Nguyễn Đình Cống
23-1-2018
Ngày 19/1/2018, tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng đảng, TBT đã phát biểu chỉ đạo, trong đó có ý: “Công tác tổ chức cán bộ là then chốt của then chốt”. Ông cũng cho rằng: “Công tác tổ chức xây dựng đảng là lĩnh vực cực kỳ quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp”.
Quan trọng thì rõ rồi, còn khó khăn phức tạp thể hiện như thế nào. Xin thưa: Đảng ra hết nghị quyết hoặc quyết định này đến nghị quyết hoặc quyết định kia, tổ chức hết phong trào hoặc hội nghị này đến phong trào hoặc hội nghị khác, hết học tập đạo đức Hồ Chí Minh lại xiết chặt kỷ luật bằng 19 điều cấm và QĐ 102 về thi hành kỷ luật, rồi QĐ 105 về cán bộ v.v…, thế mà chất lượng cán bộ ngày càng giảm sút, then chốt ngày càng mục nát.
Tại sao vậy? Tại vì thiếu trí tuệ nên chỉ mới thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, chỉ thấy ngọn mà không thấy gốc của vấn đề, bệnh nặng nhưng đoán sai nguyên nhân, bốc nhầm thuốc. Cũng có thể một số nào đó biết được bản chất, thấy được gốc rễ nhưng vì quyền lợi cá nhân mà cố tình che giấu hoặc vì sợ mà không dám vạch ra.
Thiếu trí tuệ cơ bản ở chỗ không nhận thức được đúng quy luật khách quan, nhầm lẫn giữa đảng cách mạng và đảng chính trị cầm quyền. Khi đấu tranh giải phóng dân tộc cần có đảng cách mạng, còn khi xây dựng đất nước trong hòa bình lại cần đảng chính trị. Hai loại đảng này khác nhau về tổ chức, về đường lối. Tên đảng có ý nghĩa nhưng không thật sự quyết định. Quan trọng và quyết định là ở đường lối. Sự thiếu trí tuệ của Đảng Cộng sản VN là ở chỗ vẫn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê nin với vô sản chuyên chính, với kinh tế quốc doanh và quốc hữu hóa đất đai. Đường lối đó dẫn tới những sai lầm trong lựa chọn, sử dụng, đề bạt cán bộ.
Để lựa chọn cán bộ cần 3 vấn đề cơ bản: Tiêu chuẩn; Tổ chức việc tuyển chọn và Nguồn cung cấp. Trong cả 3 vấn đề này Đảng đều phạm những điều nhầm hoặc sai cơ bản.
Về tiêu chuẩn: Đảng quá đề cao lòng trung thành. Tuy giải thích là trung thành với Đảng, với Chủ nghĩa, nhưng ngầm hiểu và thực hành là trung thành với một vài người đứng đầu. Tiêu chuẩn này là cần cho một đảng cách mạng, đặc biệt là khi còn hoạt động bí mật hoặc trong chiến tranh, có thể không cần đối với đảng chính trị trong thời bình. Ở các nước dân chủ, khi bầu cử hình như không ai đề ra tiêu chuẩn nào cả, quan trọng là tranh cử, là ứng viên tự thể hiện những phẩm chất và năng lực của mình.
Theo Lý Quang Diệu, khi chọn cán bộ ông chỉ cần quan tâm tới 2 tiêu chuẩn là tài giỏi và liêm chính. Đề ra quá nhiều tiêu chuẩn như trong QĐ 90 (Tiêu chuẩn chức danh) tưởng là chi tiết, cụ thể, thực ra có vô số tiêu chuẩn trong đó chỉ là đồ dỏm hoặc hư ảo, tạo sơ hở cho bọn cơ hội lợi dụng chui sâu, leo cao. Thực tế thì tiêu chuẩn 4 ệ (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ) vẫn lộng hành dưới cái ô vô sản chuyên chính.
Về tổ chức lựa chọn: Sai cơ bản là Đảng đã đoạt quyền của dân và đặt mình cao hơn Hiến pháp để độc đoán trong việc lựa chọn cán bộ cho các cơ quan dân cử và chính quyền, là mồm thì hô hào dân chủ nhưng thực chất không có dân chủ từ trong đảng. Sai thứ hai là giao quá nhiều quyền cho các ban tổ chức trong khi phẩm chất những con người trong các ban đó thường thấp, không đáp ứng được.
Trong nhiều năm tôi biết ở trường Đại học lớn, trưởng phòng tổ chức thường là cán bộ chính trị từ quân đội chuyển ngành hoặc có khi là thầy giáo đảng viên, không thể làm tốt công tác chuyên môn nên chuyển sang làm về tổ chức. Những cán bộ như thế, tuy có học chính trị để được cấp chứng chỉ trung cấp hoặc cao cấp, có cái vỏ lập trường và trung thành nhưng thiếu khả năng đánh giá đúng con người. Phần nhiều họ dựa vào hồ sơ, lý lịch, bằng cấp, giấy tờ và cả thư tay giới thiệu mà không thể, không biết cách hoặc không dám đánh giá con người thật. Những cán bộ tổ chức như thế rất dễ bị bọn cơ hội qua mặt và chính họ cũng dễ trở thành cơ hội. Gần đây có việc thi thuyển công chức, phần nhiều các cuộc thi như vậy chỉ là hình thức và lừa dối, rất không đáng tin.
Về nguồn cung cấp: Lãnh đạo đảng từng than thở: “Phải đốt đuốc đi tìm cán bộ trước mỗi kỳ đại hội”. Vì thế đã có sáng kiến làm “Quy hoạch cán bộ” và mở các lớp đào tạo cán bộ nguồn. Cách làm như thế tưởng là hay nhưng ẩn giấu một sai lầm khá nghiêm trọng. Đó là vấn đề thay cho việc tìm nhân tài trong quảng đại thì thu hẹp lại trong một nhóm cùng phe cánh, là việc dùng người của quá khứ để quyết định cán bộ của tương lai.
Về vấn đề cán bộ, trước đây tôi có viết vài bài đăng trên các trang mạng. (bài Để tránh cái vỏ dừa – Về quy hoạch cán bộ – Tháng 5/2015; bài Sự vô minh trong Quy định 90 – Về tiêu chuẩn chức danh – tháng 8/ 2017). Viết bài này mong được trao đổi ý kiến với những người còn có thiện chí trong và ngoài đảng để thấy rõ sự thiếu trí tuệ trong lời nói và việc làm của một số người, mới nghe qua tưởng là hay là đúng, nhưng chứa đựng những điều sai và nhầm. Muốn làm đúng, có hiệu quả phải thay đổi từ gốc. Có một ý khá nổi tiếng như sau: “Không thể nào sửa chữa được sai lầm nếu vẫn dùng những nguyên lý, những biện pháp làm phát sinh ra cái sai đó”.
Riêng đối với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo và Hội đồng lý luận của Đảng, nếu các vị cho rằng những điều tôi viết là sai thì tôi xin vui lòng chấp nhận sự đối thoại trực tiếp, vì chỉ có đối thoại như vậy hai bên mới trao đổi được hết ý.