Từ BOT, nhớ trái phiếu đô thị để phát triển hạ tầng

FB Lê Vinh Triển

5-12-2017

Viết cái post đề cập vài ý về BOT, đọc vài comment lại nhớ hồi có giảng thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu đô thị (municipal bonds) nói riêng. Ngoài các vấn đề cơ bản về tính chất, đặc điểm của các loại trái phiếu, mình hay mở rộng để các bạn nhớ bài cũng như giải quyết một số thắc mắc mà chủ quan cho rằng các bạn cũng thắc mắc, đó là:

– Làm sao có ai tin để mua trái phiếu 100 năm, hay thậm chí có thời hạn vĩnh viễn?

– Sao người dân có thể tin vào chính quyền để mua trái phiếu đô thị?

– Tại sao thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu đô thị nói riêng ở Việt Nam không phát triển được? Từ đó:

– Làm thế nào Việt Nam có thể (huy động vốn) bằng trái phiếu đô thị để phát triển cơ sở hạ tầng như các nước phát triển? vv…

LÒNG TIN: Đặt câu hỏi 1 là do suy bụng thầy ra bụng trò – vốn cùng là dân một nước có nền kinh tế thị trường vừa trẻ vừa dở hơi (chỉ nghĩ bụng thôi nhé!) mà ở đó các giao dịch tài chính chủ yếu ngắn hạn, các kiểu đầu tư thì thường muốn lấy lại vốn nhanh, cho vay dài hạn thì lo lắng muốn đòi lại nợ …chứ nào có được cái tâm lý ổn định trong điều kiện thị trường minh bạch, pháp luật ổn định, thể chế công bằng bảo vệ nhà đầu tư đâu mà nghĩ đến cho vay bằng cách mua trái phiếu dài hạn; 10 năm là đã khó rồi chứ nói gì đến 100 năm; còn trái phiếu vĩnh viễn không có thời gian đáo hạn (Perpetuity) thì đúng là quá lạ lùng với các bạn lần đầu nghe nói tới. Dẫn dắt câu chuyện như vậy để nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của nhà nước trong việc duy trì một thị trường minh bạch, pháp luật nghiêm và nhất quán. Vai trò này là tối quan trọng để có thể tạo dựng lòng tin nhằm phát triển thị trường trái phiếu dài hạn. Ngoài ra trong một môi trường như thế, thị trường mua đi bán lại nhộn nhịp (khả năng thanh khoản cao) sẽ càng củng cố và phát triển thị trường phát hành trái phiếu. Chứ thị trường đã non trẻ (mới non 30 năm như VN chẳng hạn) đã khó tạo lòng tìn do chưa có lịch sử tín dụng, mà còn “bộp chộp” thì ai mà tin.

MINH BẠCH: Từ việc trả lời câu hỏi 1, dẫn dắt các bạn sang trả lời câu hỏi 2, đó là muốn cho dân tin và mua trái phiếu đô thị để phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương thì vai trò của nhà nước là tiên quyết. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tính minh bạch của thị trường. Cụ thể khi chính quyền địa phương ở một nước (phát triển) kêu gọi vốn đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu, xây dựng cơ sở hạ tầng nào đó thì dự án đó với tất cả các yêu cầu kỹ thuật, pháp lý, thông tin về vốn và khả năng hoàn vốn (nguồn thu từ dự án) đều phải được công khai. Người dân địa phương phải được thông báo về dự án và tiện ích của nó; Họ thường là người chấp nhận dự án ở địa phương với tư cách công dân, và cũng có thể là người mua trái phiếu (rót vốn) để nhà nước thực hiện dự án. Khi sử dụng tiện ích dự án, họ lại trở thành người trả phí khi sử dụng, để rồi dòng tiền này (phí trả cho dự án – giá vé) lại được cân đối để chuyển trả định kỳ cho những người mua trái phiếu đô thị!

Điều tuyệt vời đã xảy ra! Đó là, chính người dân (nghĩa rộng) vừa là nhà đầu tư (mua trái phiếu) vào hạ tầng, vừa là người hưởng lợi và trả phí cho cơ sở hạ tầng hiện đại và tốt đẹp. Thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường tài chính nói chung phát triển. Đô thị phát triển, kinh tế phát triển. Nhà nước chỉ đóng vai trò trung gian cho dòng vốn này để làm việc này, và các bạn nhận thấy, sự minh bạch và trong sạch của nhà nước là then chốt!

Từ đây, chuyển sang trao đổi câu hỏi 3 và 4. Như đã bàn, có thể thấy ở các nước phát triển, sự minh bạch, trong sạch và năng lực của nhà nước là cơ sở đảm bảo cho sự thành công của viêc phát hành trái phiếu đô thị và thị trường của nó. Giả sử tham nhũng xuất hiện trong xây dựng, chất lượng công trình tồi tệ hơn mức phải có, ăn chặn được phát hiện liên tục qua các công trình hạ tầng – dự án thu hồi vốn hàng chục năm chỉ mới vài ba năm đã hỏng thì sao hoàn vốn như dự tính, như đã thông báo cho những nhà đầu tư. Từ đó nhà đầu tư (người dân) sẽ không tin tưởng vào các dự án hạ tầng của nhà nước để mua trái phiếu. Tham nhũng xuất hiện thì chi phí sử dụng (giá vé) cũng sẽ cao bất hợp lý kéo theo việc người dân không sử dụng hạ tầng. Điều này dẫn đến không đảm bảo dòng tiền thanh toán cho trái phiếu vv và vv. Vậy thị trường trái phiếu đô thị liên quan mật thiết với tham nhũng trong xây dựng hạ tầng đô thị.

Sau khi trao đổi như vậy, các bạn sinh viên đã có thể có câu trả lời cho câu hỏi 4 liên quan đến Việt Nam, là như thế nào! Nói cách khác, để có thể phát triển hạ tầng bằng trái phiếu đô thị, lòng tin của dân, sự minh bạch và không tham nhũng của nhà nước, ít nhất trong các dự án hạ tầng đầu tư bằng vốn trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương là điều kiện cần. Trong đó yếu tố thứ hai là then chốt vì nó quyết định yếu tố thứ nhất.

Vậy, sự phát triển của trái phiếu đô thị và thị trường của nó có quan hệ với mức độ minh bạch, tham nhũng của chính quyền, cũng như với chính chất lượng cơ sở hạ tầng của một quốc gia.

Bình Luận từ Facebook