Lò Văn Củi
19-1-2018
Ông Ba Hu ghé quán uống cà phê mà người còn uể oải, giọng khàn khàn. Anh Bảy Thọt hỏi:
– Chà, bữa qua ông Ba họp hành, liên hoan ở đâu đa?
Ông Ba lắc đầu:
– Hông, tao đi Tất niên nhà thằng Cả.
Anh Năm Ba gác nói:
– Tất niên sớm dữ ha.
Ông Hai Xích lô ngẫm nghĩ chút rồi hỏi:
– Phải nhà thằng Cả ở xóm Ngoài hông?
Ông Ba gật đầu:
– Đúng đó ông Hai.
Ông Hai lắc đầu:
– Nhà thằng này tui rành sáu câu vọng cổ, xưa tui ở gần nhà nó. Hổng phải Tất niên.
Số là vầy, xưa cha nó là ông Chín Thợ rèn có tiếng. Ổng rèn số dzách các loại búa và lưỡi hái, lưỡi hái mà xịn thì dĩ nhiên lưỡi liềm cũng vậy. Ồng chỉ có hai thằng con trai, là thằng Cả và thằng Hai. Khi chết ông chia đôi đất cho hai đứa con. Đất đai bạc ngàn nên thành hai xóm Trong và xóm Ngoài, thằng Hai ở xóm Trong. Thằng Hai có tiếng làm ăn giỏi, tướng tá đẹp trai ngon lành, nên con gái sắp hàng “dự thi tiếng hát: Chừng nào anh rước em”, cuối cùng một cô đẹp thuộc nhứt xứ lọt vô mắt ảnh. Dạm hỏi đã diễn ra, định ngày chàng đưa kiệu sang đón mà thôi.
Nhưng rồi chuyện không được suôn sẻ. Đã từ lâu, có thằng tướng cướp Ba Bành đã theo đuổi ý trung nhân của thằng Hai, hắn say như điếu đổ, bấy giờ càng tức điên lên khi thấy người đẹp đã sắp chánh thức thành vợ người ta. Ba Bành quyết phá hôi. Hắn lại gặp may mắn, thằng Cả cũng ghen tức với thằng em ruột thịt của mình, thằng này lại hổng có trái tim, biết được chuyện liền móc nối giúp sức cho thằng Ba Bành. Có hậu thuẫn, Ba Bành kéo đệ tử tới cướp được cô gái đẹp từ tay thằng Hai. Thằng Hai lâu nay lo làm ăn, đâu có kết bè kết phái chi nên làm gì có nhiều binh tướng, có một thằng bạn nhưng ở xa lắc, thằng này cũng vì lợi lộc riêng mà đi đêm với thằng Ba Bành, bỏ lơ thằng bạn. Thằng Hai đành chào thua, ôm mối hận mất vợ.
Cái ngày chiếm hữu được người trong mộng, Ba Bành và thằng Cả vui như hội, mở tiệc linh đình ở nhà thằng Cả. Nhưng bị dị nghị quá nên giả tảng đánh tiếng là làm Tất niên mà thôi. Rồi lâu lâu, kỷ niệm năm năm, mười năm… ngày này, thằng Cả lại mời thằng Ba Bành tới ôn cố tri ân, thằng Ba Bành kéo cả đám lâu la, trong đó có cả đám đờn ca hát xướng tới quậy rần rần xóm làng có khi hai ba bữa. Ai ai cũng ghét. Ai có hỏi thì tiếp tục trớ là tiệc Tất niên.
Anh Bảy Thọt bạnh môi:
– Cha nội Cả chỉ vì ghen ghét không mà vậy?
Ông Hai đáp:
– Hổng chỉ vì tức thôi đâu, có cả lòng tham vô đáy nữa. Tham quyền tham của cải. Ba Bành hứa sau khi cướp được vợ thì thâu nhận làm đệ tử, phong làm phó tướng… cướp, hậu thuẫn tiền để thằng này rèn búa rèn lưỡi hái, cướp luôn xóm thằng Hai, oai phong một vùng, chỉ chịu cúi đầu dưới Ba Bành mà thôi. Thằng Hai đàng hoàng phải đi biệt tích, nghe đâu nương náu ở tận rừng xanh, mà của xứ người.
Anh Năm Ba Gác chặc lưỡi:
– Thiệt là tệ bạc. Tệ bạc ngay cả với máu mủ của mình.
Ông Thầy giáo bây giờ mới lên tiếng:
– Nghe sao giống y chuyện ngày nay quá.
Ông Hai Xích lô hỏi:
– Chuyện gì ông Thầy.
– Dạ đó, chuyện đảo Hoàng Sa mất vào ngày này đó. Vậy mà có kẻ còn mượn cớ tình hữu hảo, ăn mừng rồi còn mời cả một đoàn nghệ thuật, là đoàn Nội Mông qua biểu diễn ngay ở Nhà hát Lớn của thủ đô Hà nội, cả ba ngày lận chứ không chỉ một.
Anh Bảy Thọt bực tức:
– Thiệt là uất hận.
Ai cũng bực tức hết. Ông Năm Ba gác tiếp theo liền:
– Uất hận thiệt chớ. Đã từng có lần như vậy hồi ở TP. Hồ Chí Minh rồi, kỷ niệm 30 năm á. Có người còn nói là: “Múa, hát trên những xác người, múa hát trên xác đồng loại”. Không biết bao nhiêu người lên án, vậy mà cũng có những kẻ đốn mạt, hèn hạ làm được.
Anh Bảy như có máu chảy rần trên mặt, anh Bặm môi:
– Thì được cất nhắc, được phong làm chư hầu, quyền uy trên vạn người, chỉ luồn trôn một người thì sợ gì hèn hạ, lại được có của cải ban phát cho nữa mà, tội gì hông làm (!)
Anh Năm Ba gác cũng không khác mấy anh Bảy:
– Thêm cả đống kẻ ăn theo nữa. Có những kẻ chỉ vì được một cuộc vui chơi, được ăn nhậu thôi cũng luồn trôn theo.
Bà con cô bác đổ dồn về hướng ông Ba Hu, nhưng ông đã lẻn đi tự bao giờ. Bà con bây giờ chỉ còn ngồi lắc đầu ngao ngán, hết nói nỗi gì nữa.
© Copyright Tiếng Dân