Cần công bằng với ông Đinh La Thăng – nói leo qua ngân hàng 0 đồng

FB Hoàng Hải Vân

22-3-2018

Ông Đinh La Thăng khi mới làm bí thư TP. HCM. Ảnh: internet

Mấy năm trước, giữa lúc truyền thông ca ngợi ông Đinh La Thăng lên tận mây xanh với tần suất dày đặc trên các báo lớn báo nhỏ, chỉ thiếu việc ông ấy đi đái là chưa đưa tin thôi, tôi đã viết “Ông Đinh La Thăng ở TP.HCM” đăng 3 kỳ trên Một Thế Giới. Không biết ông ấy có đọc những bài đó hay không, nếu đọc thì chắc là không thích. Trong bài đó, tôi ghi nhận những nỗ lực của ông Đinh La Thăng, song hành vi và những tuyên bố dân túy của ông ấy không giải quyết được những vấn đề căn bản của TP.HCM. Giờ nếu phải viết lại thì tôi vẫn viết như vậy.

Nhưng nhìn phiên tòa đang xử ông ấy về vụ thất thoát 800 tỷ đồng, tôi không thể không lên tiếng. Nếu như trong hai phiên tòa vừa rồi mà người ta đưa ra bằng chứng ông Đinh La Thăng tham nhũng thì tôi chắc không viết được cái stt này. Thực ra ông ấy có tham nhũng hay không thì tôi không thể biết, nhưng cả hai phiên tòa đều không có cáo buộc ông ấy tham nhũng. Không nên nghĩ xấu về ai đó chỉ qua những lời đồn đoán suy diễn.

Ông ấy nhận trách nhiệm về vụ thất thoát 800 tỷ với tư cách là người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí, không có nghĩa là ông ấy phải chịu trách nhiệm hình sự. Tôi tin những người đốt lò tôn trọng pháp quyền, nên tôi không nghĩ những người đốt lò định tội trước và chỉ đạo các cơ quan tố tụng làm theo. Nhưng tại phiên tòa này, nguyên tắc suy luận vô tội chưa được tuân thủ, những gì đang diễn ra đều theo hướng suy luận buộc tội. Tòa chưa có phán quyết, song có lẽ một số cơ quan tham gia tố tụng quá hăng hái nên nhất định làm cho vụ án phải nhịp nhàng với cái lò đang rực lửa chăng?

Nếu tuân thủ nguyên tắc suy luận vô tội, Tòa cần phải lưu ý ít nhất một số vấn đề sau đây:

Thứ nhứt, việc PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank, Viện kiểm sát cho rằng việc này chưa được sự chấp thuận của Chính phủ, nhưng các bị cáo nói đã nhận được sự đồng ý của Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ có văn bản “khẳng định có sự đồng ý về chủ trương nhưng cần phải có sự quyết định của bộ, ngành” (theo báo Tuổi Trẻ). Ông Đinh La Thăng thì cho rằng ý kiến các bộ, ngành chỉ là sự khuyến cáo. Chi tiết này cần có ông cựu Thủ tướng ra làm chứng, kèm theo vật chứng là văn bản của Văn phòng Chính phủ để tòa xem có thể gỡ tội cho ông Đinh La Thăng được không.

Thứ nhì, ông Đinh La Thăng nói PVN đã có lộ trình thoái vốn khỏi OceanBank, lộ trình này đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng sau đó Chính phủ lại không cho phép thoái vốn thì việc mất vốn thuộc trách nhiệm của người ký văn bản không cho phép thoái vốn chứ không thuộc trách nhiệm của PVN. Muốn gỡ tội cho ông Đinh La Thăng, tòa cần phải triệu tập người ký văn bản không cho thoái vốn ra làm chứng.

Thứ ba, VKS cáo buộc: toàn bộ số 800 tỉ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Ngân hàng Oceanbank với giá 0 đồng. Các bị cáo và nhân chứng Hà Văn Thắm thì giải thích, nếu Ngân hàng Nhà nước không mua OceanBank với giá 0 đồng, thì PVN không mất vốn. Đây là điểm mấu chốt để khẳng định vốn nhà nước có mất hay không và mất vì lý do gì, nên tòa cần hết sức cẩn trọng.

Theo luật pháp cũng như theo đạo lý thông thường, mua của ai cái gì đó thì phải được sự đồng ý của người bán. Trong trường hợp này, NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng mà các cổ đông của ngân hàng này không hay biết gì, người giữ cổ phần lớn nhất cũng không biết, kết quả kiểm toán ngân hàng này cũng không được công bố. Một chi tiết cũng cần lưu ý: nhân chứng Hà Văn Thắm nói, OceanBank trước khi ông bị bắt không thua lỗ và trước khi có kết luận thanh tra xác định ngân hàng này có 14.000 tỷ đồng nợ xấu, ngân hàng đã thu về được 8.000 tỷ đồng, nhưng kết luận thanh tra vẫn ghi là 14.000 tỷ đồng nợ xấu. Trước khi quyết định “mua” 0 đồng, ngân hàng này cũng chưa bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Nếu như ngân hàng này mất vốn chủ sở hữu, thì khi mua về NHNN phải dùng tiền từ ngân sách nhà nước bù vào để duy trì sự tồn tại của nó, luật pháp không cho phép dùng ngân sách để làm việc này. Nếu như vốn chủ sở hữu vẫn dương thì việc đơn phương “mua” với giá 0 đồng thực chất là hành vi cưỡng đoạt bất hợp pháp tài sản của dân.

Vẫn biết NHNN cần có cơ chế đặc biệt kiểm soát hoạt động của các ngân hàng và biện pháp đặc biệt ngăn chặn những đổ vỡ ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế, nhưng các biện pháp đó nhất định phải đúng luật và không được xâm hại đến quyền tài sản của người dân được ghi trong Hiến pháp. Theo tôi hiểu thì quyết định đơn phương “mua” ngân hàng với giá 0 đồng không những trái với thông lệ quốc tế mà còn không dựa vào bất kỳ một điều luật nào của Việt Nam.

Vì vậy, trước khi kết tội ông Đinh La Thăng trong vụ này, tòa phải kiến nghị làm rõ việc NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng có hợp pháp hay không, kế đó phải mời cơ quan kiểm toán chuyên nghiệp độc lập để xác định vốn chủ sở hữu của ngân hàng này âm hay dương hay là bằng 0.

Thật đáng buồn cho báo chí bầy đàn. Đồng loạt tung hô rồi đồng loạt giậu đổ bìm leo phỉ nhổ. Không tờ báo nào có những điều tra riêng mà chỉ đồng loạt đăng theo cáo trạng, thậm chí đăng theo mà không cần động não. Một chút công bằng cho người mà mình từng tung hô ca ngợi cũng không dám nói, mà có ai cấm nói đâu kia chứ!

Bình Luận từ Facebook