhân dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội trong cuộc đấu tranh bền bỉ và cực kỳ thông minh với hình ảnh nổi bật của lão nông Lê Đình Kình và bí thư đảng ủy Nguyễn Thị Lan. Anh Quang nhắc lại bài “Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” trong “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” tôi viết ngày 29.10.2017. Trong đó đã dẫn ra một câu dân Đồng Tâm nói về cụ Kình cũng na ná như câu dân xã Thanh Văn nói về Quang Văn Thỉnh: “Các đời sau này, khi đình làng Đồng Tâm thờ thành hoàng làng-Cụ Kình-thì cái này còn quý hơn sắc vua ngày xưa phong”! Trước đó là câu: “Bản Cam Kết” mà nữ bí thư Nguyễn thị Lan đọc trước đương sự hai bên và cả ngàn dân thôn Hoành “là cam kết độc nhất vô nhị của đại diện chính quyền cấp Thủ đô với dân kể từ năm 1945 đến giờ”! Và sau đó là một nhận định của vị luật sư từng tham gia tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm “…quyền lực nhà nước thực chất, cuối cũng, thuộc về nhân dân. Đây là những động thái chính trị chưa từng có trong lịch sử của dân tộc. Đó là điều mà chúng ta vẫn chờ đợi nhưng lại chưa từng nghĩ nó chính là bước ngoặt thực sự của thời cuộc”!
Anh Quang ngỏ ý muốn đưa tôi về thăm cụ Kình và dân xã Đồng Tâm nhưng thật đáng tiếc là sức khỏe của tôi không cho phép khi mà lịch bay con gái tôi đã ấn định. Quá thú vị là sau đó anh Chu Hảo lại thực hiện chuyến “du ngoạn” vượt yêu cầu, vừa được về xã Thanh Văn rồi từ đó cả bộ sậu anh chị em chiến hữu kéo nhau sang thăm cụ Kình, chị Lan và bà con Đồng Tâm. Vả chăng, bữa cơm tất niên mà tôi được dự chỉ là một trong rất nhiều những cuộc gặp gỡ thân tình khác mà Viện trưởng SENA mở rộng cửa đón tiếp cũng đều có sự cởi mở và thoáng đạt trong không khí học thuật và luận bàn thế sự rất thoải mái, thẳng thắn.
Tôi chỉ gợi ra đây một ví dụ mà tôi được là người trong cuộc. Đó là một buổi trao đổi xoay quanh chủ đề về những thành tựu của công nghệ thông tin với internet nối mạng toàn cầu và quản lý xã hội do Viện VIDS tổ chức.
VIDS là một Viện nghiên cứu do tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên là Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Viện trưởng, ông Nguyễn Vi Khải, nguyên là Viện trưởng một viện thuộc Viện Mác-Lênin trước đây, làm Phó Viện trưởng. Diễn đàn khoa học của Viện VIDS được định kỳ tổ chức dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc Hội. Trong nhiều lần sinh hoạt đôi lúc có sự tham gia của ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, người thủ trưởng thân tình mà tôi rất quý mến và nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, ông Đặng Hữu, nguyên Ủy viên TƯ, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ và nhiều người khác…
Mỗi lần có dịp ra Hà Nội, tôi đều cố gắng thu xếp thời gian đến Viện Nghiên cứu – Think Tank SENA để được đến tham dự nhằm lắng nghe nhiều điều bổ ích từ các diễn giả, những nhà khoa học có uy tín, những cán bộ quản lý nhiều kinh nghiệm. Những diễn giả được mời trình bày là những người tôi từng quen biết như Nguyễn Trung, Lê Đăng Doanh, những người từng gặp như tướng Lê Mã Lương, tướng Lê Văn Cương, hay có người tuổi cao sức yếu nhưng tuần nào cũng gọi điện từ Hà Nội nói chuyện dài với tôi để hỏi thăm tin tức vì mắt của ông không còn đọc được sách báo nữa như giáo sư Đào Xuân Sâm, nguyên Tổ phó Tổ Tư vấn thời Võ Văn Kiệt. Tuy thế ông vẫn cố gắng nhờ người đưa đến để trình bày những vấn đề tâm huyết mà ông từng ấp ủ và đang nung nấu muốn nói ra với nỗi niềm sâu kín “e rồi chết không nhắm được mắt” vì thực trạng đất nước.
Tôi vẫn còn nhớ như in nét mặt ông, lời ông thay mặt cho anh chị em trong Tổ Tư vấn nói trong buổi chia tay với Võ Văn Kiệt tại nhà số 6 đường “Chùa Một Cột” khi ông Sáu Dân thôi đảm nhiệm trọng trách Thủ tướng Chính phủ: “Chúng tôi vẫn thiết tha mong anh thay đổi quyết định để tiếp tục công việc khó có người thay thế nhưng anh đã kiên quyết thì chúng tôi hứa sẽ sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào anh cần”! Có lẽ vì đau đáu về vận nước khó bề hanh thông, thế nước quá chông chênh trước nanh vuốt của siêu cường hung đồ đang thít chặt cái thòng lọng chư hầu lên cổ dân mình như Võ Văn Kiệt đã từng lo lắng cảnh báo, mà nhà khoa học lão thành nay đã 93 tuổi phải chống gậy đến trình bày tại “Diễn đàn” của VIDS tổ chức tại trụ sở của Viện SENA ở 35 Điện Biên Phủ.
Dẫn ra ví dụ trên nhằm nói lên rằng, Diễn đàn VIDS tổ chức tại Viện SENA là một hoạt động khoa học trung thực, bổ ích, ngày càng thu hút được đông đảo những nhà khoa học tâm huyết, những bậc lão thành giàu lòng yêu nước yêu dân, gây dựng được một môi trường sinh hoạt học thuật theo đúng tinh thần từng được nêu lên cho Hội đồng Lý luận TƯ đã dẫn ra ở trên : “là vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí. Muốn vậy, phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn…”. Chính cái đó đã xua bớt đi sự ngột ngạt, bất an dồn nén trong bầu không khí xã hội do áp lực nặng nề của thể chế toàn trị phản dân chủ ngày càng phơi bày tính bạo lực của sự tha hóa quyền lực đang ngự trị trong đời sống tinh thần của xã hội. Đáng tiếc thay, một bộ phận cầm quyền sợ cái ghế quyền lực đã rệu rã đang bị lung lay thêm do sức lan tỏa của tình trung thực dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói lên sự thật đã không muốn thực hiện quan điểm đúng đắn từng được đưa ra.
Thì đúng tại nơi này người ta ta đang nhìn ra những điều mà họ đang e sợ. Tại đây đang bộc lộ trung thực và thẳng thắn, mạnh dạn và công khai những tấm lòng yêu nước yêu dân, minh bạch trình bày những vấn đề quốc kế dân sinh, những suy thoái văn hóa, giáo dục, lên án những băng hoại về đạo lý, tình người mà người ta muốn quanh co che đậy, và rồi ai đó động lòng, đã hạ lệnh ngăn chặn! Sẵn quyền trong tay, bất chấp pháp luật, kỷ cương và đạo lý, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ký Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ thẳng thừng bác bỏ kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong Thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 12.7.2017 về việc “Thu hồi quyết định số 1977/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2013 về việc thu hồi nhà đất tại số 35 Điện Biên Phủ…” vì cho rằng kết luận nói trên “không có cơ sở”.
Sẽ là vô duyên nếu kẻ không am tường luật pháp như tôi lại xông vào bàn luận. Hơn nữa lại là loại “luật pháp” được vận dụng vào trường hợp ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ vốn đã kéo dài hàng chục năm những tưởng đã kết thúc với kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ngày 12.7.017 lại bị ông Chủ tịch UBND Hà Nội, cấp dưới trực tiếp của Chính phủ ở ngay Thủ đô bác bỏ. Hơn nữa một khi ông Chủ tịch Ủy ban này dám ra đòn với “cấp trên” chứ không chỉ “lật kèo” với cấp dưới như đảng ủy và dân Đồng Tâm dạo nào, thì chắc ông ta đã có bửu bối cỡ “miễn kim bài” hay “kim bài miễn tử” gì gì đó được viết tay chứ chẳng chơi. Chẳng thế mà ngay lập tức, buổi sinh hoạt thường kỳ của Diễn đàn do Viện VIDS tổ chức được lệnh phải hủy bỏ. Chính diễn giả, vị tướng nguyên là Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công An phải xin lỗi không đến được vì lý do “bất khả kháng”. Lãnh đạo Liên hiệp hội KHKTVN thì chỉ thị cho Viện Nghiên cứu SENA phải hủy việc hỗ trợ địa điểm để tổ chức sinh hoạt “Diễn đàn” ngày 24.3.2018 theo ý kiến của bên Công an.
Rồi thì, cùng với con đường “chính ngạch” thì các hoạt động “tiểu ngạch” được nhanh chóng thực thi rất chi là năng động và chuyên nghiệp như cắt điện ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ, ngăn cản những người tham dự với mọi hình thức, tế nhị có, thô bạo có… Hãy nghe cụ Nguyễn Mạnh Can kể: “Khoảng 8 giờ sáng ngày 24/3/2018, tôi chuẩn bị đi dự Tọa đàm Khoa học do Diễn đàn Lý luận Phát triển tổ chức ở 35 Điện Biên Phu thì có đoàn cán bộ Phường Trung tự đến thăm, gồm Phó Chủ tịch Phường, Trưởng Công an Phường, Bí thư Chi bộ nhà D1 Trung tự, Tổ trưởng dân phố, Tổ trưởng Hội người Cao tuổi, Công an khu vực chúc mừng tôi thọ 90 tuổi và tặng hai phong bì, mỗi cái có 10 nghìn đồng… Tôi rất xúc động vì trước đó đã được Phường tổ chức mừng thọ”. Cười phúc hậu, Cụ kể tiếp “Đến 9 giờ 30 tôi xin lỗi để đi họp. Xuống đường thì đã có taxi chờ sẵn, song lại “lạc đường”, lòng vòng trưa mới đưa tôi về nhà với lời xin lỗi rất “dễ thương”: “Cháu ở Sài Gòn ra nên không biết đường mong bác thông cảm”. Tôi vẫn trả tiền xe đúng với giá trị cuốc đường từ nhà đến Viện N/C SENA, sau khi đã chụp ảnh xe, số xe và người lái xe để nhờ anh em công an khu vực điều tra xem người lái taxi có thật là người lao động hay là phần tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và kèm theo lời than: “Chết thôi, đã tự nhận là lãnh đạo thì chí ít cũng phải đàng hoàng, ai lại làm thế”
Thật tuyệt chuyện người lừa và người bị lừa! Thôi thì cứ vui vẻ thế đã, chuyện gì nữa rồi hạ hồi phân giải! Những màn tiếp theo chắc sẽ còn ly kỳ hồi hộp. Cái giá mà những Quang Văn Thỉnh ở Thanh Văn, Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, rồi những Nguyễn Mạnh Can, Minh Đường của Think-Tank SENA và những ai khác nữa khó mà kể hết, đúng là sẽ không hề dễ chịu. Điều này không khó để giải thích vì nó mang tính quy luật. Cách đây hơn hai trăm năm, nhà triết học vĩ đại người Đức G.W.S Hégel từng nói rất rõ “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”. Câu này từng được F. Engel dẫn ra khi bàn về lý luận biện chứng nên người viết này đã rất nhiều nhắc đến để nói về biện chứng của sự tha hóa quyền lực và hệ lụy tất yếu của nó.
Bởi vậy, mà cũng chẳng có thể khác, nên chi “rất văn minh lịch sự”, ông Nguyễn Vi Khải Phó Viện trương VIDS, cơ quan tổ chức Diễn đàn theo đúng chức năng một cơ quan được giao trách nhiệm phản biện, phải lên bỗng xuống trầm giải thích lý do dang dở cuộc đằm thắm Diễn Đàn gặp gỡ bấy nay nơi “êm đềm trướng rũ màn che, tường đông thì đã liền kề…đồn công an” còn lần này thì “ở đây sương khói mờ nhân ảnh” ai đó vừa thổi vào nên đành phải tạm đình chỉ cuộc sinh hoạt khoa học thường kỳ.
Còn ông Viện trưởng SENA, chủ nhân ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ, tiến sĩ Minh Đường vốn vô tư và hào phóng thì có hẳn một “đít cua” thống thiết đánh máy vi tính hẳn hoi “chân thành cáo lỗi với Lãnh đạo viện VIDS, cơ quan tổ chức Diễn đàn Lý luận Phát triển, nhất là với Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương, cũng như với các Thành viên Diễn đàn Lý luận Phát triển hômnay có mặt hôm nay về sự bất khả kháng trong việc đơn phương hoãn buổi Tọa đàm rất ý nghĩa này”.
Tội nghiệp cho anh bạn quý của tôi khi tự dằn lòng để nén bớt đi sự phẫn nộ với những gì người ta gây ra trong suốt ngần ấy năm trời mà anh hay tâm sự, khiến tôi lại cứ muốn “chọc quê” anh thêm một lần nữa bằng cách lại nhại tếu táo mấy câu thơ Xuân Diệu nhằm “để gió cuốn đi” sự nặng nề trong lòng bạn tôi:
“Lòng Viện trưởng cũng sầu như biển lớn
Chớ để riêng anh phải gặp lòng anh…
…Anh sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da…
Chủ nhà đây: bến đợi dưới cây già
Tình quan khách: thuyền qua không buộc chặt
Lời Viện trưởng đã vỡ vì nước mắt…
Du khách đi.
Quan khách cũng đi rồi!
Không hiểu gió có cuốn đi được nỗi nặng nề cho bạn tôi không, nhưng cũng không nên dài dòng thêm nữa! Trong mục ĐIỂM TIN ĐÁNG ĐỌC SỐ 36 kèm theo sẽ có vài tin tức cần thiết để giúp độc giả hiểu rõ phần nào những sự kiện đang diễn ra mà những nhà khoa học tâm huyết thiết tha với sự nghiệp nghiên cứu phải biết để góp phần xây dựng một nước “Việt Nam Đàng hoàng hơn, To đẹp hơn, Mạnh mẽ hơn” như Thư gửi Quý vị Lãnh đạo, các nhà Trí thức và Doanh nhân” của Chủ tịch Think Tank SENA viết.
Ông Nguyễn Mạnh Can đặc biệt nhấn mạnh những ý đã tô đậm trong cuốn sách gửi kèm theo bức thư nói trên : “…Việt Nam vẫn trì trệ và lạc hậu không do nguyên nhân bên ngoài, không do yếu kém về kinh tế, không do thiếu sức mạnh quân sự, càng không do thiếu công cụ bảo vệ thể chế, mà chủ yếu do chính thể cầm quyền gắn với mô hình mệnh lệnh không thu hút và không phát triển được tầng lớp tinh hoa mới ở ngay trong hệ thống cầm quyền và trong xã hội từ cơ sở đến trung ương, cũng như không mang đến đức tin mới cho dân tộc”.
Vì thế, nhà cách mạng lão thành, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ, Chủ tịch Think-Tank SENA có trụ sở tại 35 Điện Biên Phủ khẳng định: “Việt Nam chỉ có thể phát triển, sự nghiệp đổi mới chỉ có thể thành công khi hội đủ Mô hình Phát triển mới, Tầng lớp tinh hoa mới và Đức tin mới”. Đó là ý tưởng nổi bật, xuyên suốt toàn bộ cuốn sách mới nhất với nhan đề “Để Việt Nam Đàng hoàng hơn, To đẹp hơn, Mạnh mẽ hơn” của Viện Nghiên cứu Think-Tank SENA vừa ấn hành và gửi tặng các Ủy viên Bộ Chính trị, các Ủy viên BCHTƯ ĐCSVN, Quốc hội, Chính phủ cùng đông đảo trí thức, doanh nhân và bạn đọc trên cả nước.
Những việc làm thiếu cân nhắc đang diễn ra trong những ngày qua chỉ gây khó khăn nhất thời cho những đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Think-Tank SENA, song không thể làm họ chùn bước trong sứ mệnh cao cả nhằm góp phần vào sự nghiệp thiêng liêng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà ông cha ta bao đời gây dựng. Họ biết rõ cái sự thật tồi tệ đã được khuyến cáo: “Hàm răng của quyền lực luôn mở ra để nhai nuốt, và cánh tay của nó luôn vung ra bất cứ lúc nào có thể”. Vấn đề là nó “có thể” thực hiện được hay không tùy theo phản ứng ngược lại ra sao. Và dĩ nhiên, họ không hề đơn độc.
Bởi thế mà Einstein đã lý giải và đưa ra lời cảnh tỉnh: “Kẻ ngu xuẩn nào cũng có thể khiến mọi thứ trở nên to tát hơn, phức tạp hơn và bạo lực hơn” chỉ vì “quyền lực luôn quyến rủ những bọn vô đạo đức”. Một giới hạn cần phải có, nếu khi vượt qua cái giới hạn đó có ấy là báo hiệu một sự hoảng loạn của quyền lực dẫn tới sụp đổ.
Bọn ham hố quyền lực không hiểu được điều đó. Bởi vậy, cũng Eistein đã chỉ rõ: “Sự khác biệt giữa thiên tài và kẻ ngu dốt là ở chỗ thiên tài luôn có giới hạn”! Cho nên, kẻ ngu dốt sẽ tự chôn chính mình trong sự ngu dốt vì không nhận ra cái giới hạn của quyền lực, lại cứ mù quáng đẩy tới xu hướng quyền lực đẻ ra quyền lực để rồi tự cái đó sẽ hủy diệt chính nó.
Bản lĩnh và trí tuệ của nhà khoa học đích thực sẽ không làm họ khuất phục trước bất cứ sự đe dọa nào. Họ biết rõ chân lý thuộc về những ai dám dấn thân vì nghĩa cả. Bạo lực rồi sẽ hủy diệt những kẻ ham dùng bạo lực. Bởi lẽ, chính nghĩa không thuộc về chúng.
Sài Gòn ngày 27/3/2018
Chú thích: Những hình ảnh và chú thích ảnh trong bài này do bộ phận Tư liệu của Viện SENA cung cấp
_____
Mời đọc lại: Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 10: Thật đáng xấu hổ! — Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng — Số 12: Thế Sự Du Du — Số 13: Chân lý là cụ thể — Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi — Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi” — Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai — Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương — Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần — Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc — Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu! — Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố — Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân — Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta — Số 25: Chuyện cũ viết lại — Số 26: Chuyện cũ viết tiếp — Số 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong” — Số 28: Thế sự cong queo — Số 29: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” — Số 30: “Tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời…” — Số 31: “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con” — Số 32: Hết khôn dồn đến dại — Số 33: Liên khúc năm Gà — Số 35: Trên đồi cao giữa mây trời lộng gió — Số 36: Nhân một tọa đàm khoa học vừa bị giải tán
Lối viết văn của ông GS này đúng là trí thức xhcn; dài lê thê, đọc mà phát mệt giống kiểu của nhà hùng biện vô địt Fidel castro! Không như cách hành văn gọn gàng súc tích của thời đại công nghiệp.