Hướng Dương – Tuấn Bình
10-11-2017
Dự án nâng cấp GPMB quốc lộ 1A năm 1997 Vinh- Đông Hà qua Đồng Hới, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp thẩm quyền quan tâm giải quyết bồi thường (khoản nợ tồn đọng) thiệt hại của dân, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Vậy mà tỉnh này cứ dây dưa trì trệ kéo dài, gây bức xúc và hoài nghi trong dư luận. Bất đắc dĩ hàng trăm công dân phải gửi đơn tố cáo liên tục đến các cơ quan chức năng tỉnh và vượt cấp…
Mỏi mòn chờ đợi giải quyết nợ tồn đọng
Ông Nguyễn Thanh Thuyết, bà Bùi Thị Phương, Trần Thị Hảo, Hồ Thị Huyên và hàng chục hộ (trú ở thôn 16, xã Lộc Ninh; phường Phú Hải… TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) bức xúc cho rằng: Dự án (DA) nâng cấp, giải phóng mặt bằng (GPMB) quốc lộ (QL) 1A năm 1997 Vinh – Đông Hà qua Đồng Hới có hàng trăm hộ dân ở, sử dụng ổn định an cư lạc nghiệp dọc theo 2 bên tuyến đường bị thiệt hại. Vậy mà, mãi đến nay đã 20 năm trời người dân ở đây vẫn chưa được cấp thẩm quyền tỉnh quan tâm bồi thường thường thiệt hại đất. Vấn đề này, tập thể công dân đã liên tục nhiều năm có đơn kiến nghị, khiếu nại và tố cáo gửi lên cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền tỉnh, thậm chí vượt cấp lên Trung ương.
Để giải quyết vấn đề trên, ngày 23/4/2007 Thanh tra Chính phủ có văn bản số: 143/TDTW gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: “V/v này các hộ dân đã làm đơn khiếu nại nhiều lần lên các cấp chính quyền địa phương, nhưng đến nay chưa có kết quả giải quyết. Theo quy định của luật khiếu nại, tố cáo thì thẩm quyền giải quyết thuộc UBND tỉnh. Đề nghị đ/c Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết cho dân”.
Ngày 9/7/2008, ông Nguyễn Hữu Hoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ký văn bản số 1509/UBND-KTTH gửi UBND thành phố Đồng Hới; Sở Giao thông vận tải (GTVT) và các công dân khiếu nại biết: “Sở GTVT khẩn trương hoàn thành dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. UBND thành phố Đồng Hới phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT trong quá trình lập dự án; đồng thời thông báo cho dân biết, chờ phê duyệt của Chính phủ” để giải quyết.
Ngàỳ 15/1/2010, Thủ tướng Chính phủ (CP) đã quan tâm ký Văn bản số 98/TTg-KTN “giải quyết tồn tại về bồi thường GPMB dự án nâng cấp quốc lộ 1A qua Đồng Hới, Quảng Bình” có nội dung: Xét đề nghị của Bộ GTVT (công văn số 8166/BGTVT-KHĐT ngày 20/11/2009) Thủ tướng Chính phủ có ý kiến:
- Giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn hỗ trợ cho tỉnh Quảng Bình 18.571.285.000 đồng để giải quyết tồn tại về bồi thường GPMB, dự án nâng cấp QL1A đoạn Vinh- Đông Hà qua TP Đồng Hới.
- Giao UBND tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm chi trả bồi thường, hỗ trợ đúng chế độ chính sách của nhà nước.
Nhận được khoản tiền hỗ trợ của Chính phủ, ngày 24/4/2010 UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 916/QĐ-UBND phê duyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do dự án GPMB quốc lộ 1A năm 1997 hơn 14 tỷ đồng, còn lại trên 4 tỷ đồng. Thế nhưng không hiểu lý do gì hàng trăm hộ dân ở thôn 16, xã Lộc Ninh; phường Phú Hải…TP Đồng Hới không có trong danh sách bồi thường, mặc dù đã có nhiều đơn liên tục kiến nghị mà Thanh tra Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản trả lời “giải quyết”. Mới đây, Thanh tra CP tiếp có văn bản số 4112/TDTW ngày 12/9/2016; số 1656/TDTW ngày 5/6/2017 chỉ đạo và hướng dẫn: Giải quyết nợ tồn đọng dự án nâng cấp, GPMB quốc lộ 1A năm 1997 thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Đề nghị công dân gửi đơn đến UBND tỉnh để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Vậy mà trên bảo dưới không nghe…
Trả lời đùn đẩy, bao che tiêu cực tham nhũng
Người bị tố cáo gay gắt và bị dư luận, công luận lên án quyết liệt là ông Trần Xuân Cầm – Phó chánh Thanh tra, ông Phạm Xuân Vinh – cán bộ Thanh tra tỉnh Quảng Bình ngồi phòng kín, quan liêu tham mưu văn bản cho ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình tùy tiện ký trả lời mâu thuẫn số 68/TTr ngày 9/3/2017 biện bạch, “dân không có đơn, nay đã hết thời hạn thời hiệu đòi nợ” (!?) Trả lời tiêu cực và vô trách nhiệm, khiến dư luận dậy sóng phẫn nộ, nhân dân mất niềm tin đối với không ít đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất, làm thui chột niềm tin của nhân dân.
Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề trên, chiều ngày 14/9/2017 Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: UBND tỉnh đã giao cho UBND thành phố Đồng Hới để giải quyết bồi thường cho dân theo quy định của pháp luật.
Phiên tiếp công dân ngày 16/10/2017 (thứ 2), qua xem xét hồ sơ về việc này, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho biết: “Đã nhận được đơn kèm hồ sơ công dân xã Lộc Ninh, do UBND tỉnh chuyển đến để xem xét giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch tỉnh. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A năm 1997 là do Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư nên thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Đề nghị công dân liên hệ với cấp thẩm quyền để được giải quyết”. Văn bản số 2622/UBND-VP ngày 19/10/2007 của UBND thành phố Đồng Hới trả lời cũng lặp lại ý kiến trên.
Việc này, Sở GTVT cũng đã có văn bản số 2288/SGTVT-TTr xin ý kiến của UBND tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, mãi đến nay người dân vẫn chưa nhận được trả lời chính thức bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là điều khó hiểu? Người dân nhiều lần chất vấn khoản tiền nợ tồn đọng nói trên còn lại trên 4 tỷ đồng của nhà nước để đâu? (không ai trả lời). Nợ hàng trăm hộ dân trong tỉnh không chỉ dự án 1997 nói trên mà cả dự án nâng cấp, GPMB quốc lộ 1A năm 2013 vừa qua có dấu hiệu tiêu cực, cố làm trái để biến thủ, lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước và nhân dân không chỉ hàng trăm tỷ, mà có thể nói hàng ngàn tỷ đồng thất thoát. Thế nhưng người đứng đầu và cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát né tránh, không muốn làm rõ vụ việc tố cáo của công dân theo luật định, thậm chí muốn gây khó khăn trong việc tố cáo để “chìm xuồng”.
Phiên tiếp công dân hàng tháng, tại các huyện, thị, thành phố, tỉnh lỵ trong tỉnh có hàng trăm công dân đến đăng ký trực tiếp phản ánh, khiếu nại, tố cáo các đảng viên, cán bộ sai phạm, “dính chàm” xung quanh vấn đề nêu trên. Thế nhưng ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (người bị tố cáo tiêu cực mà công luận nhiều lần lên tiếng quyết liệt) chủ trì và những cán bộ có mặt từ chối tiếp, từ chối đối thoại, xa lánh quần chúng nhân dân. Hỏi lý do, thì được trả lời tùy tiện bằng câu nói cũ rích như “chuyện thường ngày ở huyện”: “không nghe thì cứ khởi kiện ra tòa huyện, tỉnh” (!?) Người dân phản đối “cách trả lời vô trách nhiệm ‘phủi tay’ chấm hết thì đâu còn công bộc của dân? Giải quyết khiếu nại, tố cáo mà không dám trực tiếp nghe, đối thoại với dân để làm rõ thì Trụ sở đặt ra là đánh lừa cấp trên, lừa dư luận”.
Trao đổi vấn đề này, có vị cán bộ Cơ quan bảo vệ Pháp luật và phòng chống tham nhũng của tỉnh đành phải thốt lên: Người đứng đầu của cấp Ủy đảng và Chính quyền tỉnh né tránh, không quan tâm chỉ đạo quyết liệt giải quyết tố cáo của công dân thì ai dám vào cuộc làm rõ? Vì sao thế, chúng tôi hỏi. Vị này chân tình: Nếu làm quyết liệt theo luật định thì xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ ở huyện, tỉnh dính chàm hàng loạt, thậm chí sếp lớn bị liên lụy.
Vị cán bộ dẫn chứng: Kết luận tố cáo số 900/KL-UBND tỉnh Quảng Bình ngày 13/6/2016 thừa nhận những tập thể đơn vị, tổ chức, cá nhân xâm hại quyền con người, quyền công dân gồm hàng chục, hàng trăm người trong việc ra quân khống chế, đánh đập, tùy tiện bắt giữ trái pháp luật để hủy hoại tài sản, cướp đất của dân trục lợi, trong đó có ông Nguyễn Chung Nguyên – Phó chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Đức Cường – Trưởng phòng TNMT thành phố Đồng Hới… trực tiếp chỉ đạo vi phạm pháp luật ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Vậy mà đến nay không bị xử lý, ngược lại ông Cường được đề bạt lên chức Phó chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, khiến dư luận hoài nghi tiêu cực… Dù nhân dân phẫn nộ, tiếp tục tố cáo, thế nhưng người đứng đầu vẫn không có động thái tích cực, thậm chí không trả lời hồi âm theo luật định. Dư luận xôn xao cho rằng: Sếp đứng đầu này cũng sắp “hạ cánh an toàn” để lại hậu quả xấu trên ai gánh chịu? Phải chăng như câu nói than phiền thường ngày của người dân “cứ để sống chết mặc ai/ tiền thì… bỏ túi”?
Kiến nghị thay lời kết
Không còn chần chừ gì nữa, đã đến lúc nhân dân Quảng Bình khẩn thiết kiến nghị Trung ương đảng, Chính phủ, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đôn đốc Thanh tra Chính phủ cần phối hợp với UBKT TW, Kiểm toán nhà nước… phải kịp thời thực hiện ngay ý kiến chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 6091/VPCP-V.I ngày 13/6/2017 của Văn phòng Chính phủ giao: Trách nhiệm xem xét, xử lý của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 1722/TTg-V.I ngày 11/9/2014 và Kết luận số 3160/KL-TTCP-VPCP ngày 25/12/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về vụ việc bị tố cáo gay gắt nói trên, nhằm làm rõ sự thật, xử lý nghiêm minh theo tinh thần của Đảng “chống tham nhũng không có vùng cấm”.
Quyết bảo vệ tài sản của nhà nước, quyền con người và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân phải được tôn trọng. Nếu làm việc nghiêm túc, công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, thì mới khôi phục lại được niềm tin của cán bộ, quần chúng nhân dân.
Chúng tôi tiếp tục thông tin vấn đề này đến bạn đọc.
____
Một số hình ảnh của tác giả gửi tới: