Bản tin tối 29-1-2018

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo viết: Xét về Chủ Quyền Quần Đảo Tây Sa do Chính Phủ Trung Hoa Dân Quốc Nêu trong Sách Nam Hải Chư Đảo Địa Lý Chí Lược, để phản biện sách “Nam Hải chư đảo địa lý chí lược” của Trịnh Tư Ước, được bộ nội chính Trung Hoa Dân Quốc xuất bản vào tháng 11 năm 1947, là “sách đầu tiên nhắm dành chủ quyền trên Biển Đông và Hoa đông”.

Trong bài có đoạn: “Thuỷ sư đề đốc Lý Chuẩn, dưới sự chỉ đạo của Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn; lợi dụng tình trạng Việt Nam trong vòng đô hộ Pháp lúc bấy giờ không có quân đóng tại Hoàng Sa, bèn vào năm Quang Tự thứ 33 [1907] mang các tàu như Phục Ba, Sâm Hàng đến đảo Hoàng Sa để dành chủ quyền”.

Báo Giáo Dục Việt Nam bàn về tâm sự một Việt kiều đau đáu hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Bài viết dẫn lời kĩ sư cơ khí hàng không Trần Thắng, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ, chia sẻ: “Tôi quyết định đi sưu tập bản đồ để có thêm bằng chứng và tư liệu bổ sung về cơ sở pháp lý khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam… Tôi luôn có cảm giác mất mát về tinh thần, khi chủ quyền bị tổn hại… Chúng ta nên ghi ơn những người đã bảo vệ Hoàng Sa, không kể ở chế độ nào”.

Ông Thắng nói thêm: “Ở hải ngoại, tôi đã từng gửi thư cho Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Hoa Kỳ để giới thiệu cho họ những tư liệu về Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam”.

Kĩ sư Trần Trắng trong buổi trao tấm bản đồ cuối cùng trong bộ sưu tập của mình cho Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng. Ảnh do tác giả cung cấp cho báo GDVN

Mời đọc lại: Huyền thoại về người Việt đầu tiên cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa (PLVN). – Vua Minh Mạng và việc xác lập chủ quyền ở Trường Sa, Hoàng Sa (Zing). – Triển lãm chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa tại Sóc Trăng (VNN).

Dân oan Việt Nam

Một người tù oan là ông Mưu Quý Sường, ở tỉnh Bắc Giang, đã mòn mỏi kêu oan và đã ôm nỗi oan xuống mồ. Năm năm sau khi ông qua đời, hôm nay công an tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai ông Sường: Xin lỗi người tù oan 47 năm mang tội giết vợ, báo Pháp Luật TPHCM đưa tin.

Bài báo cho biết thêm: “Ông Sường là người bị oan sai trong một vụ án hi hữu. Ông phải ngồi tù 11 năm, mang thân phận bị can ròng rã 36 năm vì bị cáo buộc sát hại chính vợ của mình. Buổi xin lỗi dự kiến sẽ diễn ra vào 14 giờ chiều nay, tại trụ sở UBND xã Trù Hựu“.

Chuyện về cụ bà dân oan… gần trăm tuổi ở Hà Nội: Cụ bà 97 tuổi với hành trình đi đòi nhà qua hai thập kỷ, theo báo Pháp Luật Plus. Bài viết dẫn lời cụ Trần Thị Chính chia sẻ về hành trình đòi quyền sở hữu số nhà 15A Thuốc Bắc, rằng: “Đã 20 năm, tôi gửi đơn tới cơ quan chức năng giúp tôi, đòi lại căn nhà số 15A phố Thuốc Bắc mà tôi đã mua từ 1949. Bởi lẽ, đây là nhà của tôi và người tôi cho ở nhờ đều đã chết hết (cụ Khanh, cụ Mai, người ở nhờ đã mất)”.

“Nghiệp vụ” của tòa án Việt Nam: “Ngày 22/01/2015, TAND tối cao tại Hà Nội lại có bản án số 07/2015/DS-PT… Điều đáng nói là cụ Nguyễn Ngọc Khanh, người ở nhờ và đã mất từ 2004, nay chủ tọa phiên tòa quyết định; Thu nhà của người sống (là chủ sở hữu) chia cho người chết (là người ở nhờ)”.

 Cụ Trần Thị Chính và lá đơn kêu cứu gửi tới Tòa soạn Phapluatplus.vn.
Cụ Trần Thị Chính và lá đơn kêu cứu gửi tới Tòa soạn Phapluatplus.vn. Ảnh: PLP

Báo Người Lao Động đưa tin: Một gia đình có 8 người bị giam oan. Tác giả trích lời ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, kể rằng: “Tháng 7/1979, ông từ chiến trường Campuchia về nước kết hợp thăm gia đình. Được ít ngày, ông Dũng bị lực lượng chức năng xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) bắt vì nghi cướp tài sản”.

“Nghiệp vụ” của công an “nhân dân” Việt Nam: “Sau khi bị đưa về công an huyện và bị dùng nhục hình buộc phải nhận tội…, cơ quan điều tra lại bắt tiếp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (chị ông Dũng), Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến) cùng Nguyễn Thị Kim Chung (con ông Chiến, lúc đó được 2,5 tháng tuổi), Võ Thị Thương (vợ ông Nghị) và cũng dùng nhục hình buộc họ phải nhận có cất giấu tài sản cướp được”.

Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với phóng viên Báo Người Lao Động. Ảnh: báo NLĐ

Quan hệ Việt – Mỹ

“Đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, để rồi bây giờ Việt Nam xin ngân hàng Mỹ cứu dự án nhiệt điện, theo báo Người Việt. Theo bài viết, dự án nhiệt điện Long Phú 1 “dự trù phát điện từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn còn xây dựng dở dang vì thiếu vốn, dù đã có ngân hàng Nga tài trợ một phần. Nay có tin Hà Nội đang cần cả ngân hàng Mỹ tiếp tay”.

Tác giả dẫn tin từ báo New York Times cho biết: “Ngày 26 Tháng Giêng, 2018, chủ đầu tư nhiệt điện Long Phú 1 tức PVN đã nộp đơn xin Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu của chính phủ Mỹ (Export-Import Bank of the United States) tài trợ cho dự án nói trên. Nếu được chấp thuận, người thọ thuế của Mỹ sẽ chịu trách nhiệm cho số tiền hàng trăm triệu đô la để mua máy móc và các trang thiết bị cho nhà máy do hãng General Electric chế tạo”.

Phối cảnh trung tâm Điện lực Long Phú. Ảnh: PVN/NV

Mời đọc thêm: Mỹ có thể giao thêm tàu tuần duyên cho Việt Nam (NV).

Nỗ lực “kiểm soát quyền lực” trong thể chế toàn trị

Báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề: Kiểm soát quyền lực bằng quyền lực. Bài viết thừa nhận nhưng không phê phán chuyện “quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có đề cập hình thức khai trừ nếu đảng viên ‘đòi thực hiện thể chế tam quyền phân lập’. Sự phân công, phối hợp, kiểm soát khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở nước ta không phải là thể chế ‘tam quyền phân lập’.”

Tác giả cho rằng, biện pháp “dùng các nhóm lợi ích để giám sát lẫn nhau cũng là một phương thức các nước áp dụng để giám sát quyền lực” mà không hiểu rằng “các nước khác” làm được vậy vì thể chế của họ là đa nguyên, đa đảng.

Thông Tấn Xã Việt Nam có bài: Khẩn trương xây dựng cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng. Theo bài viết, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng: “Cần có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực thật hiệu quả. Chính phủ phải tăng cường chức năng của thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và tự kiểm tra”. Ông Bình không bàn về khả năng chính các cơ quan thanh tra, kiểm tra có sai phạm.

Mời đọc thêm: Kiểm soát quyền lực trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” (TCXDĐ). – Cần cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu (HNM). – Ông Phạm Thế Duyệt: “Xử lý cán bộ, phải tự thấy rằng hôm qua ai đã đưa họ lên” (DT).

Các “đại án” và sự bất ổn ở hệ thống ngân hàng Việt Nam

Trang Biz Live đưa tin: Phong tỏa hàng loạt cổ phiếu của bị can Hứa Thị Phấn và đồng phạm. Thông tin từ bản kết luận điều tra ngày 10/1/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công An cho biết: Bà Phấn “đã lợi dụng việc nắm giữ lượng vốn lớn, thao túng mọi hoạt động của HĐQT, Ban điều hành của Ngân hàng Đại Tín, rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỷ của Ngân hàng Đại Tín. Việc chiếm đoạt số tiền thông qua 5 hành vi phạm tội”.

Theo đó, cơ quan điều tra đã quyết định phong tỏa hàng loạt cổ phiếu chứng khoán của bị can Hứa Thị Phấn và các đồng phạm của bà Phấn trong vụ rút ruột ngân hàng TrustBank, gồm bị can Ngô Kim Huệ, bị can Bùi Thị Kim Loan, bị can Nguyễn Kim Thanh, bị can Hứa Thị Bích Hạnh, bị can Hứa Xường, bị can Trần Sơn Nam.

Phong tỏa hàng loạt cổ phiếu vụ Hứa Thị Phấn gây thiệt hại hơn 12.000 tỷ
Hàng chục cổ phần, cổ phiếu liên qua bị can Hứa Thị Phấn bị cơ quan CSĐT Bộ Công an phong tỏa. Ảnh: Biz Live

Khi phiên xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 được bắt đầu hôm 8/1/2018, bà Hứa Thị Phấn là một trong số các “đại gia” được triệu tập tới tòa, theo báo Người Lao Động. Tuy nhiên, bà Phấn đã vắng mặt trong suốt hơn 3 tuần tòa xử đại án kinh tế ở VNCB, với lý do bệnh nặng, đến mức mất khả năng di chuyển.

Tuần trước, VietNamNet có bài phân tích về vai trò của bà Hứa Thị Phấn trong vụ án VNCB. Theo đó, bà Phấn đã cố tình rút ruột ngân hàng TrustBank trước khi ông Phạm Công Danh tiếp nhận ngân hàng này, hậu quả là phản ứng dây chuyền dẫn tới sự sụp đổ của Ngân hàng VNCB, khiến NHNN phải mua lại VNCB với giá 0 đồng. Tuy nhiên, hệ lụy từ vụ này vẫn còn kéo dài đến nay, và đang đe dọa ít nhất 3 ngân hàng là Sacombank, BIDV và TPBank.

Trang An Ninh Thủ Đô đưa tin: Ngân hàng Nhà nước đốc thúc các ngân hàng xử lý nợ xấu. Theo đó, “NHNN yêu cầu các ngân hàng triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 trong toàn hệ thống, chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể nhằm nhận diện đầy đủ tình trạng nợ xấu. Đặc biệt với các khoản nợ xấu lớn, các ngân hàng phải đánh giá xem tài sản đảm bảo cho các khoản vay này có khả năng thu hồi hay không”.

Bài báo cho biết thêm: “Kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế; quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua 0 đồng chậm”.

Tháng 10/2017, báo Pháp Luật TPHCM có bài: Sau khi được mua lại 0 đồng, cả 3 ngân hàng vẫn lỗ nặng, bàn về tác động của nợ xấu đối với ngân hàng ở Việt Nam. Theo bài viết này, “kết quả tái cơ cấu lại ba ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua giá 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đều không mấy khả quan”. Nghĩa là đã có ít nhất 3 ngân hàng ở Việt Nam đáng ra phải phá sản vì nợ xấu.

Hiện tòa án Việt Nam vẫn đang xử một loạt lãnh đạo và “đại gia” liên quan đến sai phạm ở VNCB và OceanBank. Phiên xử ông Phạm Công Danh, Trầm Bê và những đồng phạm ở VNCB đã kéo dài tới tuần thứ 4. Giai đoạn thứ 2 của vụ án OceanBank được khởi động bằng vụ bắt ông Nguyễn Ngọc Sự, cựu lãnh đạo Vinashin, đồng thời kết nối với “phiên tòa lịch sử” do sai phạm của ông Đinh La Thăng trong vụ góp vốn làm thất thoát 800 tỷ đồng ở OceanBank.

Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin về vụ thiếu trách nhiệm gây thất thoát hàng tỉ đồng tại Chi nhánh NHNN tỉnh Hưng Yên. Bài viết cho biết, tháng 7/2015, trong quá trình bàn giao “tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho NHNN”, xuất hiện một bó tiền “thiếu 33 tờ, tương đương 16,5 triệu đồng”. Sau đó, “NHNN Chi nhánh tỉnh Hưng Yên tiếp tục cho kiểm đếm 194 tỉ đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông… thì phát hiện thiếu 523.900.000 đồng”.

Tác giả cho biết thêm: “NHNN đã điều chuyển 1.408 tỉ đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông đã thu nhận từ các ngân hàng thương mại tỉnh Hưng Yên về cho NHNN Chi nhánh tỉnh Hưng Yên kiểm đếm lại. Sau quá trình kiểm đếm, số tiền bị thiếu lên tới gần 1,4 tỉ đồng”.

Báo Thanh Niên bàn về vụ thất thoát hơn 304 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ: Hoàn tất điều tra bổ sung. Thông tin từ Công an TP Cần Thơ cho biết: Cơ quan ANĐT đã “chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố  3 cựu lãnh đạo của Agribank Cần Thơ”. Theo đó, “hành vi phạm tội của Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Bùi Tuấn Anh, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt đã gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam tổng số tiền  trên 304 tỉ  đồng”.

RFI có bài: Moody’s: Việt Nam không nên nới lỏng chính sách tiền tệ. Bài báo dẫn tin từ hãng thông tấn Bloomberg cho biết: “Moody’s vừa cảnh báo Việt Nam là không nên nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ”. Bởi vì “một chính sách dễ dãi hơn có nguy cơ tác hại đến ổn định kinh tế vĩ mô, trong lúc tăng trưởng tín dụng nhanh có thể đe dọa các ngân hàng”.

Mời đọc thêm: Phong tỏa hàng loạt cổ phiếu của bị can Hứa Thị Phấn và đồng phạm. – Cựu giám đốc công ty Tây Nam bị điều tra thêm tội lừa đảo (Zing). – Tình tiết bất ngờ vụ bắt nguyên GĐ thuỷ sản ở miền Tây (KT). – Cựu giám đốc gây thiệt hại cho Agribank hơn 300 tỉ đồng (NLĐ). – Bắt nghi phạm cướp 1,1 tỷ đồng tại ngân hàng Agribank Bắc Giang (VTV). – Bất ngờ nhân thân kẻ cướp ngân hàng Agribank ở Bắc Giang (ĐV). – Hàng chục doanh nghiệp mất tích, nợ thuế tiền tỷ (BNA). – Ngân hàng ngoại quốc rút vốn khỏi Việt Nam vì bất ổn chính trị? (VNTB).

Tuần thứ 4 của phiên xử vụ án VNCB

Trong phiên xử sáng nay của vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, LS Trần Minh Hải lưu ý nghịch lý mới trong vụ án này: “Đó là CB được xác định bị hại, thì lại được hưởng lợi kép”, theo trang Việt Nam Mới. LS Hải giải thích: “Bởi khoản 4.500 tỷ vay nằm trong thiệt hại 6.126 tỷ, CB đã thu 4.500 tỷ rồi, hòa vào dòng tiền chung rôi, giờ yêu cầu thu hồi 6.126 tỷ nữa là CB được hưởng lợi kép”.

Báo Pháp Luật TPHCM bàn về “nút thắt quan trọng” của đại án ngân hàng VNCB. Theo LS bào chữa cho ông Phạm Công Danh, “VKS chưa đối đáp rõ về khoản tiền 4.500 tỉ đồng… là khoản tiền rất sát sao với khoản tiền Phạm Công Danh vay nợ BIDV. Nếu như không xem xét khoản tiền tăng vốn cho ông Danh thì một loạt vấn đề khúc mắc trong vụ án sẽ không thể được làm rõ vì sẽ không biết ai là người bị thiệt hại trong vụ án này”.

Đây là 'nút thắt quan trọng' của đại án ngân hàng - ảnh 1
Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh: PLTP

Đến phiên xử chiều nay, LS trình bày 60 tài liệu về các hoạt động xã hội của ông Trầm Bê, trang Việt Nam Mới đưa tin. Theo đó, Phạm Trung “thay mặt gia đình bị cáo Trầm Bê nộp 60 tài liệu về các hoạt động xã hội của ông Trầm Bê gồm nhiều bằng khen, giấy chứng nhận” rằng ông Trầm Bê có nhiều hoạt động từ thiện, để HĐXX lưu ý tình tiết giảm nhẹ.

Về vấn đề trách nhiệm của ngân hàng BIDV trong đại án VNCB, LS Nguyễn Huy Thiệp phân tích: “Giao dịch cho 12 công ty do VNCB giới thiệu vay về quá trình cho vay, nhận bảo đảm và thu hồi vốn vay BIDV không làm trái pháp luật… bị cáo Phạm Công Danh và các bị cáo tại VNCB đã thừa nhận hành vi làm trái và không liên quan đến nhân viên các ngân hàng. Do đó, không thể quy kết tội đối với các cán bộ của BIDV”.

Mời đọc thêm: Xét xử giai đoạn 2 “đại án” VNCB: 4 ngân hàng “tranh cãi” số tiền 6.126 tỷ đồng (KTĐT). – Đại án VNCB: Phạm Công Danh đòi CB Bank trả lại 4.500 tỉ đồng (TN). – Đại án Phạm Công Danh: Luật sư đề nghị ‘cởi nút thắt’ 4.500 tỷ (VNN). – Luật sư của Phạm Công Danh: 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ là nút thắt quan trọng của vụ án (ANTT). – Luật sư nói Trầm Bê, Phan Huy Khang không đáng bị tội (PLTP).

Chính quyền các địa phương tiếp tay đá, cát tặc

Chuyện lạ ở Kon Tum: Vụ “đá tặc” hoành hành ở Kon Tum: Tang vật đã biến mất, theo báo Dân Việt. Thông tin từ báo cáo của UBND xã Hòa Bình, TP. Kon Tum, cho biết: “Đoàn kiểm tra gồm UBND xã, Phòng Tài nguyên – Môi trường TP.Kon Tum đã tổ chức kiểm tra tại tiểu khu 571 và phát hiện có một vị trí khai thác cát, một vị trí khai thác đá trái phép”, với một số tang vật là các thiết bị được sử dụng để khai thác cát, đá.

Tuy nhiên, “đến sáng ngày 9/1/2018 và 10/1/2018 khi đoàn kiểm tra tiếp tục lên hiện trường để kiểm tra, xử lý thì các phương tiện, tang vật đã được di chuyển ra khỏi hiện trường”. Ông Phạm Phước, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, kể: “Khi chúng tôi tới hiện trường xác nhận, thì đúng như báo chí đã phản ánh, nhưng do vị trí cao và trời tối nên đoàn đã về”.

Như vậy, “trời tối” chính là… thủ phạm đã giúp đá, cát tặc di chuyển tang vật. Dù các cán bộ đã rời khỏi hiện trường ngay lúc đó và không để ý gì đến chuyện thu giữ, hoặc ít nhất là canh chừng tang vật, họ vẫn… không có trách nhiệm gì.

Trong báo cáo của UBND xã Hòa Bình thừa nhận có các máy móc, nhưng chỉ trong một đêm máy móc đã biến mất. Ảnh: DV

Ngày 12/1/2018, báo Dân Việt đã đưa tin: “Đá tặc” mở khai trường vùng giáp ranh, lãnh đạo xã không hay biết. Bài báo cho biết: “Hàng ngày, những chiếc máy múc, máy hút cát, máy hơi khoan đá ngang nhiên khai thác đá, cát tại khu vực giáp ranh giữa xã Ia Phí (huyện Chư Păh, Gia Lai) và làng Plei Chor (xã Hòa Bình, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum)”. Ông Phạm Phước, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, vẫn khẳng định: “Bãi đá này thì chúng tôi chưa biết”.

Báo Giáo Dục Việt Nam bàn về “quan hệ” giữa cán bộ và cát tặc: Bỏ mặc khai thác khoáng sản trái phép, chỉ đạo cho thi tuyển viên chức trái luật. Bài báo cho biết: “Tháng 11/2015, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng mới phê duyệt phương án chống sạt lở với tổng mức đầu tư hơn 11,8 tỷ đồng vốn ngân sách, đồng thời có văn bản cấm ‘vận chuyển đất, đá ra khỏi khu vực chống sạt để bán’.”

Tuy nhiên, “trước đó núi Phướn đã biến thành khu vực khai thác đất đá san lấp quy mô lớn, máy xúc, xe ben rầm rập hoạt động. Công trình chống trượt không thấy đâu, chỉ thấy các phương tiện máy móc hối hả đào bới mang theo đất đá từ núi Phướn đi san lấp khắp nơi”.

Lấy cớ chống sạt, huyện An Lão đã biến núi Phướn thành công trường khai thác đất đá trái phép. Ảnh: GDVN

Mời đọc thêm: Tang vật bất ngờ ‘biến mất’, chủ sai phạm ‘lặn tăm’ !? (GĐ&PL). Mời đọc lại: Gia Lai: “Đá tặc” ngay gần trụ sở, UBND xã còn bận nhiều việc (DV).

Chuyện “trồng người” ở Việt Nam

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Tổng chủ biên, chủ biên môn tích hợp Lịch sử và Địa lý có giảng nổi chủ đề này?. Thầy giáo Nhật Duy chia sẻ: “Chúng tôi đã đọc dự thảo chương trình môn học ‘tích hợp’ mới Lịch sử và Địa lí, rồi so sánh với chương trình môn học hiện hành được thể hiện trong Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo… và thấy cả 3 chủ đề ‘tích hợp’ đầu tiên không hề có gì mới”.

Về “chủ đề 4: Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam (lớp 8-9)”, tác giả nhận định rằng: “Việc phân chia các vùng biển ở đây không còn là địa lý, mà là việc ứng dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 vào Biển Đông, tức là khoa học pháp lý chứ không phải địa lý. Như vậy, trước hết thầy và trò phải nắm được “hệ tọa độ”, “hệ quy chiếu pháp lý” là các văn bản luật quốc tế cực kỳ phức tạp, chuyên sâu”.

Báo Pháp Luật Việt Nam có bài: ‘Cánh tay’ nào kéo trẻ em khỏi ‘thủy thần’?  Bài viết đặt câu hỏi: “Nguy cơ đuối nước cao ở các vùng nghèo và khu vực vùng sâu, vùng xa cũng cho thấy sự chưa bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội của trẻ em. Làm gì để khắc phục điểm yếu này?”

Bàn về “nguyên nhân tỷ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam cao” trong Hội thảo về chương trình phòng chống đuối nước trẻ em ngày 23/1, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan đổ thừa cho… “hệ thống sông ngòi phức tạp” của Việt Nam. “Sông ngòi” mới là thủ phạm chứ chương trình giáo dục thừa lý thuyết, thiếu thực hành ở Việt Nam không liên quan gì!?

Mời đọc thêm: Chương trình GDPT mới: Tin học là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 (DT). – Giáo sư Đinh Quang Báo không đồng tình việc đốt bằng tốt nghiệp (GDVN). – Đại học tư thục có nên là doanh nghiệp? (HNM). – Tạo cơ chế bình đẳng hệ thống đại học (SGGP). – Sách giáo khoa môn Sinh học mới cần được thiết kế khoa học, sinh động (VOV). – Công bố sai phạm tại trường THPT có hiệu trưởng bị tố cáo (Zing).

Chuyện cán bộ

Báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin: Cán bộ Cảng Hà Nội gọi dân là… Chí Phèo. Bài báo cho biết: “Cảng Hà Nội đặt chướng ngại chắn lối đi của hàng trăm hộ dân tổ dân phố 12D, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự tại địa bàn”.

Ông Trịnh Ngọc Thắng, phụ trách kinh doanh Cảng Hà Nội cho rằng: “Đất của Cảng được giao thì thuộc “chủ quyền” của Cảng Hà Nội, cũng giống như chuyện ông đi xây tường bao đấy. Ông cứ để thông thống ra thế, họ lấn của mình ngay. Dân ở đó kinh lắm! Bây giờ người dân cứ làm theo kiểu Chí Phèo, hơi tí là ầm ầm lên. Làm gì cũng phải có pháp luật”. Tuy nhiên, theo bài viết, ông Thắng không nêu được căn cứ pháp luật nào chứng minh tính khả tín của chuyện đặt chướng ngại chặn đường dân.

Ông Trịnh Ngọc Thắng, phụ trách kinh doanh Cảng Hà Nội. Ảnh: GDVN

Mời đọc thêm: Thượng úy Công an khởi kiện thêm Tổ trưởng dân phố (GDVN). – Công an viên bị đánh dã man khi nhắc nhở dừng đánh bài ăn tiền (DV)

***

Thêm một số tin trong nước: Hà Nội: Hàng nghìn lao động đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi nhà máy bị buộc di dời (TCMT). – Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt: ‘Khải silk chưa là gì’ (TT). – Phát hiện nhóm người Trung Quốc kinh doanh du lịch ‘chui’ ở Nha Trang (Zing). – Phiên tòa vụ Trịnh Xuân Thanh: 3 ngày xét xử có nhiều tình tiết lạ (DV). – Thứ trưởng Bộ Công an: Tiếp tục làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT (LĐ). – Hội An xin lỗi khách nước ngoài bị đánh thương tích (VOV). – Ông Nguyễn Sự trả lời mẹ khách Tây bị đánh (ĐV).

Tin quốc tế

Tin nước Mỹ

SBTN dẫn nguồn từ Reuters cho hay: Ba cuộc biểu tình chống Trump nhập một tuần hành qua thủ đô Washington. Những người biểu tình ở 3 sự kiện chống TT Trump khác nhau đã hòa nhập thành 1 đoàn, để phản đối hàng loạt chính sách, từ quyền dân sự cho tới di trú, của chính quyền ông Trump.

Những người biểu tình đòi phế truất TT Trump, chỉ trích các chính sách nhập cư, y tế và quan điểm phân biệt chủng tộc của ông ta. Nhiều người trong đoàn biểu tình còn lên án và cáo buộc những phát biểu gần đây của Trump gây chia rẽ, kỳ thị chủng tộc khi ông ta gọi một số quốc gia là “hố phân”.

Bên lề WEF ở Davos 2018, TT Donald Trump than phiền thương mại EU ‘bất công’. Ông Trump đã “kêu ca” là vấn đề thương mại Mỹ với EU đang khiến Mỹ gặp nhiều bất công. Lời than phiền này được Trump đưa ra, khi ông có cuộc nói chuyện với kênh truyền hình ITV của Anh, sau khi TT Mỹ đưa thông điệp “Nước Mỹ trên hết” đến WEF.

Ông Trump nói: “…họ (EU) vẫn bán sản phẩm cho chúng tôi. Không thuế, rất ít thuế. Rất không công bằng. Song nhân tiện, EU không phải là yếu tố duy nhất. Tôi có thể nhắc đến nhiều quốc gia cũng làm tương tự. Song Liên minh châu Âu đã rất, rất không công bằng với Mỹ“. Phát biểu này của TT Trump đưa ra trong lúc căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Canada, Hàn Quốc và Trung Quốc đang lên cao, do Mỹ áp thuế cao với một số mặt hàng của các quốc gia đó.

BBC có bài: Ứng dụng theo dõi sức khỏe làm lộ căn cứ quân sự. Theo đó, ứng dụng theo dõi sức khỏe mang tên Strava, đã vô tình vẽ lại bản đồ căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria và Afghanistan. Ứng dụng trực tuyến này đánh dấu bản đồ nhiệt của các binh sĩ, khi họ di chuyển trong căn cứ, điều này sẽ tiết lộ gần như toàn bộ nơi các binh sẽ đóng quân. Theo BBC, quân đội Hoa Kỳ đang kiểm tra bản đồ này.

Mời đọc thêm: Tổng thống Donald Trump “cô đơn” trong kế hoạch Iran (ANTG). – 5 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại tiệm rửa xe ở Pennsylvania (SBTN).

Quan hệ Mỹ và các nước

Báo Đất Việt có bài: Nga tố Mỹ gây bất ổn cho thế giới. Theo đó, những phân tích mới đây của hãng tin Sputnik, Nga cho rằng: “Mỹ không còn là nguồn hy vọng giải quyết các vấn đề cơ bản của nhân loại, ngược lại còn bị coi là nguồn gốc chính của những vấn đề này“.

Theo bài phân tích, từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, vị thế của Mỹ đã giảm đi nghiêm trọng. Tỷ lệ ủng hộ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ ở hầu hết các nước, đều giảm. Từ những đồng minh thân cận, những nước trung dung hay các nước thù ghét Mỹ, tất cả đều đánh giá thấp vai trò của nước Mỹ trong các vấn đề chung của nhân loại.

Có được “thành tích” thảm hại này, có lẽ người Mỹ sẽ rất “nhớ ơn” năm cầm quyền đầu tiên thảm hại của TT Trump. Ông Ender Helvacioglu, nhà quan sát chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: “Tóm lại, có thể nói rằng, chính quyền của đế quốc Mỹ là vấn đề lớn nhất của toàn thế giới, và số người nhận thức được điều đó ngày càng nhiều hơn trên thế giới“.

Trang Tổ Quốc có bài: “Nóng” nguồn cung vũ khí từ Nga, Trung cho Pakistan. Pakistan đã “đáp trả” hành động rút viện trợ của Mỹ gần đây, bằng cách ngả vào vòng tay Trung Quốc và Nga. Quân đội Islamabad đang quay sang tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ Moscow và Bắc Kinh. Pakistan cũng đang tìm kiếm sự “nương tựa” vào 2 quốc gia đang rất muốn phá liên minh Washington – Islamabad là Nga và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan, ông Khurram Dastgir Khan, cho biết: “Thực tế chúng tôi đang thay đổi, hướng tới quan hệ tốt hơn với Nga, làm sâu sắc hơn quan hệ với Trung Quốc, là cách đáp trả những gì Mỹ đang làm“. Trước đó, Pakistan đã rất tức giận với phát biểu của Trump khi cho rằng, Islamabad đã nhận hàng tỷ Mỹ kim viện trợ, nhưng nước Mỹ chỉ nhận lại “lừa dối và dối trá“.

Mời đọc thêm: Mỹ khai thác dầu kỉ lục, Nga-OPEC lao đao đối phó (ĐV). – Quân sự Nga – Trung không đe dọa Australia (TQ). – Cố vấn Trump xem xét dùng mạng 5G để chống gián điệp TQ (Zing).

Bá quyền Trung Quốc

Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài phân tích: Chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc. Với dự án “Vành đai – Con đường” mà Trung Quốc đang ra sức đẩy mạnh quảng bá, triển khai, nhiều nước đang dần trở thành con nợ lớn của Trung Quốc. Hậu quả là, các nước này sẽ phải “bán mình” cho Bắc Kinh.

Sri Lanka là một ví dụ điển hình của kiểu làm ăn và chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc. Mới đây, quốc gia Nam Á này đã phải gán nợ cảng tốt nhất Hambantota cho Bắc Kinh trong thời hạn 99 năm. Với cách làm: Cho vay nợ, thế chấp bằng tài nguyên, dự án phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và thiết bị của Trung Quốc. Sau đó, bằng các “thủ thuật bẩn” như: đòi tăng vốn, chậm tiến độ…, Bắc Kinh đang biến các nước này thành con nợ không thể trả. Bán tài nguyên, bán chủ quyền đất nước là điều phải làm để gán nợ cho Bắc Kinh.

Bài viết có đoạn: “Gần đây ngày càng có nhiều quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc: vì không trả được nợ mà phải nhượng đất nhượng biển, hoặc làm theo những yêu cầu chính trị và ngoại giao của Bắc Kinh“. Những thông tin này không biết các nhà lãnh đạo Việt Nam có nghĩ đến các dự án vay vốn Trung Quốc của chúng ta hiện nay không?

Tình hình Bắc Hàn

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, ông Song Young-moo cảnh báo: ‘Triều Tiên sẽ bị xóa sổ nếu dùng vũ khí hạt nhân’. Lời phát biểu trên của ông Song đưa ra tại một hội thảo an ninh ở Singapore ngày 29/1. Bộ trưởng Song nói thêm, các đe dọa tấn công hạt nhân của lãnh đạo Kim Jong-un chỉ là chiến lược “tuyên truyền”.

Hãng tin Yonhap trích lời phát biểu của ông Song Young-moo: “Chính quyền Triều Tiên chắc chắn sẽ biến khỏi bản đồ thế giới nếu sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Hàn Quốc và Mỹ. Ý tưởng Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân để hợp nhất hai miền đã quá lỗi thời“. Thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại khi Bắc Hàn liên tục đưa ra  lời đe dọa tấn công Mỹ hay “giải phóng Seoul” bằng vũ khí hạt nhân.

Mời đọc thêm: Dịch cúm bùng phát, Triều Tiên xin viện trợ nhân đạo (NLĐ).

Tin Trung ĐôngNguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng cuộc tấn công vào Syria (LĐ). – Tấn công Syria, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ chạm đáy căng thẳng (VOV). – Thổ Nhĩ Kỳ lấn tới ở Syria (NLĐ). – Cơ cấu tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi (TTXVN).

***

Các tin quốc tế khácHọc viện quân sự tại Kabul bị tấn công, hơn 10 người thương vong (TTXVN). – Thủ đô Afghanistan rung chuyển vì hàng loạt vụ nổ mới  —  Navalny – đối thủ của Tổng thống Putin vừa được thả sau ngày biểu tình (VOV). – Paris tiếp tục báo động lụt: 1,000 người phải di tản (NV). – Campuchia buộc tội 10 người nước ngoài chụp ảnh khiêu dâm (BBC).

Bình Luận từ Facebook