Tiếng Vọng từ Chernobyl – Lời Tựa bản Việt Ngữ

T.Vấn

Voices from Chernobyl – Bìa bản Anh Ngữ

Ngày 26 tháng 4 năm 1986, nhà máy phản ứng hạt nhân Chernobyl của Liên Xô nằm trên lãnh thổ nước cộng hoà Ukraine đã phát nổ, gây nên một thảm hoạ tệ hại nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại vì những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến ba phần tư lãnh thổ châu Âu sẽ còn kéo dài hàng thế kỷ.

Trước khi bị tan rã năm 1991, Liên Xô bao gồm 15 nước cộng hoà : Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia, Latvia, Kazhakhstan, Kyrgyzstan, Lithuania, Moldavia, Russia, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine và Uzbekistan. Trong số này, Nga (Russia) là nước lớn nhất và đông dân nhất, kế đó là Ukraine.

Nhà máy hạt nhân Chernobyl nằm trên khu vực cách thủ đô Kiev của Ukraine  130 Km về hướng Bắc và cách ranh giới phía nam của Belarus 20 Km. Rạng sáng ngày 26 tháng 4 năm 1986, một tiếng nổ kinh hoàng đã phá tan mái lò phản ứng số 4 (có tất cả 4 lò trong khu vực) và bụi phóng xạ đã từ đó bay ra làm ô nhiễm không khí (khu vực bị ô nhiễm được ước tính là khoảng ba phần tư châu Âu). Nguyên nhân của vụ nổ được cho là một lỗi lầm do thiết kế đã làm cho “máy phản ứng hạt nhân” bị nóng quá sức chịu đựng của nó (overheat) và phát nổ.

Thoạt đầu, con số thương vong vì vụ nổ do nhà cầm quyền Liên Xô đưa ra rất khiêm tốn : chỉ có 31 người chết. Và cũng theo ước tính ban đầu, khu vực bị nhiễm phóng xạ không quá chu vi 30 Km tính từ nhà máy số 4, bao gồm thành phố Pripyat, nơi cư ngụ của hàng ngàn công nhân làm việc ở nhà máy cùng với gia đình của họ.

Mới nhìn qua, tai nạn Chernobyl chẳng có ý nghĩa gì so với số người chết do động đất, bão táp hoặc về diện tích thiệt hại so với một cuộc cháy rừng. Nhưng thực tế cho thấy, thiệt hại về con người và môi trường vượt quá sự ước tính mà khoa học có thể phác hoạ được.

Cho đến nay, đã có 485 ngôi làng, thành phố bị xoá sổ, 2.1 triệu người sống trên những vùng đất bị nhiễm xạ rất nặng. Con số chính thức người chết vì phóng xạ chưa có cách gì kiểm chứng được, nhưng đã có hàng ngàn trẻ em sinh ra với những dị tật mà nguyên nhân là cha mẹ chúng đã bị nhiễm phóng xạ hoặc sống trong vùng bị nhiễm xạ. Hàng chục ngàn người khác vẫn còn mang trên người những chứng bệnh cả trên thể xác lẫn tinh thần không thể chữa trị.

Con số thiệt hại to lớn ấy còn có nguyên nhân đến từ cung cách đối phó với vụ nổ, một cung cách rất điển hình của những nhà nước cộng sản. Họ tìm cách che giấu tin tức, hoặc làm giảm nhẹ tầm thiệt hại, không cho thế giới bên ngoài và chính công dân của mình biết rõ sự thực về điều gì đã và đang xẩy ra. Ngay cả cư dân của thành phố Pripyat, nơi nhà máy phát nổ, cũng bị chính quyền dấu diếm không cho biết rõ nguyên nhân và hậu quả không thể tránh khỏi. Vì thế, đội giải cứu được gởi đến nhà máy với những trang thiết bị thật thô sơ, không được bảo vệ cho chính người đến giải cứu nạn nhân vụ nổ. Cư dân của khu vực xẩy ra vụ nổ mãi đến gần 40 tiếng đồng hồ sau mới được lệnh chính quyền di tản. Vào thời điểm này, rất nhiều người đã bị nhiễm độc phóng xạ ở những mức độ khác nhau.

Do cách đối phó vô trách nhiệm ấy, các biện pháp bảo vệ an toàn công cộng đã không được thực hiện kịp thời và đúng mức. Những nghiên cứu y khoa hiện nay đã phát hiện ra sự tương quan về con số người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng ở những khu vực bị ô nhiễm, đặc biệt là ở vùng đất gồm 3 nước: Nga, Ukraine và Belarus. Theo ước tính, hậu quả nghiêm trọng về môi trường và sức khoẻ con người ở khu vực này còn kéo dài cả hàng thế kỷ.

Một hậu quả khác không thể không nhắc tới là những chấn thương tâm lý nặng nề cho người dân khu vực nhiễm xạ. Một chứng bệnh hỗn loạn tâm lý có tên Hội chứng Chernobyl (Chernobyl Syndrome) thường thấy ở những người bị ám ảnh, sợ hãi bởi sự dấu diếm, lừa dối, che đậy của nhà cầm quyền qua vụ nổ nhà máy hạt nhân. Hội chứng này không phải là hậu quả của vụ nổ nhà máy, mà chính là kết quả không thể tránh khỏi của sự không lương thiện, vô trách nhiệm nói trên.

Tác phẩm “Tiếng vọng từ Chernobyl” của nhà văn đoạt giải thưởng văn chương Nobel năm 2015 Svetlana Alexievich là tác phẩm văn chương đầu tiên lấy chủ đề chính từ vụ nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl. Tác phẩm là tổng hợp những câu chuyện kể của từng con người, trực tiếp hoặc gián tiếp là nạn nhân của vụ nổ, xa hơn nữa, là nạn nhân của chính cách đối phó với thảm hoạ của nhà cầm quyền. Mỗi câu chuyện bộc lộ sự đau khổ, sự mất mát, sự sợ hãi, nỗi giận dữ, cảm thức bất an mà mỗi người kể cùng với gia đình họ đã trải qua.

Để ghi lại bi kịch của từng nạn nhân nói trên, tác giả – vốn xuất thân là một nhà báo chuyên nghiệp – đã để ra thời gian 10 năm đi phỏng vấn khoảng năm trăm nạn nhân vụ nổ, từ những người dân thường, nhân viên cứu hoả cho đến những công nhân được giao phó nhiệm vụ dọn dẹp.

Do nội dung là những chứng từ trung thực, phản ánh mọi khía cạnh của thảm hoạ, từ bản thân vụ nổ, nguyên nhân, hậu quả cho đến cách đối phó trong lúc và sau vụ nổ của các giới chức trách nhiệm, nên tác phẩm đóng vai trò bản cáo trạng một chế độ chỉ biết lấy lừa bịp, dối trá làm phương châm hành xử. Chính vì lý do này mà tác giả của nó đã bị chính quyền độc tài Lukashenka của Belarus kết án và bị buộc phải sống lưu vong từ năm 2000 đến năm 2011.

Tác phẩm “Tiếng vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich đã góp phần quan trọng để Uỷ ban chấm giải Nobel Thuỵ Điển quyết định trao gỉai thưởng văn chương năm 2015 cho tác giả. Quả thật, như nhận định của uỷ ban chấm giải, những tác phẩm của bà là “một tượng đài cho sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại chúng ta.”.

 Tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Nga Keith Gessen, dịch giả bản Anh ngữ của “Tiếng vọng từ Chernobyl” (mà chúng tôi dựa vào để chuyển ngữ sang tiếng Việt), khi hay tin Svetlana Alexievich được trao giải văn chương Nobel 2015, đã bày tỏ ý kiến rằng, khi thế giới thực sự cảm thấy bực bội với nước Nga thì sự kiện một nhà văn có gốc gác từ đó được trao giải Nobel không nằm ngoài sự mong đợi của nhiều người. Nhất là đó lại là một nhà văn phản kháng đã từng chính thức lên tiếng phê phán chế độ (trong trường hợp Svetlana Alexievich là chế độ ở Belarus). Hành động này phải được hiểu là một sự “quở trách”(rebuke) gởi đến điện Kremlin.

 Bằng hình thức để mỗi nạn nhân tự độc thoại về những suy nghĩ của mình với tư cách người trong cuộc, tác giảTiếng vọng từ Chernobyl” đã đưa người đọc len lỏi vào tận ngõ ngách tâm hồn mỗi người, cảm được nỗi đau mất con, mất chồng, mất người thân một cách trực tiếp không qua trung gian của ngôn từ văn vẻ, cường điệu, hiểu được nỗi giận dữ, sự sợ hãi mà mỗi người trong cuộc biểu lộ bằng hình thức đơn sơ nhất, giản dị nhất. Có thể nói, chất liệu làm nên “Tiếng vọng từ Chernobyl” là chất liệu ròng, rất ít có sự dụng công gọt dũa của tác giả. Nhìn từ góc độ “vị nhân sinh” trong quan niệm văn chương của tác giả, đây là một lựa chọn khôn ngoan vì nó gây hiệu quả cao nhất trong ý đồ tố cáo chế độ, cảnh tỉnh thế giới về một hiểm hoạ tương tự có thể xẩy ra ở bất cứ đâu trên thế giới.

Mặt khác, để giải thích cho phong cách viết của mình, trong bài phát biểu tại Đại Hội Văn Chương Quốc Tế tổ chức lần đầu tiên ở New York tháng 4 năm 2005, Svetlana Alexievich đã cho biết, ở những quốc gia Đông Âu, ngôn ngữ nói giữ vai trò rất quan trọng. Ngôn ngữ không chỉ được dùng để truyền đạt thông tin và sự kiện – mà quan trọng hơn nữa – nó phải nói lên được bản chất của đời sống và những bí nhiệm đến từ con người. Ngôn ngữ nói trên đường phố, trong đám đông, trong những sinh hoạt thường ngày giúp người ta hiểu được dễ dàng hơn đời sống cùng với những vui, buồn, sướng, khổ, giận dữ, sợ hãi, mà đã là con người, ai cũng đã từng trải qua, sống với, chịu đựng với, hân hoan với.

Vì thế, với Svetlana Alexievich, mỗi tác phẩm của bà có sự đóng góp của rất nhiều người khác nhau. Một người nói nửa trang, người kia nói vài dòng, người khác nữa có thể chỉ có một câu. Bà gọi đó là “tiểu thuyết của những tiếng nói” và tự cho mình chỉ là kẻ làm công việc đi nhặt những chất liệu tác phẩm của mình trong đám đông, ngoài đường phố, rồi đem về sắp xếp chúng lại. Những nhà văn trên thế giới, từ xưa tới nay, viết nên tác phẩm của mình bằng ngòi bút, còn Svetlana Alexievich khẳng định rằng mình viết bằng cái tai.

Tác giả bản Anh ngữ của tác phẩm là một nhà văn người Mỹ gốc Nga, nên chúng tôi suy đoán rằng khi chuyển ngữ tác phẩm từ nguyên bản tiếng Nga, ông đã cố bảo toàn “phong cách Slavic” mà “ngôn ngữ nói” của tác phẩm được tác giả sử dụng một cách đầy dụng ý.

Do vậy, khi làm công việc chuyển ngữ tác phẩm này, chúng tôi ý thức được rằng ngoài việc chuyển tải nội dung thực sự của từng câu nói, còn cần phải giữ được bản sắc “văn nói” của “phong cách Slavic” và đồng thời phải không được phép quên rằng đây là một bản văn tiếng Việt (dù là bản dịch từ một ngôn ngữ khác), trước hết nó phải mang phong cách Việt, từ câu chữ đến cách diễn đạt.

Ý định là như vậy, nhưng có làm được hay không, và làm được đến đâu lại là một chuyện khác. Nhưng dù sao cũng xin được kính cáo về thiện ý và cố gắng của người làm công việc chuyển ngữ tiếng Việt tác phẩm này.

Cuối cùng, chúng tôi quyết định dành thì giờ giới thiệu tác phẩm “Tiếng vọng từ Chernobyl” đến với độc giả tiếng Việt, không chỉ vì tác giả của nó vừa được trao giải thưởng Nobel về văn chương, – thành thực mà nói sự kiện này góp phần làm tăng uy tín tác giả và giá trị tác phẩm – mà còn vì tác giả của nó là một nhà văn phản kháng chế độ độc tài toàn trị ở nước mình. Đất nước Belasus với gần 9 triệu dân, đã trải qua thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhân lọai mà hậu quả của nó còn kéo dài nhiều năm về sau, đang chịu đựng một chế độ hà khắc của “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu” Aleksandr Lukashenka  từ năm 1994 ngay sau khi thóat ra khỏi được nhà nước cộng sản Liên Xô. Tất nhiên, sự đau khổ và sức chịu đựng của dân tộc Belarus quả là lớn lao, nhất là trong bối cảnh thế giới ở thế kỷ 21. Những nỗi thống khổ và sự can đảm đối phó với họan nạn của dân tộc Belarus đã được dựng tượng đài tôn vinh trong những tác phẩm văn chương của một người con ưu tú mà đất nước nhỏ bé này sản sinh được : Nhà văn Svetlana Alexievich. Việc Ủy Ban Giải Nobel Thụy Điển quyết định trao giải thưởng văn chương năm 2015 cho bà, không chỉ để vinh danh một tài năng văn học thế giới, mà còn gián tiếp – và quan trọng hơn – trân trọng những nỗi thống khổ mà dân tộc Belarus phải chịu đựng, đồng thời vinh danh lòng can đảm mà người dân nước này đang hàng ngày phải đối phó với chế độ độc đảng của Aleksandr Lukashenka, với hậu quả khôn lường của vụ nổ hạt nhân Chernobyl.

Đọc Svetlana Alexievich, không thể không liên tưởng đến số phận dân tộc Việt Nam mà nỗi thống khổ dân tộc chúng ta chịu đựng có thể lớn gấp nhiều lần nỗi thống khổ của dân tộc Belarus. Sau cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt 30 năm, với hàng triệu người chết ở cả hai bên cuộc chiến, với một đất nước tan hoang vì bom đạn ngọai bang tàn phá, tưởng rằng khi tiếng súng chấm dứt cũng là khi những nỗi thống khổ của dân tộc bắt đầu từ từ kéo da non chờ ngày lành lặn mọi vết thương. Nhưng kẻ thắng trận với chế độ Cộng Sản hà khắc phi nhân đã đầy đọa cả dân tộc trong vũng bùn của hận thù, ngu dốt, nghèo đói, chia ly, đau khổ. Kết quả là thảm cảnh Thuyền Nhân kéo dài từ năm 1976 cho đến năm 2001 là năm Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc chính thức ra lệnh đóng của các trại tiếp đón người tị nạn Đông Dương, với hàng triệu người ra khơi đi tìm tự do trên những chiếc tàu thuyền mong manh, lênh đênh trên biển từ tuần lễ này qua tuần lễ khác, làm mồi cho hải tặc, bão tố, đói khát. Cho đến nay, số người mất xác trên biển là bao nhiêu vẫn chưa có con số thống kê chính thức, nhưng con số hàng trăm ngàn người mất tích không phải là con số cường điệu. Kể cả người sống sót đến được các bến bờ tự do, cũng không phải là không mang chấn thương suốt cả cuộc đời còn lại của họ. Hình ảnh chính mình hay chứng kiến người thân bị hải tặc hãm hiếp, bị giết chết,  những bào thai bất đắc dĩ mà hải tặc để lại trong bụng các cô gái tội nghiệp, thảm cảnh phải xẻ thịt người chết để ăn, uống nước tiểu của chính mình cho đỡ khát  v…v… và rất nhiều những câu chuyện thương tâm khác xẩy ra trên đường vượt biên, nếu tom góp lại, chắc cũng hãi hùng và thương tâm không kém những câu chuyện liên quan đến thảm họa Chernobyl mà nhà văn Belarus Alexievich ghi lại trong “Tiếng Vọng từ Chernobyl”, một trong những tác phẩm chính đưa bà đến Stockholm để nhận giải thưởng Nobel về văn chương.

Chúng tôi không thể không nhắc đến tập hồi ký “Hành trình biển Đông” của nhiều tác giả do Ngụy Vũ thực hiện gồm hai bộ với hàng trăm câu chuyện về thảm cảnh vượt biên mà nhà văn Giao Chỉ đã nhận xét “có nhiều chuyện bi thảm và ghê gớm đến nỗi tôi phải lướt qua mà không dám ngừng lại trên các dòng chữ tưởng chừng chan hòa máu và nước mắt . . . “(Hành trình biển Đông -Giao Chỉ).

So sánh về nội dung, “Tiếng Vọng từ Chernobyl” và “Hành trình biển Đông”,  cùng là những câu chuyện được kể lại về những nỗi thống khổ vô hạn mà con người đã chịu đựng. Người kể cũng là những con người thực, những nhân chứng tại chỗ, đã sống sót, đã có cơ hội kể lại. Tính chất hãi hùng, bi thảm, ghê gớm hẳn cũng ngang nhau, tuy khó lòng so sánh vì hai hòan cảnh gây nên thảm kịch có khác nhau.

Về hình thức, các truyện kể trong “Hành trình biển Đông” là do chính người trong cuộc viết lại, không có bàn tay dụng công biên tập của người chuyên nghiệp. Ở “Tiếng Vọng từ Chernobyl”, có bàn tay sắp xếp của một nhà văn, hơn nữa, một nhà văn có tầm cỡ. Nhưng cũng khó lòng để nhìn thấy bàn tay dụng công của nhà văn đến mức độ nào và tác động của công việc ấy đến những câu chuyện kể.

Mục đích của việc lưu truyền những câu chuyện về thảm cảnh mà người này, người nọ, ở bất cứ nơi nào trên thế giới phải chịu đựng, chính là để đánh động lương tâm con người. Từ giây phút lương tâm mỗi người bị đánh động, hẳn sẽ có những người không chịu ngồi yên một khi nhìn thấy những nguy cơ khiến thảm kịch ấy có thể tái diễn.

Có lẽ nhà văn Svetlana Alexievich đã muốn xác định nhiệm vụ lớn nhất của một nhà văn khi phát biểu trong buổi họp báo tại Minsk sau khi được tin mình sẽ nhận giải Nobel văn chương 2015: “Điều duy nhất làm tôi luôn nhức nhối là câu hỏi: tại sao chúng ta không học được điều gì từ những nỗi thống khổ mà chúng ta đang phải gánh chịu? Tại sao chúng ta không thể nói : tôi không muốn làm người nô lệ thêm một ngày nào nữa? Tại sao chúng ta cứ tiếp tục chịu thống khổ mà không hề phản kháng? Tại sao chúng ta cứ xem nó như là gánh nặng phải mang, là số phận phải cam chịu? Tôi không có câu trả lời. Nhưng tôi muốn những tác phẩm của mình gợi lên được những suy nghĩ từ người đọc, để từ đó, họ đi tìm câu trả lời cho chính mình.”(T.Vấn : Giải Nobel Văn Chương 2015 và sứ mạng nhà văn trong thời đại chúng ta).

Chúng ta mỗi người sẽ suy nghĩ, sẽ tự tìm câu trả lời cho lương tâm của mình sau khi đọc xong “Hành trình Biển Đông”, “Tiếng Vọng từ Chernobyl” và những tác phẩm văn học nghệ thuật khác có cùng đề tài.

Thế giới đang phải đương đầu với làn sóng dân tỵ nạn từ Syria. Những thảm cảnh trên đường vượt biên, tị nạn của dân Syria chẳng xa lạ gì với người Việt Nam, dù là người Việt Nam chưa từng nếm mùi vượt biên. Hình ảnh đứa bé 3 tuổi người Syria nằm chết trên bãi biển được truyền đi tòan thế giới với những nỗi phẫn nộ vì người ta chưa bao giờ được nhìn thấy một đứa bé bị chết như thế. Nhà văn Khuất Đẩu, với sự nhạy bén của một người mà tác phẩm của mình luôn hướng về những nỗi đau khổ của dân tộc, đã nhanh nhẹn so sánh :

“ . . .Những năm ấy, trên các bãi biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine… biết bao nhiêu xác những em bé miền nam Việt Nam đã phải trôi dạt như em bé Syria. Những xác trẻ thơ bụng ỏng xanh xao, áo quần rách rưới khiến người ta kinh hãi chứ không thương cảm.

Em bé Syria, dẫu sao em cũng được mặc quần áo đẹp, được mang giày chỉn chu chứ không đi chân đất. Em chết như nằm ngủ vì trước đó em không cùng cha mẹ trốn chui trốn nhủi, không phải nhịn đói nhịn khát, không kinh hoàng khi thấy bọn hải tặc hãm hiếp mẹ, cắt cổ cha trước khi ném em xuống biển.

Em bé Syria được ví như thiên thần, còn những em bé Việt Nam, giống như em bé châu Phi đói lã bên cạnh con diều hâu đang chờ xé xác. . . “ (Khuất Đẩu: TỪ HÌNH ẢNH EM BÉ SYRIA NGHĨ ĐẾN NHỮNG EM BÉ MIỀN NAM VIỆT NAM.)

Biết đâu, nhờ những em bé Việt Nam phơi xác trên những bãi biển vượt biên năm xưa mà ngày nay, dù chỉ được nghe nói đâu đó,  lương tâm thế giới không thể ngồi yên khi nhìn những hình ảnh trẻ thơ như thế xẩy ra lần nữa, và vì vậy, hình ảnh em bé Syria đã làm họ phẫn nộ.

Mang trong lòng niềm hy vọng đó, chúng tôi gởi đến người đọc tiếng Việt bản chuyển ngữ tác phẩm “Tiếng Vọng từ Chernobyl”.

Để mỗi người đọc, sau khi đóng màn hình máy tính (hay gấp lại trang sách), sẽ nhớ đến những nỗi đau khổ của chính mình, của chính dân tộc mình, mà không thể ngồi yên vô cảm được nữa trước những điều ác, dù điều ác ấy đến từ một chế độ độc tài với đầy đủ quyền hành để đàn áp trong tay.

__________________________________________________________________

*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

 

Về lại MỤC LỤC

Bình Luận từ Facebook