Mở Đầu – Tiếng lòng của một mảnh hồn cô độc

S. Alexievich

Cửa sổ một căn nhà bỏ hoang ở Pripyat-Nguồn: Alphr.com

Chúng ta là không khí, chúng ta không phải là đất.

Mamardashvili

Tôi không biết tôi nên nói về điều gì – về sự chết hay về tình yêu? Hay là hai thứ ấy chẳng có gì khác nhau? Tôi nên nói về cái nào đây?

Chúng tôi vừa mới cưới nhau. Vẫn còn nắm tay nhau dung dăng đây đó, thậm chí kể cả khi chúng tôi đi chợ. Tôi sẽ nói với anh ấy rằng “Em yêu anh.” Lúc ấy tôi không biết mình yêu anh ấy đến chừng nào. Tôi thực sự không biết . . .

Chúng tôi ở trong khu tập thể của trạm cứu hỏa nơi anh ấy làm việc. Ở tầng thứ nhì. Chung với 3 cặp vợ chồng khác và chúng tôi cùng dùng chung một cái bếp. Ở tầng một họ chứa những chiếc xe cứu hoả. Những chiếc xe cứu hỏa màu đỏ. Đó là công việc của anh ấy. Tôi luôn luôn được biết chuyện gì đang xảy ra, anh ấy đang ở đâu, làm gì.

Một đêm, tôi nghe có tiếng động. Tôi nhìn ra ngòai cửa sổ. Anh ấy bắt gặp và bảo “Đóng cửa sổ và ngủ lại đi em. Nhà máy phản ứng bị cháy. Anh sẽ về ngay ấy mà .”

Tôi không nghe hay nhìn thấy tiếng nổ. Chỉ thấy lửa cháy. Mọi thứ đều sáng rực. Cả bầu trời. Ngọn lửa cao. Và khói. Hơi nóng rất khó chịu. Và anh ấy vẫn chưa quay về.

Khói là do nhựa bọc mái bị cháy. Sau này anh ấy nói giống như mình đi trên mặt đường nhựa đang chảy. Họ cố dập tắt lửa. Với chân không giầy, họ đá văng những cục than chì nóng bỏng. Họ không kịp trang bị vào người những dụng cụ cần thiết. Cứ như thế họ lao vào làm nhiệm vụ, chỉ có trên người chiếc áo ngắn tay. Không ai nói cho họ biết điều gì. Chỉ biết rằng có một đám cháy cần dập tắt. Chỉ có thế.

4 giờ. Rồi 5 giờ. Rồi 6. Chúng tôi đã dự trù đến nhà bố mẹ của anh ấy vào lúc 6 giờ sáng. Để trồng khoai. Khỏang cách từ Pripyat đến Sperizhye là 40 kilô mét, nơi bố mẹ anh ấy cư ngụ. Anh ấy thích làm công việc cày đất, gieo hạt. Mẹ anh luôn bảo tôi rằng họ không muốn anh ấy dọn vào thành phố. Thậm chí họ đã xây một căn nhà mới riêng cho anh. Anh ấy bị gọi động viên vào quân đội, phục vụ trong một đơn vị cứu hỏa ở Moscow. Và rồi khi giải ngũ, anh ấy muốn làm lính cứu hỏa. Chứ không muốn làm bất cứ việc nào khác! [Im lặng].

Có đôi khi tôi nghe được tiếng của anh ấy. Còn sống. Những bức hình chụp chung lúc trước cũng không thể làm tôi bị xúc động như khi nghe tiếng anh ấy. Nhưng anh chẳng bao giờ kêu tên tôi . . . kể cả trong những giấc mơ. Chỉ có tôi kêu tên anh.

7 giờ. Lúc 7 giờ tôi được biết anh ấy hiện đang ở trong bệnh viện. Tôi vội chạy đến, nhưng cảnh sát đã chặn hết các lối vào và không để bất cứ ai đi qua. Chỉ có những chiếc xe cứu thương. Họ la to: những chiếc xe cứu thương đã bị nhiễm phóng xạ. Hãy tránh xa ra!

Tôi không phải là người duy nhất ở đó. Tất cả những bà vợ có chồng làm việc ở khu nhà máy đêm đó đều có mặt. Tôi ngó dáo dác tìm một người bạn làm bác sĩ ở bệnh viện. Khi cô bạn bước ra khỏi một chiếc xe cứu thương, tôi nắm áo cô cầu cứu “Cho mình vào đi!” “Không thể được. Anh ấy bị nặng lắm! Tình trạng mọi người đều tệ như vậy cả!”. Tôi trì kéo. “Mình chỉ muốn thấy mặt thôi”. “Được rồi!”. Cô bạn nói. “Đi với mình. Chỉ chừng mười lăm hai mươi phút thôi nhé!”.

Tôi đã nhìn thấy anh ấy. Cả người sưng húp như bị phù thủng. Khó mà nhìn thấy được đôi mắt trên cơ thể sưng húp như thế kia.

“Anh ta cần sữa. Thật nhiều sữa”. Cô bạn bảo tôi. “Mỗi người họ phải uống ít nhất là 3 lít sữa.” “Nhưng anh ấy không thích uống sữa”. “Anh ta sẽ phải uống”. Rất nhiều những bác sĩ, y tá trong bệnh viện, nhất là những người phục dịch, sau đó sẽ nhiễm bệnh và chết. Nhưng lúc ấy không ai biết.

Vào lúc 10 giờ sáng, phóng viên ảnh Shishenok chết. Anh ta là người đầu tiên. Của ngày đầu tiên. Chúng tôi nghe nói có một người bị bỏ lại dưới đống đổ nát – Valera Khodemchuk. Họ không đào xuống được chỗ anh, đành để anh bị chôn vùi dưới những lớp bê tông. Và lúc ấy chúng tôi không ai biết rằng những người vừa chết mới chỉ là những người đầu tiên.

Tôi hỏi chồng “Vasya, em phải làm gì đây?”.“Ra khỏi đây ngay! Đi ngay! Em đang mang thai con chúng ta.” Nhưng làm sao mà tôi nỡ bỏ anh ấy được? Anh ấy đang bảo tôi “Đi! ra khỏi đây ngay! hãy cứu lấy đứa bé trong bụng!” “Trước hết, em phải mang cho anh ít sữa đã, rồi mình sẽ quyết định phải làm gì tiếp”. Bạn tôi, Tanya Kibenok chạy vào – chồng của cô ấy cũng ở cùng phòng. Bố của Tanya đang đứng bên cạnh, ông ta có chiếc xe hơi. Chúng tôi vội lên xe tới một ngôi làng gần đó để kiếm sữa. Khỏang chừng 3 kilô mét từ thành phố. Chúng tôi mua rất nhiều những bình sữa 3 lít, đủ cho tất cả mọi người. Nhưng họ bắt đầu nôn mửa ngay sau khi vừa uống xong. Rồi  thiếp đi, gục xuống những sợi dây truyền thuốc. Các bác sĩ cứ bảo là họ bị nhiễm độc hơi gas. Chẳng có ai nói gì về chất phóng xạ. Và thành phố ngay lập tức bị tràn ngập bởi những chiếc xe quân sự, họ chặn hết mọi ngã đường. Xe lửa, xe điện ngừng chạy. Họ đang rửa sạch đường phố bằng một lọai chất bột màu trắng. Tôi lo lắng không biết làm sao có thể đi qua làng bên cạnh mua sữa tươi vào hôm sau. Vẫn không có ai nói gì về sự nhiễm xạ. Chỉ có những nhân viên quân sự đeo mặt nạ che kín mặt mày. Dân chúng trong thành phố mua bánh mì ở tiệm về, cứ thể để trong những cái túi mở miệng. Họ vẫn ăn bánh trên những cái dĩa.

Chiều hôm đó tôi không thể vào được trong bệnh viện. Có cả một biển người. Tôi đứng dưới cửa sổ phòng chồng nằm, thấy anh chạy ra và nói lớn một điều gì đó với tôi. Trông anh có vẻ tuyệt vọng. Một người nào đó trong đám đông nghe được điều anh muốn nói. Thì ra họ sẽ chuyển các anh ấy đến Moscow vào tối nay. Tất cả những bà vợ họp nhau lại thành một nhóm. Chúng tôi quyết định sẽ cùng đi với chồng. Hãy để chúng tôi đi với chồng của mình. Các ông không có quyền gì cấm đoán. Chúng tôi xô đẩy. Chúng tôi cào cấu. Những người lính – họ đã ở đó từ bao giờ. Họ chặn chúng tôi lại. Rồi viên bác sĩ xuất hiện và bảo, đúng rồi, các bệnh nhân sẽ được chuyển về Moscow, nhưng các chị phải đem đến cho họ quần áo để mặc. Quần áo họ mặc trong lúc chữa lửa ở nhà máy đã bị cháy sạch. Lúc ấy, xe bus thành phố đã hết giờ hoạt động và chúng tôi phải chạy bộ. Khi chúng tôi quay lại với những giỏ quần áo thì máy bay chở bệnh nhân đã cất cánh tự bao giờ. Chúng tôi đã bị đánh lừa. Để không còn ai ở đó mà kêu gào khóc lóc.

Đêm xuống. Dọc theo một bên đường có một dãy những chiếc xe bus, hàng trăm chiếc. Họ đang chuẩn  bị cho thành phố di tản. Phía bên này đường là những chiếc xe cứu hoả. Chúng đến từ khắp nơi. Và cả một khu phố phủ đầy một lớp bọt trắng. Chúng tôi bước đi trên lớp bọt ấy, chửi rủa và khóc lóc. Qua đài phát thanh, chính quyền bảo chúng tôi có thể phải ra khỏi thành phố từ 3 đến 5 ngày, mọi người nên mang theo quần áo ấm, vì sẽ phải ngủ tạm trong rừng. Trong những cái lều. Có người thậm chí vui mừng – một chuyến đi dã ngoại. Chúng tôi đón mừng ngày Quốc Tế Lao Động như vậy đó, khác hẳn với thói quen mọi năm. Người ta đã chuẩn bị sẵn món thịt nướng lò. Mọi người mang theo đàn guitar, máy phát thanh. Chỉ có những phụ nữ mà chồng của họ làm nhiệm vụ ở nhà máy phản ứng đêm hôm trước than khóc mà thôi.

Tôi không thể nhớ làm cách nào mà tôi đến được ngôi làng cha mẹ tôi ở. Khi tôi thức dậy thì mẹ tôi đã ở bên cạnh. “Mẹ. Vasya hiện đang ở Moscow. Họ đưa anh ấy đến đó bằng một chuyến bay đặc biệt!”. Và chúng tôi cũng hoàn tất việc gieo trồng.[Một tuần lễ sau thì cả ngôi làng cũng được lệnh di tản]. Ai biết? Lúc ấy thì ai mà biết được? Đến cuối ngày tôi bắt đầu ói mửa. Cái thai trong bụng tôi đã 6 tháng tuổi. Tôi cảm thấy rã rời. Đêm hôm đó tôi mơ thấy anh ấy gọi tên tôi trong giấc ngủ : “Lyusya! Lyusenka!”. Nhưng sau khi anh ấy qua đời, tôi không còn mơ thấy anh ấy gọi tên mình lần nào nữa. Dù chỉ một lần. {Cô ta bắt đầu khóc}. Sáng hôm sau thức dậy tôi nghĩ đến việc phải đi ngay Moscow. Đi một mình tôi thôi. Mẹ tôi nức nở : “Con đi đâu đây với cái bộ dạng con như vậy?”. Thế là tôi để bố tôi đi theo. Bố đến ngân hàng, rút trọn số tiền bố mẹ tôi có trong đó.

Tôi không thể nhớ được chút gì về chuyến đi. Dường như nó không bao giờ nằm trong trí nhớ của mình. Ở Moscow, chúng tôi hỏi thăm người cảnh sát đầu tiên mà chúng tôi gặp được về mấy người lính cứu hoả ở Chernobyl và đã được ông ta cho biết ngay. Chúng tôi ngạc nhiên vì ai cũng nói đó là thông tin tuyệt đối bí mật . “Bệnh viện số 6. Đi xe bus xuống ở trạm Shchukinskaya.”

Đó là một bệnh viện đặc biệt, chuyên về X quang, không có thẻ không thể vào được. Tôi dúi ít tiền cho người phụ nữ gác cửa, bà ta bảo “vào đi!”. Rồi tôi lại phải hỏi một người nào đó, đúng ra là van xin. Cuối cùng, tôi thấy mình ngồi trong văn phòng của vị trưởng khoa X quang, Angelina Vasilyevna Guskova. Nhưng lúc ấy tôi chưa biết tên bà này, và cũng chẳng nhớ gì hết cả. Tôi chỉ biết một điều là phải gặp chồng. Ngay lập tức, bà trưởng khoa hỏi tôi : “Chị có con cái gì không?”

Tôi nên trả lời thế nào đây? Tôi hiểu ngay là tôi phải giấu không cho biết mình đang mang bầu. Chắc chắn họ sẽ không cho tôi vào gặp anh ấy. May là tôi tạng người gầy nên không ai đoán được gì.

“Có ,”. Tôi trả lời.

“Mấy đứa?”

Tôi suy nghĩ. Tôi phải bảo bà ấy là có 2 con. Nếu chỉ một, chắc bà ấy sẽ chẳng để tôi vào.

“Một trai và một gái”.

“Vậy là chị không cần có thêm đứa nào nữa. Thôi được, hãy nghe đây! Hệ thần kinh của anh ấy đã hoàn toàn bị tổn thương, sọ não của anh ấy đã hoàn toàn bị tổn thương.”

Nghe thế, tôi suy nghĩ, vậy là anh ấy sẽ dễ bị xúc động.

“Và nghe nữa đây: Nếu chị khóc lóc, tôi sẽ cho lệnh tống cổ chị ra ngay lập tức. Không ôm ấp, không hôn hít. Thậm chí không nên đến gần anh ta. Chị sẽ có nửa tiếng để gặp.”

Nhưng tôi biết rõ là mình sẽ không rời khỏi nơi đây. Nếu tôi phải đi, thì là đi với anh ấy. Tôi tự thề với mình điều đó! Khi tôi bước vào, các anh ấy đang ngồi trên giường, chơi bài.

“Vasya!” Họ gọi to.

Anh ấy quay người lại :

“ Ồ, không còn gì để nói nữa rồi. Mình ở đây mà vợ tôi cũng tìm ra được!”

Trông anh ấy thật tức cười. Anh mặc bộ quần áo ngủ cỡ 48, trong khi cỡ thực sự của anh ấy phải là 52. Tay áo ngắn cũn cỡn, quần ngắn lên trên cả mắt cá chân. Nhưng mặt của anh không còn sưng nữa. Họ đã tiêm cho anh một loại chất lỏng gì đó.

Tôi nói : “Anh định chạy đi đâu thế?”

Anh ấy muốn ôm tôi.

Viên bác sĩ cản anh ấy lại. “Ngồi xuống, ngồi xuống !”. Bà ấy ra lệnh. “Không được phép ôm ấp nhau ở đây.”

Bằng một cách nào đó, chúng tôi biến câu chuyện thành một trò đùa chọc ghẹo nhau. Và rồi mọi người xúm quanh lại, từ cả ở những phòng khác, tất cả những người đến từ Pripyat. Có tất cả 28 người đi trên cùng chuyến bay. Chuyện gì đang xẩy ra vậy? Thành phố mình thế nào? Tôi bảo họ chính quyền đang cho di tản tất cả mọi người, cả thành phố phải đi khỏi từ 3 đến 5 ngày. Mấy người đàn ông không ai nói câu gì, và rồi có một phụ nữ trong số 2 phụ nữ trực đêm đó ở nhà máy, chị bắt đầu khóc.

“Chúa ơi! các con tôi còn ở đó. Rồi bọn chúng sẽ ra sao đây?”

Tôi muốn được ở một mình với chồng, dù chỉ trong giây lát. Mấy người đàn ông cảm thấy được điều đó, họ lẳng lặng bảo nhau tìm cớ đi ra ngoài hành lang. Tôi ôm và hôn anh ấy. Anh ấy né tránh.

“Đừng đến gần anh. Lấy cái ghế ngồi xuống đi.”

“Anh thật là kỳ cục!,” Tôi xua tay. “Anh có nhìn thấy khi nó nổ không? Anh có thấy cái gì xẩy ra không? Các anh là những người đầu tiên đến đó.”

“Có lẽ là do phá hoại. Có ai đó chủ mưu việc này. Ai cũng nghĩ như vậy.”

Lúc ấy ai cũng nói như thế. Bởi vì đó là điều họ nghĩ.

Ngày kế tiếp, mọi người ai ở phòng nấy. Họ bị cấm ra ngoài hành lang tụ tập nói chuyện. Họ dùng mu bàn tay gõ trên tường. Kịch cọt. Kịch cọt. Các bác sĩ giải thích rằng cơ thể mỗi người mỗi khác khi phản ứng với chất phóng xạ, có khi người này chịu được nhưng người kia lại không chịu được. Người ta thậm chí kiểm tra độ phóng xạ ở căn phòng họ nằm, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Những người bệnh ở tầng trên lẫn tầng dưới đều bị đưa đi chỗ khác. Không còn ai ở lại nữa.

Trong ba ngày tôi ở nhà người bạn tại Moscow. Ai cũng sốt sắng bảo tôi: lấy cái nồi, lấy cái dĩa, lấy bất cứ thứ gì cô cần. Tôi nấu cháo gà cho 6 người. Bọn họ có 6 người. 6 người lính cứu hoả làm cùng ca. Họ trực với nhau đêm đó : Bashuk, Kibenok, Titenok, Pravik, Tischura. Tôi ra chợ mua cho họ kem đánh răng, bàn chải đánh răng và xà phòng. Bệnh viện không có những thứ đó cho họ. Tôi còn mua cho họ mấy cái khăn tắm nhỏ. Giờ đây nhớ lại, tôi ngạc nhiên về thái độ của bạn bè mình. Ai cũng sợ hãi, tất nhiên rồi, ai mà chẳng sợ vì những tin đồn đã lan truyền. Nhưng ai cũng cứ nói : Cần gì thì cứ lấy nhé, cứ lấy đi! Anh ấy sao rồi? mấy người họ sao rồi? Liệu họ có sống nổi không? Sống!

{Cô ta im lặng}.

Tôi gặp rất nhiều người tốt, nhưng chẳng nhớ được nhiều về họ. Tôi nhớ có một bà lao công già, bảo tôi : “Có những chứng bệnh không thể chữa khỏi. Mình không thể làm gì được ngoài việc ngồi nhìn thôi chị ạ!”.

Mỗi sáng sớm tôi đi chợ, rồi đến nhà bạn nấu cháo. Mọi thứ đều phải được nạo, rồi nghiền cho nát. Có người bảo: “Mang cho tôi ít nước táo!” Thế là tôi đem vào 6 cái hộp nước táo nửa lít, lúc nào cũng phải là cho 6 người. Mỗi ngày, tôi hối hả đến bệnh viện, rồi ở đó cho đến chiều. Buổi tối, tôi về lại thành phố. Liệu tôi còn có thể làm như thế được bao lâu nữa? Sau 3 ngày, người ta bảo tôi có thể ở trong khu tập thể dành cho nhân viên bệnh viện, cũng ở cùng khuôn viên. Trời ạ! Thật tuyệt!

“Nhưng không có bếp. Tôi sẽ nấu nướng bằng cách nào?”

“Chị đâu cần phải nấu nướng gì nữa. Cơ thể họ không còn tiêu hoá được thức ăn nữa đâu.”

Anh ấy bắt đầu thay đổi. Mỗi ngày thấy anh tôi bắt gặp một con người hoàn toàn mới.

Những vết bỏng đã bắt đầu xuất hiện. Trong miệng, trên lưỡi, trên má – mới đầu chỉ là những vết xây xát nhỏ, rồi chúng lớn từ từ, rồi rụng từng lớp da, như  những màng phim trắng . . .  màu da mặt, da cơ thể . .  . xanh . . . đỏ . . . nâu xám . . . Cơ thể anh ấy thay đổi. Tôi có cảm tưởng cơ thể tôi cũng đang thay đổi. Không thể nào diễn tả được! Không thể nào viết thành lời được! Thậm chí có muốn không để ý tới cũng không được. Điều duy nhất giúp tôi vượt qua được là nó xẩy ra quá nhanh. Nhanh đến độ không có thì giờ kịp suy nghĩ, không có thì giờ để khóc nữa.

Tôi yêu anh ấy! Tôi không biết nhiều đến chừng nào! Chúng tôi vừa mới lấy nhau. Mỗi lần đi với nhau trên phố, anh ấy hay nắm tay tôi, ôm tôi xoay tròn. Và hôn tôi, hôn tôi ngay trước mặt mọi người. Người ta đi ngang, nhìn chúng tôi mỉm cười.

Cái bệnh viện ấy là dành cho những người bị nhiễm độc phóng xạ nặng. 14 ngày. Trong 14 ngày có một người chết.

Ngày đầu tiên đến khu tập thể dành cho nhân viên bệnh viện, người ta lấy máy rà hết cả người tôi. Quần áo, túi xách, ví, giầy – tất cả đều “nóng”. Họ lấy những thứ đó đem đi hết. Kể cả quần áo lót của tôi mặc trên người. Ngoại trừ tiền của tôi thì họ không lấy. Đổi lại, họ đưa cho tôi cái váy bệnh viện –cỡ 56 – và đôi dép cỡ 43. Họ bảo tôi có thể họ sẽ trả lại quần áo đồ dùng, nhưng cũng có thể không, bởi vì họ không thể “ giặt” được ở thời điểm này. Đó là bộ dạng của tôi khi tôi đến gặp anh ấy. Tôi làm anh ấy sợ. “Vợ ơi, sao lại như thế này?”. Nhưng tôi vẫn có thể nấu cho anh ấy ít cháo. Tôi dùng một cái bình thuỷ tinh nấu nước sôi, rồi cho vào đó những miếng thịt gà chặt nhỏ, rất nhỏ. Rồi có ai đó cho tôi cái nồi, hình như là bà già phụ trách việc dọn dẹp hay người canh gác. Một người khác cho tôi cái thớt để cắt ngò tây. Tôi không thể ra ngoài đi chợ với chiếc áo bệnh viện mặc trên người, nên người ta mang rau đến cho tôi. Nhưng tất cả cố gắng ấy đều vô ích. Anh thậm chí không còn uống được gì, không cả nuốt nổi lòng trứng sống.

Tôi muốn làm việc gì đó có ý nghĩa. Như thể đó là một việc cần phải làm. Tôi chạy đến trạm bưu điện. “Các cô ơi”, Tôi nói với họ. “Tôi cần gọi cho bố mẹ tôi ở Ivano-Frankovsk ngay bây giờ. Chồng tôi đang hấp hối.”. Họ hiểu ngay tôi từ đâu tới và chồng tôi là ai, nên lập tức nối đường dây điện thoại. Bố tôi, chị tôi, em trai tôi, ngay hôm đó đi máy bay đến Moscow. Họ mang cho tôi đủ thứ. Cả tiền. Hôm đó là ngày mùng 9 tháng 5. Hồi trước, anh ấy hay bảo tôi: “Em không thể biết Moscow đẹp đến là chừng nào. Nhất là vào ngày lễ mừng chiến thắng, khi họ bắn pháo bông. Anh muốn em được xem.”

Tôi đang ngồi với anh ấy trong phòng. Anh bỗng mở mắt hỏi tôi. “Bây giờ là ngày hay đêm ?”

“Bây giờ là 9 giờ tối.”

“ Mở cửa sổ lên. Họ sắp bắn pháo bông rồi đấy!”

Tôi mở cửa sổ. Chúng tôi ở tầng lầu thứ 8. Toàn cảnh thành phố ở ngay trước mắt chúng tôi. Có một chùm pháo bông đang bừng sáng giữa trời.

“Nhìn kìa anh!” Tôi nói.

“Anh đã bảo em anh sẽ cho em thấy Moscow. Và anh đã bảo em anh sẽ luôn tặng hoa cho em vào những ngày lễ . . .”

Tôi quay lại. Anh đang lấy ra 3 đoá hoa cẩm chướng từ dưới gối. Anh ấy đã đưa tiền nhờ người y tá mua hộ.

Tôi chạy đến và ôm hôn anh.

“Anh yêu của em! Em chỉ yêu anh và chỉ một mình anh thôi!”

Anh càu nhàu. “Bác sĩ đã dặn em rồi phải không? Không được ôm anh. Và cũng không được hôn anh mà!”

Họ không cho tôi ôm anh. Nhưng tôi . . . đã nhiều lần nâng bổng anh lên, đã từng đỡ anh ngồi dậy. Tôi dọn giường cho anh. Tôi đặt ống cặp thuỷ. Tôi dọn dẹp đồ đạc cho anh. Tôi thức với anh suốt cả đêm.

Rất may mắn là khi đi ra ngoài hành lang tôi mới cảm thấy đầu choáng váng, chứ không phải trong phòng. Tôi bám vào thành cửa sổ. Một viên bác sĩ đi ngang, thấy vậy đã nắm cánh tay tôi giữ lại không để tôi khuỵu xuống. Và bỗng thình lình ông hỏi tôi : “Chị có bầu phải không ?”

“Không, không!” Tôi sợ hãi như thể có ai đó nghe thấy chúng tôi.

Viên bác sĩ thở dài. “Đừng nói dối nữa!”

Ngày hôm sau tôi bị gọi đến văn phòng bác sĩ trưởng khoa.

“Tại sao chị lại nói dối tôi?”. Bà ấy hỏi.

“Không có cách nào khác cả. Nếu tôi nói thật, bà sẽ đuổi tôi về. Đó là một lời nói dối thiêng liêng!”

“Thế chị đã làm gì?”

“Tôi chỉ ở bên cạnh anh ấy . . .”

Suốt đời tôi mang ơn bác sĩ Angela Vasilyevna Guskova. Thật vậy, suốt đời tôi! Vợ những người kia cũng tìm cách vào thăm chồng. Nhưng họ không được phép. Chỉ có các bà mẹ mới được phép vào. Bà mẹ của Volodya Pravik không ngừng  van vỉ với Chúa: “xin hãy chọn con thay cho nó!”. Một vị giáo sư người Mỹ, bác sĩ Gale- người phụ trách việc cấy tuỷ xương – tìm cách an ủi tôi. Vẫn còn một tia nhỏ hy vọng, ông bảo, không nhiều, ít thôi.Anh ấy là một con người mạnh mẽ. Người ta cho gọi họ hàng của anh ấy đến. Anh ấy có hai người em gái ở Belarus, một người em trai đi lính ở Leningrad. Cô em gái nhỏ, Natasha, mới 14 tuổi, sợ hãi ra mặt và khóc rất nhiều. Nhưng tuỷ xương của cô lại thích hợp nhất. {Im lặng}. Giờ thì tôi có thể nói về chuyện này được rồi. Trước đây thì tôi không thể. Tôi giữ chuyện này cho riêng mình đã 10 năm nay. {Im lặng}.

Khi anh ấy biết là người ta sẽ lấy tuỷ xương từ em gái của mình, anh ấy quyết liệt từ chối. “Tôi thà chết còn hơn. Nó còn nhỏ quá. Đừng đụng đến nó.” Chị gái anh ấy, Lyuda, 28 tuổi, là một y tá, nên chị ấy biết mình phải làm gì. “Miễn là cứu cậu ấy sống được,” Chị nói. Tôi được chứng kiến tiến trình cấy tuỷ. Cả hai nằm cạnh nhau trên bàn. Phòng giải phẩu có cái cửa sổ rất to. Cuộc phẫu thuật kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Khi công việc hoàn tất, trông chị Lyuda còn tệ hơn cả chồng tôi. Chị chịu 18 mũi kim đâm trên ngực, vẫn còn mê man vì thuốc gây mê. Bây giờ chị ấy nằm đó như người bệnh nặng. Chị vốn là người khoẻ mạnh, nhan sắc mặn mà, chưa bao giờ lập gia đình với ai. Vì vậy, tôi chạy từ phòng này qua phòng kia, từ phòng chồng qua phòng của chị. Anh ấy không còn nằm trong một phòng bình thường nữa, mà được đưa tới phòng cách ly đặc biệt, được che bởi một bức màn trong suốt. Không ai được phép vào trong.

Trong phòng có đủ dụng cụ, nên họ có thể ở bên này bức màn chích thuốc cho anh ấy, đặt ống dẫn tiểu mà không phải bước vào phòng. Hai bên của tấm màn trong suốt được dán chặt vào nhau bằng một loại khoá nhám có thể dùng tay mở ra được. Tôi được chỉ cho cách mở tấm màn nhưng sau đó tôi đẩy nó qua một bên và vào thẳng trong phòng với anh ấy. Cạnh giường có một cái ghế nhỏ. Tình trạng anh  ấy tệ đến độ tôi không dám rời anh nửa bước. Anh gọi tên tôi liên tục: “Lyusya, em ở đâu? Lyusya!”. Cứ thế anh gọi tên tôi. Ở những phòng cách ly khác, nơi mấy người bạn chồng tôi nằm, được chăm sóc bởi những người lính vì nhân viên bệnh viện từ chối không chịu làm, họ đòi phải được trang bị quần áo bảo hộ. Những người lính làm công việc đổ bô vệ sinh, chùi rửa sàn phòng, thay giường. Họ làm hết mọi thứ. Mấy người lính này từ đâu đến? Chúng tôi không hỏi. Mỗi ngày tôi đều nghe cái chữ : Chết. Chết. Tischura chết. Titenok chết. Chết. Giống như có ai cầm búa tạ nện vào não tôi.

Anh ấy đi ngoài từ 25 đến 30 lần mỗi ngày. Chỉ có máu và đờm. Da bắt đầu nứt nẻ ở cánh tay, ở chân. Toàn thân người anh bị sưng tấy. Mỗi khi trở đầu, anh để lại cả nùi tóc trên gối. Tôi nói đùa: “Thật tiện lợi. Anh sẽ không cần dùng đến lược nữa .”. Chẳng bao lâu sau đó, họ quyết định cạo sạch tóc trên đầu anh ấy. Chính tay tôi làm việc đó. Tôi muốn mình có thể làm mọi việc cho chồng. Nếu sức khỏe cho phép chắc tôi sẽ ở bên anh suốt 24 tiếng đồng hồ một ngày. Tôi không thể để mất một giây phút quý báu nào. {Im lặng}. Em trai tôi hoảng sợ khi thấy tôi như vậy, “Em sẽ không để chị vào phòng anh ấy nữa!”. Bố tôi nói: “Con nghĩ là con có thể cản được chị con sao? nó sẽ nhẩy qua cửa sổ, chui cầu thang thoát hiểm để vào!”.

Tôi quay lại bệnh viện, thấy có một trái cam để trên cái bàn nhỏ cạnh giường. Một trái cam lớn, màu hồng tươi. Anh nhìn tôi mỉm cười: “Quà của anh đấy! Em ăn đi!”. Trong lúc ấy người y tá ra dấu qua tấm màn trong suốt để tôi biết là tôi không thể ăn trái cam ấy được. Nó đã ở đó từ khá lâu, nên tôi chẳng những không thể ăn mà còn không nên chạm tay vào. “Nào, ăn đi mà!” Anh bảo, “Em thích cam mà, phải không?”. Tôi cầm lấy trái cam. Vừa lúc ấy, anh nhắm mắt lại và thiếp vào giấc ngủ. Lúc nào người ta cũng chích thuốc để cho anh ấy ngủ. Người y tá nhìn tôi bằng ánh mắt hoảng sợ. Còn tôi? Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn là để anh không nghĩ đến cái chết. Chỉ nội nghĩ đến cái chết của anh cũng đủ khiến tôi sợ hãi. Tôi vẫn còn nhớ đến nội dung những câu chuyện người ta nói với tôi về anh. Có người bảo: “chị phải hiểu rằng cái thân xác nằm đó không còn là chồng chị nữa, không còn là một người thân yêu của chị nữa, mà chỉ là một ổ chứa chất phóng xạ chết người. Chắc chị không muốn tự sát, phải không! Vậy hãy tỉnh táo lại đi!” Nhưng tôi giống như một kẻ mất trí: “Tôi yêu anh ấy! Tôi yêu chồng tôi!”. Anh nằm ngủ, tôi ghé tai thì thào “Em yêu anh!”. Bước đi trong sân bệnh viện, tôi lẩm bẩm “Em yêu anh!”. Thu dọn những vật dụng vệ sinh của chồng, tôi vẫn thầm thì: “Em yêu anh!”. Tôi nhớ đến cuộc sống khi còn ở nhà. Anh ấy chỉ có thể thiếp ngủ sau khi nắm được tay tôi. Đó là một thói quen – cầm tay tôi trong lúc ngủ. Suốt đêm. Vì thế, giờ đây trong bệnh viện, tôi cứ cầm tay anh, không muốn rời.

Một đêm, chung quanh im ắng. Chỉ có hai chúng tôi. Anh ấy nhìn tôi chăm chú rồi bỗng nhiên nói:

“Anh thèm được nhìn thấy con của chúng mình quá. Nó thế nào rồi?”

“Chúng ta sẽ đặt tên con là gì ?”

“Em hãy tự quyết định lấy!”

“Tại sao lại chỉ mình em quyết định, trong khi có cả hai chúng ta?”

“Vậy thì, nếu là con trai, mình sẽ gọi nó Vasya. Nếu là con gái, là Natasha .”

Lúc ấy, tôi không biết mình yêu anh ấy đến chừng nào. Chỉ yêu có anh ấy thôi. Tôi như một người mù. Thậm chí tôi không cảm thấy được tiếng đập thật nhẹ dưới trái tim tôi. Mặc dù tôi đã hoài thai được 6 tháng. Tôi nghĩ đến con tôi trong bụng và tin tưởng nó được bảo vệ chu toàn.

Các bác sĩ không ai biết tôi đã ở lại trong phòng cách ly với chồng mỗi đêm. Mấy người y tá đã để tôi ở lại. Mới đầu họ còn khuyên nhủ: “Chị còn trẻ. Sao lại liều lĩnh như vậy? Anh ta đâu còn là người nữa, mà chỉ là một phản ứng hạt nhân tiết ra chất độc phóng xạ. Rồi sẽ chết chùm cả hai thôi!”. Tôi như con chó chạy lẽo đẽo theo họ. Tôi đứng hàng giờ trước cửa phòng họ, van vỉ, kêu xin. Cuối cùng, họ đành chấp thuận: “Thôi được. Quỷ tha ma bắt chị đi! Chị điên rồi!”. Vào mỗi buổi sáng, trước 8 giờ là giờ các bác sĩ đi đến phòng xem xét bệnh nhân, họ ở bên ngoài tấm màn nhắc tôi: “Ra ngay!”. Thế là tôi về khu tập thể khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ. Rồi từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, tôi lại được phép trở vào bệnh viện. Chân tôi tím xanh phía dưới đầu gối, tím tái và sưng vù, chứng tỏ tôi sắp hoàn toàn kiệt sức.

Khi có tôi trong phòng với anh ấy, không một ai bước vào. Nhưng khi tôi rời phòng, họ vào chụp hình anh ấy. Không một mảnh vải trên người. Trần truồng. Chỉ một mảnh chăn mỏng đắp nhẹ ở trên. Tôi thay tấm chăn mỏng ấy mỗi ngày vì tới cuối ngày nó dính đầy máu. Khi đỡ anh ấy ngồi dậy, một lớp da của anh ấy ở lại trên tay tôi, như bị dán vào. Tôi bảo anh : “Anh ơi giúp em. Lấy tay chống xuống rồi cố nhổm người dậy càng cao càng tốt để em vuốt lại drap giường, kéo cho nó thẳng ra kẻo không mấy nếp nhăn nó làm đau và chẩy máu đấy.” Chỉ một nếp gấp trên tấm drap giường cũng đủ làm rách da. Tôi phải cắt móng tay mình sâu đến độ cấn cả vào thịt bật máu để không vô tình làm chồng bị thương vì nó. Không một y tá nào có thể đến gần anh ấy. Khi cần gì thì họ lại gọi tôi.

Người ta chụp hình anh ấy. Để làm tài liệu khoa học, họ bảo. Tôi đuổi mọi người tránh ra. Tôi la hét với họ. Tôi đấm cả vào người họ. Sao họ lại dám làm việc đó? Anh ấy là của tôi. Chỉ của tôi. Tình yêu của tôi. Nếu như có cách nào tôi có thể ngăn không cho ai được đến gần chồng mình nhỉ?

Tôi rời phòng bước ra hành lang. Tôi đi thẳng đến chỗ có cái ghế dài, như không hề thấy một ai. Tôi bảo người y tá trực : “Anh ấy đang hấp hối!”. Cô y tá trả lời: “Chị còn mong điều gì khác thế xẩy ra cơ chứ? Anh ta nhiễm tới 1600 roentgen (đơn vị x quang). Chỉ cần 400 roentgen là đã đủ chết. Chị sống ngay bên cạnh một lò phản ứng hạt nhân rồi còn gì.” Nhưng anh ấy là tình yêu của tôi. Của tôi.

Khi tất cả các bệnh nhân nhiễm phóng xạ chết, người ta phá huỷ toàn bộ khu bệnh viện nơi điều trị họ. Tường bị phá, sàn nhà bị gỡ lên.

Và rồi – điều cuối cùng xẩy ra. Tôi như nhìn thấy những hình ảnh chớp qua trí nhớ mình. Tất cả đều vỡ vụn.

Đêm ấy tôi ngồi trên cái ghế nhỏ cạnh giường chồng. Vào lúc 8 giờ, tôi bảo anh: “Vasenka, em phải ra ngoài đi bộ một chút.” Anh ấy mở mắt, rồi nhắm lại, dấu hiệu để tôi đi. Tôi vừa về đến khu tập thể, bước vào phòng, nằm vật ngửa ra trên sàn. Tôi không thể nằm trên giường vì nó làm cả thân người tôi đau đớn. Bỗng người quét dọn gõ cửa phòng: “Mau, chạy mau đến với chồng cô. Anh ta đang gào tên cô như người điên kia kìa!”.

Buổi sáng hôm đó Tanya Kibenok năn nỉ tôi: “Đi với em ra nghĩa trang nhé. Em không dám ở đó một mình”. Hôm đó người ta chôn Vitya Kibenok và Volodya Pravik. Những người bạn thiết của chồng tôi. Những người là gia đình của chúng tôi. Vẫn còn bức hình tất cả chúng tôi chụp chung ở trạm cứu hoả từ trước ngày vụ nổ xẩy ra. Những người chồng trông thật đẹp trai. Và sung sướng! Hôm đó là ngày cuối cùng của một cuộc sống. Chúng tôi ai nấy đều rất hạnh phúc.

Từ nghĩa trang trở về tôi hỏi ngay người y tá trực: “Anh ấy thế nào?” “Anh ấy đã chết cách đây 15 phút rồi.”  Cái gì? Tôi ở bên cạnh anh suốt cả đêm. Chỉ vừa rời khỏi có 3 tiếng đồng hồ. Tôi bước lại cửa sổ, kêu lên: “Tại sao? Tại sao?”. Tôi ngước nhìn trời, gào thét. Cả toà nhà bệnh viện có thể nghe được tiếng của tôi. Tất cả đều sợ, không ai dám đến gần tôi. Rồi tôi tỉnh lại: Tôi phải gặp anh ấy một lần nữa. Một lần cuối. Tôi chạy xuống cầu thang. Anh ấy vẫn còn nằm trong phòng cách ly, chưa bị mang đi. Câu nói cuối cùng của anh: “Lyusya!Lyusenka!” “Chị ấy vừa mới chạy đi có chút việc. Sẽ về ngay ấy mà!” Người y tá nói với anh. Anh thở dài rồi im lặng. Sau đó không phút nào tôi rời anh. Tôi theo anh suốt đoạn đường ra nghĩa trang. Mặc dù điều tôi nhớ rõ không phải là cái mồ chôn xác anh, mà là cái túi nhựa. Cái túi nhựa ấy!

Tại nhà quàn, người ta hỏi tôi: “Chị muốn xem bộ trang phục chúng tôi sẽ mặc cho anh ấy không?” Muốn chứ! Họ cho anh mặc quần áo lễ phục, cả mũ kếp . Chân anh sưng to quá nên không thể mặc giầy được. Cả bộ lễ phục cũng bị cắt rạch nhiều chỗ để có thể mặc vào cho anh, mà thực ra có còn là cơ thể một con người đâu, chỉ là những vết thương rỉ máu. Hai ngày cuối cùng của anh ấy ở bệnh viện, mỗi khi tôi nhấc cánh tay anh ấy lên, chỉ nghe thấy tiếng xương cục kịch, đúng hơn là lủng lẳng, vì chúng đâu có còn dính liền với cơ thể nữa. Những mẩu gan, phổi trong người anh trào lên miệng, làm anh nghẹt thở bởi chính những mảnh vụn của cơ thể mình. Tôi bọc tay bằng bandage, rồi thò vào miệng anh lôi ra bằng hết những thứ đó. Không thể nào nói về chuyện đó được. Không thể nào tìm ra chữ mà viết lại trên giấy được. Thậm chí không thể sống sót mà kể lại được. Ôi tình yêu của tôi. Của tôi. Người ta không tìm được đôi giày nào vừa chân anh ấy. Người ta chôn anh ấy với đôi chân trần.

Tôi chứng kiến tận mắt. Xác chồng tôi trong bộ lễ phục, được bỏ vào trong một cái túi giấy bóng kính rồi cột chặt lại. Sau đó, họ bỏ cái túi xác vào một chiếc quan tài bằng gỗ. Rồi chiếc quan tài này lại được cho vào một cái túi khác. Cái túi trong suốt, nhưng rất dầy, giống như cái khăn trải bàn. Cái túi trong suốt này lại được nhét vào chiếc quan tài bằng kẽm. Họ cố nhét cái túi vào. Tất cả trót lọt, chỉ trừ chiếc mũ kếp.

Mọi người đều có mặt. Bố mẹ tôi. Bố mẹ anh ấy. Họ mua những chiếc khăn tay đen ở Moscow. Một Uỷ Ban Đặc Biệt đến gặp chúng tôi. Họ nói với mọi người cùng một điều: Chúng tôi không thể nào giao thi hài chồng con của quý vị, cho quý vị được. Tất cả đã bị nhiễm phóng xạ rất nặng và sẽ được chôn ở nghĩa trang Moscow bằng một thủ tục đặc biệt. Trong những chiếc quan tài kẽm hàn kín, lấp dưới những lớp xi măng. Và quý vị cần phải ký vào những giấy tờ này. Nếu có ai đó tỏ vẻ không bằng lòng, đòi đem quan tài về chôn ở quê nhà, thì người ta bảo họ rằng người chết bây giờ đã là những anh hùng. Vì là anh hùng nên người chết không còn thuộc về gia đình nữa. Những anh hùng dân tộc phải thuộc về dân tộc.

Chúng tôi ngồi trong cỗ xe chở quan tài. Những thân nhân người chết và vài viên chức quân sự. Một vị đại tá và những người lính thuộc cấp. Họ ra lệnh cho đoàn quân: “Hãy ở đó chờ lệnh!” Chúng tôi đi vòng quanh thành phố Moscow, ra khu vực ngoại thành, khoảng hai hay ba tiếng đồng hồ gì đó. Rồi quay lại thành phố lần nữa. Họ bảo đoàn quân đứng chờ: “Không cho bất cứ ai vào nghĩa trang. Chúng ta đang bị tấn công bởi các phóng viên ngoại quốc. Họ vẫn đang tìm cách len lỏi vào đấy!” Mấy người cha mẹ không ai lên tiếng gì. Mẹ tôi có chiếc khăn tay màu đen. Tôi cảm tưởng mình sắp ngất xỉu. “Tại sao người ta phải giấu chồng tôi? Anh ấy phạm tội gì nào? tên sát nhân? kẻ tội phạm? Chúng tôi đang chôn cất ai đây?” Mẹ tôi dỗ dành: “Im đi! Im đi con!”. Bà vỗ nhẹ lên đầu tôi. Viên đại tá ra lệnh: “Tiến vào nghĩa trang thôi. Cô vợ bị kích động quá rồi”. Trong nghĩa trang, chúng tôi bị những người lính bao chung quanh. Có nguyên một đoàn xe quân đội theo sau xe chở quan tài. Không ai được phép vào nghĩa trang ngoại trừ chúng tôi. Họ vùi quan tài dưới đất rất nhanh. “Nhanh lên! Nhanh lên!” Viên chỉ huy ra lệnh. Họ thậm chí không cho tôi được ôm quan tài lần cuối. Và – lên xe bus.  Tất cả đều như rất bí mật.

Sau đó họ mua cho chúng tôi vé máy bay về nhà. Ngay trong ngày hôm sau. Suốt thời gian ở thành phố, lúc nào cũng có một nhân viên quân sự mặc thường phục ở bên chúng tôi. Ông ta không cả cho tôi được ra ngoài để mua thức ăn cho chuyến bay. Không ai được tiếp xúc với người ngoài. Nhất là tôi. Làm như rằng lúc ấy tôi vẫn còn sức để trò chuyện. Tôi khóc còn không được nữa là nói. Chúng tôi vừa bước ra, người phụ nữ trực ở đó đã ngay lập tức đếm những chiếc khăn tắm, những tấm chăn. Bà ta cuộn chúng lại rồi bỏ vào một cái túi ny lông. Có lẽ là đem chúng đi đốt. Chúng tôi tự trả lấy tiền thuê phòng. Cho 14 đêm. Đó là khoảng thời gian cần thiết để cho một người chết đi.

Về đến nhà, tôi lăn ra ngủ thiếp đi. Chỉ bước vào phòng rồi buông mình trên giường. Tôi ngủ 3 ngày liền. Người ta phái đến nhà một chiếc xe cứu thương. Viên bác sĩ bảo: “Không sao đâu! Cô ấy sẽ thức dậy. Chỉ là một giấc ngủ khủng khiếp thôi!”.

Khi ấy, tôi 23 tuổi.

Tôi vẫn còn nhớ giấc mơ mình đã trải qua. Tôi thấy bà ngoại tôi xuất hiện trong bộ quần áo bà mặc khi chết. Bà đang sửa soạn cho cây mừng Năm Mới. “Bà ơi, sao mình lại có cây mừng Năm Mới? Đang là mùa hè mà!” “Bởi vì thằng Vasenka của cháu sắp gặp bà.”.Tôi nhớ một giấc mơ khác – Vasya mặc chiếc áo choàng trắng gọi tên Natasha. Đứa con gái vẫn còn nằm trong bụng mẹ của chúng tôi. Trong giấc mơ, Natasha đã khá lớn. Anh ấy tung con bé lên cao rồi cả hai cùng cười với nhau. Tôi đứng đó, nhìn chồng con và nghĩ rằng đó chính là hạnh phúc – thật đơn sơ. Tôi đang ngủ. Chúng tôi đi dạo dọc theo sông. Cứ thế đi mãi. Có lẽ anh ấy bảo tôi đừng khóc nữa. Từ trên cao, anh ấy ra dấu.

{Sự im lặng kéo dài rất lâu}.

Hai tháng sau tôi lại đi Moscow. Từ ga xe lửa đi thẳng ra nghĩa trang thăm mộ chồng. Ở nghĩa trang, tôi bắt đầu chuyển dạ. Ngay lúc tôi vừa định trò chuyện với anh ấy. Người ta gọi xe cứu thương. Cũng chính là bác sĩ Angela Vasilyevna Guskova đỡ đẻ cho tôi. Trước đó bà ấy bảo tôi: “Chị cần phải đến đây để sinh con.” Tôi sinh sớm hai tuần.

Họ bế đưa bé cho tôi xem. Đó là một bé gái. “Natashenka”. Tôi bảo nó. “Bố con đặt tên con là Natashenka.”. Con bé trông khoẻ mạnh. Đủ tay, chân. Nhưng nó có triệu chứng xơ gan. Trong gan của nó có chứa 28 roentgen đơn vị phóng xạ. Thêm bệnh tim bẩm sinh. Bốn giờ sau đó họ báo cho tôi hay con bé đã chết. Và một lần nữa: chúng tôi không thể giao nó cho chị. Bà có ý gì khi nói bà không thể giao con tôi cho tôi? Chỉ có tôi sẽ không bao giờ đưa nó cho bà! bà muốn dùng nó cho nghiên cứu khoa học ư? Tôi thù ghét khoa học của bà. Tôi hận nó.

{Cô ta  im lặng}.

Tôi cứ mãi nói điều không nên nói chút nào. Điều không nên nói. Tôi không được la hét sau khi bị đột quỵ. Không cả được khóc. Đó là lý do những gì tôi nói đều không đúng. Nhưng tôi sẽ kể cho bà nghe. Không ai biết điều này. Khi người ta mang đến cho tôi chiếc hộp gỗ nhỏ và bảo tôi: “Con bé nằm trong này!” Tôi nhìn kỹ. Xác con tôi đã được thiêu. Bây giờ nó chỉ là những hạt bụi. Tôi nức lên. “Hãy đem con tôi chôn dưới chân bố nó!” Tôi yêu cầu họ.

Ở đó – ở nghĩa trang, không có tên Natasha Ignatenko. Chỉ có tên của anh ấy. Con bé chưa có tên. Nó không có gì hết. Chỉ là một linh hồn. Và tôi đã chôn linh hồn con tôi ở đó. Tôi luôn đến thăm với hai bó hoa: Một cho chồng, và bó hoa kia tôi đặt ở một góc cho con gái tôi. Tôi bò chung quanh ngôi mộ bằng hai đầu gối. Luôn luôn bằng đầu gối. {Cô ta trở nên khó hiểu}. Tôi đã giết con tôi. Tôi. Nó. Cứu. Con gái bé bỏng của tôi đã cứu mạng tôi, nó đã tiếp nhận các chất độc xạ xuyên qua cơ thể tôi. Nó như chiếc kim thu lôi nhận lãnh hết chất xạ X quang. Nó nhỏ bé quá. Nó chỉ là một sinh vật tí hon. {Cô ta trở nên khó thở}. Nó đã cứu mạng tôi . . . nhưng tôi yêu cả hai. Bởi vì – bởi vì bà không thể giết ai đó bằng tình yêu, phải không? Với một tình yêu lớn lao như thế. Tại sao hai thứ này lại đi chung với nhau – Tình yêu và Sự chết. Cùng với nhau. Ai sẽ là người giải thích cho tôi điều này? Tôi bò vòng quanh mộ của chồng và của con.

{Cô ta yên lặng trong một khoảng thời gian rất lâu}.

Ở Kiev, tôi được cấp một căn hộ chung cư. Đó là một khu chung cư lớn, chỗ ở của tất cả những người làm việc tại nhà máy hạt nhân. Căn hộ lớn, có hai phòng, thứ mà tôi và Vasya đã hằng mơ ước. Tôi muốn phát điên trong căn hộ đó.

Rồi dần dà tôi cũng có một người chồng. Tôi kể cho chồng tôi nghe tất cả – toàn bộ sự thật – rằng tôi đã từng có một tình yêu, một tình yêu của cả một đời tôi. Tôi kể hết không sót một điều gì. Chúng tôi gặp nhau, nhưng chưa bao giờ tôi mời anh ấy đến nhà, nơi tôi và Vasya đã sống chung.

Tôi làm trong một tiệm bánh kẹo. Tôi làm bánh mà nước mắt cứ ràn rụa trên má. Tôi không khóc, nhưng sao nước mắt cứ ràn rụa.

Tôi sinh một bé trai, Andre. Andreika. Các bạn tôi cản tôi: “Không nên có con.” Các bác sĩ cũng tìm cách doạ tôi: “Cơ thể chị không thể chịu đựng được việc sinh nở.” Rồi, sau đó – sau đó họ bảo tôi đứa bé thiếu một cánh tay. Cánh tay phải. Máy rọi thai cho biết như vậy. Tôi nghĩ thầm: “thế thì đã sao nào?”. “Tôi sẽ dậy nó viết bằng tay trái.” Nhưng con tôi ra đời bình thường. Một bé trai xinh xắn. Nó đã đi học và học khá giỏi. Bây giờ thì tôi đã có một người nào đó – để sống và thở hơi thở truyền đi từ người ấy. Nó là ánh sáng của đời tôi. Nó hiểu rất chính xác mọi việc. “Mẹ à. Nếu con đi thăm bà ngoại trong hai ngày, liệu mẹ có thở được không?”. Không, tôi không thể. Tôi sợ hãi cái ngày tôi sẽ phải xa nó. Một hôm, chúng tôi đang đi trên phố. Và tôi có cảm tưởng mình sẽ ngã. Đó là cơn đột quỵ đầu tiên.  Ngay trên đường phố. “Mẹ, mẹ muốn uống nước không?”. “Không con. Con cứ đứng ở ngay bên mẹ. Đừng đi đâu cả!” Tôi nắm chặt tay con. Tôi không còn nhớ chuyện gì xẩy ra sau đó. Tôi chỉ thấy mình đang ở bệnh viện. Tôi bấu chặt cánh tay con tôi đến độ các bác sĩ phải khó khăn lắm mới gỡ được tay tôi ra. Cánh tay thằng bé bị tím bầm mất một thời gian. Giờ đây, mỗi khi ra khỏi nhà, con tôi nói lại bảo: “Mẹ à. Mẹ không phải bám chặt lấy tay con đâu. Con sẽ không đi mất đâu mà mẹ lo.”. Nó cũng thường xuyên bệnh hoạn. Cứ hai tuần đến trường lại hai tuần ở nhà với bác sĩ. Chúng tôi sống như thế đó.

{Cô ta đứng dậy, đi về phía cửa sổ.}

Có rất nhiều người như chúng tôi sống ở đây. Cả một khu phố. Có tên gọi là Chernobylskaya. Phố Chernobyl. Những người sống ở khu phố này làm việc tại nhà máy hạt nhân suốt đời họ. Nhiều người vẫn còn đến đó làm việc tạm thời nhưng không còn ai sống ở đó nữa. Họ bị nhiễm bệnh nguy hiểm, họ mắc dị tật, nhưng không ai bỏ việc, họ sợ cả việc nhà máy hạt nhân có thể bị đóng cửa. Liệu họ có thể tìm việc làm ở chỗ nào khác không? Thế nào thì họ cũng sẽ chết sớm. Chỉ trong khoảnh khắc. Cứ thế gục xuống – có người đang đi trên đường, bỗng ngã xuống hoặc có người nằm ngủ, rồi không bao giờ thức dậy nữa. Có người đang mang hoa tặng cho y tá chăm sóc mình thì  bỗng tim ngừng đập. Bao nhiêu người đã chết như thế nhưng không một ai thực sự hỏi han chúng tôi. Không ai muốn biết về những gì chúng tôi đã trải qua như thế nào, chúng tôi nhìn thấy điều gì. Không ai muốn nghe nói về cái chết. Về cái điều làm họ hoảng sợ.

Nhưng tôi đang kể về tình yêu. Về tình yêu của tôi. .  .

 Ludmilla Ignatenko

Vợ người lính cứu hỏa quá cố Vasily Ignatenko

 *“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

 

Về lại MỤC LỤC

 

Bình Luận từ Facebook