14-3-2018
Những ngày qua tôi ở Hàn Quốc, do một trung tâm thuộc IBS (Viện nghiên cứu cơ bản Hàn Quốc) mời sang làm việc. Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một ấy. Nên đây là dịp để tôi sống và làm việc cạnh người Hàn và tìm hiểu về xã hội của họ, để hiểu rõ hơn vì sao nước Hàn lại phát triển, và đâu là những mặt trái?
Ở xã hội nào cũng có những mặt trái của nó. Hiện tại, những mặt trái của Hàn Quốc mà chính người Hàn nói bao gồm chuyện áp lực tinh thần ở Hàn cao, dẫn đến tỷ lệ người tự tử cao, và tỷ lệ sinh sản thấp (chỉ có 1,3 trẻ em trên 1 phụ nữ). Tất nhiên, xã hội Hàn sẽ phải điều chỉnh lại, giảm căng thẳng về tinh thần và tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn tới các gia đình có con cho nó cân bằng.
Mặt tốt của Hàn so với Việt Nam thì vô cùng nhiều.
Thứ nhất là người Hàn Quốc rất thật thà và tử tế. Độ thật thà của người Hàn thuộc loại cao nhất thế giới, ăn đứt cả Âu – Mỹ. Đồ đạc bày lung tung không sợ bị mất, đánh rơi điện thoại có thể tìm lại dễ dàng, xe đạp để ở các nơi thậm chí không cần khoá vẫn còn nguyên. Tất cả những người Hàn mà tôi gặp, từ ở quán cho tới ở trường, đều hiền lành nhã nhặn, tươi cười, chưa bao giờ thấy họ to tiếng với nhau hay với khách. (Ở đâu xảy ra đối xử tệ thì tôi không biết, nhưng tự mắt thì tôi chưa được chứng kiến). Đi tàu xe thì chẳng có ai kiểm tra vé. Ăn ở nhà ăn sinh viên thì tự đút vé ăn vào một cái hòm trước khi lấy đồ ăn, cũng chẳng có ai đứng canh.
Thứ hai là người Hàn rất chăm. Từ trẻ đến già đều thích làm việc. Các taxi ở Hàn chủ yếu do người đã về hưu lái, và giá rất rẻ (so với một nước có thu nhập thuộc loại cao). Thậm chí khi có ý kiến tăng giá taxi các tài xế còn phản đối, sợ như vậy sẽ có ít người đi, ít đi việc làm cho họ. Ở trường đại học thì các giáo sư và nghiên cứu sinh làm việc thôi rồi. Hôm nay tôi vừa dự một buổi “lunch seminar”, người ta vừa ăn trưa vừa báo cáo khoa học luôn, và đồ ăn được mang đến tận nơi phát miễn phí.
Những đức tính trên hẳn là nền tảng cho một xã hội văn minh và phát triển.
Về mặt chủng tộc và nguồn gốc văn hoá khá gần nhau, vậy thì tại sao người Hàn lại có được sự trung thực và tử tế cao hơn hẳn người Việt như vậy? Điều gì khiến cho người Việt trở nên “gian” từ trên xuống dưới? Phải chăng đó là vấn đề của thể chế, của nền giáo dục?
Trần Lão Bà nói:
Cũng nhờ ơn của Bác va Đảng dầy công giáo dục rèn luyện hàng chục năm nên nền văn hóa ngày nay nó như thế đó-Có lẽ tác giã dư hiểu không cần phải hỏi nữa.